Tạp chí Sông Hương - Số 2 (T.8-1983)
Nhà thơ Trần Quang Long và Tiếng hát những người đi tới
16:22 | 03/08/2010
Sinh ngày 6-2-41 tại Huế. Hy sinh ngày 11-10-68 tại vùng biên giới tỉnh Tây Ninh, nguyên quán làng Bát Tràng tỉnh Bắc Ninh. Học sinh cũ Trường Quốc Học, tốt nghiệp Đại học Sư phạm Ban Việt văn. Tên thật và bút hiệu công khai, chính thức: Trần Quang Long. Các bút hiệu khác: Thảo Nguyên, Chánh Sử, Trần Hoàng Phong.
Nhà thơ Trần Quang Long và Tiếng hát những người đi tới
Nhà thơ Trần Quang Long - Ảnh: sggp.org.vn
Tác phẩm: Tiếng gọi Lam Sơn (kịch thơ), Bông Cúc vàng (truyện), Sao Rừng, Thưa Mẹ Trái Tim (thơ tuyển).
Đã chủ tưởng biên tập hoặc cộng tác với các tờ báo trong các phong trào đấu tranh ở thành thị miền Nam như: Sinh viên Huế, Đất Mới, Dân (không phải báo Dân hiện nay), Việt Nam Việt Nam ở Huế - Tiếng Hát Những Người Đi Tới, Tin Văn, Đất Nước ở Sài Gòn.
Thời kỳ chưa tham gia cách mạng, thường có thơ đăng trên các tạp chí Văn học, Bách Khoa Thời đại ở Sài Gòn.
Trong vòng 5 năm, từ 1963 đến 1968, anh đã học, dạy học, làm thơ, làm báo viết văn, mở quán cà phê họp bạn, xuống đường, tham gia cách mạng, ở tù, thoát ly theo kháng chiến, và hy sinh khi chưa hết tuổi hai mươi - một tuổi hai mươi rất phong phú và gắn liền với những biến động lịch sử.



Gia đình Long theo đạo Tin Lành nhưng Long không thuộc loại ngoan đạo. Đêm trăng rằm ngày Phật đản 8-5-63, người tín đồ Tin lành này đi dạo với một người bạn gái bên bờ sông Hương đến chỗ đài phát thanh Huế ở đầu cầu Tràng Tiền, tình cờ được chứng kiến tận mắt chính quyền Diệm dùng xe tăng và lựu đạn đàn áp cuộc mít tinh của đồng bào Phật tử làm chết 8 người. Đây là sự kiện quan trọng, làm bộc phát những phong trào đấu tranh rộng lớn góp phần chấm dứt 9 năm cai trị bạo ngược của chế độ Ngô Đình Diệm. Nó cũng làm thức tỉnh những người còn mơ hồ về tội ác của anh em nhà Ngô. Không ít nam nữ thanh niên Huế, trong một thời gian dài, tưởng chừng như chìm đắm trong những giấc hồ mỵ của yêu đương và khoa cử, nay bỗng vùng dậy, đạp đổ những tháp ngà và lầu mộng, nổi lên ngọn lửa đấu tranh chống Mỹ ngụy liên tục trong hơn 10 năm, góp phần không nhỏ vào thắng lợi chung của cách mạng. Trần Quang Long cũng là một trong những bạn trẻ đó. Sau đêm chứng kiến cuộc thảm sát ở đài phát thanh Huế, Long trở thành một sinh viên tích cực đấu tranh trong phong trào chống Diệm bên cạnh những người Phật tử, cùng ngồi chung nhà tù với họ cho đến ngày Diệm bị lật đổ. Trong những ngày bị giam, có một mục sư đến gặp Long đề nghị anh ký tên vào một tờ cam đoan để bảo lãnh cho Long được tha.

Có lẽ người mục sư này cũng muốn nhân dịp làm ơn này, đưa Long trở lại con đường ngoan đạo. Nhưng Long đã từ chối. Lý do, theo Long nói là “Cả thành phố, bạn bè đều ở tù hết. Được bảo lãnh về trước một mình buồn rồi cũng bị bắt lại mà thôi”.

