Tạp chí Sông Hương - Số 2 (T.8-1983)
Tuổi học trò ở Huế
10:51 | 10/08/2010
LÊ QUANG VỊNH           (Trích hồi ký)…Tôi và Niệm thì đi học phổ thông, chị Mai tôi - theo ba tôi, con gái không cần học chữ nhiều - đi học nữ công gia chánh để chuẩn bị làm vợ làm mẹ sau này.
Tuổi học trò ở Huế
Lê Quang Vịnh - Ảnh: quan1.hochiminhcity.gov.vn
Một buổi chiều, khi tôi đi học về thấy mẹ tôi ngồi khóc với một bà già từ làng quê lên. Tôi chạy đến hỏi chị tôi cho rõ nguồn cơn thì chị tôi cũng òa khóc:

- Cậu Quan chết rồi. Tây đã bắn chết cậu Quan rồi!

Tôi không có nhiều kỷ niệm về cậu Quan. Tôi chỉ nghe những người lớn trong nhà luôn nói về cậu như niềm tự hào của đại gia đình. Cậu là đảng viên Cộng sản, chuyên viết báo cách mạng, năm 1939 bị thực dân Pháp kết án 20 năm tù, đày ra Côn Đảo. Năm 1945, cậu trở về Huế và giữ chức Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chánh thành phố Huế, đại biểu quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khóa đầu tiên. Khi thành phố Huế bị giặc Pháp chiếm đóng lại, cậu Quan cùng với Tỉnh Ủy Thừa Thiên rút về nông thôn. Gia đình tôi bị bặt tin tức về cậu từ đó. Giờ được tin cậu chết.

Thấy chị khóc, mẹ khóc, tôi cũng khóc theo. Nhưng tình cảm tôi lúc đó không lấy gì làm sâu đậm. Cha tôi từ lúc đi làm về, cứ im lặng không nói năng gì cả. Đêm ấy nằm ngủ chung một giường với cha tôi, thấy cha tôi cứ trằn trọc mãi. Tôi biết ông rất thương rất quý trọng cậu Quan - bởi trước khi là em rể cậu, cha tôi và cậu là đôi bạn học cùng lớp, cùng trường. Nửa khuya tôi bỗng giật mình tỉnh dậy, đêm đen mịt mùng phủ kín nơi giường cha con tôi nằm, tôi thấy ông đang ghì chặt tôi và hôn tràn lên má tôi. Tôi biết ông đang khóc vì nước mắt của ông chảy giàn giụa cả má tôi.

Mấy ngày sau, ông xin thôi việc. Ông nói với các con:

- Ba không thể tiếp tục làm bồi Tây được nữa.

Rồi ông vào Đà Nẵng để làm nghề dạy Pháp văn và làm đơn trương kiện tụng cho người ta ở Tòa án Pháp. Đây là một nghề tự do, không lệ thuộc vào bộ máy cai trị của bọn thực dân. Khi công việc của ông ở Đà Nẵng đã tạm ổn định, ông đưa cả nhà vào Đà Nẵng, chỉ còn một mình tôi đang học ở trường Khải Định, ông gửi tôi cho người anh cả của mẹ tôi là cậu Toại lúc đó làm thanh tra học chánh Trung phần.

Cho đến lúc đó tôi học rất dốt. Nhất là môn Toán. Tôi dốt Toán đến nỗi có một lần kiểm tra Toán, thầy Toán đã bắt tôi mang một cái đầu bò đi diễu khắp trường. Cái lối sỉ nhục học trò như thế trong nhà trường cũ là thường. Riêng tôi thì tôi càng nản chí học Toán. Tôi tự cho là mình không có năng khiếu Toán, và đã dốt, cho dốt luôn! Tôi dốt đến mức năm 1919, thầy Tấn đã ghi trong học bạ của tôi một câu lịch sử: "Vừa ngu, vừa dốt, lại vừa lười".

Tôi lại càng ham chơi hơn, đến Phu Văn Lâu ngồi đấu láo với các bạn cùng tuổi, qua Vĩ Dạ tắm sông, hái bắp nướng ăn giữa đồng… Tôi thường trốn học ở nhà đi vẩn vơ quanh cầu Bạch Hổ, để thả diều gắn sáo trúc vi vu. Cậu cả tôi thấy tôi lười biếng quá, có lần, cầm cả quyển học bạ ném vào mặt tôi, tôi cứ lì lợm như đá sỏi. Cậu học giỏi lắm - người ta thường gọi cậu là nhà giáo dục, nhà thông thái mà. Cậu thật khó mà chấp nhận có một đứa cháu ngu dốt như tôi. Còn tôi thì phần cậu mắng, phần không muốn nghe những điều cậu răn dạy mà tôi thấy rất khó chịu, nên tôi cứ tránh mặt cậu hoài.

Một hôm, đang bỏ học, ở nhà, tôi bỗng thấy cậu đạp xe về. Đang giờ hành chánh mà sao cậu lại về ngay như thế này nhỉ? Tôi chưa kịp lẩn ra sau nhà cho khuất mắt cậu thì cậu đã tiến thẳng đến trước mặt tôi và, bằng một vẻ mặt âu sầu, với bàn tay đầy yêu thương trìu mến, cậu xoa đầu tôi, cậu nói:

- Con sửa soạn để vào Đà Nẵng ngay. Cậu đã mua vé tàu cho con rồi.

Tôi còn đang sửng sốt chưa hiểu thì cậu chìa cho tôi xem bức điện tín của chị tôi bằng tiếng Pháp cụt ngủn mà cậu dịch luôn ra:

"Ba đã mất. Em vào Đà Nẵng ngay. Lê Thị Mai".

