Tạp chí Sông Hương - Số 135 (tháng 5)
Đi trong đêm hội cố đô
10:11 | 06/04/2010
NGUYỄN HUY HOÀNGCái ngòi nổ đốt lửa cháy bùng đêm hội là cuộc diễn hành tưng bừng, náo nhiệt của 5000 người cờ hoa rực rỡ, áo quần mang đủ màu sắc của 54 dân tộc từ Mục Nam Quan đến mũi Cà Mau, tượng trưng sự đoàn tụ của cả dân tộc về cố đô cùng đêm hội Festival.
Đi trong đêm hội cố đô
Đêm hội Cố Đô
Đoàn xe hoa dẫn đầu, và đội múa rồng vừa đi vừa múa khóa đuôi. Cuộc diễn hành bắt đầu từ Nhà văn hóa trung tâm, ra đường Hùng Vương, vào đường Hà Nội, qua cầu Phú Xuân, lướt trên đường Trần Hưng Đạo, chui qua cổng kinh thành, đến quảng trường Ngọ Môn đúng 18 giờ 30.

Đúng cái phút ấy đèn bật sáng. 8 cột đèn mới dựng bốn góc quảng trường biến đêm Ngọ Môn thành ban ngày. Ánh sáng soi rõ từng khuôn mặt trong hai vạn khuôn mặt rạng rỡ, tươi như hoa đang háo hức chờ giờ khai mạc đêm hội cố đô.

Cả hệ thống đèn chiếu sáng quanh kỳ đài Ngọ Môn, trên mái lầu Ngũ Phụng, lầu Phu Văn Lâu, Nghinh Lương Đình, cửa Quảng Đức, cửa Ngăn cùng bật sáng một lúc. Nhờ có ánh sáng quét trang trí từng sắc ngói hoàng lưu ly, thanh lưu li phát ra ánh sáng lung linh, kỳ ảo. Từng đường cong của mái cung điện hiện lên rõ ràng những đường nét kiến trúc tài ba của cha ông.

Cái khác nhất của đêm hội Festival lần này, là hàng vạn chậu nến xếp dọc hai bên tất cả những con đường đi trong hoàng cung. Tôi bỗng ước, giá lúc này được ngồi trên trực thăng bay trên kinh thành, hẳn chốn cố đô rực rỡ hôm nay sẽ lại được gọi lên bằng hai chữ kiều diễm một cách kiêu sa.

Chưa bao giờ đường phố Huế trong đêm đông người đến thế. Các loại xe phải nhường đường cho người đi bộ. Hòa trong dòng người ấy, tôi cũng luồn lách để vào được quảng trường Ngọ Môn. Cũng may, không được nghe diễn văn khai mạc, nhưng được dự một cách trọn vẹn chương trình ca, múa, nhạc có cái tên đầy ấn tượng: "Việt Nam quê hương tôi".

Tất cả mọi người xung quanh tôi đều cùng chung một ý nghĩ va tiếng nói rằng: Chưa bao giờ được xem một chương trình hoành tráng đến thế.

Khởi đầu là hội trống. Trống lớn, trống nhỏ, trống đặt trên giá gỗ, trống có cán cầm tay, không phải chỉ nện dùi cho trống lên tiếng mà là tấu nhạc trống. Tiếng trống rộn ràng của ngày hội. Tôi nghe trong đó, cảm trong đó cả sự giục giã của tiếng trống ra quân. Ngầm hiểu ý rằng Festival này Huế đang ra quân. Có lẽ tiếng trống là tiếng nhạc cổ xưa nhất được lưu truyền, biến tấu từ tiếng trống đồng thời Hùng Vương lưu truyền đến giờ, cho nên càng nghe càng thấy âm vang nao lòng.

Tôi gặp một Việt Nam trong nghệ thuật ca, múa, nhạc đêm hội cố đô. Tiết mục "quần tiên tụ hội", màu sắc chốn cung đình với hai màu chủ đạo đỏ và vàng với đường nét mạnh mẽ khúc triết mang được cái dáng vẻ đài các hào hoa. Từng điệu bộ được đạo diễn kỹ càng, ai chưa có mặt nơi cung cấm, cũng có thể tưởng tượng ra sức vóc của một thời đã qua, từng diễn ra nơi tôn nghiêm của kinh kỳ.

Điệu "múa Tây Nguyên", lại dẫn ra về một miền xa đất nước, dù váy áo không nguyên mẫu của người dân tộc, cách điệu đi chút ít, dù màu sắc không nguyên bản, vẫn thấy đưọc cái dáng dấp yêu đời của một Tây Nguyên bất khuất và dịu dàng.

Có lẽ màu sắc tươi nguyên nhất là trang sức của các cô gái quan họ Bắc Ninh. Trên sàn diễn cố đô hôm nay, những cô thôn nữ xứ Kinh Bắc mới tươi tắn làm sao. Từ cái khăn mỏ quạ màu đen cắm cúi trên đồng lúa, vậy mà trên sàn diễn vẫn cứ làm cho những khuôn mặt trái xoan thôn nữ sáng hồng lên như hoa đào ngày xuân. Quần áo mớ ba mớ bảy, yếm thắm bên trong, bao xanh thắt ngoài, nối tay nối vạt, nhờ có màu sắc, vẫn cứ thanh thoát như các cô gái thôn quê đang đi trẩy hội.

