Tạp chí Sông Hương - Số 148 (Tháng 6)
Món nợ văn chương
16:49 | 20/05/2008
Chuyện kể rằng ở xóm Đồng có một gia đình hiếm con lắm, chữa mãi đến năm chồng 45 tuổi, vợ 40 tuổi mới có mang.
Món nợ văn chương

9 tháng 10 ngày sinh được một thằng con trai nhưng chỉ được nửa ngày sau thì nó mất. Gia đình khóc lóc thương nhớ lắm. Thế rồi vừa hết cữ chị vợ lại mang thai. 9 tháng mười ngày sau lại sinh được một thằng con trai. Cũng như lần trước nó chỉ sống được mấy giờ rồi mất. Ở làng có ông thầy chữ nho hay chữ, biết lắm chuyện thánh nhân nghe chuyện đến bảo gia đình kia đừng chôn cất vội. Ông lấy nghiên mài mực, dùng bút lông viết lên trán thằng bé một chữ. Rồi ông bắt quyết đọc thần chú. Xong, ông mới bảo gia đình mai táng. Lại hết cữ, chị vợ có mang, sự vui mừng thì ít mà sự lo thì nhiều. Tuy nhiên 9 tháng 10 ngày sau người đàn bà cũng mãn khai một thằng bé. Thằng bé cất tiếng khóc chào đời rất to, báo hiệu rằng nó sẽ khỏe mạnh. Người sản phụ nằm trên bàn đẻ thót tim lo lắng, chưa dám tin đứa trẻ sẽ sống. Bà đỡ giơ thằng bé cho mẹ xem mặt. Sản phụ giật mình khi thấy trên trán thằng bé có một cái bớt đen. Thế là nỗi đau của người mẹ như tăng lên gấp bội. Đến nửa ngày sau đứa trẻ vẫn sống, người mẹ mới yên tâm phần nào. Bà thầm nhủ:
- Ơn trời, thôi thằng bé có xấu xí một chút nhưng trời cho nó sống là được rồi, cám ơn trời lắm.
Khi bà mẹ bế thằng bé về ông thầy chữ nho nghe tin đến xem. Nhìn thấy vết đen trên trán thằng bé ông tủm tỉm cười. Đoạn dặn bà mẹ:
- Nó khó tính khó nết đấy chịu khó mà chiều nó nhé.
Quả là thằng bé khó nết nó khóc dạ đề đủ ba tháng mười ngày. Rồi sài rồi đẹn. Đến hai tuổi mà nó chẳng biết nói biết đi. Đến ba tuổi thì nó bập bẹ tập đi nhưng có vẻ mặt như một người già. Ông thầy chữ nho đến thăm thấy vậy gõ gõ vào trán nó mà rằng:
- Ấm ức chi vậy anh đồ nho. Để mãi trong lòng sinh bệnh. Có nói gì nói ra cho ta nghe với.
Thằng bé mấp máy môi nhìn ông thầy chữ nho rồi bật ra hai từ: Chào ông.
Đoạn nó nhảy xuống đất đi lại, nói năng nhanh hoạt bát như một đứa trẻ bình thường.
Đến năm nó 6 tuổi cha mẹ cho nó đến trường học chữ như mọi đứa trẻ trong làng nhưng nó không chịu đi học mà cứ nhất quyết đòi đến học ông thầy chữ nho kia. Cha mẹ nó vốn coi nó là đứa trẻ không bình thường nên đành phải chiều theo ý nó.
Nó đến ông thầy chữ nho mang nghiên bút ra dạy nó. Nó chắp tay vái ông thầy rồi bảo:
- Ông còn lạ gì tôi mà lại sắp nghiên bút ra dạy tôi thế này. Tôi nhớ có lần ông bảo tôi có gì uất ức thì nói ra. Nay tôi đến nói với ông đây.
Nói xong lại bảo ông thầy chữ nho kia sắp cho cút rượu.