Khi tôi vào tới Đà Nẵng thì thấy mẹ tôi như người mất trí. Bà mặc áo tang quấn khăn sô và cứ nằm trước bàn thờ có tấm ảnh cha tôi được phóng to lên mà khóc. Bà không ăn uống gì cả. Chị tôi uất ức kể cho tôi nghe về chuyện ba tôi đã mất như thế nào. Ba tôi đi về thăm nhà một người bạn ở vùng quê huyện Hòa Vang, bị lính Pháp bắn chết giữa đường. Bấy giờ mẹ tôi đã đem được xác về chôn cất xong xuôi.

Một buổi chiều, tôi lên thăm mộ ba tôi. Tôi đi một mình không ai biết cả. Tôi ngồi bên mộ cho đến lúc trời tối mịt. Tôi ôm lấy nắm đất còn mới và khóc nức nở. Tự nhiên tôi nhớ đến những giọt nước mắt ba tôi khóc khi biết tin cậu Quan đã hy sinh. Mãi đến khi chị tôi đến tìm ra và đưa tôi về nhà. Lòng tôi sục sôi thù hận. Lúc đầu tôi cũng không rõ tôi thù ai. Nhưng dần dần tôi ý thức được rằng kẻ thù của tôi là kẻ đã giết cha tôi, cậu tôi, xô đẩy gia đình vào cảnh sụp đổ. Rồi dần dần tôi hiểu được rằng kẻ thù của tôi cũng là kẻ thù chung của dân tộc.

Chị tôi bắt buộc tôi phải trở về Huế ngay để khỏi bỏ học dở dang, chị nói một giọng tha thiết:

- Bây giờ thì em phải học thật giỏi, để thi đậu kiếm việc làm nuôi em giúp mẹ. Chị là gái, chị không thể sống với gia đình được lâu.

Chị đưa tôi lên tàu hỏa. Nhìn chị mặc áo đen dài, đứng lặng trông theo chiếc tàu chở tôi cứ dần xa, mà tôi tưởng bóng dáng của một bà mẹ trẻ. Thật ra năm ấy chị mới 19 tuổi. Chị hơn tôi đến những 5 năm. Nhưng tôi nào có nghe lời chị.

Tôi về đến Huế là tìm ngay anh Phi để xin làm kháng chiến. Anh Phi là một học sinh lớp đệ nhị chuyên khoa của trường Khải Định ở cùng một làng Vạn Xuân với tôi. Anh có nước da đen láng, đen không kém gì người châu Phi, cho nên người ta thường gọi đùa là "Phi đen".

Một hôm tôi đưa cho anh xem bức hình chị em tôi chụp bên mộ cha tôi. Bối cảnh của tấm ảnh là hàng trụ điện với những đường dây song song giăng ngang. Chị tôi đã đề hai câu thơ bảy chữ:

"Ánh điện thị thành không sáng nổi
Mắt đầm đìa lệ trẻ mồ côi"

Anh Phi bỗng vỗ vai tôi thân mật nói:

- Này, cô Mai muốn đi kháng chiến đây.

Tôi thắc mắc hỏi:

- Em không hiểu anh căn cứ vào đâu mà nói như thế?

- Đây nhé, cô Mai bộc lộ tâm trạng căm thù vì ai đó đã xô đẩy đời cô vào cảnh mồ côi và con đường giải thoát không thể tìm thấy ở thành thị. Không tìm thấy được ở thành thị chỉ có thể tìm thấy ở nông thôn, ở rừng núi mà thôi. Những ai ở nông thôn, ở rừng núi nếu không phải là người kháng chiến.

Tôi phục thay tài lý luận của anh Phi đen, và sau đó không lâu sau anh kết nạp tôi vào Đoàn học sinh kháng chiến. Tôi được đưa lên Tuần, về Kim Đôi để xem văn công ta biểu diễn, nghe cán bộ kháng chiến nói chuyện thời sự. Tôi được giao nhiệm vụ rải truyền đơn kêu gọi đình công bãi khóa. Và tôi đã làm vài ba lần. Tôi làm nhiệm vụ nầy với một ý thức trả thù.

Bỗng một hôm anh Phi đi đâu bặt tích. Gia đình anh cũng không ai biết rõ anh đang ở đâu. Chừng một tuần sau khi tôi đến trường thì bị mấy người đàn ông mặt mày hung dữ giữ lại. Một chiếc ô tô ca bít kín mít đậu bên cạnh. Chúng tôi biết đây là xe "bao bố" của công an ngụy. Thường thường bọn ngụy đưa một tên đầu hàng phản bội nào đó ngồi trong bao bố có khoét lỗ vừa hai con mắt để chỉ bắt những người kháng chiến. Chúng muốn che giấu hình tung cho đứa phản bội để có thể cài trở lại trong hàng ngũ ta. Bây giờ thì chắc chắn thằng đó đang ngồi trong cái xe kia, mà qua một khe cửa nào đó và bằng một dấu hiệu gì đó, nó đang chỉ điểm cho bọn ngụy bắt bớ anh em học sinh kháng chiến đây. Rồi chiếc xe vụt chạy đi, một lát sau chiếc xe lại đến. Lần này xe được mở tung cửa ra và chúng lùa chúng tôi lên xe. Tôi bàng hoàng nhìn thấy anh Phi ngồi trên xe, đầu gục xuống, tóc tai rũ rượi, áo quần nhàu nát và có vết máu loang lổ. Ai cũng nhìn anh Phi với con mắt thương hại xót thương một người bị đánh đập nhiều quá chịu không nổi đã phải khai đồng đội.

Mới 14 tuổi, tôi đã phải ở tù, bị đòn bọng tra tấn, nhưng tôi chẳng biết gì hơn những điều giặc đã biết về tôi. Tôi không phải nắm cơ sở hay có một nhiệm vụ đầu mối gì. Bất quá là những chuyến đi xem văn nghệ kháng chiến và rải truyền đơn kháng chiến. Sau mấy ngày điều tra khai thác riêng từng người, chúng nhập chúng tôi lại và nhốt vào lao Thừa Phủ.

