Tạp chí Sông Hương - Số 2 (T.8-1983)
Chùm thơ Mắc-xim Tăng-kơ
16:43 | 21/07/2010
Mắc-xim Tăng-kơ (tên thật là Ép-ghê-ni Skuốc-kô) là nhà thơ của đồng ruộng, đất đai, đường sá, khắp các vùng của lãnh thổ Liên bang Xô-viết và rất nhiều nước khác.
Chùm thơ Mắc-xim Tăng-kơ
Thơ của ông chân thực, tâm tình, nhiều nhạc điệu. Ông sử dụng song song câu thơ tự do và câu thơ cổ điển có vần. Ông xuất bản nhiều tập thơ: Trạm dừng chân của đoàn người đi đày (1936, tập thơ đầu tiên), Lên đường, Rừng thông Na-rốc (giải thưởng Lê-nin). Ông từng phát biểu quan niệm của ông về thơ: “Theo tôi, một nhà văn, ngoài số từ ngữ chung, phải có từ ngữ của chính mình làm của riêng… Phải nắm chắc mùi hương, màu sắc, ý nghĩa của từ, không gian và thời gian thích hợp cho nó”.
Xin giới thiệu chùm thơ của ông. Những bài này phần nhiều không có đầu đề.




Tôi vốn yêu những ai
tin những cánh cò vụng dại mùa xuân
tin giọt nước mát đỡ đần cơn khát
tin hạt trĩu bông lúa ngoài đồng
tin tình yêu thắp sáng ánh sao
tin lửa than sưởi ấm tay người
tin nẻo đường hun hút ánh dương
tin tiếng mẹ đời đời bất diệt
tin cổ tích của từng xứ sở
tin tình anh em giữa những lòng người

Và tôi ngại ngùng
những kẻ không tin

***
Đêm Ka-tưn
hắt từng vũng trăng
từng tràng họa mi xao náo
từng hồi chuông báo tử không thôi
Những cánh dơi như những lằn sét đen
xẹt im tiếng trên đầu
hay phải chăng là sợi khói tả tơi
hay những dúm tro rời rã
từ bãi than hồng
còn hấp nóng.

***
Trang hoàng căn phòng chúng ta
Chọn giấy màu gì nhỉ
Màu xanh bầu trời sang xuân
hay trắng bạc như tua liễu?
Vàng lúa óng ả
có ngấn sương gieo?
Hay màu lá pom quả pom vào buổi chớm thu
có nắng
có ong rộn rã?

Hay màu chiếu xuống trên mặt hồ tháng chín
có bóng cò rập đàn cất cánh bay?
Hay là, thật tân kỳ
chọn đường nét không đường nét
mà kẻ a dua lên án
mà thiên hạ vẫn xếp hàng thưởng thức như trước cửa hàng tạp hóa?

Ta hãy còn chưa quyết
bốn bức tường chờ đợi trang hoàng
được dán đầy báo cũ
không nhan đề không ngày tháng
Nhưng tôi đọc ra hàng chữ:
“Mặt trận Min-xcơ
Những cuộc tấn công của bọn phát xít bị đẩy lùi”
Vẫn trò cũ. Tôi ngạt hơi trong đám lửa
hừng hực trong phòng…

***
Người đến sau tôi.. Lấy gì san sẻ
Buổi tối người đành phải chia tay?
Hành trang tôi này đôi giày mòn vẹt
Chẳng được việc gì cho bước nay mai
Khúc hát ca… rồi cũng sẽ già
Như chúng ta theo thời gian cằn cỗi
Cho đất đai này tôi xin gửi lại
Đất đai này trút mọc mầm ra

Từ đất đai này và trong cuộc sống
Tôi có đủ mái nhà thơm gỗ thông
Thêm tiếng nói đầy nhạc điệu trong ròng
Và vui buồn, và cái ăn cái uống
Tôi mài miệt gieo mầm. Trong luống đất
Hạt mầm sống dậy, có ngờ đâu?
Khúc hát nào còn ươm hương đất
Sẽ nhú lên thành chẹn giữa đời.

