Tạp chí Sông Hương - Số 230 (tháng 4)
WTC sụp đổ
17:17 | 16/04/2008
Vào cái giây phút định mệnh ấy, tiếng hát nức nở của Khánh Ly vọng tới: Đêm nay hòa bình sao mắt mẹ chưa vui, Mẹ hãy ra đây nhìn phố ngập người. Đêm nay hòa bình, không nụ cười trên môi. Nhìn quanh đây không ai còn lại…vỗ về cơn say dịu dàng của tôi.

Ngoài vườn, những đóa hoa quỳnh chắc sắp nở. Cùng lúc đó Tổng thống Mỹ đang thăm một trường tiểu học ở Florida, tháp tùng với ông Bush có Bộ trưởng giáo dục Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ. Tình trạng thiếu niên Mỹ dùng súng nã vào nhau, vào thầy cô, vào đám đông đã đến mức báo động; tuy nhiên, các tập đoàn sản xuất súng ống lại không dễ gì từ bỏ lợi nhuận khổng lồ của mình. Và, toàn thế giới cũng không ngừng chạy đua vũ trang. Ở Ngũ giác đài, Bộ trưởng quốc phòng đang có mặt ở bàn làm việc. Bộ máy an ninh khổng lồ của quốc gia mạnh nhất thế giới lẫn các nhà lãnh đạo đất nước và ngay cả báo giới chẳng hề tiên cảm được thảm họa ập đến trong một sát na phù du. Cũng dễ hiểu thôi, họ đâu phải là những tiểu Thượng Đế, cho dù là đế quốc số một của thế giới. Còn những nhà tiên tri tầm cỡ như Nostradamus có lẽ chẳng còn được tín nhiệm cao trong thời đại chinh phục vũ trụ và thế giới nằm gọn trong những con chíp điện tử.
Bài hát “Đêm nay hòa bình” đột ngột ngưng bặt. Có lẽ nhà hàng xóm đã tắt đèn đi ngủ. Tiếng chửi trổng của bà hàng xóm bị mất gà, lời càm ràm của bà mẹ chồng lẫn những âm thanh tủn mủn vụn vặt thường ngày trong xóm nhỏ cũng đã im bặt từ lâu. Trong yên tĩnh, tôi cố tìm kiếm mùi hương hoa quỳnh, tôi cố tìm kiếm chút yên bình và hạnh phúc nhỏ nhoi của kiếp nghèo, sau một ngày nhọc nhằn như mọi ngày và, sau những ly rượu ngon do một văn hữu đi công tác xa về cho... Trong cơn say đêm nay tôi thầm đương nguyện cho chúng sinh có được niềm vui và hạnh phúc trong lành vượt lên trên bản chất thống khổ, vượt lên trên thói ngã mạn lầm mê.
Thằng con thứ tôi vừa về nhà. Thế hệ của chúng lớn lên trong lúc xã hội đang chuyển mình, nhiều giá trị bị đảo lộn: nhưng nói chung là may mắn hơn thế hệ chúng tôi. Cháu rất mê nhạc trẻ quốc tế, và sùng bái các ngôi sao ca nhạc lừng danh trên thế giới, như thời chúng tôi sùng bái vào tín điều lộng lẫy. Điều đáng phàn nàn là chúng chưa được phép tham gia một cách dân chủ vào những vấn đề trọng đại của đất nước, được nói tiếng nói của thế hệ mình một cách tự do. Hình như nhiều người vẫn cho rằng chúng chỉ là trẻ ranh, ăn chưa no lo chưa tới, dễ bị kẻ xấu lợi dụng. Có lẽ chủ nghĩa bao cấp vẫn chưa chịu chấm dứt nhiệm vụ lịch sử của mình, cho dù nền kinh tế thị trường đã phát triển mạnh mẽ làm lung lay nhiều cấu trúc xã hội, kể cả cấu trúc đạo đức. Điều này làm biến dạng nhiều khả năng lẽ ra có ích cho nước nhà, làm tha hóa nhiều nhân cách. Và, đó chính là mảnh đất cho những cường quốc hùng mạnh khai thác. May thay, những đứa con trong gia đình tôi không bị mất phương hướng sống. Chúng cũng hiểu phần nào cái giá phải trả của những công dân của một đất nước vừa thoát ra giấc ngủ dài trong vầng hào quang của huyền thoại. Chúng cũng từng gào to:
NO LIMIT theo lời bài hát. Nhưng lạy trời, không chỉ có những bài hát phản kháng chinh phục chúng. Và, đêm nay, từ phòng riêng của thằng con trai thứ của tôi cất lên tiếng hát của Michael Jackson: “Heal the world”, từ chiếc máy hát của cháu.