Tôi gặp lại anh Phi và những anh em khác. Rồi dần dần tôi biết rõ anh Phi chẳng khai báo gì cả. Anh Phi là một người can đảm dám chịu đòn rất giỏi và anh ấy đã bảo vệ cơ sở đến kỳ cùng. Nhưng thằng Long, một bạn học của anh Phi được bọn công an ngụy móc nối, đã giả vờ tham gia hàng ngũ kháng chiến để đánh phá cơ sở kháng chiến nội thành. Chính hắn đã ngồi xe "bao bố" để chỉ bắt chúng tôi. Ôi thâm độc thay bọn ngụy gian giảo! Tôi càng thương anh Phi hơn. Tình thương đó có một chút gì quá đáng bởi tôi ân hận vì đã nghĩ xấu cho anh ấy một thời gian.

Tôi tự coi mình là em anh Phi, một đứa em rất đỗi yêu anh. Mà anh Phi cũng rất yêu tôi. Trong nhà tù, anh tranh thủ thời gian rỗi dạy tôi học toán
Anh biết cách xây dựng lại cho tôi những khái niệm về Toán rất căn bản. Và chỉ mấy tháng thôi, tôi đã hoàn toàn thay đổi về môn Toán. Từ chỗ là một học sinh "vừa ngu vừa dốt lại vừa lười" tôi đã trở thành một học sinh giỏi Toán, có một căn bản Toán học khá vững chắc để có thể đi xa hơn nhiều trong khoa học này.

Anh Phi không chỉ dạy tôi toán. Anh còn trao cho tôi tất cả những gì là bí quyết cuộc sống mà anh biết dược. Ai cũng khen là anh Phi thật lòng muốn "truyền nghề" cho tôi, và tôi cũng tỏ ra xứng đáng "nối nghiệp" anh Phi. Cái mà người ta nói là "nghề nghiệp" ở đây chính là lòng yêu chuộng chân lý khoa học, khả năng giải quyết những vấn đề cụ thể bằng lý luận biện chứng. Thật ra anh Phi lúc đó chưa có trình độ gì cao lắm, nhưng anh đã tự xây dựng được một phương pháp tư tưởng khá tốt và anh đã trao lại cho tôi toàn bộ phương pháp ấy.

Mới 14 tuổi, mà tôi đã tập tễnh đi vào triết học. Tôi bắt đầu biết dùng những từ "biện chứng", "siêu hình", "duy vật", "duy tâm", "vật chất vận động", "xã hội tiến hóa", "quy luật phát triển". Bởi sống trong một môi trường quá đặc biệt, trong một tập thể cũng khá đặc biệt, cho nên tính cách con người mới của tôi định hình và phát triển rất nhanh. Chỉ 7 tháng thôi, bị giặc nhốt trong lao Thừa Phủ, mà tôi tưởng đâu mình lớn lên 4 - 5 năm.

Vào mùa Xuân năm 1951, tỉnh trưởng Thừa Thiên "đại xá chính trị phạm". Chúng thả tôi. Gia đình tôi đã dọn về Huế trở lại. Một quán may nhỏ, tồi tàn được mở ra. Mẹ tôi làm thợ cắt, chị tôi làm thợ may. Quán may đón những cô gái làng quê đến sắm áo quần không có chi là "mốt" cho lắm.

Chị Mai tuy làm thợ may nhưng lại rất chú ý đến việc học của em. Chị bắt tôi phải đi học trở lại ngay và hỏi về tình hình học vấn của tôi:

- Vịnh xin vào học lớp nào?

- Em được dự thính lớp đệ tứ, nhưng giám học nhà trường nhất định không cho em dự thi kỳ tới bởi chỉ còn hai tháng nữa thôi, mà em không được kiểm tra học kỳ!

- Chị thấy năm ngoái em học không tốt lắm. Mười lăm tuổi mà học đệ ngũ thì không phải là chậm. Em nên ở lại lớp một năm cho chắc chắn…

Tôi biết ngay là chị đã đọc học bạ của tôi và đã thấy câu ghi "độc ác" của thầy Tấn: "Vừa ngu, vừa dốt lại vừa lười" ấy. Tôi xấu hổ với quá khứ của mình:

- Nhưng bây giờ thì em đã là một học trò giỏi. Em tự tin là về Toán, luận văn, ngoại ngữ, em thừa sức thi đậu trung học đệ nhất cấp kỳ tới.

- Em không nên nói phách lối như thế với chị. Năm ngoái em học hành như vậy, năm nay thì em chỉ còn hai tháng nữa là đến kỳ thi, làm sao em có thể nắm chắc bài vở cho được?

- Em đã học trong tù. Bảy tháng trong tù em đã học bằng 4 năm ở ngoài đời. Anh Phi đã dạy em, anh ấy đã dạy em bằng tất cả tấm lòng yêu thương.

Lần đầu tiên tôi nhắc đến tên anh Phi đen với chị. Chị thẫn thờ một phút trước hình tượng một người con trai lạ đã giúp đỡ tận tình cho em mình. Rồi chị hỏi:

- Anh ấy học đến đâu rồi?

- Anh ấy là một học sinh xuất sắc của lớp đệ nhị chuyên khoa. Anh ấy có trình độ của một ông tú tài. Chị thử hỏi anh ấy thì biết.