Chế độ Diệm bị lật đổ. Nhân dân miền Nam chưa kịp vui mừng đã thất vọng trước cảnh đại loạn do bọn kiêu binh, kiêu tướng cắn đá tranh ăn trong tàu ngựa Mỹ. Lại thêm những kiêu sư kiêu sãi cũng quên cả mùi thiền mà bén mùi đạo Phật hiện đại hóa bằng xe Huê kỳ và máy lạnh. Điều đó, khiến cho mọi người đều nhận ra bộ mặt thật của mọi chế độ ngụy, dù là có Diệm hay không Diệm. Đồng thời cũng nhận ra bộ mặt thật của mọi tên tay sai của Mỹ dù chúng mặc áo ka-ki, áo dòng đen hay áo cà sa vàng… Năm 1964, nhân dịp cùng bạn bè đi cứu trợ đồng bào bị nạn lụt lớn ở miền Trung, Long đã vào tận những vùng giải phóng xa xôi ở Quảng Nam, Quảng Ngãi. Lần đầu tiên, anh được chứng kiến một cảnh sống khác, đầy gian khổ nhưng rất đỗi anh hùng của đồng bào chiến sĩ cách mạng. Nhận thức và tình cảm của Long ngả hẳn theo cách mạng từ sau chuyến đi này. Lễ Noel năm đó, biết được một âm mưu của bọn tướng lãnh ở Huế, toan tổ chức ăn chơi, khiêu vũ rầm rộ để đánh lạc hướng đấu tranh của thanh niên, Long và các bạn nhanh chóng thành lập nhóm “Thanh niên chống xa hoa phóng đãng”, ra tuyên cáo số 1 vạch rõ âm mưu ấy, đồng thời tung ra một loạt hành động như dán áp phích phản đối tại các trường học, vận động những người ở các trại tế bần, những thương phế binh ăn mặc rách rưới xuống đường tham gia khiêu vũ ở các dạ hội. Trước tình hình này, bọn tướng lãnh phải hủy bỏ âm mưu nói trên.

Mùa xuân năm 1965, Long được chính thức kết nạp vào Hội Liên hiệp thanh niên học sinh sinh viên Giải phóng miền Trung Trung Bộ, được đưa vào vùng giải phóng xã Bích Trâm huyện Điện Bàn tỉnh Quảng Nam để tham quan học tập. Tại đây, Long đã đón một cái Tết lạ và lý thú. Lạ nhất là khi chia tay, một đồng chí cán bộ, bề ngoài trông như một bác nông dân nhưng lại thân mật vỗ vai Long mà dặn dò những lời như sau:

“Bác Hồ dạy:
Nay ở trong thơ nên có thép
Nhà thơ cũng phải biết xung phong..


Thơ Long bấy lâu nay là thơ Nghiêng Nón - chưa phải là thơ có thép. Kỳ này về, phải thêm thép vào thì mới xung phong được chứ”.

Nguyên từ lâu, Long đã làm nhiều thơ, toàn chất lãng mạn, đương thời kể vào loại thơ hay. Long làm thơ khá nhiều và nhanh. Ở trong tù thiếu giấy, Long thường nhặt những bao thuốc lá, vuốt thẳng ra mà viết vào mặt sau. Tàn một điếu thuốc có thể xong một bài thơ. “Nghiêng Nón” là tên một bài thơ đầu tiên của Long sáng tác hồi còn là một học sinh trung học, đăng trên một tạp chí ở Sài Gòn. Bài thơ này được giới nữ sinh ưa thích, thường dấm dúi chép bằng mực tím trong giờ học, đại để là:

Sao em biết anh nhìn mà nghiêng nón”…

Sau chuyến tham quan ở Bích Trâm, thơ Long xuất hiện trên các tờ báo của phong trào đấu tranh ở Huế, có nội dung phản chiến, phảng phất giọng Chiến trường ca trong thơ Đỗ Phủ:

Những tử thi ngổn ngang
Không còn nhìn ra mặt
Cũng không có áo quần
Nằm chung một dải đất
Nghèo đói và lầm than
Bà mẹ già chống gậy
Nước mắt chảy hai hàng…
Ngoài khu vườn đã cháy
Lũ trẻ đi đào khoai
Như những con chó đói
Mắt đã mờ tương lai
Đàn kên kên đổ tới
Thú vật và loài người
Nào ai nhìn ra ai…
(trích bài thơ Hồi kết cuộc - 1964- báo Dân số 3) hoặc:

Khi anh bắn trái hỏa châu lên trời
Để tìm quân thù vây quanh anh đó
Anh đã thấy gì, anh đã thấy ai
Giữa cánh đồng xanh loang giòng máu đỏ…
Nước mắt trào rơi anh nhìn bỡ ngỡ…

(Trích bài thơ Nhận diện - 1966 - Tạp chí Việt Nam Việt Nam)

Vẫn chưa phải là thứ thơ có thép. Nhưng nói được những điều như thế cũng đã bạo lắm, khi mà Mỹ ngụy đã tuyên bố đặt các phong trào hòa bình, phản chiến, trung lập ngang với tội theo cộng sản và loại tất cả ra ngoài vòng pháp luật.

Đặc biệt là bài thơ Hồi kết cuộc đăng trên tờ báo Dân số 3 - một tờ báo nửa hợp pháp của Lực lượng giáo chức tranh đấu Huế đã đưa đến một vụ án văn nghệ đáng chú ý. Nguyên là vào mùa hè năm 64, một đơn vị du kích Thừa Thiên bất thần mở cuộc tiến công giữa ban ngày, san bằng chi khu Hương Thủy của địch, chỉ cách thành phố Huế 10 km. Một số đồng chí của ta hy sinh tại chỗ. Địch không cho chôn mà đem xác các đồng chí ấy phơi nắng trên đường sắt trong nhiều ngày để “triển lãm” và bắt đồng bào đến xem. Quần chúng hết sức phẫn nộ, lập tức có phản ứng. Báo Dân đăng bài xã luận nghiêm khắc lên án hành động trên của ngụy quân ngụy quyền và cho rằng như thế là vô nhân đạo và không hợp với quy ước của hội chữ Thập đỏ quốc tế. Bên cạnh bài xã luận là bài thơ Hồi kết cuộc của Trần Quang Long, cũng nhằm phản đối tội ác của Mỹ ngụy. Báo Dân in 3000 số, chỉ bán trong một buổi sáng là hết sạch. Nhưng sau đó, báo Dân bị đưa ra tòa, chủ nhiệm là nhà giáo Trần Ngọc Anh bị 5 năm tù và Trần Quang Long bị giam 6 tháng. Trước đó, Long và một số bạn bè có hùn hợp cổ phần mở ra một quán cà phê, gọi là Quán Bạn. Chủ nhân khoảng 20 người, gồm học sinh sinh viên, nhà văn, nhà giáo… thay nhau đứng bán quán. Quán khai trương trong mùa đấu tranh nên thỉnh thoảng cả chủ quán lẫn khách hàng đều nhân danh nhóm Quán Bạn, tuyên ngôn chống Mỹ ngụy, rồi kéo nhau xuống đường. Hồi ấy, Quán Bạn rất đông khách, thu hút sự chú ý của bạn lẫn thù, trở nên một nơi gặp mặt lý thú của giới trí thức trẻ ở Huế và các tỉnh. Sau khi Long bị bắt vì bài thơ Hồi kết cuộc, Quán Bạn cũng bị đóng cửa.

Hết hạn tù, Long chỉ còn vỏn vẹn có hai tuần chuẩn bị thi tốt nghiệp. Tuy vậy, anh vẫn thi đỗ dễ dàng và được bổ nhiệm đi dạy ở trường Trung học Cường Để tại Quy Nhơn. Anh đã biến trường này thành trụ sở tranh đấu của Lực Lượng Bảo Vệ Dân Tộc tỉnh Bình Định trong mùa hè năm 1966. Trụ sở này, rút cuộc cũng bị tràn ngập bởi lưỡi lê và lựu đạn. Trong trận chiến đấu cuối cùng ở trường này, Long bị bắn gãy chân và bị địch đưa đi giam ở Plây-cu. Đây là lần ở tù thứ ba của Long.

Nhà thơ Trần Quang Long (người ngồi, bên trái) sau khi bị gãy chân trong vụ đàn áp phong trào học sinh – sinh viên ở Quy Nhơn. Ảnh: TTO


Ra khỏi nhà tù lần này, Long bị thuyên chuyển vào dạy học ở Cần Thơ. Có lẽ địch tưởng rằng đổi đến một nơi xa lạ như thế, Long sẽ không còn đất dụng võ. Nhưng con đường cách mạng đã rộng mở, Long vẫn tiếp tục đi, sống và sáng tác.

