Tạp chí Sông Hương - Số 147 (Tháng 5)
Tiếng trống lại vang lên trong ngõ vắng
10:07 | 20/05/2008
Khi biết nhà bác Cẩm ở trong ngõ nhỏ bên đường Phạm Hồng Thái, đối diện với Tòa soạn Tạp chí “Sông Hương”, tôi vừa ngạc nhiên, vừa như có chút ân hận.

Con người ta không ở nơi này thì ở chỗ khác, nhưng một người nổi tiếng như bác Cẩm ở ngay cạnh nơi hàng ngày mình thường qua lại mà đến nay mới biết thì cũng đáng trách là ...quan liêu. Vì dù sao tôi cũng mang danh là một cán bộ lãnh đạo văn nghệ trong nhiều năm, nay lại chỉ mê đắm theo đuổi những ngôi sao Hàn Quốc, Đài Loan... mặt hoa da phấn trên ti-vi, trên những trang báo sặc sỡ màu sắc. Vậy là ngoài bệnh quan liêu, còn bệnh “chuộng ngoại” và xem thường vốn cổ dân tộc nữa! Trong khi những giáo sư, nghệ sĩ tên tuổi tận bên Tây như Trần Văn Khê, Tôn Thất Tiết lại rất coi trọng nghệ thuật đánh trống của bác Cẩm và biết bao khán giả ở Pháp, Thụy Sĩ, Mỹ, Hồng Kông đã náo nức mỗi khi đôi bàn tay tài hoa của bác vung lên trên mặt trống.
Phải! Bác Cẩm - nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Mạnh Cẩm, Huy chương vàng Hội diễn Nghệ thuật toàn quốc năm 1985, người đã 70 năm làm rộn ràng sàn diễn khắp các phương trời, nay tôi mới được thấy tận mắt, bắt tận tay. Không phải cái bắt tay xã giao. Bên chiếc ghế xa lông mà bác đang ngồi xem một vở tuồng cổ trên ti vi, gần như là tôi đã quỳ xuống, sờ nắn từng ngón, ngắm vuốt từng ngón tay của người nghệ sĩ. Bằng cử chỉ trân trọng mà thân tình ấy, tôi hy vọng có thể nắm bắt được điều kỳ diệu đã khiến loại nhạc cụ đơn giản nhất mà lại tạo ra được những âm thanh phong phú có sức cuốn hút khán giả nhất trên sân khấu, ít ra cũng biết đôi bàn tay qua bảy thập kỷ cầm dùi trống đã thành chai như thế nào. Tôi đã lầm. Bàn tay không một vết chai. Những ngón tay săn chắc mà lại mềm dẻo, tuy cổ tay đã lốm đốm “da mồi”.
- 84 tuổi rồi! Tay cầm dùi trống cốt ở cách điều khiển gân nơi các ngón tay...
- Bác có để chiếc trống nào ở nhà...
- Anh  xem làm chi! Tôi cất trong tủ rồi!
Nói vậy, nhưng biết tôi muốn được xem “tận mắt, tận tay” cái nhạc cụ đã gắn bó với suốt cuộc đời bác, bác Cẩm lại mở chiếc tủ đứng ở góc nhà. Chiếc trống được bọc cẩn thận trong túi giả da, loại trống có đường kính ba mươi phân, cao khoảng gang tay tiện dụng lúc mang đi biểu diễn nơi xa. Tang trống làm bằng thân cây mít rừng - một cây nguyên, khoét rỗng bên trong chứ không ghép nối. Việc căng mặt trống, lúc nào bác cũng làm với thợ để bảo đảm độ căng hai mặt đúng yêu cầu. Dùi trống to bằng cỡ ngón tay cái, làm bằng gỗ cây Nguyệt Quới  thường mọc ở các chùa, loại gỗ khó bị gãy và không bị xơ. Năm 1995, với chiếc trống này, trong chuyến đi ở Mỹ cùng với 10 nghệ sĩ ca nhạc truyền thống Huế do nhà thơ Võ Quê dẫn đầu, bác Cẩm đã khiến hàng trăm khán giả bên kia bờ Thái Bình Dương nô nức đứng lên vỗ tay hoan hô nồng