***
- Tôi yêu em suốt đời!
- Tôi đợi em suốt đời!
- Tôi nhớ em suốt đời!
Bấy nhiêu câu
Dễ thường vô nghĩa
đối với những người
ta yêu
ta đợi
ta xa

Bấy nhiêu câu
chỉ trang trọng thật tình
đối với những người
đang yêu
đang đợi
đang còn sống…

***
Vô tình
tôi bẻ gãy cành cây
tôi làm kinh động con chim trong tổ
tôi chặn lối về của chú thỏ rừng
rồi tôi quên lắng tiếng hải âu xao xác
quên trả lại ánh sao băng cho trời
quên nhặt mẩu bánh mì vương vãi
quên viết thư cho em, lá thứ mười ba
Bấy nhiêu lầm lỡ
dồn dập thời gian em vắng
Chắc em bỏ qua cho tôi
giá em có mặt
Nhưng kìa đến nay em vẫn vắng


ĐỊNH LUẬT VẬT CHẤT BẢO TỒN


Dẫu phải kiểm nghiệm đến kỳ cùng
Dẫu sự sống quả tình tiếp nối không thôi
Thì định luật chọn làm tiêu đề ở đây
Vẫn khiến tôi tin chắc điều này:
Sự sống vốn không cùng trong chu kỳ vô chung vô thủy
Nghĩa là dẫu chết là trái hứa
Tôi vẫn không chết dưới bàn tay thợ trời
Đến phiên tôi được đặt lên lò cừ
Thì thợ trời là tay tuyệt xảo
Dựng nên phép lạ này từ xác thân tôi bụi đất:
Tôi sẽ hóa thân thành con tu huýt cho mồm trẻ con
Hay tôi sẽ thành bầu rượu đất thó sủi tăm
Hạnh phúc của con người, của những người vô sự,
chẳng hạn hạnh phúc của chúng mình, em nhỉ,

Làm bằng máu thịt của đất,
bằng lúa lổ quanh ta,

Bằng mồ hôi và bụi đất
bằng chân lý, bằng tình bạn vững bền,

bằng lời ca, bằng lời nói tốt,
bằng màu xanh bầu trời tôi yêu.

Ai lấy mất một phần
Hạnh phúc không còn toàn vẹn

Ai mà chẳng có lần thầm nhủ,
Thời son trẻ, nhân một ngày lễ lạc,
Khi nhìn đàn thiếu nữ đánh đu:
những người con gái uốn lượn lưng trời kia
bắp chân còn in dấu rạ

cánh tay còn hằn nắng rát
tóc lệch ngôi theo làn gió thổi
môi thèm hương hạnh phúc
và màu mắt sao chép màu trời!

Anh ngắm nhìn tắc lưỡi
mình hãy chưa làm gì phải hối
và anh nguyện cầu
cho giờ tội lỗi cáo chung


NGÔN NGỮ CỦA TÔI


Tôi có chọn ngôn ngữ này thì chẳng phải
vì nó là tiếng nói của sông, của rừng sồi,
của lúa đồng cỏ nội,
của lau lách mọc dày, của chim chóc co ro,
cũng chẳng phải vì tôi nói sõi
để dễ thành điệu đàn, hoàng oanh hay thi sĩ
không phải đâu! Ngôn ngữ tôi, tôi chọn
bởi nó khai sinh bao khúc hát bùi ngùi
trong khi tôi muốn gắn nhiều chất liệu khác
- Nào ánh sáng mặt trời, nào vui sướng của anh tôi
viết bằng ngôn ngữ ấy chỉ khó cho riêng tôi
hơn là cho kẻ khác vào thời buổi khác.

***
Ơ, ngày xuân nào như ngày hôm nay!
Không thể nào ngày mai kia
ngàn vạn thứ xuôi về hư vô – mà không có chứng nhân
mà không có chim chóc ngợi ca cày luống ở từng trời.
Đã đến lúc phán quyết lớp kẻ thù của nhân loại!
Tòa dành tiếng nói cho các mẹ,
cho đá vữa, cho tro tàn nhà ngói nhà tranh
cho người lính gục ngã vì tự do hòa bình
rồi bất tử trong tượng đồng, sừng sững,
Tòa dành tiếng nói cho nạng gỗ vẫn nghe hoài lộc cộc
cho nhánh lúa quằn của đồng ruộng nát
cho cơn gió cuồng từ luồng bom nguyên tử
đem khói đen ám bóng mặt trời…

Ơ, ngày xuân nào như ngày hôm nay!


Bửu Ý dịch theo bản tiếng Pháp
(Văn học Xô-viết, số 285, năm 1982)

(2/8-83)





Các bài mới
Các bài đã đăng
Tôi lên bốn (16/07/2010)
Một cuộc họp (16/07/2010)