Văn học huyền ảo với đường biên rộng mà sự giao thoa, hay nói cách khác, sự tiếp thu có chọn lọc các phương pháp sáng tác trước nó để mở một trào lưu mới. Sở dĩ gọi là thành tựu, bởi vì do sự bế tắc trong các xu hướng tìm tới, sự phong tỏa từ đơn đặt hàng cứng nhắc của từng thời đại lịch sử, sự lỗi thời nhàm chán khi văn chương và hiện thực được đúc chung từ một khuôn mẫu, thì văn học huyền ảo với yếu tố phi lí làm chủ đạo, đã trình bày một thế giới huyễn tương khá xa lạ. Thật ra văn học huyền ảo không có nghĩa xa rời tất cả, như một sản phẩm của trí tưởng tượng, trở thành thứ hoang tưởng đối lập với con người, trái lại nó gắn với hiện thực rất chặt chẽ, nó mang trong mình bản chất cốt lõi của hiện thực. Thiên sứ, Thực đơn chủ nhật của Phạm Thị Hoài trước đây, Ngày hoàng đạo của Nguyễn Đình Chính gần đây là những tác phẩm thể hiện xu hướng văn học huyền ảo. Sự dè dặt và cẩn trọng của một số nhà văn khác trên đường tiếp nhận và thử nghiệm, cho thấy văn học huyền ảo vẫn còn xa lạ với Việt . Trong bối cảnh ấy Những mái đầu xanh(1), của Hoàng Thái Sơn dù chưa phải thuộc loại tiểu thuyết huyền ảo một trăm phần trăm, nhưng nhân vật, sự việc, tình huống vấn đề đã gợi mở những tín hiệu đáng quý. Ngay từ phần đầu - Bà già trăm tuổi bỏ chồng nhà văn đã đưa ra tình tiết phi lí. Cuộc hôn nhân giữa bà Nhỏ và ông Lừa như số phận trớ trêu trong Miếng da lừa. Bà Nhỏ đã trăm tuổi nhưng không có lấy một ngày sống cho ra sống. Cuộc đời bà là kiếp nô lệ không còn lối thoát. "Hy vọng tự do tắt dần, giọt nước cuối cùng đang đứng trước cơn đại hạn một thế kỉ! Bà biết trước cái ngày tiếng nổ định mệnh sẽ tới”, bởi "tám chục năm bên cạnh ông chồng lầm lỡ!". Vì thế dù đã trăm tuổi, một con người nhỏ thó chỉ "cao một metere hai đêxi ba xăngti bốn mili", như "một con bé còi cọc, một đứa ăn xin nhỏ choắt" bà Nhỏ vẫn quyết định bỏ chồng. Khi trở về ngôi nhà mái lá xưa, ngay trong đêm đầu tiên bà già trăm tuổi ấy đã hóa thân thành cô gái hai mươi hai tuổi. "Việc ông trời cải lão hoàn đồng cho bà Nhỏ, lúc đầu cũng gây xôn xao dư luận, báo chí rùm lên, nhưng rồi người ta lại sớm quên đi bởi coi đó cũng là thứ chưa lấy gì làm ghê gớm… Không ai còn xem nàng là thứ con trời lọt xuống trần gian nữa". Tình tiết thứ ánh sáng lạ cùng với cụ già hiện ra không phải là bút pháp trong truyện cổ tích thần thoại, mà là thủ pháp nghệ thuật ảo hóa nhân vật, huyền thoại hóa chi tiết đời sống. Nhân vật không đồng nhất với hiện thực, hiện thực đi theo ý tưởng nhà văn, tạo ra thế giới văn chương tượng trưng, phi hiện thực. Cuộc sống của bà Nhỏ từ đây bước sang trang khác. Gian nhà nhỏ ngày xưa nay trở thành trung tâm câu lạc bộ Những mái đầu xanh với những người bạn trẻ như Cò, Duy, May, Hồng Thập Tự. Mỗi con người trong câu lạc bộ có một số phận riêng. Trong số những gia đình May giúp việc "có một ông già nằm liệt giường do chứng gì không rõ, chỉ mỗi cánh tay trái là còn ngo ngoe được…". Ông già ở trong căn phòng biệt lập, không có bất kì một thứ nào khác ngoài chiếc giường được làm từ "một thứ hợp kim siêu bền chỉ duy làm các vỏ con tàu vũ trụ" và một chiếc que để ông già múa may cũng làm bằng thứ hợp kim đó. Thế nhưng May phát hiện ra nơi "cái miệng đen ngòm răng còn đúng hai chiếc rưỡi", của ông già, một con ma "thèm sắt" gần trăm tuổi ấy đã nhai "rau ráu" tô, bát, hộp sắt, chai lọ, đinh rỉ, chìa khóa… Ông "chén tất, chén say sưa, ngon lành không để lại chút tang tích”. Đó chính là hiện thân của cái ác, sự tàn bạo tự vạch mặt giả đạo đức. Yếu tố phi lí như đi ra từ một thế giới ma quái. Người đọc liên tưởng đến những hạng người dơ bẩn trong xã hội, làm việc gì ăn việc đó, có thứ gì chén thứ đó. Đó là loài sâu