Có lúc, anh cùng bạn bè quay trở về vĩ tuyến 17, đốt đuốc bên bờ sông Bến Hải, công khai mở cuộc hội thảo chống chiến tranh xâm lược của giặc Mỹ. Đêm ngủ ngoài trời, nằm ngửa mặt nhìn sao, thân ở bờ nam mà lòng ở bờ bắc.

Có lúc Long bí mật theo chân đồng chí, lặn lội ở mật khu Hố Bò, ngồi dưới địa đạo Củ Chi đội những cơn mưa bom của trận càn mùa khô. Từ những chuyến đi này, anh đã thâu thái được rất nhiều cảm hứng mới:

Chúng tôi đã đăm đăm nhìn mặt trời đỏ rạng
Trên Vàm Cỏ Đông, anh du kích chèo xuồng
Hai bên bờ, cây cỏ đẫm hơi sương
Con chim vụt bay lên chào ánh sáng
Kinh Đìa Vàng, cô giao liên khua dòng nước loáng
Ánh trăng nghiêng soi mái tóc đen dài
Giọng hò lơ cao vút tới sao Mai…

(Trích bài thơ Trên vùng giải phóng)

Hoặc:

Đứng trước hố bom đìa
Rừng Tây Ninh phẫn nộ
Lòng ta đau tái tê
Trái tim ta rực lửa
Đứng đây mà nghĩ đâu
Quê hương mình khói lửa
Một trái bom nơi đây
Còn bao nhiêu nơi nữa
Đứng đây mà nhớ đâu
Miền Nam và miền Bắc
Bom đạn rót trên đầu
Lòng ta càng son sắt…


Trong vòng hơn một năm, khoảng cuối 66 đến cuối 67, có lẽ là thời kỳ làm việc nhiều và sáng tác khỏe nhất của Long. Các tác phẩm Tiếng gọi Lam Sơn, Bông cúc vàng, hội sinh viên sáng tác do Long góp phần sáng lập với tập thơ tuyển “Tiếng hát những người đi tới…” đều ra đời trong khoảng thời gian này. Ngoài ra anh cũng cộng tác với các tạp chí như Tin Văn, Đất nước, Hành Trình ở Sài Gòn.

Lúc này tương quan lực lượng giữa ta và địch trong phong trào quần chúng ở đô thị đã cho phép thơ Long chuyển hướng mạnh mẽ để đi vào quỹ đạo đấu tranh của dòng văn hoá văn nghệ yêu nước tiến bộ.

Mới ngày nào, trên tạp chí Văn học, Long mơ được làm một con chim Phượng hoàng:

Tôi thà làm con chim phượng hoàng cô đơn
Mỏi cánh bay qua ngàn trùng núi tuyết
Để rơi giọt lệ trên từng mộ huyệt
Cho loài yêu nhau tầm thường từ muôn năm xưa


Thì giờ đây, trong tuyển tập “Tiếng hát những người đi tới”, hình ảnh con phượng hoàng cô đơn, kiêu kỳ, bí hiểm và mệt mỏi ấy đã nhường chỗ cho hình ảnh một con chim nhỏ tầm thường mà thực chất ấp ủ một hoài bão lớn lên không ngừng theo tầm vóc của lý tưởng:

Tôi làm con chim sẻ nhỏ tầm thường
Bay ngược thời gian tìm trong lịch sử
Con chim tầm thường nhưng không hề biết sợ
Bão tố bạo tàn và cung nỏ gian tham…
Tôi muốn tặng những người ưa cổ vật
Một thanh gươm họ Lý ngang tàng
Một cây súng trường Cao Thắng kiên gan
Đang vẹn toàn trong trái tim dân tộc
Tôi muốn tặng những người yêu văn học
Một bài Bình Ngô Đại Cáo mực còn tươi…

(Trích bài thơ Lớn lên không ngừng)

Thơ Long thường hay nói về trái tim. Đối với anh, thơ và trái tim là một - trong thơ không thể thiếu trái tim và trong tim không thể thiếu thơ. Nhưng, cũng vẫn trái tim rất thơ ấy, bỗng bốc cháy những tình cảm nổi dậy chưa từng có.

