Tạp chí Sông Hương - Số 147 (Tháng 5)
Bác Hồ với tiến trình văn học trong giai đoạn hiện đại hoá
17:36 | 16/05/2008
Bàn luận về những vấn đề văn học mới, phạm trù văn học mới, tiến trình hiện đại hoá văn học Việt Nam ở thế kỷ 20, nhiều nhà nghiên cứu đã khẳng định giá trị và sự đóng góp của văn học hợp pháp, văn học cách mạng trong nửa đầu thế kỉ. Với cái nhìn bao quát và biện chứng theo dòng thời gian, chúng ta nhận rõ công lao góp phần mở đầu hiện đại hoá và phát triển văn học theo qui luật tiến hoá của lịch sử Việt của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh.
Bác Hồ với tiến trình văn học trong giai đoạn hiện đại hoá

Về văn hoá mới, năm 1946, Bác Hồ viết: “Gốc của văn hoá mới là dân tộc. Nếu dân tộc mà phát triển đến cực điểm thì tức là tới chỗ thế giới hoá đó, vì lúc bấy giờ văn hoá thế giới sẽ phải chú ý đến văn hoá của mình và văn hoá của mình sẽ chiếm được một địa vị ngang với văn hoá thế giới. Mình có thể bắt chước những cái hay của bất kỳ nước nào ở Âu Mỹ nhưng điều cốt yếu là sáng tác. Mình đã hưởng cái hay của người thì mình cũng phải có cái hay cho người ta hưởng. Mình đừng chịu vay mà không trả”(1)
Nhớ lại những năm 20, học giả Phạm Quỳnh viết: “Muốn cho gây được thành một cái quốc học riêng của mình thì phải dùng phương pháp khảo cứu phê bình của khoa học mà phân tích những học thuyết cùng nghĩa lý cũ của Á Đông ta rồi đem ra nghiền ngẫm, suy nghĩ, đối chiếu với những điều chân lí cùng những sự phát minh của khoa học Thái Tây. Kết quả của sự phân tích cùng tổng hợp đó, tức là tài liệu để gây ra quốc học sau này vậy”(2)
Luận điểm này thiên về sự tiếp nhận văn hóa của Đông phương và Tây phương để xây dựng nền quốc học. Cho nên dễ sa vào lệ thuộc tư tưởng văn hoá Đông Tây nói chung có tính chất tùy thời và cơ hội dễ làm lu mờ bản sắc dân tộc. Luận điểm của Bác Hồ nhấn mạnh cái gốc dân tộc, tiếp thu tinh hoa Đông Tây nhưng cốt yếu là sáng tạo để có một địa vị ngang với văn hoá thế giới. Phương hướng đúng đắn đó của Bác Hồ đã được tổng kết trên cơ sở sự sáng tạo rất sớm của Người từ Truyện và Ký bằng Pháp ngữ (Contes et Récits) tiếp đến Nhật ký trong tù, Tuyên ngôn độc lập góp phần đi đầu hiện đại hoá văn học Việt .