mọt xã hội, loài gậm nhấm bẩn thỉu và đê tiện nhất. Hiệu quả của việc xây dựng các nhân vật tha hóa, không phù hợp thực tế này không có gì là khó hiểu trong một xã hội trường kì mắc bệnh tham nhũng. Yếu tố vô lí trần trụi lại mang một hiện thực tự bên trong. Đấy chính là vấn đề đặt ra của văn học huyền ảo. Tội ác vẫn tồn tại vô hình và phi lí, nó diễn ra hàng ngày quanh ta. Sự bất an vẫn đeo đẳng thế giới này mọi nơi, mọi lúc như cơn ác mộng bao trùm lên tất cả. Vì thế bà lão trăm tuổi nhất quyết phải bỏ chồng "cởi bỏ gông xiềng khỏi vai… cầm trong tay một trăm ngày tự do, chính bà đã tự giành lấy nó về mình từ bàn tay số phận, đã làm một việc lạ lùng xưa nay chưa dám ai làm, đó là tự giải phóng mình…", để rồi kết thúc tiểu thuyết Hoàng Thái Sơn cho nhân vật mình ngày mai đi lấy chồng. Và May cũng "hết chịu nổi rồi", phải thoát khỏi sự kinh khủng ấy, về nhà với mẹ dù "ngủ trên manh chiếu cói, ăn rau mà ngọt ngào, cười tươi, thần kinh không còn lúc nào cũng chực đứt". Ước vọng nhằm giải phóng con người, khát vọng tự do, vượt lên số phận… là ý thức nhân văn trong sáng tạo của nhà văn. Vì mục đích đó, nhân loại sẵn sàng từ bỏ những gì ràng buộc họ, biến con người thành nô lệ. Ngay cả những gì quá quen thuộc nhàm mòn cũng là thứ nô lệ vô hình kìm hãm sự phát triển. Bởi vậy nhà văn Hoàng Thái Sơn giành phần ba - Trinh nữ và thiên thần để kết thúc tiểu thuyết. Cô bé May mang thai tới ngày sinh nở cho ra đời một thiên thần. Tại bệnh viện tỉnh "người ta khám vào chỗ "kín" của May, và kết quả thật bất ngờ: vẫn… "kín cổng cao tường". Chi tiết Đại (tên của Nhỏ do Cò đặt) nằm mơ thấy quầng sáng lung linh xuất hiện cùng cụ già như ông tiên báo mộng, như lần đầu ở phần hai cô từng mơ, vì "cảm động trước sự thanh sạch của tâm hồn nó, không muốn nó phải vương vào bụi bậm chốn trần ai ngày một lan ra khắp tám cõi…" và trò chơi "ném bàn chân vào lốt bàn chân nào là trúng phắp" của nhóm bạn trong câu lạc bộ, dẫn đến việc mang thai của May lại là một yếu tố phi lí, hoang tưởng, trái với khoa học. Nhưng, như đã nói, nhờ yếu tố phi lí này văn học có điều kiện mở rộng khả năng nhận thức đời sống, giải tỏa những ẩn ức của con người, giúp con người nhìn xa trông rộng hơn, "tạo ra một nghệ thuật mô tả cái vắng mặt, nghệ thuật thông báo cái không thể thông báo, diễn đạt cái không thể diễn đạt"(2). Câu lạc bộ những mái đầu xanh - một tổ chức không chính danh, được Hoàng Thái Sơn xây dựng như một tổ ấm, có thể ví đó là những hạt giống thanh sạch, trong sáng, vô tư. Những con người này sẽ là chủ nhân của đất nước mà khát vọng hướng tới. Tuy nhiên văn học huyền ảo với yếu tố phi lí, đòi hỏi thủ pháp nghệ thuật rất tinh xảo. Làm sao để cái phi lí trở thành cái hợp lí, có thế tác phẩm văn học mới đưa người ta đến một thế giới hiện thực ngoài hiện thực, có thể nói cao hơn hiện thực. Mặc dầu Những mái đầu xanh thu tóm một xã hội rộng lớn có bóng dáng chiến tranh, có thời hòa bình, phố phường, nông thôn, có cả thời mở cửa, ta vẫn thấy thủ pháp nghệ thuật chưa đồng nhất, cái ảo và cái thực còn tách rời, thiếu những khoảng mờ nhòa cho đường biên phát triển, nhiều trang thoại dài khó ăn nhập. Chưa thể nói Những mái đầu xanh là tiểu thuyết huyền ảo hoàn hảo, để góp phần làm một bước nhảy trong văn chương. Dẫu sao trong khi nhà văn vẫn còn dè dặt với thứ sản phẩm không thuộc trường phái nào, chủ nghĩa nào, thì văn học huyền ảo mở ra cho văn chương đương đại nhiều hứa hẹn đáng trân trọng. 16/3/2008 HOÀNG VŨ THUẬT (nguồn: TCSH số 230 - 04-2008)
--------------------------------------- (1) NXB Hội Nhà văn, 2006. (2) Kafka với cuộc chiến chống phi lí, Nguyễn Văn Dân, Tạp chí Văn học nước ngoài, số 4 - 1996. |