nhiệt. Nay thì chỉ mình tôi nghe, trong ngõ hẽm. Tiếng trống trong và ngọt, biến hóa theo từng điệu hát làm vui căn nhà trống vắng. Bác Cẩm ở cùng con gái Khánh Vân - cũng là một nghệ sĩ ưu tú, nhưng vợ chồng cô đang đi làm và hai đứa con trai đang đi học. Thực ra, trong căn nhà còn một thính giả nữa - vị thính giả đặc biệt từng bị cuốn theo nhịp trống của bác từ hơn nửa thế kỷ trước. Ngày đó, mặt trận Huế vỡ, các rạp hát ở Kim Long, Vĩ Dạ, An Cựu...không còn khách, chàng trai đánh trống Mạnh Cẩm tản cư ra Đồng Hới; có một cô gái mê xem tuồng rồi mê tiếng trống của người con trai Huế... Cô gái Đồng Hới xinh đẹp ngày nào nay đã là  một bà lão 82 tuổi. Thua bác trai 2 tuổi, nhưng xem chừng “bác Cẩm gái” không dẻo dai bằng; đi ra đi vào một lúc, bác đã phải vào giường nằm nghỉ. Hẳn là bác vẫn lắng nghe tiếng trống điêu luyện của “ông lão” và tiếng lòng không thôi nhắc nhở những năm tháng gian truân đã qua. Hơn 50 năm qua rồi! Bao nhiêu là nhọc nhằn vất vả đã trĩu nặng trên đôi vai gầy mảnh ấy. Từ Quảng Bình, ra Nghệ An; khi bom Mỹ nổ rung trời thành Vinh, Đoàn Cải lương Hòa Bình hết đất diễn, vợ chồng bác cùng bé Khánh Vân 8 tuổi lếch thếch đi bộ tới tận Thanh Hóa mới có tàu hỏa ra Hà Nội. Đoàn Ca kịch Huế-Trị Thiên đã kịp thời “chấm chọn” bác. Bất chấp bom đạn Mỹ cày nát hầu khắp các nẻo đường, làng xóm ở miền Bắc, từ Hà Nội, Đoàn Ca kịch Huế-Trị Thiên đã có lần vào diễn cho đồng bào Quảng Bình xem. Khán giả mỗi người một nhành lá ngụy trang, phản lực Mỹ nhào đến, chỉ diễn viên rút xuống đường hào đào sẵn ngay bên sân khấu. Năm 1973, bác Cẩm và Khánh Vân cùng một số nghệ sĩ trong Đoàn còn vào tận chiến khu Thừa Thiên biểu diễn. Hơn hai mươi năm xa quê, từ miền núi cao A Lưới tưởng như nhìn thấy Huế trước mắt mình mà đành chịu... Mãi đến sau ngày Huế giải phóng, đúng vào sáng 1/5, một chiếc xe quân sự dừng bánh trước cửa rạp Hưng Đạo. Vai mang ba lô, mũ tai bèo, bác Cẩm nhìn thành phố quê hương và dòng Hương với đôi mắt nhòa lệ. Cuộc đời diễn viên “lang bạt”, nhiều bà con tưởng là bác đã chết và người anh trai khi gặp lại bác ngỡ ngàng không còn tin vào đôi mắt mình. Hai năm sau ngày giải phóng, vợ chồng bác mới được đoàn tụ tại chung cư 46 Chi Lăng và mười năm nay, cùng với vợ chồng Khánh Vân, bác mới thật sự có được mái nhà riêng của gia đình mình.
Đời người, ai có thể níu giữ được tuổi thanh xuân nhưng tiếng trống của bác Cẩm thì như trẻ mãi với thời gian; hơn thế, nghệ thuật đến độ điêu luyện, chỉ một vài ngón tay rung khẽ như “chơi”, đôi dùi trống trơn bóng đã khua dậy những âm thanh rộn ràng trong trẻo làm xao động lòng người. Tôi lại xin được sờ nắm những ngón tay của bác. Lối đánh trông như “chơi”, dùng gân ngón tay mà không “lên gân”, nên đôi bàn tay cầm dùi trống 70 năm mà không một vết chai.
- Trông bác đánh ngon lành như thế thì còn đi biểu diễn được.