Nguyễn Ái Quốc đã tiếp nhận văn hóa Pháp để sáng tạo như thế nào? Từ năm 1911 đến năm 1923, Nguyễn Ái Quốc đi đến nhiều nước ở Châu Âu, Châu Phi, Châu Mỹ. Người đã tiếp xúc nhiều với đời sống nhân dân lao động các nước, đã kiên trì tự học sinh ngữ, đọc và sử dụng thành thạo tiếng Pháp, tiếng Anh. Người đã xúc động khi đọc và nghiên cứu các bản tuyên ngôn nổi tiếng: Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ (1776), Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền  của Cách mạng Pháp (1792). Ở Paris, luật sư Phan Văn Trường đã hướng dẫn “anh Nguyễn” đọc các tác giả mác xít, các tác phẩm triết học, lịch sử, văn chương Pháp, Anh, Nga. Anh thường đến thư viện Sainte Geneviève ở đường Panthéon. Ở đó, anh đã đọc bao nhiêu tác phẩm của Rousseau, Michelet, Hugo Zola, France, Rolland, Barbusse, Shakespeare, Dickens, Tolstoi... Tác phẩm Émile của Rousseau làm cho anh hiểu Rousseau là một nhà giáơ dục hiện đại; tác phẩm lịch sử của Michelet viết dưới ánh sáng của quan điểm cách mạng tư sản Pháp làm cho anh hiểu ý nghĩa đấu tranh giai cấp. Tiểu thuyết Lửa (Le feu) của Henri Barbusse làm cho anh thông cảm sâu sắc với số phận người lính trong chiến tranh đế quốc và liên hệ đến số phận của nhiều đồng bào của anh bị đẩy sang Châu Âu đánh trận cho Pháp. Tiểu thuyết Những người khốn khổ (Les Misérables) của Hugo làm cho anh xót thương bao thân phận bị đọa đày. Trong thư gửi cho người bạn Pháp là nhà báo La Couture sau này, Nguyễn Ái Quốc viết: “Chao ôi, nếu ông biết được là hàng năm tôi say mê đọc Hugo và Michelet đến thế nào. Những tiếng nói ấy không thể nào ai lầm được, đó là tiếng nói của dân chúng các ông giống dân chúng tôi y hệt như anh em”.(3)
Hoạt động cách mạng ở Pháp, Nguyễn Ái Quốc sớm đứng về cánh tả của đảng xã hội; Người đã liên lạc chặt chẽ với các nhà báo cấp tiến như Gaston Monmousseau, chủ bút báo Đời sống công nhân, Jean Longuet, con rể của Mác, chủ bút báo Nhân dân. Monmousseau đã hướng dẫn anh Nguyễn cách viết báo: “Cần viết thật ngắn chừng năm sáu dòng, rồi viết dài ra, rồi rút ngắn lại nhằm nêu được vấn đề chủ yếu có nhiều giá trị thông tin”.(4) Ngày 16 và 17 tháng 7 năm 1920, báo Humanité công bố bài viết của Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa. Lần đầu tiên Nguyễn Ái Quốc đọc Lê nin. Nhận ra tư tưởng vĩ đại của Lênin thật cần thiết cho dân tộc mình, Người đã sung sướng kêu lên: “Hỡi đồng bào thân yêu đang bị đọa đày đau khổ, đây là điều mà chúng ta đang cần, đây là con đường giải phóng”. Đảng Cộng sản Pháp thành lập tháng 12 năm 1920, do Marcel Cachin đứng đầu. Nguyễn Ái Quốc là người cộng sản đầu tiên của Việt Nam, định hướng vận dụng chủ nghĩa Mác và những kinh nghiệm thực tiễn phong phú, những tri thức toàn diện về chính trị, xã hội, văn hoá của xã hội tư sản vào cuộc đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Người đã sáng lập và làm chủ bút tờ báo Le Paria (Người cùng khổ) để góp tiếng nói đấu tranh vì quyền lợi của nhân dân nước mình và quyền lợi của nhân dân nhiều nước thuộc địa khác. Không dừng ở việc làm báo, Người sáng tác văn chương bằng ngôn ngữ Pháp. Đó là mười bốn truyện ngắn và ký viết từ năm 1919 đến năm 1923 về các đề tài sinh hoạt  chính trị ở Pháp và tình cảnh nhân dân các nước thuộc địa. “Truyện và Ký của Nguyễn Ái Quốc có bóng dáng sự tiếp thu văn học Anh, Nga, Pháp, nhưng lại là những sáng tác đặt nền móng cho văn xuôi hiện thực xã hội chủ nghĩa Việt ”(5). Nội dung Truyện và Ký có giá trị hiện thực và nhân bản sâu sắc thể hiện tinh thần đấu tranh giải phóng dân tộc và sự tiếp cận lý tưởng hiện thực cách mạng của thời đại ta. Về nghệ thuật là dấu hiệu của nền nghệ thuật hiện thực mới tổng hợp nhiều yếu tố nghệ thuật văn xuôi thời đại kỹ trị, góp phần mở đầu tiến trình hiện đại hoá văn học Việt .