Tôi không ngờ chị Mai lại vào thăm anh Phi trong tù. Hồi đó chế độ lao tù còn tương đối dễ dàng đối với việc thăm viếng. Tôi cũng không biết anh Phi đã nói với chị những gì, mà lúc về lại nhà, gặp tôi chị đồng ý để cho tôi nạp đơn thi Thành chung với tư cách thí sinh tự do. Thí sinh tự do không được hưởng quyền lợi của người học sinh được trường chính thức giới thiệu cho đi thi. Một quyền lợi lớn nhất là được "vớt" nếu thiếu vài điểm. Và rồi không phải chỉ đồng ý mà thôi, chị Mai đã lo toan mọi việc gì chị có thể làm được để cho tôi tập trung yên lòng, đủ sức học thi. Đêm đêm, chị thức cùng tôi, đọc tiểu thuyết xã hội, đọc sách "học làm người"… Thật ra thì chị muốn cho tôi đỡ cô độc, lạnh lùng khi phải thức đêm một mình để học bài. Hồi đó, có đậu thi viết rồi mới được vào vấn đáp. Cho nên thí sinh phải tập trung học những môn thi viết trước, còn những môn thi vấn đáp thì có thể học sau. Trong những môn thi viết thì chỉ có môn Lý Hóa là phải học thuộc lòng, nhất là Hóa. Tôi đã phải dồn tất cả thời gian của hai tháng còn lại này để học Lý Hóa - học thuộc lòng những bài mà trước đây tôi chưa hề học qua.

Đến ngày thi, tôi gầy xọp hẳn đi. Chân tay khẳng khiu, tôi húi tóc "cua", mặc quần "sọc", áo "sơ mi" ngắn tay. Dáng dấp của một người học trò nhà nghèo, học "gạo". Mắt tôi thâm quầng sâu thẳm vì thức đêm liên tục. Buổi sáng ấy, để cho tinh thần hoàn toàn tỉnh táo, tôi uống một viên Maxiton, loại thuốc kích thích thần kinh khá mạnh của thời ấy. Rồi tôi rảo bước đến trường thi thật sớm…

*
…Tôi chờ xem kết quả của kỳ thi viết từ 4 giờ chiều mà mãi đến 7 giờ tối hội đồng giám khảo mới tuyên bố. Bởi tên tôi bắt đầu bằng chữ V cho nên tôi là một trong những người được xướng danh cuối cùng. Tôi tất tả chạy về nhà lúc trời đã tối, đèn điện thành phố Huế đã rực sáng, cầu Tràng Tiền lấp lánh trên sông Hương lững lờ trôi.

Chín giờ tối, sau khi đã ăn xong bữa cơm mừng tôi vượt qua được một cửa ải hiểm nghèo nhất của kỳ thi, tôi lại uống một lần ba viên Maxiton để có thể thức suốt đêm học 2 môn thi vấn đáp mà tôi chưa biết một tí gì cả là Sử Địa và Vạn vật, và tôi thức đến sáng luôn.

Người ta học một năm, tôi chỉ học trong một đêm thì có kết quả gì được?! Đến lúc tôi lửng thửng đến phòng thi vấn đáp thì trong óc tôi là một sự trống rỗng ghê gớm, tôi chẳng còn nhớ một chút gì những gì tôi đã học vội vàng lụp chụp hồi hôm. Tôi lại uống thêm một viên Maxiton nữa. Rồi tôi vào thi ngay những môn tôi sở trường sẵn. Tôi đã thi vấn đáp xong môn Toán, môn Pháp, môn Anh và môn Lý Hóa trong vòng một buổi sáng.

Tôi muốn dành buổi chiều để quan sát người ta thi vấn đáp môn Sử Địa, quan sát thật kỹ, tập dượt lại rồi mới vào phòng thi cái môn mà tôi học lơ mơ nhất. Tôi cứ nhìn thầy Kỳ hỏi Sử Địa mà thấy lo lắng quá chừng. Cái hiểu biết về Sử Địa của thầy thật là mênh mông uyên bác. Ai cũng khen là thầy hỏi nhiều câu rất lý thú, thông minh và mang tính giáo dục rất cao. Lần lượt thí sinh này đến thí sinh khác bước ra, cuối cùng chỉ còn lại một mình tôi trong phòng.

Đồng hồ đã chỉ 4 giờ 30, nghĩa là sắp hết buổi chiều thi. Hội đồng thi cho phép thêm một buổi sáng mai nữa mới khóa sổ. Nhưng thầy Kỳ muốn kết thúc cuộc thi môn Sử Địa trong vòng chiều nay. Thầy đứng dậy bước ra cửa phòng lấy phấn viết lên thành cửa bằng gỗ: "Mời thí sinh Lê Quang Vịnh vào thi ngay trong chiều nay".

Biết không thể trì hoãn nấn ná thêm được nữa, tôi lên nộp thẻ thí sinh. Thầy bỗng kêu lên:

- A, em là thí sinh tự do ư?

- Thưa vâng!

Thầy có cái lệ là chép điểm thi viết của tất cả các thí sinh nào mà thầy hỏi vấn đáp. Thầy gật gù nhìn xuống bảng điểm thi viết của tôi. Sau này tôi mới biết đó là những điểm khá tốt so với các thí sinh khác. Còn lúc đó tôi vẫn không biết vì sao mà thầy gật gù vui vẻ. Nhìn gương mặt hiền từ của thầy, tôi cũng thấy đỡ lo một phần. Thầy chỉ vào hộp thăm đề bài và bảo tôi bốc một thăm.

Khi tôi mở lá thăm ra thì trống ngực đập liên hồi. Cái đề bài có vẻ rộng rãi dễ dàng: "Phan Bội Châu và phong trào Đông Du". Thế mà tôi không thấy trong óc hiện ra bất cứ ý kiến nào. Tôi ngần ngừ một lát để moi ký ức, tìm một chi tiết gì có thể hấp dẫn giám khảo. Thầy Kỳ hỏi đột ngột:

- Em có biết cụ Phan có biệt hiệu gì nữa không?

Tự nhiên tôi vụt nhớ lại gần bên nhà tôi ở Đà Nẵng có một ngôi trường tư thục mang tên Phan Tây Hồ. Có lẽ đây là một biệt hiệu của cụ Phan chăng? Tôi đáp tỉnh bơ:

- Dạ cụ Phan Bội Châu lấy biệt hiệu là Tây Hồ, tức Hồ Tây ở Hà Nội.

Tôi chợt nghe một tiếng thở dài não nuột:

- Ôi, Sử ơi là Sử!...