- Đôi tay còn linh hoạt, nhưng sức xuống nhiều rồi, hai năm nay tôi không còn dám đi đâu nữa. Buổi trình diễn tại Hội trường Ba Đình năm1996, có lẽ là lần diễn quan trọng cuối cùng của đời tôi. Lần đó, Tỉnh cho xe đưa tôi ra sân bay đi Hà Nội biểu diễn chào mừng Đại hội Đảng lần thứ 8. Vừa biểu diễn xong, ra sân bay là kết hợp với anh chị em từ Huế ra đi biểu diễn ở Hồng Kông. Chuyến đó, về đến nhà là tôi phải vào bệnh viện ngay. Từ đó, xương sống lúc nào cũng nóng. Tôi đang phải uống thuốc bắc. Vừa rồi, chương trình VTV3 của Đài Truyền hình Trung Ương vào tận nhà, nể quá, tôi phải biểu diễn để họ quay, nhưng làm gấp gáp như thế, lại quay, thu âm tại nhà, tạp âm nhiều, tôi cho là chưa đạt.
- Nghe nói nhạc sĩ Tôn Thất Tiết và giáo sư Trần Văn Khê rất chú ý nghệ thuật đánh trống của bác...
- Ông Tôn Thất Tiết vẫn thường gửi thư cho tôi, lại còn giúp tiền để bồi bổ sức khỏe nữa...
Bác Cẩm đứng dậy lấy lá thư của nhạc sĩ Tôn Thất Tiết cho tôi xem, ra bếp rót chén thuốc bắc uống như để tăng sức rồi tiếp tục câu chuyện:
- Ông Trần Văn Khê nghe tôi đánh rất chăm chú rồi hỏi ý nghĩa của mỗi cung bậc tiếng trống trong vở diễn, như khi có biến cố thì đánh ngũ liên vào giữa mặt trống, khi có người đưa tin cấp báo quan tướng tử trận chẳng hạn thì đánh ở vị trí sát tang trống, phối hợp với tiếng kèn gợi không khí cho diễn viên thể hiện cảm xúc; còn gõ lắc cắc bên tang trống là thể hiện tiếng vó ngựa, như thế này là một con, cả đàn thì khác...
Bác Cẩm vừa nói vừa minh họa bằng tiếng trống và cả lời ca của diễn viên mỗi lúc một say sưa. Sinh trưởng trong một gia đình có nhiều gắn bó với nghệ thuật tuồng (anh trai của bác là ông Cửu Dưỡng, nguyên là học viên lớp đồng ấu ở Thanh Bình Thự; còn người chị là nghệ sĩ tuồng Bạch Trúc) nên từ nhỏ bác đã thuộc nhiều làn điệu và trong những năm hoạt động ở Đoàn ca kịch Huế-Trị Thiên, bác là một diễn viên ca kịch với các vai diễn để lại nhiều ấn tượng trong lòng khán giả, nhất là vai đồn trưởng trong vở “Con gà chân chì” nổi tiếng một thời. Chính là nhờ thành thạo những lối nói và các điệu hát nên tiếng trống của bác không chỉ phối hợp nhịp nhàng với các vai diễn mà còn tạo không khí đưa diễn viên “vào vai” nhanh chóng.
Không dám làm bác mệt hơn, tôi cầm xem chiếc trống và định bỏ vào túi cho bác, nhưng bác Cẩm bảo:
- Anh để đó tôi... Bây giờ thì cũng chỉ cất làm kỷ niệm...
Về cuối câu, bác nói nhỏ, giọng buồn buồn nghe đến nao lòng khiến tôi cứ muốn thốt kêu lên: “Không! Một đôi bàn như thế, một chiếc trống như thế không lẽ...” Lặng một lát, tôi nói với bác:
- Không đi biểu diễn được, nhưng các học trò chắc đang cần đến bác.
- Mấy năm trước, tôi có dạy ở Trường Nghệ thuật, nay đã có Quốc Ngữ đảm nhiệm. Nó học với tôi từ hơn mười năm trước, nay là tay trống chủ lực của Đoàn Nghệ thuật truyền thống Huế. Thỉnh thoảng nó vẫn sang tôi, ngày lễ, ngày Tết còn mang gói trà, chai rượu cho thầy... Nói chuyện học trò, tôi kể anh nghe, có một anh bạn giới thiệu một cậu đến học với tôi; bữa ra mắt, cậu ta mang quà cáp đến, nói năng rất là cung kính: “Cháu muốn được bác dạy cho ít nhiều để có thể xuống thuyền đi “sô” với chị em...” Tôi hỏi: ”Thế trước nay đã đánh trống gì rồi?” - “Dạ chưa...” Tôi đưa trống cho cậu ta đánh thử. Nhìn đôi bàn tay và nhất là nghĩ tới việc cậu ta chỉ muốn học gấp để chạy “sô”, tôi từ chối. “Thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào...” Nhiều người cứ nghĩ nghề đánh trống thì có gì là khó khăn, ai học chẳng được. Anh biết không, tôi học đánh trống từ năm 13 tuổi, mỗi khi gặp lễ hội hay đi ngang ngôi chùa nào nghe tiếng trống, tiếng mõ cũng đều dừng bước lắng nghe, học hỏi; vậy mà đến nay vẫn chưa dám nói là hoàn hảo...