There is a place in your heart and I know that this is love…
…make a better place
Trong lời ca của niềm hy vọng không nguội tắt ấy, tôi đương nguyện , từ nỗi đau đớn của dân tộc tôi, xin được chia xẻ nỗi đớn đau cùng đồng loại. Và, cũng đau đớn thay, chính cái giây phút tôi cất lên lời nguyện cầu ấy cũng là lúc thảm họa đổ ập xuống người dân Mỹ. Trong giây phút này thôi đừng nói tới nhân quả, đừng lên án, đừng vỗ tay chiến thắng hay khơi bùng ngọn lửa căm thù. “Lấy oán báo oán thì oán chồng chất. Lấy đức báo oán thì oán tiêu tan, giải trừ nghiệp chướng, tránh những kiếp nạn cho chúng sinh”. Tôi nguyện cầu cho nhân loại sống bằng tình yêu Thượng Đế qua hình ảnh Đức Chúa Jésus Christ, Đức Thánh Allah, Đức Phật…
Có những con đường dẫn tới yêu thương trong mỗi trái tim. Hãy làm cho ngày mai tốt đẹp hơn và tình yêu tỏa sáng. Nơi chốn thanh bình ấy thế giới sẽ không còn bị tổn thương. Hãy trút bỏ niềm bi thương nỗi đau buồn và cùng nhau lên đường. Hãy thay đổi tâm hồn bạn thế giới tất sẽ thay đổi.
*
Một khoảng trống trên bầu trời thành phố New York , trong mắt những ai từng nhìn thấy đôi tháp ở WTC. Phải mất mấy ngàn năm nghiên cứu và phát triển ngành khoa học xây dựng và kiến trúc, gần mười năm kiến tạo và chi phí hàng tỷ đô la con người mới tạo dựng ra một biểu tượng như thế, và chỉ mất mấy giây để phá hủy nó.
- Một chiếc, hai chiếc, ba chiếc… thực ra cưỡi ngựa vẫn thích hơn. Thịt ngựa còn xơi được chứ cái đống sắt vụn này thì thật chán ngấy. Ta khoái anh chàng cao bồi Lucky Lucke bắn nhanh hơn chính cái bóng của mình, hơn là hỏa tiễn đạn đạo xuyên lục địa. Sáu trăm lẻ một, sáu trăm lẻ hai… Ôi còn đâu nữa người hùng Yankee cứu khốn phò nguy mà không mảy may gieo oán hận cho ai. Ôi nước Mỹ ngạo mạn và đáng thương, gây thù chuốc oán cao như núi…
- Ai tuyển mộ mày vào lực lượng khủng bố tự sát?
- Đói khổ tủi nhục và căm thù!
- Cuồng tín và mù quáng nữa chứ?
- Cứ cho là như thế nữa. Nhưng ai sẽ giúp chúng tôi thoát điều ấy đây? Nước Mỹ các ông chắc? Xin lỗi, các ông chỉ mở hầu bao ra cho quyền lợi của các ông thôi. Các ông giúp chống lại Liên Xô và khi Liên Xô tan rã các ông lập tức bỏ rơi đất nước Hồi giáo cực đoan này trong bần cùng và sự thống trị dã man. Các ông chống khủng bố nhưng lại nuôi dưỡng khủng bố. Nước Mỹ cho rằng mình có sứ mệnh lãnh đạo thế giới, còn chúng tôi coi các ông là những kẻ thôn tính thế giới.
*
Người phụ nữ vuốt ve con mèo nhặt được trong đám đổ nát của WTC. Con vật tội nghiệp vẫn còn run rẩy trong đôi tay nhân từ.
- Bà sẽ nuôi nấng chăm sóc nó chứ?
- Vâng. Chúng ta là những người văn minh.
- Bà nghĩ gì về thảm họa này?
- Lý ra những người đóng thuế phải được bảo vệ tốt hơn!
- Bà nghĩ gì về những kẻ khủng bố?
- Đó là bọn cuồng tín mất hết tính người.
- Bà có nghĩ rằng chính nước Mỹ chúng ta cũng phải chịu trách nhiệm trước sự “cuồng tín mất hết tính người” đó?
- Chúng ta đâu phải là đức Chúa Trời!
