Quả cầu buồn bã quay, loài người nhỏ nhoi, tuyệt vọng. Trẻ hay già không nhiều ý nghĩa trước câu hỏi: người đã làm được gì và chúng ta, những thế hệ nối tiếp, sẽ làm được gì nữa? “Thế giới và tôi” có lẽ là tập thơ lớn của anh. Bản thân thơ là mê hoặc và tự mê hoặc, phát sinh cân bằng và tiêu diệt cân bằng, gốc và ngọn, tự chủ và mất tự chủ... Mong manh, khôn lường như thế, thử hỏi, con người lúc đa cảm, lúc quả cảm, như anh, làm sao cưỡng lại? Thơ đã chiếm lấy anh, chiếm lấy chúng ta bằng sức mạnh tự thân, bằng sự nhạy bén của tâm hồn thi sĩ, mặc sức lan toả trên những trang viết và lưu luyến mãi trong tâm tưởng. Trong cơn mê hoặc của thơ, Ngô Tự Lập viết: “Thế giới và tôi - Hai miền hoang tưởng - Có phải sinh năm 1962?” Một phát hiện tinh tế về sự phát sinh của thế giới: khi ta sinh ra thì thế giới của ta mới được sinh ra. “Có phải” buông giữa “hai miền hoang tưởng”, cho ta một cảm giác lạc lõng. Hết phần một, quá đủ. “Thế giới và tôi”. “Tôi” ở đây - một con người nhạy cảm, “thậm chí không phải là hạt bụi”, hơi ngô nghê mà chân thật. Ấn tượng chiến tranh thật nhiều, tôi không nhắc nữa. Và bản thân anh có lẽ cũng nhận ra một chân trời mới cần phải tới. “Đến từ chân trời, tôi đi về một chân trời khác”. “Những bầu trời đang cuồn cuộn trôi, những bầu trời đang cuồn cuộn trôi, chúng phải mang những nỗi buồn vĩnh cửu”. “Những bầu trời” hay chính anh với nỗi buồn gần nửa đời người? Anh sẽ về đâu? Sẽ nằm dài trên lưng “Trung du”? Hay nằm xuống rồi còn giật mình vùng dậy, tê tái thấy “Bóng mẹ đi qua sườn đồi như một đám mây lớn”? Anh đã thật cố gắng mang “nỗi buồn” ấy trên lưng, trong tim và (biết đâu) ngay cả trong cái chết. Nhưng sẽ còn gì nếu cứ u uẩn thế? Anh đã tìm thấy giá trị thực sự của hôm qua, hôm nay và ngày mai nữa. Tôi ôm cây đàn của tôi Như ôm tháng năm hạnh phúc Anh thốt lên cùng John Lennon và Paul Mc Cartney về nhưng điều kì diệu: “Ôi, tôi tin vào ngày hôm qua”. Chẳng có ngày hôm nay nào lại không trở thành ngày hôm qua cả. Ám ảnh mãi với “hôm nay”, “hôm qua”, “gieo hạt”, “rạ khô”, “chân trời”, rồi quanh quất đâu đây những niềm đau quá khứ, xin nhà thơ của chúng ta hiểu rằng anh có thể thốt lên, nhưng lời anh bay mất rồi, anh có thể viết ra, nhưng thơ anh đã là của thời khắc trước. Anh phải sống trẻ trung hoành tráng chứ đừng vội nhắc đến hai từ “Số phận”. “Thuyền trưởng” có lẽ là một bài thơ xuất sắc. Tôi nói đến: “Chiều thứ bảy cuối cùng trên trái đất”. Anh liên tưởng thế giới tuyệt diệu của chính bản thân. Anh sẽ vẫn là thuyền ttrưởng trên con tàu đó chứ? Dù sao trái đất cũng lỡ quay rồi. Cái ao nhỏ trong vắt, bấy lâu lặng yên, giờ ghé thêm một vài vòng nước lăn tăn, lan rộng. Con chuồn chuồn hạ cánh, rồi bay lên. Bay cao thì nắng... NGUYỄN VĨNH TIẾN (nguồn: TCSH số 143 - 01 - 2001) |