Lúc đó nào tôi có biết là có 2 cụ Phan đi theo 2 đường lối yêu nước khác nhau: Cụ Phan Bội Châu tức Sào Nam chủ trương Đông Du và cụ Phan Chu Trinh tức Tây Hồ chủ trương Tây Du. Tôi đã nói người nọ sang người kia. Nghe thầy Kỳ thở dài, tôi đâm ra hoảng sợ. Chẳng thà không nói vẫn còn hơn là nói tầm bậy. Và tôi im lặng. Thầy Kỳ lại nói:

- Thôi thầy cho em một câu hỏi về Địa để em gỡ lại nhé. Em bình giải câu ca dao này: "Đêm tháng năm chưa nằm đã dậy, ngày tháng mười chưa cười đã tối".

Thật là một câu hỏi hay mà dễ. Dễ vì không cần thuộc lòng, dễ vì chỉ cần có kiến thức khoa học địa lý đại cương thì có thể giải thích được ngay. Nhưng lúc đó đầu óc tôi trống rỗng lạ thường. Mấy viên Maxiton uống dồn dập bây giờ có tác dụng ngược lại. Nó khiến cho các dây thần kinh của tôi căng cứng và không còn rung được nữa. Tôi ôm lấy trán thiểu não. Mặt tôi đã xanh lại càng tái xanh hơn. Tôi cảm thấy sắp sửa bị choáng.

Thầy Kỳ ôn tồn giảng giải:

- Trong dáng dấp của em, thầy cũng biết em là một học trò nghèo ham học. Mà xem điểm thi viết của em, thầy cũng biết em là một học sinh giỏi toán, giỏi ngoại ngữ. Thế nhưng em chẳng chịu học sử địa gì cả. Đó là một khoa học xã hội giúp em xác định về quan điểm nhân sinh, vũ trụ, thế giới. Thầy vẫn thấy nhiều người có kỹ thuật cao nhưng tư tưởng khoa học xã hội thấp kém khiến phải lầm đường, đem thân làm tay sai cho những thế lực tàn bạo phi nghĩa. Thầy rất thương em, do đó thầy buộc em phải học lại sử địa trong ba tháng hè để thi kỳ 2.

Tôi biết là thầy đã quyết định cho tôi điểm không về sử địa và như thế là kỳ thi này tôi phải hỏng. Tôi phải chờ ba tháng nữa để thi lại vấn đáp ở kỳ hai. Tôi thấy cũng công bằng hợp lý thôi. Tôi có biết gì về sử địa, vạn vật đâu. Có chăng là một mớ kiến thức chắp vá và không toàn diện. Cần phải rèn luyện lại, làm sao cho đều tay hơn. Tuy nhiên những lời đánh giá của thầy Kỳ tôi thấy đúng với phần lớn học sinh khác mà không đúng với tôi. Tôi muốn khóc nhưng nước mắt vòng quanh khóe rồi lăn dài xuống má tôi. Tôi cứ đứng như trồng ấy trước cái bàn giám khảo như trước vành móng ngựa.

Thầy Kỳ nhìn tôi chăm chú. Thầy như muốn khám phá ý nghĩ của những dòng nước mắt đang giàn giụa cả má tôi. Thầy hỏi rất hiền lành:

- Thầy xử sự như thế thì bây giờ có thể em chưa hiểu nhưng khi bước vào đời rồi, em sẽ hiểu, em sẽ thấy con người ta cần khoa học xã hội chân chính như thế nào!

Trong phòng chỉ còn có một mình tôi với thầy. Tôi nghẹn ngào ấm ức:

- Thưa thầy con không còn thì giờ để học Sử Địa và Vạn vật nữa.

- Tại sao vậy?

- Tại vì con vừa ra tù được hai tháng thì phải đi thi ngay.

- Em bị tù vì lý do gì?

- Vì em tham gia học sinh kháng chiến!...

Tiếng "học sinh kháng chiến" vang lên khô khốc như một phát súng hãm thanh. Thầy Kỳ chợt nín lặng. Mắt thầy xa vời nhìn mông qua cửa sổ. Những cây phượng vĩ đang trổ bông đỏ thắm cả mùa hè. Từng cánh phượng bay lả tả trong gió chiều. Rồi thầy nói trong hơi thở:

- Thôi em về.

Tôi bước ra khỏi phòng mà tưởng như đi trong mộng. Tôi bàng hoàng cả thể xác lẫn tâm hồn. Tôi tựa vào lan can và nhìn len lén vào chỗ thầy Kỳ đang ngồi. Thầy cầm cây bút cứ kéo qua kéo lại trên tờ giấy như tưởng không thể quyết định được. Rồi bỗng nhiên thầy xô ghế đứng dậy. Thầy bước ra đứng bên tôi, tay thầy xoa cái đầu húi "cua" của tôi một cách trìu mến. Thầy hỏi:

- Em đã vào thi Vạn vật chưa?

- Dạ chưa… con định sáng mai mới vào.

- Ai hỏi Vạn vật nhỉ?

- Dạ thầy Hy.

- À tốt, thầy rất quen thầy Hy. Đêm nay em ráng học cho thuộc bài Vạn vật, bài nào cũng được, miễn là nó nằm trong chương trình thi.

Tôi cúi chào thầy Kỳ mà cảm thấy yên ổn lạ thường. Sáng hôm sau khi vào thi môn Vạn vật, tôi không ngạc nhiên lắm nghe thầy Hy nói nho nhỏ:

- Em viết cái đề bài nào em muốn đọc vào tờ phiếu này.

Rồi tôi lên bảng đọc vanh vách bài Vạn vật mà tôi vừa học hồi hôm. Thầy Hy khen ngợi không tiếc lời và mới chưa được nửa bài thầy bảo thôi. Kỳ thi đó tôi đỗ hạng binh thứ, người đỗ đầu cũng chỉ binh thứ thôi. Và tôi biết nhờ ai mà tôi đỗ ở một hạng cao như thế.