- Nhưng chúng ta phải biết rằng một đứa trẻ chết đói ở châu Phi, một dịch bệnh khủng khiếp lan tràn ở những nước nghèo nàn lạc hậu, một trái bom ngu xuẩn nào đó ném xuống khu dân cư đâu đó ngoài nước Mỹ sẽ đe dọa đến nền an ninh của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ?
- Lá phiếu và tiền đóng thuế của chúng ta không được dùng vào việc đó hay sao?
- Bà nghĩ gì khi sẽ có nhiều dân thường vô tội sẽ bị giết nếu chúng ta tấn công bọn khủng bố?
- Tất nhiên phải làm mọi cách để điều ấy đừng xảy ra. Tuy nhiên, ta cũng tự bảo vệ mình chứ!
*
- Chúc mừng bạn là người thứ ba ngàn được bọc trong túi đựng xác chết danh tiếng của hãng chúng tôi sản xuất. Bạn sẽ được trúng thưởng ngôi mộ giá trị một ngàn đô la!
*
- Ông có người thân bị nạn trong đó chứ?
- Vâng, vợ và những đứa con. Nói chung là tất cả! Lạy Chúa nhân từ!
- Đất nước tôi chiến tranh giặc giã triền miên, nên chúng tôi thấu hiểu nỗi đau của sự mất mát. Thành tâm mà nói, ước gì tôi chia sẻ được phần nào nỗi bất hạnh của thảm cảnh này.
- Ông là người Mỹ gốc Việt ?
- Không! Tôi là người Việt gốc Việt!
- Tôi là cựu binh từng chiến đấu ở miền Nam Việt .
- Ông có từng bắn vào dân thường không có vũ khí không?
- Rất tiếc là có. Nhưng họ là du kích đã kịp chôn dấu vũ khí lúc bị xiết chặt vòng vây. Họ không phải là thường dân.
- Trước khi giết họ, các ông thường nói: “I’m sorry”?
- Những người hiểu biết như ông hẳn thừa hiểu chúng tôi không phải là những kẻ khát máu. Khi lên đường sang chiến đấu ở Việt chúng tôi tin tưởng rằng chúng tôi giúp dân tộc này chiến đấu cho lý tưởng tự do. Nhưng biết sao hơn. Chiến tranh mà. I’m sorry!
- Ông có căm thù những kẻ khủng bố không?
- Thú thật, lúc này tôi cũng chẳng biết căm thù ai nữa. Còn ông, ông có căm thù chúng tôi không?
- Xin phép tôi miễn nói về tình cảm cá nhân. Tôi chỉ muốn nói về đất nước mình. Ông biết đấy, suốt mấy nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, chúng tôi chịu biết bao thảm hoạ của giặc ngoại xâm lẫn những cuộc nội chiến tàn khốc. Nếu dân tộc chúng tôi để cho lòng thù hận đầu độc trái tim mình thì chúng tôi không có hoà bình thống nhất và ổn định vững chắc như hôm nay. Nếu chịu khó đọc lịch sử, hẳn ông biết khi người Nhật xâm lược đất nước chúng tôi, họ đã đẩy trên hai triệu người dân Việt Nam đến chỗ chết đói do chính sách bỏ lúa trồng đay phục vụ cho bộ máy quân sự của họ. Nhưng khi họ thất thế trước người Pháp, chúng tôi, nhất là những người dân bình thường, đã nuôi giấu che chở cho họ. Và dù dân tộc chúng tôi vẫn coi lời chào cao hơn mâm cỗ, danh dự tổ quốc hơn mạng sống của mình; nhưng sau khi toàn thắng, chúng tôi chẳng hề đưa ra yêu sách về một lời xin lỗi trước khi bỏ thù lấy bạn.
- Ông nghĩ gì về nước Mỹ?
- Biết nói thế nào nhỉ? Nước Mỹ vừa bị tấn công và chắc chắn nước Mỹ sẽ phản công, sẽ giáng tại hoạ xuống đầu kẻ khác gấp nhiều lần so với những gì người Mỹ gánh chịu. Nước Mỹ càng ngạo mạn hơn và cũng càng dễ thương tổn hơn. Và chắc chắn đó không phải là phương thức kiến tạo hoà bình cho thế giới, tiêu diệt chủ nghĩa khủng bố. Có lẽ với sứ mạng lớn lao của mình trước cộng đồng nhân loại, nước Mỹ cần phải nhận thức lại mình.
Heal the World make it a better place...
... and for me.