Nhã nhạc bác học cao siêu bao nhiêu, thì tiếng cồng chiêng lại giản dị dân dã bấy nhiêu. Tôi nhớ có lần chúng tôi đến một bản Ka Tu vào buổi sớm mai, chủ làng cầm cồng ra trước nhà dài đánh một hồi cồng báo cho các chòm xóm của bản ở xung quanh biết rằng bản ta có khách. Tiếng cồng từ các chòm xóm xung quanh cất lên đáp lời như nói chúng tôi biết rồi. Về đêm ấy cả bản tập trung trên bãi phẳng bên bờ suối, đốt lửa lên, đưa bình rượu cần với những cái vòi uốn cong đặt giữa bãi đất. Cả bản quây vòng tròn xung quanh đống lửa. Múa cồng chiêng bắt đâu. Hoàn toàn không phải diễn viên chuyên nghiệp, mà sao cứ có lửa nhen lên cháy lên trong lòng.

Nhịp cồng trên sân khấu đêm nay đùng đục, đùng đục như gió rừng.

700 diễn viên của 4 trường nghệ thuật quốc gia, 19 đoàn nghệ thuật toàn quốc, với những tinh hoa chọn lọc nhất, phong phú, đa dạng nhất. Rất cuốn hút nữa. Cho nên hai vạn người xem đều rất yên lặng. Ta lại gặp múa đèn hoa sen của đội Ba vũ Huế. Lần đầu tiên tôi được xem múa chén. Cái áo dài màu xanh lá mạ mượt mà và duyên dáng của 40 diễn viên cùng tiếng chén lanh tanh trên tay vũ nữ, đã cho ra mắt chốn cung đình một điệu múa mới mẻ và hấp dẫn lạ thường.

Mỗi người xem đều tìm thấy cái mình thích thú. Có người yêu những động tác mạnh mẽ của xiếc. Có người thả mình trôi trong âm nhạc dân gian. Có người mỉm cười trước những ống nứa cũng thành nhạc giữa chốn cung đình.

Còn tôi, có lẽ tôi là người của đồng đất, chân lấm tay bùn, cho nên tôi rất đồng cảm với những lời ca quan họ trong bài: "yêu nhau ngả nón ra ngồi" "Mời trầu" "Giăng thanh gió mát", và cả sự dùng dằng của "Người ở đừng về". Những bài hát ấy cứ như bật ra từ đời sống thường ngày gần gũi và dễ thương như chính mình đang sống đây.

Quan họ tinh tế, dí dỏm và cũng rất tinh nghịch. Tôi chợt nhớ một câu quan họ rất táo tợn mà tình ý này:

"Gió xuân thổi tốc cái dải yếm đào
Anh trông thấy oản sao không vào thắp hương"

Trong đêm hội cố đô với "Việt nam quê hương tôi", chương trình rất hoàn chỉnh. Ở góc nào của Tổ quốc cũng bừng lên sức sống của nghệ thuật. Song cái tài của các nghệ sĩ là nhìn vào cái sự sù sì kia, chỉ cải biên đi chút ít, đã trở thành tài sản của quốc gia rồi. Ví như cái nón ba tấm, bề ngoài trông rất cứng. Vậy mà trong tay các cô gái diễn viên nó trở nên dịu dàng tha thiết biết bao nhiêu.

Có lẽ tiết mục nhiều dự luận không đồng tình nhất của đêm hội là diễn viên Quang Linh của xứ Huế hát bài: "Việt Nam quê hương tôi" của Đỗ Nhuận. Một du khách đứng cạnh tôi nói với người bạn đứng bên:

- Giọng Quang Linh hôm nay không có hồn.

Khó thế đấy. Một ca sĩ được vỗ tay rầm rộ khắp nước, thế mà về quê hương lại đánh mất cái hồn.

Tiết mục nọ nối tiếp tiết mục kia. Phải nói rằng: "Việt Nam quê hương tôi" là một chương trình ca, múa, nhạc rất hoành tráng. Hoàn toàn có thể "đem chuông đi đánh nước ngoài" được.

Một "Đêm hội cố đô" ở Huế thôi nhưng gặp được tinh hoa nghệ thuật của cả nước. Có lẽ vì thế đêm hội cố đô hình như Huế không ngủ, hình như dân Huế đổ tất cả ra đường. Và đường Huế đêm khai mạc Festival đúng là đường phố của những ngày hội.

Đèn sáng trong hoàng cung. Đèn sáng suốt dọc hai bờ Sông Hương. Đèn sáng trong từng đường phố. Đêm không còn là đêm nữa. Đêm Huế bắt nhịp ngay vào bình minh của một buổi sớm mai tinh khôi mùa xuân.

N.H.H
(135/05-00)



 
Các bài mới
Thư từ Paris (13/04/2010)
Về cội nguồn (09/04/2010)
Các bài đã đăng