Những năm học sau đó, tôi đều được học với thầy Kỳ. Thầy chuyên dạy văn sử địa cho các lớp chuyên khoa tức đệ tam, đệ nhị và đệ nhất. Tôi trở thành đứa học trò giỏi của thầy. Dần dần tôi nhận ra được ý đồ của thầy muốn đào tạo tôi trở thành một con người toàn diện. Càng học cao thắc mắc càng nhiều. Nhất là về khoa học xã hội. Thầy cho phép tôi hỏi thầy bất cứ câu hỏi gì. Có câu hỏi thầy trả lời ngay, có câu thầy phải suy nghĩ mới trả lời được. Có vài câu thầy phải tra cứu, tham khảo rồi mới giải đáp hết băn khoăn thắc mắc của tôi.

Mùa hè năm 1953, sau khi tôi đã đỗ xong tú tài 1, thầy gợi ý là tôi nên học một khóa triết. Tôi rất sung sướng đến học ở nhà thầy cùng với mấy người bạn nữa, "triết học nhập môn" do chính thầy hướng dẫn. Giáo trình là một quyển sách bằng tiếng Pháp do Nhà xuất bản Xã hội thuộc Đảng Cộng sản Pháp phát hành công khai. Tôi còn nhớ đề sách "Principes élémentaires de la Philosophie" (nguyên lý cơ bản của triết học) của thạc sĩ Politzer. Những vấn đề mà anh Phi đã gợi ra cho tôi bây giờ thầy Kỳ đã giải quyết một cách có hệ thống và tương đối có bài bản, sâu sắc. Tôi bắt đầu hiểu một cách khoa học về thế giới về con người. Một khi thế giới quan, nhân sinh quan đã được củng cố, sự lựa chọn giữa hai con đường tất yếu được giải quyết. Tôi thấy rõ tại sao nước ta giàu đẹp mà nhân dân ta lại phải nghèo khổ? Tại sao có cuộc chiến tranh hiện nay và nhiệm vụ của mỗi người dân yêu nước là phải làm gì? Tôi đã phân biệt dược nhân dân và nhà nước dưới các chế độ người bóc lột người. Tôi hiểu được thế giới ngày nay đang chia hai, một bên là tư bản chủ nghĩa, một bên là xã hội chủ nghĩa. Cuộc đấu tranh ấy dang diễn ra trên phạm vi thế giới và trên phạm vi từng nước một. Tương lai của dân tộc ta sẽ như thế nào?

Những vấn đề này không được nêu ra trong khóa triết, nhưng tự nhiên tôi đã tự tìm được ra kết luận. Tôi hiểu đúng đắn rằng thầy Kỳ đã trao cho tôi một cái chìa khóa vạn năng để mở bất cứ vấn đề tư tưởng nào, đó là Duy vật biện chứng pháp và Duy vật sử quan, đó là phương pháp luận của những người Mác-xít. Tôi bỗng thấy những quyển sách triết lý xuất bản ở thành phố do các giáo sư cử nhân, tiến sĩ tốt nghiệp trong các trường đại học của các nước thực dân viết ra là nhảm nhí, là quanh co, là sai lầm bậy bạ… Những lời thầy Kỳ đã trở thành khuôn vàng thước ngọc đối với tôi. Tôi uống từng câu, tôi ngẫm từng chữ. Thầy Kỳ đã thành thần tượng của tôi - chàng trai mới lớn. Năm ấy tôi vừa tròn 17 tuổi - tuổi thanh niên với biết bao ước vọng to lớn và cao xa.

Sau cái khóa triết học ấy chẳng bao lâu tôi được thầy mời đến nhà thường xuyên để nghe radio và đọc sách báo tiến bộ, và cũng để trao đổi chuyện trò thân mật với các con của thầy.

Thầy Kỳ có một người con gái nhỏ hơn tôi 3 tuổi. Tôi đã chú ý đến Nhu khi nàng còn mới 12, 13 tuổi thôi. Đôi mắt của Nhu to tròn, đen lánh bộc lộ một sức sống mãnh liệt của tâm hồn. Nhu thường nhờ tôi giải giùm những bài toán khó. Toán là môn học sở trường của tôi, cho nên tôi có nhiều cơ hội để trổ tài với Nhu. Nhưng dần dần tôi nhận ra nơi Nhu một cái gì cứng cáp, sắc sảo khác thường. Nhiều lần Nhu cãi lại tôi về một giải đáp mà Nhu cho là chưa hay, chưa gọn, chưa thật là con đường ngắn nhất. Nhu đòi hỏi mỗi lời giải đều phải có tốc độ tối đa. Tôi cũng dần dần quen với đòi hỏi của Nhu và luôn luôn vắt óc suy nghĩ, tìm tòi giải pháp hay nhất chứ không bằng lòng với những giải pháp tàm tạm, tuy là cũng đến đích nhưng phải đi vòng vòng. Tôi cũng dần dần hình thành ý thức "chân lý chỉ có một" và làm việc gì cũng phải với công suất cực đại.

Năm 1954, Nhu 15 tuổi. Thân hình con gái của Nhu đã phát triển hài hòa cân đối. Nhu thường mặc áo trắng, con gái Huế thì bước ra đường dù chỉ một bước thôi cũng mặc áo dài, cái áo dài trắng bó lấy người Nhu là tôn những đường nét vừa nẩy nở của cô thiếu nữ 15 tuổi. Mái tóc thề xõa ngang vai càng tăng thêm vẻ ngây thơ hồn hậu trong trắng của Nhu. Tôi bắt đầu yêu Nhu từ năm ấy. Phải nói là thầm yêu trộm nhớ mới đúng. Trong giấc ngủ, tôi cứ mơ màng thấy một con chim bồ câu trắng ngậm một đóa hoa hồng bay liệng giữa bầu trời xanh, rồi thoắt một cái hiện ra gương mặt Nhu đang tươi cười, tóc thề bay trong gió lộng. Có những ngày, tôi không gặp được Nhu, tôi thấy bồn chồn, thảng thốt. Nhưng rồi đến khi gặp Nhu tôi cũng chẳng nói được gì ngoài mấy lời giải toán ra. Và cứ thế, tôi sống trong tình yêu của mình say sưa rào rạt, tôi tôn thờ hình bóng Nhu như một cái gì linh thiêng huyền diệu nhiệm mầu, một cái gì tôi ao ước tha thiết mà không dám nắm bắt trong tay.