Tôi vốn sinh trưởng ở vùng Sơn La, được cha mẹ chiều chuộng cho học cái chữ, cái chữ của ông thích trên trán tôi đây này. Tôi đọc được nhiều sách thánh hiền. Vùng sơn cước lắm chướng khí nhưng cũng nhiều mạch nước tinh khiết mà dưới xuôi không có. Uống được nước tinh khiết từ trong mạch lại thêm cảnh vật núi non hữu tình tôi liền bỏ nghề bốc thuốc mà sang với nghiệp văn chương. Tôi viết chữ nhiều như lá cây trên rừng. Trong đó có nhiều bài luận tôi lấy làm tâm đắc lắm mà chẳng biết nói ra cùng ai.
Một hôm có người khiêng đến cho tôi một bệnh nhân. Một nam thanh niên chừng 30 tuổi tầm thuơc da đen đen, tai tái. Đã từng là người bốc thuốc nên tôi cũng biết nhìn sắc diện để đoán ra lòng dạ con người. Cái xấu nó hiện ra mặt, cái đẹp nó cũng hiện ra mặt. Cái mặt của anh thanh niên này báo hiệu một lòng dạ xấu xa lắm. Nhưng vì tôi lại theo nghiệp văn chương. Đeo vào cái nghiệp văn chương là hay đa sầu, đa cảm, rồi lại lấy cái nhân, cái nghĩa làm trọng. Lại nghe nói: anh thanh niên kia là thầy giáo dưới xuôi lên dạy học, dạy môn lịch sử cho các học trò ở đây. Thế là tôi bèn chữa bệnh cho anh ta khỏi. Ơn cái ơn ông thầy chữa bệnh trọng cho mình, anh thanh niên có tên là Khắc cũng là người ham đọc sách vở. Ông thầy lại đang thiếu bạn tri kỷ, thế là bỗng chốc thành đôi bạn tri kỷ. Ông thầy mang những bài luận của mình ra giảng giải cho Khắc nghe.
Khắc bảo với ông thầy:
- Tôi không biết sao thầy gọi những bài này là bài luận. Chứ theo chỗ tôi biết đây là những truyện ngắn viết rất tài. Thầy có biết thế nào là truyện ngắn không.
Ông thầy ớ ra kêu lên: Nào tôi có biết thể loại là thế nào đâu. Trước có ông thầy dạy tôi cứ vần thì là thơ, cứ văn xuôi gọi là luận. Thế bây giờ tôi phải đi học lại à?
- Thầy phải đi học lại chứ. Thầy học chữ quốc ngữ đi, rồi thầy dịch các bài luận ra cho tôi. Tôi đi đăng báo giúp thầy. Thầy chả thành một nhà văn nổi tiếng ấy chứ.
Vốn ai nhập vào văn chương lại chẳng muốn thành nhà văn nổi tiếng. Ông thầy lấy làm sung sướng lắm. Như trẻ nhỏ ngày ngày ông cặm cụi trên trang giấy trắng.
Một hôm Khắc bảo ông thầy:
-Sao thầy lại say mê đề tài lịch sử thế hả thầy.
- Lịch sử nó hay lắm anh ạ. Thế giới bao la này anh tưởng mọi thứ nó đều rành rọt, sáng sủa hay sao. Cho nên anh hãy tưởng tượng thế này nhé, trong cõi hỗn mang là thực tại này thì lịch sử là những cái mô, cái ụ mà anh sờ mó thấy. Đấy tôi mê đề tài lịch sử là thế. Anh là thầy giáo lịch sử mà không nhận thấy điều đó ư?
- Nhiều truyện ngắn thầy viết rất tài nhưng tôi không thích cái cách thầy luận về vua Quang Trung như thế đâu.