Con đang nghe trái tim
Nổ tung thành mảnh vụn
Máu từng dòng im lìm
Máu từng dòng phẫn nộ
Trên bàn tay con đó
Trên mảnh đất khô cằn
Trên mặt mày khốn khổ
Trên cuộc sống lầm than
Nếu thơ con bất lực
Con xin nguyện trọn đời
Dùng chính quả tim mình làm trái phá
Sống chết một lần thôi…”

(Trích bài thơ Thưa Mẹ, Trái tim)

Quả thực, Long đã sống, nghĩa là đã làm được như lời anh nói trong thơ. Mùa xuân Mậu Thân, anh tham gia chiến dịch tiến công nổi dậy ở thành phố Hồ Chí Minh. Sau đó thoát ly ra vùng giải phóng để đứng lên công khai trong Liên Minh Các Lực Lượng Dân Tộc Dân Chủ và Hòa Bình Việt Nam. Chỉ mất một thời gian rất ngắn để làm quen với cuộc sống gian khổ ở núi rừng, Long đã hoàn thành được một loạt những tác phẩm mới.

Lần đầu tiên, anh đã viết ra trên giấy những tình cảm thiêng liêng đối với Bác Hồ mà anh đã ấp ủ trong lòng từ bao nhiêu năm qua:

Hang Pắc Bó gió lùa manh áo vải
Mà lòng Người đang sưởi ấm nhân dân
Lúc đói cơm, Người ăn lá rau rừng
Nhắc đến tên Người lòng ta muốn khóc
”.
(Trích bài Bảy mươi tám năm, người cha già kính yêu)

Anh cũng đã viết về Các Mác, về Cách mạng Tháng 8, xuân Mậu Thân. Anh cũng đã dành chút tình cảm riêng chung gửi cho người vợ trẻ đang bị giặc giam cầm trong khám Chí Hòa qua bài thơ “Đêm nào, Ngày nào” và gửi cho đứa con đầu lòng mới sanh nằm chiếu đất cùng với mẹ trong nhà tù - đứa con mà anh không biết là trai hay gái để gọi tên nó là Xuân Thắng hay Ngọc Chân…

Tất nhiên, anh không quên nghĩ đến Huế với những tình cảm tha thiết nhất dành cho quê hương đẹp nhất, chiếc nôi tuyệt vời của tình yêu và kỷ niệm những buổi ban đầu trên đường đời và trên đường cách mạng:

Huế ơi! mai nhé ta về lại
Đi ngược dòng Hương nhớ tuổi thơ
Đứng trên đỉnh Ngự trong ngày mới
Đỏ phố vàng sao rợp bóng cờ
Chiều nay mây trắng sao mà nhớ
Ta tháp cho lòng đôi cánh bay
Đây rồi thành phố quê hương đó
Cúi xuống hôn mình rất đắm say…


Những điều anh nghĩ về xứ Huế tưởng chừng như một giấc mơ thì nay đã thành sự thực chỉ có một điều là anh đã không bao giờ trở lại thành phố này, không còn gặp lại bạn cũ người xưa, không thấy được Huế trong ngày mới đỏ phố vàng sao phất phới cờ…

Trần Quang Long đã hy sinh trong một cuộc tập kích của máy bay phản lực Mỹ ngày 11-10-1968 tại vùng căn cứ thuộc huyện Tân Biên tỉnh Tây Ninh. Năm ấy, mới 27 tuổi, tài hoa đương độ phát triển, ngày xanh tuổi trẻ còn nhiều hứa hẹn.

Tôi với Long là đôi bạn thân cùng lớp, cùng trường, cùng nhau đi những bước đầu trên đường cách mạng, nhưng không được cùng nhau đi hết chặng đường dài.

Năm 1967, chúng tôi đang công tác ở trong vùng căn cứ miền Tây Thừa Thiên, một hôm có người khách ở thành phố đem cho món quà nói là của Trần Quang Long ở Sài Gòn nhờ chuyển. Món quà, gồm những nhu yếu phẩm như cà phê, thuốc lá, còn có một tập thơ mới xuất bản: đó là tập thơ tuyển Tiếng hát những người đi tới. Đêm đó, chúng tôi đã đốt lửa lên để đọc thơ Long và phấn khởi nói với nhau rằng “Long đã thành công”.