*
Một lần tôi đi chợ Vỹ Dạ, như mọi ngày, vô tình tôi theo chân một bà già đã luống tuổi, có dáng thị dân nghèo. Suốt buổi chợ, bà chỉ mua đâu dăm ngàn cá vụn, miếng mỡ, bó rau; thế nhưng bà đã bỏ ra hơn chục ngàn mua mấy nải chuối, nạm bông, hương trầm. Tôi chợt nhớ đã là ngày mười bốn âm lịch. Dân Huế vẫn thường cúng rằm vào đêm mười bốn, nhà giàu thì xôi chè đầy đủ, nhà nghèo thì nải chuối nạm bông, hương đèn giấy tiền giấy trắng vàng bạc. Dân Huế chính gốc, ngoại trừ những tín đồ Thiên Chúa Giáo, đại đa số đều ăn chay vào ngày rằm và mồng một âm lịch. Vì thế vào những ngày đó, không chỉ quán xá mà ngay ở chợ người ta cũng bán rất nhiều món ăn chay. Đó cũng là những ngày nếu gặp chuyện bất bình người ta cũng “bỏ chín làm mười”, cố nhường nhịn để tu nhân tích đức. Nếp sống nếp nghĩ ấy đã có từ hằng trăm năm, qua những biến thiên lịch sử vẫn không đổi thay là mấy.
Cùng đường về, tôi nói với bà:
- Dân Huế mình hình như chăm lo cho người chết hơn là người sống. Chẳng phú quý gì mà lại quá đa lễ nghĩa.
Bà điềm đạm trả lời:
- Huế mình “trăm năm lớp lớp oan hồn” (thơ Ngô Minh) của nhiều cuộc thảm sát, oan mạng vì tên bay đạn lạc. Cho nên chỉ cúng cô hồn hăm ba tháng năm thôi là chưa đủ, là không thể siêu độ những cô hồn vất vưởng không nơi nương tựa khói hương. Cho nên người Huế mình thường có vài bàn thờ vọng ngoài trời, cái thì thờ cô thờ cậu, cái thì để cho hương hồn những sinh linh phiêu dạt làm nơi nương tựa, ngày rằm mồng một thắp cho họ cây nhang, đốt cho họ ít giấy tiền vàng bạc làm phí độ nhật, cho họ bớt côi cút, lạnh lẽo. Sống sao thác vậy, âm dương tuy cách biệt những vẫn ràng buộc với nhau.
Tôi tự mắng nhiếc mình ngu dốt một cách chân thành. Trước đó tôi vẫn nghĩ mấy cái am miếu ngoài trời là sản phẩm của mấy bà còn nặng óc mê tín và tâm thức văn hoá lạc hậu.
Lại có tiếng cãi nhau của gia đình hàng xóm nào đó. Tôi chìm vào giấc ngủ và tỉnh giấc lúc bốn rưỡi sáng. Có tiếng gõ mõ cầu kinh, tiếng đò máy chạy trên sông Hương, tiếng xe gắn máy, tiếng lao xao của những người đi buôn bán hàng sớm, mùi hoa trong vườn thơm ngát. Tôi ngồi ở hàng hiên chờ đón ánh sáng đầu tiên ngày mới. Trong tôi vẫn lưu giữ thông điệp của những nền văn hoá và ngôn ngữ khác nhau đang từng bước từng bước nhích gần tới nhau, từng bước thông hiểu lẫn nhau:
Hãy cùng nhau hàn gắn lại thế giới. Biến hành tinh của chúng ta thành nơi chốn ngày càng tươi đẹp hơn cho bạn và cho tôi và toàn thể nhân loại. Hãy thắp lên ngọn lửa tình yêu trong tim bạn trong tim tôi và hãy làm cho nó toả sáng khắp thế gian, sưởi ấm nhân loại đang hấp hối. Ngọn lửa tình yêu của chúng ta sẽ làm hồi sinh những trái tim băng giá, soi sáng lầm mê - sân si - ngã mạn trong tâm hồn chúng ta. Hãy kiến trúc lại thế giới.
    Vỹ Dạ, 2001

DƯƠNG THÀNH VŨ
(nguồn TCSH số 230 - 04- 2008)

Các bài mới
Mơ vườn lạnh (18/04/2008)
Những con cá (18/04/2008)
Thiếu phụ (18/04/2008)
Chuyển mùa (18/04/2008)
Thành phố tôi (18/04/2008)
Cỏ lau (18/04/2008)
Các bài đã đăng