- Anh rất nhầm, đấy là cái cách tôi suy tôn Quang Trung đấy chứ. Tôi bê một pho tượng, tôi hạ một ông thánh xuống thành một con người đấy chứ. Theo tôi một con người hành động, có tốt có xấu, có ác có thiện còn hơn là một ông tượng, ông thánh ở những đẩu đâu.
- Thầy nói có lý lắm. Vậy thầy đã dịch cho tôi truyện ngắn nào chưa tôi đi đăng báo giúp thầy.
- Thì ra cái chữ quốc ngữ khó hơn tôi tưởng anh ạ. Tôi còn phải học đã.
- Thế thì khéo tôi không có dịp giúp thầy được rồi, tôi sắp về xuôi đây.
- Ôi, thế anh được thuyên chuyển về quê nhà ư? Mừng cho anh.
- Là tôi nói tôi bỏ nghề ấy chứ. Lương ông thầy gõ đầu trẻ như tôi chả được mấy đồng. Tôi mà cứ ở đây thì chẳng có tương lai gì sất. Các cụ bảo “ tam thập nhi lập” mà bây giờ tôi nhà không có, vợ cũng chưa.
- Vậy anh định về dưới làm gì?
- Tôi chưa kể cho cụ nghe, cha mẹ tôi có nghề đồng nát. Cái nghề buôn thất nghiệp lãi quan viên. Bây giờ tôi về dưới nối lại cái nghiệp của cha mẹ.
- Chao ôi, tiếc cho anh quá.
Tôi chia tay với Khắc, lại lao vào học. Tôi dịch được 5 chục bài luận của tôi thành 50 cái truyện ngắn. Chưa gửi đi cái nào đăng báo vì vẫn còn chờ Khắc lên mang đi đăng hộ như lời hẹn khi chia tay. Thế rồi tôi mắc bệnh trọng, qua đời mà chẳng kịp trăng trối lại gì cho vợ con. Vợ tôi là con mẹ nhà quê, dốt nát vì có được đi học đâu. Mụ gom toàn bộ sách vở, bản thảo của tôi buộc thành đống. Tôi biết tôi chết được ít lâu thì Khắc lên thăm tôi. Khi biết tôi chết rồi hắn bôi mặt mũi để người nhà không nhận ra gánh đôi bồ đến nhà đi mua giấy vụn. Mụ vợ dốt nát đem bán hết sách vở và bản thảo của tôi. Hắn mang về xuôi soạn những bài luận tôi đã dịch sang chữ quốc ngữ ký tên hắn và mang đến tòa báo. Thế rồi hắn, hắn nổi tiếng là một nhà văn trẻ đầy tài năng.
Ông thầy chữ nho ở làng nhìn cậu bé 6 tuổi mặt già như ông già 60 mặt đầm đìa nước mắt không khỏi mủi lòng.
- Thôi đừng khóc nữa. Văn chương đâu cần ở cái tên. Một cái tên Khắc là tên kẻ đạo văn kia hay tên Tiếp là tên của ông đây có gì là khác nhau lắm đâu. Phật đã dạy vô vi mà ông. Cốt là những áng văn hay những đạo lý ông viết để lại cho đời.
 - Không, tôi khóc vì lẽ khác ông ạ. 50 cái chuyện tôi đã dịch được từ những bài luận ra chữ quốc ngữ thì được người đời khen hay có dở có nhưng nó còn gọi là văn chương. Còn những bài luận khác tôi chưa kịp dịch ra chữ quốc ngữ, hắn đem học quấy quá ba cái chữ nho rồi đem ra dịch. Chao ôi, đó đâu phải là văn chương hả ông. Nó tục tằn bẩn thỉu. Văn chương chi mà lại đánh lộn với xilíp của đàn bà. Tôi đau lòng là đau lòng ở chỗ đấy.
- Ông dạy phải lắm. Nếu vậy có là tôi, tôi có chết cũng chẳng thế nào siêu thoát được.