Ba năm sau, khi tôi có dịp đến cơ quan Trung ương của Mặt trận ở trên R, nơi công tác sau cùng của Long thì anh không còn nữa - chỉ còn một tập thơ rách nát mang đầy dấu miểng bom xuyên suốt bề dày của quyển vở học trò. Đó là tập di cảo Sao Rừng, mà sau này đã được nhà xuất bản Văn nghệ Giải phóng biên tập lại và xuất bản ở thành phố Hồ Chí Minh năm 1975 dưới tựa đề là “Thưa Mẹ Trái Tim”.

Tôi cũng đã được xem biên bản của Văn phòng Ban tuyên huấn Trung ương cục ghi lại đầy đủ chi tiết về cuộc tập kích của máy bay giặc Mỹ vào căn cứ ngày 11-10 năm 1968. Cuộc tập kích kéo dài. Một quả bom rơi trúng hầm trú ẩn của Long. Anh bị sức ép và miểng bom chấn thương ở sọ não và hai chân. Cùng hy sinh một chỗ với Long, có nhà giáo kiêm nhà văn Trần Triệu Luật.
Khi ấy, tôi đau đớn mà nghĩ rằng cuộc đời Long, cả Người Thơ đến đấy là hết. Nhưng không…
Những năm sau đó, đúng ra là cả những năm trước đó - cứ mỗi mùa xuân, mỗi lần Tết đến, mỗi ngày kỷ niệm 9-1, ngày vùng lên của tuổi trẻ học đường, mỗi cuộc ra quân của thanh niên học sinh sinh viên Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng… lại thấy những câu thơ quen thuộc của Trần Quang Long được ghi trên bảng đen, trên vách tường lớp học và trên trang đầu của những tờ báo đấu tranh.

Con sẽ vót nhọn thơ thành chông
Xuyên vào gan lũ giặc
Con sẽ mài thơ như kiếm sắc
Chặt đầu văn nghệ tay sai
Trả thù cho cha, rửa hờn cho nước
Cho con ngẩng đầu nhìn thẳng tương lai…


Như thế, thơ Long vẫn còn, nhưng các bạn trẻ ở nhà trường không chép bằng mực tím nữa mà chép bằng máu đỏ của mỗi trái tim.

Mặt khác, từ những tiếng vang đầu tiên của tập thơ Tiếng hát những người đi tới, Hội Sinh viên sáng tác mà Long là một trong những người sáng lập đã tiếp tục hoạt động mạnh mẽ trên các lĩnh vực ca, múa, nhạc, họa, thơ, văn…

Đội ngũ những văn nghệ sĩ trẻ tiếp tục cất cao tiếng hát những người đi tới, nối vòng tay lớn trên trận tuyến đấu tranh chống văn hoá văn nghệ nô dịch. Chúng ta có thể kể một số tác giả quen thuộc đối với các bạn trẻ thành phố như Tôn Thất Lập, Trần Long Ẩn, Trương Quốc Khánh, Nguyễn Văn Sanh… Phan Duy Nhân, Võ Quê, Bửu Chỉ, Đam San, Nguyên Hạo, Biên Hồ, Đỗ Nghê, Thái Ngọc San, Trần Phá Nhạc, Lê Văn Ngăn, Trần Hữu Lục, Trần Duy Phiên… Tác phẩm của họ đã ghi lại tâm huyết nồng nàn của một thời đại và góp phần vào thắng lợi chung của phong trào đấu tranh ở thành thị.

Năm 1971, Hội Văn nghệ giải phóng Sài Gòn Gia Định đã mở một cuộc hội thảo ở vùng căn cứ để bàn về “dòng văn hoá văn nghệ yêu nước tiến bộ”. Anh em văn nghệ sĩ đã đánh giá cao những cống hiến của Trần Quang Long. Trong bản báo cáo của Hội Văn nghệ trước hội nghị, nhà thơ Giang Nam đã có nhận xét: “Thơ Trần Quang Long sáng tác trong phong trào đấu tranh ở thành thị, có chất sôi bỏng của tuổi trẻ và có sức mạnh của những nhát búa đập phá bức tường nhà giam…”

Và bây giờ, có thể nói thơ Trần Quang Long đúng là thơ có thép và anh là một nhà thơ trẻ biết xung phong.

HOÀNG PHỦ NGỌC PHAN
(2/8-83)





Các bài mới
Các bài đã đăng