Bác Cẩm thong thả bỏ hai chiếc dùi trống vào một bao vải nhỏ, nhưng vẫn để nguyên chiếc trống trên mặt bàn xa lông. Hẳn là hồi ức tuổi thơ đang làm bác xao động. Từ chiếc “trống” tự tạo bằng lon sữa và bong bóng bò “ngày xưa” đến chiếc trống từng “mang đi đánh ở nước người” làm vẻ vang thêm cho nghệ thuật truyền thống Huế có biết bao nhiêu là kỷ niệm. Tôi cũng có cảm giác hình như bác muốn trì hoãn việc đóng lại chiếc “phẹc-mơ-tuya” nơi cái túi giả da đựng trống để rồi cất biệt nó sau cánh tủ khép chặt. Từ chiếc giường “bác Cẩm gái” nằm, chợt có tiếng vọng sang:
- Ông đã cắm nồi cơm chưa? Trưa rồi...
- Ờ...được rồi! Bà khỏi lo.
Như người sực tỉnh khỏi cơn mê, bác Cẩm đáp nhanh vậy rồi đứng dậy đi xuống bếp. Đã đành, nghệ sĩ cũng là con người, phải lo ăn lo uống, về già vẫn lo tìm công kia việc nọ đỡ đần con cháu được chút nào hay chút ấy, mặc dù con cháu chỉ muốn các cụ được nghỉ ngơi, nhưng nhìn theo thân hình gầy gò với cái lưng đã hơi còng và mái tóc bạc của bác Cẩm lui cui đi lo việc đong gạo nấu cơm, tôi cứ tiếc cho đôi bàn tay tài hoa của người nghệ sĩ ấy. Không thể “lên lớp” được thường xuyên, nhưng bác vẫn có thể giúp ích nhiều cho việc đào tạo thế hệ tiếp nối. Không chỉ là những ngón nghề quý giá cần được truyền lại, mà niềm đam mê nghệ thuật không vì danh lợi của bác cũng là bài học rất đáng được lớp trẻ kế thừa. Với bốn đơn vị tại địa phương (hai Trường Nghệ thuật, hai Đoàn ca múa) có những học sinh, những nghệ sĩ trẻ đang theo đuổi bộ môn nghệ thuật truyền thống, nếu biết khai thác thì tiếng trống của bác Cẩm thiếu gì dịp được “giải thoát” khỏi ngăn tủ kia và cái ngõ hẽm không tên này. Ngay cả Quốc Ngữ, tay trống hạng nhất trong các đêm diễn ở Huế hiện nay cũng đang rất muốn được học thêm với bác, tuy anh  đã có Đức Tiễn tôn làm “thầy”. “Còn lâu em mới đánh được như bác Cẩm!” Quốc Ngữ đã thành thực nói với tôi như thế, khi nghe tôi bảo có người cho rằng ở Huế bây giờ đã có lớp trẻ thay thế được bác Cẩm!
Chia tay với bác Cẩm, tôi cứ thầm mong chiếc trống đang lặng lẽ nằm kia vẫn sẽ có dịp được cất tiếng với đôi tay tài hoa từng được nhiều thế hệ diễn viên phong tặng là “đôi bàn tay vàng”, dù đã 70 năm trong nghề vẫn như không biết đến sự già nua.
Chợt nghĩ: Không biết đã có cuộn “băng” nào ghi lại kỹ càng những “ngón nghề” của đôi bàn tay ấy để truyền lại cho hậu thế? Không, phải ghi lại bằng đĩa “CD”, để gìn giữ thứ tài sản quý hơn vàng ấy không bị ẩm mốc, phai nhòa theo thời gian. Trong số tiền tỷ mà Nhà nước cấp cho Sở Văn hóa Thông tin hàng năm, hẳn là không khó trích ra một khoản nhỏ để thực hiện việc đó?
                                                           Trường An-Huế, tháng 4/2001

NGUYỄN  KhẮC Phê
(nguồn: TCSH số 147 - 05 - 2001)

Các bài mới
Các bài đã đăng