Tác giả đã từng say mê đọc Victor Hugo, nhà văn lãng mạn cảm hứng “thêm vào cây đàn lia của mình một sợi dây đồng” âm vang cuộc chiến đấu của nhân dân Pháp bảo vệ thành quả cách mạng. Sau này tác giả cũng khẳng định “Nay ở trong thơ nên có thép” vì cuộc chiến đấu cách mạng của nhân dân Việt . Hugo đã làm thơ về hai Paris, Paris của giới trưởng giả quí tộc ở đường Champ Élysée và Paris của dân nghèo ở khu Gorbeau, hoặc ở ngoại ô Saint Antoine. Nguyễn  Ái Quốc viết về hai Paris khác nhau, sự sang trọng bên này ở Étille và sự đau khổ bên kia ở Épinette (ký Paris ). Nguyễn và Hugo đều nặng lòng xót thương người cùng khổ nhưng nếu Hugo thiên về trữ tình lãng mạn thì Nguyễn lại tỉnh táo xuyên ngang một mũi giáo trào lộng: “Khải hoàn môn ở quảng trường Étoile thu lại để cùng một chỗ cả cái hư vinh của tác giả bao nhiêu cuộc giết chóc kinh khủng ở châu Âu và cả nắm di hài của nạn nhân cuộc tàn sát thế giới”. Và “cụ già ở phố Épinette kể về nỗi khổ của mình và cụ biết đâu chính cháu Albent đáng thương, con cụ, nằm dưới Khải hoàn môn. Cụ khóc.
Hai nhà văn Pháp Rabelais và La Fontaine đã sử dụng tài tình các hình tượng súc vật trong truyện kể Gargantua và Pantagruel, trong thơ ngụ ngôn để phê phán hiện thực. Nguyễn viết ký Nói về loài cầm thú miêu tả công việc kỳ cục của Hội bảo trợ loài vật ở Pháp trong khi bao người cùng khổ không được săn sóc. Cái mới của tác giả là với một bài ký ngắn, tác giả đã chỉ mặt đặt tên, lên án, chỉ trích bọn đế quốc, thực dân, bọn bóc lột với bút pháp tượng trưng sắc sảo: con chó ngắn mõm (ám chỉ đế quốc Anh thời đó), con khỉ phơlamăng (đế quốc Hà Lan), con gà sống Gôloa (đế quốc Pháp), con hổ (toàn quyền Clémenceau ở Đông Dương), loài diều hâu (bọn cho vay nặng lãi), loài quạ (bọn bóc lột), loài mèo lông xù (bọn quan toà), loài nhặng (bọn ba hoa gieo rắc dân chủ)... và Albert Sarraut đọc diễn văn ở đảo chó...” cắm cho mấy con chim sẻ bản xứ vài cái lông công làm cho chúng trở thành con vẹt, chó giữ nhà” (bọn a dua xu nịnh, tay sai). Sau khi đọc Lửa của Barbusse, Người viết Những người bản xứ được ưa chuộng nói về những người lính bị bắt ra trận ở Châu Âu trong thế chiến 1914 - 1918. Những kẻ hai lần bị bóc lột, sức lao động ở thuộc địa và máu xương ở chiến trường, lại được đem triển lãm!
