Tạp chí Sông Hương - Số 2 (T.8-1983)
Một đoạn bờ thung lũng Khe Sanh
09:16 | 15/07/2010
HIỀN QUANGCâu chuyện của tôi về vùng núi ven đường số 9, ngay trên thung lũng Khe Sanh lịch sử này chỉ xoay quanh con cá và cây cà phê trong hướng đi lên của hợp tác xã Tân Độ.
Một đoạn bờ thung lũng Khe Sanh
Thung lũng Khe Sanh, tháng 2/2006 - Ảnh: vietbao.vn
Hôm đầu mới đến, hỏi phương hướng làm ăn ở đây thế nào thì được trả lời hết sức vắn tắt "cá nuôi cà…" Hỏi nữa, thì ra đó là phương châm "lấy ngắn nuôi dài", lấy nghề nuôi cá nước ngọt để tạo nhanh nguồn vốn ban đầu cho việc phát triển cây cà phê, một cây công nghiệp, cây xuất khẩu có giá trị kinh tế khá cao và đó cũng là cây trồng chủ yếu trong phương hướng phát triển trước mắt và lâu dài của cả vùng kinh tế mới Hướng Hóa.

Thật may là tôi đến Tân Độ vừa đúng lúc hợp tác xã đang thu hoạch cá. Hầu như toàn Ban chủ nhiệm đều có mặt ở trụ sở làm việc. Chủ nhiệm Bình, phó chủ nhiệm Nam và kế toán trưởng Hùng đang xúm lại trên đống giấy tờ, sổ sách. Cả ba đều rất trẻ. Bình là người cao tuổi nhất nhưng cũng chưa hết tuổi thanh niên. Cũng có lẽ bởi thế mà ngay từ phút đầu trong tôi đã có được những ấn tượng đẹp đẽ về họ. Bình gạt đống sổ sách, quay lại nói với tôi bằng một giọng thân mật:

- Mấy đứa em đang tính lại khoản tiền bán mẻ cá đầu tiên vừa đánh sáng nay đó anh ạ!

- Được bao nhiêu? Tôi hỏi.

- Đợi em chút xíu! Kế toán Hùng cúi xuống làm nốt mấy con tính rồi dí ngón tay xuống cổ, đọc:

- Hai mươi hai ngàn đồng chẵn:

- Mới 5 tạ đó anh! Bình tiếp lời Hùng. Tụi em để lại một tạ chia cho xã viên gọi là sản phẩm đầu tay, còn bán tất để hoàn vốn cái đã, đợt sau sẽ chia tiếp. Bữa trước bán cá giống được trên ba chục ngàn rồi. Dự tính ao số 1 thu xong phải hơn 2 tấn. Nếu bán cả thì đủ bù đắp cho mọi chi phí ban đầu rồi. Hiện nay trên ao số 2 còn 4 vạn con thả đợt 2/9, bình quân cũng hơn nửa cân mỗi con rồi. Vài tháng nữa là cầm chắc trăn hai, trăm rưỡi nghìn tiền lãi.

- Trúng rồi! Tôi thốt lên, ngỡ ngàng trước kết quả ban đầu ấy của Tân Độ.

- Tụi em cũng không ngờ anh ạ!

Bình dùng lại nhìn tôi cười đầy vẻ tự hào. Chắc phải qua nhiều lắm những nỗi lo toan, trăn trở mới có sự đền bù xứng đáng và niềm vui khôn ngăn ấy.

Chủ nhiệm Bình tỏ ý mời tôi đi xem hồ cá của hợp tác xã. Tất nhiên là chúng tôi đi ngay mặt dù lúc đó đang giữa trưa, ngồi trong nhà cũng đã mướt mồ hôi vì ngọn nắng tháng ba và bụi nóng gió Lào như hơi lửa từ bên kia thung lũng quạt tới. Chúng tôi xuôi theo đường dốc phía bên này lòng chảo Khe Sanh giữa những vườn cây vừa mới tạo lập. Mít, cà phê, tiêu, chè nhà nào cũng xanh um, mặc dù đã sáu tháng nay chưa một hạt mưa. Chỉ có cây chuối là có vẻ héo hon trước khí hậu khắc nghiệt của vùng này. Xuống cuối dốc đã nhìn thấy tấm biển đề: "Ao cá Bác Hồ, công trình chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ năm của hợp tác xã Tân Độ".