- Tôi còn đau lòng thế này nữa kia. Ây là cái sự học mót ở đời. Cái sự đời cái hay chẳng học lại đi học cái dở. Tôi biết hắn có một thằng đệ tử. Thằng này nó làm cái nghề đếm bạc. Nó bỗng nhận thấy rằng đây là cái thời buổi làm văn chương sao mà dễ thế. Có đứa con gái mang cái chuyện mẹ ngủ với giai ra viết thành chuyện mà được thiên hạ tung hô thì việc gì nó không lôi việc mẹ nó ngủ với giai hẳn hoi mà nó là một hậu quả của việc đó ra để viết. Để nó mong trở thành nhà văn lớn. Vì cái việc nó là thằng con hoang nên trong lòng nó chẳng có một miếu thiêng nào cả. Suốt ngày nó lông bông nay quán này, mai quán khác uống rượu chửi đời, rồi hận đời. Nó càng chửi càng hận mà nó chẳng biết hận gì. Thế là nó viết những dòng chữ hận đời, chán đời và nó gọi đấy là văn chương đích thực. Chao ôi, tôi đau lòng quá.
Đến lúc này thì cả ông thầy chữ nho của làng cũng bật khóc. Thằng bé 6 tuổi ngưng khóc trước, nó lau sạch nước mắt bảo ông thầy chữ nho của làng:
- Thôi ông đừng khóc nữa, bọn chúng mà nhìn thấy ông với tôi ôm nhau khóc thế này chúng sướng lắm đấy. Nó lại bảo sự tân tiến làm cho bọn hủ nho phải khóc.
- Thế theo ông bây giờ ta phải làm sao đây?
- Ông có nhớ rằng ông đã viết lên trán tôi một chữ gì không? Chữ văn ông nhớ chứ. Vậy vấn đề ở đây là gì, tôi sẽ theo nghiệp văn chương. Tôi sẽ viết ra những áng văn hay. Cái nghiệp văn chương này nó lạ lắm. Chỉ vài tác phẩm danh tiếng của anh có thể lên tận mây xanh, rồi khi đã làm quen với danh tiếng, sống bằng danh tiếng thì văn chương nó sẽ bị bỏ anh nó đi. Kẻ có bản lĩnh thì tồn tại được, kẻ không bản lĩnh thì lấy súng bắn vào đầu. Chỉ còn lại trên hết là những áng văn hay.
- Vậy theo ông 50 bài luận của ông mà đã dịch thành truyện ngắn kia, có phải là những áng văn hay không?
- Ban đầu tôi cũng lầm tưởng thế nhưng bây giờ khi đã trải qua đầy một kiếp người tôi mới thấy không phải thế. Chẳng qua tôi cũng chỉ chép lại được cái xô bồ mà xã hội nào cũng có thế thôi. Giờ cho tôi viết lại tôi chẳng viết thế.
- Ông nói đúng. Vậy ông chẳng việc chi phải đau lòng. Hắn nổi tiếng được 10 năm nhưng mười năm sau nữa sẽ chẳng ai biết đến hắn đâu. Chỉ còn lại sự xấu xa của tâm hồn hắn sẽ được nhân lên thành giai thoại.
- Được tâm sự với ông tôi đã thấy sáng sủa ra nhiều điều. Vậy bây giờ tôi sẽ sống hết kiếp của tôi đây. Thôi chào ông.
Thằng bé 6 tuổi về bảo với cha mẹ cho đến trường học như những đứa trẻ bình thường. Nó học thông minh sáng dạ.
Năm 2000 thằng bé đã được 10 tuổi và cái kẻ đạo văn đã nổi tiếng được 11 năm. Văn chương mà kẻ đạo văn còn làm hắn nổi tiếng thêm 9 năm nữa. Tức là năm 19 tuổi thằng bé sẽ trở thành một nhà văn có tiếng.

Y BAN
(nguồn: TCSH số 148 - 06 - 2001)

Các bài mới
Các bài đã đăng