Những truyện và ký khác như Viện Hàn lâm thuộc địa, Động vật học, Sở thích đặc biệt, Đồng tâm nhất trí... phơi bày bộ mặt thực dân và tay sai hèn hạ, tàn bạo, xảo quyệt; vạch trần cái trò bịp “đạo lý thuộc địa” với chính sách khai hoá; châm biếm vua Khải Định ăn chơi trác táng nay trở nên nhà hiền triết thích tình yêu kiểu Platon... Trong những truyện Lời than vãn của bà Trưng Trắc, Con người biết mùi hun khói, tác giả ca ngợi nhân dân ta “treo bao tấm gương đạo đức và dũng cảm, chí khí và tự tôn, “tin tưởng tương lai thế giới cần lao “tung bay kiêu hãnh lá cờ Nhân đạo và Lao động”. “Trí tưởng tượng của người cầm bút nhờ ngọn gió lãng mạn mà được chắp cánh bay bổng, nhưng không phải để lạc loài đến những thế giới xa lạ, huyền hoặc mà để tiến thẳng, tiến nhanh đến những chân trời rất hiện thực”. (6) Các thể loại khác như thơ và văn chính luận của Người đã hội tụ những giá trị hiện đại sâu sắc.
Nhật ký trong tù gồm trọn vẹn 133 bài thơ là một tập nhật ký viết bằng chữ Hán trong thời kỳ Người bị bọn Quốc dân đảng bắt giữ và giải qua 13 huyện tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Bài thơ đầu “Thân thể ở trong lao/Tinh thần ở ngoài lao/ Muốn nên sự nghiệp lớn/Tinh thần càng phải cao” có thể xem như một lời đề từ cho cả tập thơ. Nhật ký trong tù đã “cắm một mốc lớn trên tiến trình văn học sử, góp phần xác nhận rõ nét một bản sắc thơ độc đáo, trong đó có sự hài hoà tinh tế mọi thi pháp của phương Đông cổ điển với những dòng chảy của thi ca hiện đại: có nhật ký, tư liệu, miêu tả, quyện làm một với chứa chan thi hứng; có thâm trầm, hài hước, phẫn nộ, triết lý, nhưng trên hết vẫn là cảm xúc và tư duy cách mạng được nâng lên thành vẻ đẹp của thơ”. (7)
Tác phẩm thể hiện sự bình tĩnh, sự ung dung thanh thản của một chiến sĩ đã hơn nửa đời người chịu đựng mọi gian khổ, mọi khó khăn để làm cách mạng giải phóng cho dân tộc. Người thương lấy quy luật vận động của tự nhiên để liên tưởng đến quy luật của xã hội và con người. Trong sự tuần hoàn của đất trời, không có cảnh “đồng tàn” làm sao có cảnh “huy hoàng ngày xuân”? Cho nên những năm tháng gian truân là thử thách rèn luyện con người thêm vững vàng (Tự khuyên mình). Người trân trọng từng nhịp đập của cuộc sống xã hội và thiên nhiên ở bên ngoài vang vọng vào nhà tù, như tiếp thêm nguốn sinh lực và gợi lên ở Người những tứ thơ độc đáo, làm cho thơ hài hoà trí tuệ và cảm xúc (Nghe tiếng giã gạo). Tập thơ tự rèn nghị lực nhằm thực hiện khát vọng độc lập, tự do ngàn đời của dân tộc và nhân dân. Suốt ngày Người nghĩ tới Tổ quốc, suốt đêm Người mơ tới Tổ quốc mình (Đêm lạnh, Hoàng hôn, Không ngủ được). Trong tác phẩm, Người đã 13 lần nhắc đến chữ “tự do”. Người tâm tình niềm cảm thông sâu xa với quần chúng lao khổ. Người thương cảm cảnh ngộ xa cách của người bạn tù và người khuê phụ (Người bạn tù thổi sáo, Vợ người bạn tù đến nhà lao thăm chồng). Cảm hứng nhân đạo chứa chan khi Người viết về số phận của phụ nữ và nhi đồng (Gia quyến người bị bắt lính, Nửa đêm nghe tiếng khóc chồng, Cháu bé trong nhà lao Tân Dương...). Cảm xúc trước thiên nhiên là thái độ vượt lên thực tại bị giam cầm. Cảnh và người, sự vật khách quan và chủ thể trữ tình hoà quyện vào nhau (Trung thu, Chiều tối, Ngắm trăng, Cảnh chiều tối...)