Năm 1954, tôi vừa đúng 18 tuổi. Ôi cái năm 1954 lịch sử!... Chiến thắng Điện Biên Phủ, rồi Hiệp nghị Genève lập lại hòa bình ở Đông Dương, rồi giới tuyến tạm thời phân ra 2 miền tập kết quân đội. Chính vào lúc chiến trường Điện Biên Phủ đang sôi động thì tôi thi đỗ tú tài II. Mẹ tôi rất hãnh hiện là tôi đã thực sự trở thành cậu tú, mà kỳ thi ấy tôi lại là người đỗ đầu toàn thành phố Huế, được thưởng một chồng sách và một cây đàn, các thầy đều khen ngợi tôi không tiếc lời. Linh mục Luân, giáo sư triết học của tôi nói thẳng với tôi là ông sẽ cấp cho tôi "học bổng quốc trưởng" để sang du học tại Mỹ. Thầy Hải lại khuyên tôi nên đi Pháp tất nhiên là với "học bổng quốc trưởng" để học chuyên về toán lý - khoa học lý thuyết - Linh mục Luân và thầy Hải đều là những người có thế lực lớn trong chính quyền hồi đó. Tôi cũng không biết họ thuộc vào đảng phái nào, thân đế quốc nào, nhưng chắc chắn họ có thế lực, nhất là trong quyết định cấp học bổng du học nước ngoài. Họ đã làm điều đó với nhiều người, những con em thân thuộc của họ đều được đi Mỹ đi Pháp học cả. Trong số đó có người học giỏi, mà cũng có người học dốt, học kém. Họ đã từng tuyên bố là về việc cấp học bổng, họ là người có quyền lực, "muốn là được".

Tôi cũng đi làm hồ sơ lý lịch để nộp cho các cơ quan tuyển sinh. Khi dịch những dòng chữ mà các thầy phê trong học bạ ra tiếng Anh, tiếng Pháp, tôi buồn cười hết sức trước hai ý hoàn toàn trái ngược nhau: câu phê của thầy Tấn năm 1919 ở lớp đệ ngũ là "vừa ngu vừa dốt lại vừa lười", còn phê của hiệu trưởng trưởng Khải Định năm 1953, lúc tôi vừa được giải nhất trung học toàn quốc về môn toán, là "niềm tự hào của trường, có một tương lai sáng lạn". Tôi lúng túng vì không biết có nên dịch nguyên băn không, cuối cùng tôi đành phải hỏi ý kiến thầy Hải. Thầy cười và tự tay thầy dịch câu "vừa ngu vừa dốt lại vừa lười" thành ra "rất tốt". Hồ sơ của tôi làm xong xuôi đúng vào lúc đình chiến - ngày 20 - 7 - 1954, dân tộc ta kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Pháp.

Nhà thầy Kỳ ở khuất trong khu vực yên tĩnh của thành nội Huế. Một con đường đất nhỏ chạy giữa hai hàng tre cao dẫn đến một khu vườn rộng bóng mát um tùm. Tuy chỉ là nhà tranh vách đất nhưng nhà thầy Kỳ có cái vẻ của một biệt thự rộng rãi mà ấm cùng. Nó lại kín đáo trước con mắt tò mò của người thành phố.

Buổi chiều được tin đình chiến, tôi cùng một số bạn bè trong đoàn học sinh kháng chiến Huế đến thăm thầy. Thầy đãi chúng tôi ăn khế ngọt của vườn nhà. Rồi chúng tôi ngâm thơ cho nhau nghe những bài thơ kháng chiến trữ tình mà hồi đó ở thành phố Huế được công khai phổ biến. Chúng tôi cũng hát cho nhau nghe những bài dân ca chứa chan lòng yêu nước. Lúc cao hứng đến mức quên mất mình đang ở đâu, dưới chế độ nào chúng tôi vỗ tay theo nhịp bài Tiến về Thủ đô:

"Trùng trùng lay trong câu hát, lớp lớp đoàn quân tiến về
Chúng ta đi oai nghiêm lúc quân thù đầu hàng, cờ ngày nào tung bay phất phới
Trùng trùng quân đi như nước…
Năm cửa ô đón chào đoàn quân tiến về… Hà Nội bừng "Tiến quân ca"…

Gió thổi lao xao các hàng tre. Tiếng hát oai hùng vang xa, xa tít. Các con của thầy cũng tham gia buổi liên hoan văn nghệ rất ngẫu nhiên này. Nhu hát không hay lắm nhưng nàng là một cái đinh tập trung sự chú ý của nhiều chàng trai trong buổi họp mặt. Còn tôi thì say sưa phơi phới. Tôi thấy Hà Nội mới hiện ra trong trí tưởng với những giảng đường đại học lịch sự văn minh và trên một hàng ghế tôi và Nhu đang ngồi học.


Sau buổi văn nghệ ngẫu hứng ấy, lúc các bạn đã ra về hết, tôi được thầy Kỳ gọi riêng đến bên bàn viết của thầy để nói chuyện. Thầy nói xa nói gần một hồi thì tôi hiểu rằng mình đã làm một việc bậy bạ là khi không bỗng tự tố giác mình trước bọn công an ngụy đang rình rập theo dõi những người yêu nước, những người cách mạng. Thầy nói thật cho tôi biết thầy là một trong những đồng chí lãnh đạo phong trào học sinh kháng chiến Huế.