Tôi không khỏi ngỡ ngàng trước cảnh sắc mới hiện ra trước mắt. Thật khó mà tưởng tượng được rằng mười lăn năm trước nơi đây ngổn ngang những công sự, những trận địa pháo, những bãi xe cơ giới, bãi máy bay lên thẳng và lúc nhúc những bầy thú - người Mỹ và tất cả sau đó là một bãi tha ma tanh tưởi của nước Mỹ. Bây giờ trước mắt tôi là một công trình kinh tế giàu có, đang sinh sôi nẩy nở trong vòng tay của một hợp tác xã có chưa đầy hai trăm lao động. Nhỏ thôi, tất cả khu vực nuôi cá này chỉ rộng chừng vài héc-ta nhưng cũng đã chiếm gần hết cả một đoạn bờ phía bên này thung lũng. Bình khoát tay chỉ cho tôi biết đâu là hồ ươm cá con hồ nuôi cá giống, cá thịt, đâu là hệ thống tưới tiêu nước theo ý muốn. Rồi anh nói bằng một giọng như tâm sự:

- Ban đầu cũng khó khăn lắm anh ạ! Anh tính với một trăm chín mươi lao động cả hợp tác xã nếu chủ dùng tay mà đào thì đến mấy năm mới được như thế này. Nhưng thuê máy thì vốn liếng đâu? Đời sống lại đang lúc khó khăn. Suy đi, tính lại mãi mới dám vay vốn, bỏ ra trên trăm ngàn đồng để làm. Bởi không làm thì lấy gì tạo vốn cho bước đi lâu dài! Cay cực mãi mới nghĩ ra cách đi này đó anh. Chả là thế này. Bình dừng lại lục thuốc lá mời tôi cùng hút rồi kể tiếp. Và câu chuyện của anh chủ nhiệm trẻ dẫn tôi trở về với những ngày đầu tiên trên vùng kinh tế mới này.

Hồi đó, gần hai nghìn dân của xã Triệu Độ cùng với hàng ngàn vạn dân từ Triệu Hải lên đây lập quê mới với hai bàn tay trắng và bao khó khăn tưởng như không sao vượt qua nổi. Lúc đó sản xuất chủ yếu là cây lương thực. Nhưng tập đoàn sản xuất rồi tiến lên hợp tác xã, quanh quẩn với hơn dăm chục hét-ta ruộng đất mà mãi vẫn không đủ ăn. Diện tích lúa nước thì đâu phải mở rộng ra mãi được. Còn cây sắn, cây lương thực chủ yếu của vùng này thì đất ở đây chỉ trồng được vụ đầu. Sang vụ thứ hai trồng sắn trên đất cũ năng suất đã giảm xuống một phần ba, có nơi chỉ còn một nửa. Do khí hậu một phần, nhưng có lẽ phần chính là do thiên nhiên trả thù bởi con người chỉ biết khai phá mà không hề nghĩ đến bồi đắp bảo vệ nó. Đời sống khó khăn, hơn một nửa dân từ Triệu Độ lên xin quay về quê cũ. Số còn lại vẫn bám trụ nhưng chủ yếu là dựa vào mảnh vườn. Kinh tế tập thể chỉ chiếm vài chục phần trăm. Bởi sản phẩm chủ yếu của hợp tác xã là lương thực. Nhưng tổng sản lượng lương thực năm cao nhất cũng chỉ có chưa đầy trăm tấn, chia bình quân cho bảy trăm hai mươi miệng ăn còn lại mỗi người được bảy cân rưỡi, của lúa và màu. Cũng may là nhờ cái vườn mà phát hiện ra cây cà phê. Nói "phát hiện" nghe cũng tức cười, nhưng quả đúng là thế. Riêng cái chuyện cây cà phê này cũng thật oái oăm. Chả là hồ mới lên vùng đi đâu cũng gặp cà phê. Xưa kia đây là một trong năm đồn điền cà phê của người Pháp mà. Kể đã bốn, năm chục năm, chiến tranh liếm miên, bom đạn cày đi xới lại vậy không hiểu sao cây cà phê vẫn sống được đến bây giờ. Có nơi cà phê còn mọc dày đặc. Nhưng hồi đó do chưa thấy giá trị của loại cây đặc sản này và có lẽ cũng do nhu cầu về lương thực thúc bách nữa, nên cà phê bị chặt phá để lấy đất trồng sắn. Người đến trước chặt cây người đến sau đào gốc. Ngót một trăm héc-ta cà phê nằm rải rác trên mấy xã dọc đường số 9 này bị chặt phá như vậy. Mới hay trong chỉ đạo kinh tế của ta cũng lắm cái ấu trĩ và nông cạn. May thay một số nơi cây cà phê vẫn sống sót lại mà chủ yếu là trong vườn gia đình. Cũng có người biết trước mà không nỡ phá đi. Nhưng cũng có gia đình do thiếu sức lao động nên chưa chặt phá hết. Không ngờ bây giờ vườn nào có cà phê thu nhập được thì đất níu lấy người. Giả dụ có ai đuổi cũng không đi chứ đừng nói là bỏ về như hồi mới lên. Bởi mỗi cân cà phê hạt hiện nay giá thị trường ở đây đã trên trăm bạc. Chưa nói là rồi đây tổ chức thu mua xuất khẩu mà đổi lấy ngoại tệ. Vậy nên có câu ca thế này:

Làm ăn nghĩ cũng nực cười
Ai chăn thì đói, ai lười thì no".