Thơ của Bác Hồ mang nhiều đặc điểm của thơ ca phương Đông với những nét giống thơ Đường qua nhiều bài thơ Đường luật. Tiếp nhận ảnh hưởng thơ Đường nhưng Bác đã sáng tạo như thế nào? “Thơ Bác rất Đường mà lại không Đường một tí nào” (Hoàng Trung Thông). Cái khác là trong thơ Bác con người là chủ thể của thiên nhiên, Bác thường đưa vào cái thiên nhiên vĩnh cửu của câu thơ xưa một nội dung xã hội. Thơ của Bác là những bức hoạ thuỷ mặc với nét chấm phá để nhiều khoảng trống dành chỗ cho sự tưởng tượng của người đọc (Đêm lạnh, Hoàng hôn, Cảnh khuya). Tính chất hiện đại của nghệ thuật thơ Nhật ký trong tù là lối thơ giản dị mà hàm súc, nhiều ẩn dụ, nhiều tượng trưng cấu tạo theo nhiều tầng ý nghĩa, mở ra nhiều kiểu liên tưởng trong tâm tư người đọc (Cảnh chiều tối, Giải đi sớm, Học đánh cờ, Cột cây số, Nghe tiếng giã gạo...). Nhà văn Pháp Roger Denux đã nhận xét: “Thơ Người nói ít mà gợi nhiều, là loại thơ có màu sắc thanh đạm, có âm thanh trầm lắng, không phô diễn mà như cố khép lại trong đường nét để cho người đọc tự thưởng thức lấy cái phần ý ở ngoài lời. Phải yên lặng một mình đọc thơ Người, phải thỉnh thoảng ngừng lại để suy nghĩ mới cảm thấy hết những âm vang của nó và nghe những âm vang ấy cứ ngân dài mãi.” (8)
Trên tiến trình hiện đại hoá văn học Việt , Bác Hồ đã sớm góp công sức mở đầu cả về đề tài nội dung và hình thức biểu hiện. Đề tài dân tộc độc lập và cách mạng xã hội của thời đại. Nghệ thuật văn, thơ bao gồm các yếu tố tự sự, trữ tình, trào lộng và hùng ca thời hiện đại. Về ngôn ngữ Bác Hồ đã chứng tỏ một khả năng sáng tạo của dân tộc ta về văn học trong thời hiện đại là sáng tác bằng nhiều ngôn ngữ, ngôn ngữ Việt và ngôn ngữ nước ngoài (tiếng Pháp, tiếng Hán) có hiệu quả cao góp phần thúc đẩy tiến trình hiện đại hoá văn học. Tuy sáng tác không nhiều nhưng Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã đưa ra một mẫu mực về hiện đại hoá và dân tộc hoá văn học Việt . Văn học đã và phải trở thành một bộ phận của phong trào giải phóng dân tộc tiến lên chủ nghĩa xã hội. Các nhà văn thời hiện đại sẽ có điều kiện thuận lợi để sử dụng tiếng mẹ đẻ hoặc các tiếng nước ngoài, sáng tác, hội nhập và dần dần thực hiện lời tiên đoán của Engels: “Sẽ ra đời một chủ nghĩa hiện thực mới khi các nghệ sĩ nắm được tất yếu lịch sử và biểu hiện theo kiểu Shakespeare”.

HOÀNG NHÂN*
(nguồn: TCSH số 147 - 05 - 2001)



-------------------------------------
* Tác giả đã mất.
(1)
Hoài Thanh trích dẫn trong cuốn: Có một nền văn hoá Việt , 1946.
(2) Phụ nữ tân văn, số 105, năm 1931. (3) và (4):
Hữu Ngọc: Hồ Chí Minh
và những giá trị văn hoá (Văn nghệ 3-1990). (5). Trần Đình Sử: Lý luận văn học, Nxb.Giáo dục, 1986. (6) Phạm Huy Thông- Giới thiệu Truyện và Ký. (7). Hồ Chí Minh - Nhật ký trong tù, Nxb.Văn học,1983. (8) Báo Văn nghệ số 227, năm 1967.

Các bài mới