- Đất nước ta đang bước vào một giai đoạn mới. Miền Bắc sẽ hoàn toàn giải phóng, nhưng miền Nam là nơi tập kết của thực dân đế quốc và tay sai. Là người miền Nam chúng ta không được hưởng những thành quả của cuộc kháng chiến thần thánh, chúng ta lại phải tiếp tục đấu tranh cho thống nhất nước nhà.

- Đấu tranh như thế nào?

Chúng ta đấu tranh bảo vệ Hiệp nghị Genève, buộc nhà cầm quyền miền Nam phải thi hành nghiêm chỉnh mọi điều khoản của Hiệp nghị và nước ta sẽ được thống nhất bằng một cuộc Tổng tuyển cử dân chủ, hòa bình.

- Như vậy chúng ta không có vũ khí gì cả thì làm sao đấu tranh?

- Chúng ta sẽ xuất bản một tờ báo, báo công khai chứ không phải báo mật đâu. Tờ báo ấy sẽ là cơ quan ngôn luận hướng dẫn đồng bào đấu tranh cho hiệp thương tổng tuyển cử.

- Nếu chúng nó không cho ra báo thì sao?

- Mọi quy định về việc xuất bản báo chí thì thầy đã nắm được. Chúng ta đã có trăm phương nghìn cách để ra được một tờ báo đấu tranh cho hòa bình thống nhất. Nếu không ra báo được thì cũng có thể chúng ta chuyển sang làm một tạp chí. Chúng nó không thể nào cấm đoán được.

Thầy Kỳ hỏi tôi về việc du học. Tôi thật thà trả lời là tôi đã làm xong hồ sơ nhưng tôi chưa nộp. Tôi đã bộc lộ tất cả những ý nghĩ thầm kín của tôi lúc đó.

- Thưa thầy con không muốn sang Pháp, sang Mỹ. Con chỉ muốn học trường cách mạng. Con thấy trí thức do bọn đế quốc đào tạo chỉ là trí thức một nửa thôi. Trước vận mệnh của đất nước, họ thờ ơ, họ chỉ lo cho đời riêng của họ. Cũng không phải họ đều có tâm địa phản dân hại nước cả đâu, nhưng chính những kiến thức của họ bị lệch lạc nhiều chỗ, nên không thể nhận thức đúng đắn về xã hội về con người.

- Có khoa học và cũng có tà thuyết. Trong nước Pháp chẳng hạn, có đế quốc mà cũng có nhân dân. Về kỹ thuật tiên tiến, chúng ta cũng có thể học được ở đó nhiều điều hay.

- Nhưng con không thể nào học được những tư tưởng phản động, đồi trụy, ích kỷ, hại dân vẫn thống trị các nước đế quốc. Hà Nội đã được giải phóng, trường đại học cách mạng sẽ mở ra trên miền Bắc tự do. Con chỉ muốn học ở đó. Con sẽ được đào tạo thành một người toàn diện, có kiến thức khoa học kỹ thuật mà cũng có kiến thức cách mạng đúng đắn.

- Em không thể ra miền Bắc lúc này được!

- Sao lại không? Con sẽ xin phép tổ chức để được giới thiệu đi. Nếu tổ chức không cho, con cũng có thể tự mình qua Bến Hải. Thế nào con cũng sẽ ra tới miền Bắc, tới Hà Nội.

- Còn mẹ già, em dại trong gia đình thì em tính sao?

Nghe thầy Kỳ đặt vấn đề ấy, bất giác mồ hôi tôi vả ra như tắm. Gia đình tôi đang sống trong một hoàn cảnh khó khăn về kinh tế. Từ khi ba tôi mất đi, cả nhà trông vào một tay chị Mai. Bây giờ gia đình tôi lại có thêm mấy thành viên mới nữa. Anh Sử thì đi kháng chiến rồi nhưng còn Yến, Tuế, Xuân vẫn đang tuổi cần cấp dưỡng chứ chưa tự kiếm sống được.

Tôi đã bắt đầu kiếm tiền để phụ giúp chị Mai từ năm 15 tuổi. Lúc vừa đậu thành chung xong, tôi mở một lớp dạy kèm cho các em luyện thi tiểu học (lớp nhất). Cũng là luôn thể tôi kèm cặp cho Niệm. Rồi quen dần đi, suốt 3 năm chuyên khoa, tôi đều vừa học vừa dạy. Số tiền thu được tôi đưa hết cho mẹ để góp phần chi tiêu trong nhà. Chị Mai trước sau gì cũng phải đi lấy chồng, tôi nghĩ vậy. Tôi cũng không thể hình dung được gia đình tôi sẽ ra sao nếu tôi ra đi.

Chị Mai từng nói:

- Chị sẽ bảo đảm gia đình như hiện nay cho đến khi em tốt nghiệp đại học. Đến lúc em trở thành cử nhân, kỹ sư - hoàn cảnh nhà ta không tiện cho em học đến tiến sĩ, bác học được - thì chị rời khỏi nhà cũng vừa.

- Chị đi đâu?

- Chị đi học lại. Hoặc chị đi theo chồng. Hoặc chị đi…

Chị Mai đã ngập ngừng không nói rõ nữa. Mà thật ra làm sao biết được 5 năm nữa mình sẽ làm gì trên một đất nước đang chuyển biến dữ dội, cuộc đấu tranh chưa ngả ngũ, tình hình đã ổn định gì đâu?

Thế rồi tôi quyết định ở lại. Tôi ở lại thành phố Huế để tham gia phong trào đấu tranh cho Hòa Bình, Thống nhất đất nước. Tôi ở lại thành phố Huế để góp phần giúp đỡ gia đình đang lâm vào hoàn cảnh túng bấn nghèo nàn…

L.Q.V
(2/8-83)




Các bài đã đăng