(Ý nói chăm nên phá hết cà phê đi, còn lười thì để lại giờ có đồng ra đồng vào)

Bây giờ lên Khe Sanh, ở đâu cũng nghe nói đến chuyện cà phê. Có nhà đã trồng đến vài trăm cây cà phê. Một nông trường cà phê cũng đã mọc lên ngay trên thung lùng Khe Sanh này. Cũng từ thực tiễn đó mà Tân Độ đã nhận ra được rằng: Nếu chỉ dựa vào cây lương thực thì giỏi lắm chỉ đủ ăn. Muốn giày có, phải trồng cây công nghiệp mà chủ yếu là cà phê. Bởi vậy bước vào năm 82, Tân Độ quyến định bỏ ra năm mươi tư lao động vốn ít ỏi của mình để lập đội cây công nghiệp. Với nhiệm vụ chủ yếu là trông cà phê. Và năm qua đội này đã trồng được ba héc-ta cà phê, xây dựng được một vườn ươm giống. Năm nay sẽ trồng thêm tám héc-ta và đưa vườn giống vào kinh doanh. Những năm tới sẽ đưa diện tích trồng cà phê lên vài chục héc-ta và tiến lên định hình từ năm mươi héc-ta đến bảy mươi héc-ta, sau những năm chín mươi. Nhưng lấy gì để nuôi cây cà phê trong bước đi ban đầu này? Lương thực thì chỉ đủ ăn là may. Ngành nghề thì mới có một tổ thợ mộc. Chăn nuôi thì so đàn bò, cũng cho lãi khá nhanh, nhưng chỉ dựa vào con bò thì chưa đủ. Lợn thì chỉ giải quyết nguồn phân bón chứ sức Tân Độ làm sao nuôi lợn có lãi. Loay hoay mãi mới nghĩ đến con cá. Thế là con cá chui tọt vào hướng đi lên của Tân Độ. Đương nhiên là lúc đầu không phải ai cũng tin được rằng cá nuôi được cà phê đâu. Có người bảo:

- Được một dúm ruộng nước còn phá đi làm ao cá, lợi mô chưa thấy, thấy đói đến nơi rồi.

Cũng có người nói thẳng ra với ban chủ nhiệm:

- Người ta bảo "trẻ người non dạ" mấy anh bỏ bạc vạn ra làm chuyện tày đình vậy nếu thua lỗ ai chịu?

Bàn đi tính lại, phải qua mấy cuộc hội nghị xã viên Tân Độ mới đi đến quyến định. Nhưng đó là chuyện cũ. Bây giờ thì rõ rồi. Cái câu "Cá nuôi cà" bắt đầu từ trưa nay đã có thể nói bạo miệng, không còn phải dè dặt nữa.

Chủ nhiệm Bình bỗng cười vang khi nhìn thấy một chú trắm cỏ không hiểu sao lại nhẩy tung lên, đâm đầu vào bờ. Tôi bỗng bắt gặp ở nơi anh thoáng một nét hồn nhiên ngộ nghĩnh của thời niên thiếu. Vậy mà cách đây không lâu người cán bộ trẻ này đã dám đứng lên thay mặt toàn ban chủ nhiệm xin chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu như một năm sau không hoàn được vốn. Tôi hỏi anh:

- Thế năm nay các anh định nuôi bao nhiêu?

- Hai mươi vạn anh ạ!

- Nghĩa là gần bằng ba lần năm vừa rồi!

- Dạ. Bình nói tiếp, tám vạn cá ươm để kinh doanh giống. Riêng khoản này sẽ đủ bù đắp chi phí. Còn mười hai vạn cá thịt để có ba trăm hai mươi nghìn tiền lãi.

- Lớn hơn cả tổng giá trị sản lượng năm 82 của hợp tác xã?

- Dạ, năm 82 chưa đưa nghề cá vào hạch toán.

- Thì so với tổng giá trị sản lượng năm 83?

- Chiếm gần năm mươi phần trăm tổng thu nhập của năm nay theo kế hoạch đó anh!

Thật không ngờ rằng đó là những con số đã được tính toán kỹ trên cơ sở thực tế đã làm được. Bởi vậy dù mới là trong dự kiến, trên kế hoạch cũng rất đáng mừng cho Tân Độ trong bước chuyển mình đi lên.

Khe Sanh 3 - 1983
H.Q.
(2/8-83)



Các bài mới