Tạp chí Sông Hương - Số 151 (Tháng 9)
Giải thích câu Kiều 2168: “Vai năm tấc rộng thân mười thước cao”
16:32 | 30/05/2008

LTS: Có nhiều cách hiểu về câu thơ trên. Y kiến của cụ Thanh Huy - Cử nhân Văn khoa Việt Hán, sinh 1916 tại Huế, cũng là một ý có thể tham khảo đối với những ai quan tâm Truyện Kiều, để hiểu thêm và đi đến kết luận về cách tính thước tấc của người xưa.
SH

Giải thích câu Kiều 2168: “Vai năm tấc rộng thân mười thước cao”

Truyện Kiều ra đời đã lâu nhưng đến nay câu 2168 ấy chưa ai giải thích cụ thể rõ ràng. Lâu nay các nhà nghiên cứu Truyện Kiều phần nhiều không giải thích, có vị giải thích lại không thoả đáng, ví dụ Nguyễn Văn Vĩnh bảo một thước bằng 0,44m - mười thước bằng 4,40m. Trên báo chí cũng đã có nhiều người nêu câu hỏi nhưng vẫn chưa có câu trả lời đúng đắn. Tôi tin là Nguyễn Du không viết lên một câu thơ vô ý nghĩa. Do đó tôi tìm tòi những tư liệu nói về chiều cao của con người và đã biết được như sau:
1. Tang Duy Hàng, đời Tần, có tiếng chăm học, người lùn, thân cao bảy thước (7 th) X.Thành ngữ điển tích của Diên Hương, tập 2, tr.120.
2. Hạng Võ, người mạnh có tiếng của Trung Hoa, bề cao tám thước (8 th) X. Văn Đàn Bảo Giám tập 3, tr.26, có bài thơ Bái Công khóc Hạng Võ của Tôn Thọ Tường có câu: “Cái thân tám thước tủi cùng thân”.
3. Khổng Tử cao chín thước sáu tấc (9 th 6 tấc) X.Thành ngữ Điển tích của Diên Hương, tập 1, tr.207.
4. Vua Văn Vương nhà Chu cao mười thước (10 th) X. Truyện Kiều do Bùi Khánh Diễn chú thích, tác giả đã so sánh Từ Hải với vua Văn Vương cũng cao mười thước (10 th).
Lại xem trong tác phẩm Luận cổ suy kim (lời bình về Tam quốc chí) của Mộng Bình Sơn, NXB TP. HCM 1996 có tả hình dạng các nhân vật như sau:
- Lưu Bị, Trương Phi, Mã Siêu... cao tám thước (8 th).
- Quan Vân Trường cao chín thước (9 th). ..vv....
Xem trên thì biết thực tế có người cao người thấp khác nhau. Người thanh niên mà cao bảy thước là người lùn, còn thường thì cao tám, chín, mười thước...
Nguyễn Du đã tả hình dáng Từ Hải bằng một câu thơ tám chữ rất hay, đoạn trên và đoạn dưới trong câu đối rất chỉnh, lời văn đẹp, nhạc điệu tuyệt vời và nghĩa rất chính xác chứ không phải là câu thơ theo lối văn chương ước lệ như nhiều người đã tưởng.
Vậy chúng ta cần tìm hiểu mười thước là bao nhiêu, bằng chừng nào? Mấy lâu nay còn lúng túng vì nghiên cứu chưa đúng phương pháp, chưa khoa học. Nay chúng ta cần tìm hiểu nghĩa chữ Thước. Chúng ta hẳn đã biết chữ Thước là dịch Hán tự Xích ( ) mà ra. Tham khảo Từ điển Giải tự của Trung Quốc và bản Caractères Chinois (Hán tự) giải thích nguyên gốc Hán tự của nhà truyền giáo Leon Wieger in ở Đài Loan bằng tiếng Pháp thì chữ xích ( ) có nguyên nghĩa là một gang tay dài phỏng hai tấc tây (0,20 m). Đối chiếu thì mười thước tức là mười xích đo phỏng hai mét (2m). Vai năm tấc rộng tức phỏng một tấc tây (0,1m). Vai rộng đo từ phía trước ra sau. Với kích thước ấy Từ Hải cao, to, dũng mãnh, cân đối, có vẻ đẹp thẩm mỹ. Các vận động viên nhiều người cao và to lớn bằng hoặc hơn Từ Hải là chuyện thường. Muốn hiểu rõ chữ Xích xin xem Từ điển Giải tự của Trung Quốc hay bản tiếng Pháp Caractèrres Chinois của Leon Wiegerr tr.92.
Như vậy chúng ta đối chiếu thì biết người cao bảy thước (7 th) tức là 1,40m, người cao 8 th tức là 1,60 m, cao 9 th tức 1,80 m v.v....

THANH HUY

(nguồn: TCSH số 151 - 09 - 2001)

 

Các bài mới
Thời gian (02/06/2008)
Lọ lem (30/05/2008)
Các bài đã đăng
Cõi riêng (30/05/2008)
Chị Huệ (30/05/2008)