Tạp chí Sông Hương - Số 152 (Tháng 10)
Nét văn hóa Việt Nam qua câu thơ quốc âm 6 tiếng của Nguyễn Trãi
16:26 | 02/06/2008
"Văn hóa bao gồm tất cả những gì làm cho dân tộc này khác với dân tộc khác từ những sản phẩm tinh vi hiện đại nhất cho đến tín ngưỡng, phong tục tập quán, lối sống và lao động" (Trần Ngọc Thêm, Cơ sở văn hóa Việt Nam, Trường ĐHTH TP.HCM, 1995, trang 19).

Sáng tạo văn chương là một thành phần của phạm trù văn hóa. Nền văn học cổ điển Việt đã có rất nhiều tác phẩm xứng danh với niềm tự hào về một dân tộc có văn hiến. Từ bài thơ thần của Lý Thường Kiệt, đến Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi, đến Truyện Kiều của Nguyễn Du... là cả một niềm tự hào lớn lao của dân tộc ta. Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi được xem là áng "thiên cổ hùng văn", Truyện Kiều của Nguyễn Du được xem là kiệt tác văn chương... và tập thơ "Quốc âm thi tập" (QATT) của Nguyễn Trãi cũng được người đời đánh giá là có giá trị mở màn, đột phá trong lòng dân tộc về ý thức dùng tiếng mẹ đẻ (chữ Nôm) trong sáng tác văn chương, về thi pháp của cái hàng ngày và thi pháp thể loại.
Ý thức dân tộc là ý thức thường trực trong lòng mỗi người dân Việt , bởi vì nước ta luôn bị sự đe dọa đồng hóa dân tộc của phong kiến phương Bắc, thì chỉ có ý thức dân tộc mới giữ được bản sắc văn hóa dân tộc mình. Việt từng vay mượn chữ Hán, nhưng lại sáng tạo ra chữ Nôm. Việt cũng từng chịu ảnh hưởng của văn hóa Hoa Hạ, nhưng lại tiếp biến nó trên tinh thần dân tộc. Phạm Đình Hổ trong "Vũ trung tùy bút" cũng đánh giá về âm nhạc Việt Nam: "Tuy nhạc của ta cũng có tiếng cao, tiếng thấp, tiếng đục, tiếng trong, ra vào chuyển hợp, đủ cả năm cung bảy thanh, nhưng thuật đổi thay cung bậc, biến hóa tài tình từ điệu này sang điệu khác, thì hoàn toàn không giống bên Trung Quốc". Xem thế, thì đủ biết rằng, người Việt rất có ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Họ ý thức "Hảo bả văn chương tăng quốc thể" (Phải giỏi lấy văn chương để nâng cao quốc thể - Lời của Lê Quý Đôn tiễn thám hoa Nguyễn Đình Oánh đi sứ).
Ý thức dân tộc hóa văn chương, nhân dân hóa thơ ca là ý thức về quốc thể, là vũ khí sắc bén đánh tan những luận điệu sỉ nhục của bọn đế quốc phương Bắc. Cao Hùng Trưng dám ngạo mạn ghi trong cuốn An Nam chí rằng: "nước Nam từ khi có Giải Tấn dạy bảo cho, mới biết xu thế về văn chương". Kẻ nói câu đó, chắc chắn thuộc hạng người "ếch ngồi đáy giếng". Bởi vì, văn học viết Việt tuy ra đời muộn (thế kỷ X), nhưng văn học truyền miệng đã có từ rất sớm. Và do trình độ phát triển của dân tộc không đều nhau, do truyền thống văn hóa của mỗi nước một khác, cho nên sự vay mượn thi luật ở Việt Nam với Trung Hoa là có, nhưng không có nghĩa là vay mượn nguyên xi, mà người Việt luôn tiếp biến tinh hoa văn hóa nước ngoài trên cơ sở tính dân tộc. "Tính dân tộc của loại thể không những biểu hiện ở những loại thể riêng biệt của từng dân tộc, mà còn thể hiện ở những đặc điểm khác nhau của một số thể loại gần gũi". (Phương Lựu, Tìm hiểu một nguyên lý văn chương, Nxb HKXH, HN, 1983, trang 177).
Trên tinh thần đó, chúng tôi thấy với 185 bài có xen câu thơ lục ngôn trên tổng số 254 bài trong tập thơ QATT là một bằng chứng hùng hồn về ý thức dân tộc của Nguyễn Trãi trong sáng tác thơ ca. Một con người vốn dĩ "Bình sinh độc bão tiên ưu chí" (bình sinh có chí lo trước), vốn dĩ rất ý thức về văn hóa đất nước (Duy ngã Đại Việt chi quốc, Thực vi văn hiến chi bang...), chắc chắn muốn góp phần mình trong việc dân tộc hóa một thể thơ ngoại lai, dù không thay đổi được nhiều thì chí ít cũng cấu trúc lại đôi chút hình hài để phả vào đó cái hồn vía Việt Nam.
Tại sao Nguyễn Trãi không phá cách trong 99 bài thơ chữ Hán (chỉ có 2 bài theo thể cổ thể - bài 48 và bài 87), mà phá cách vào trong 254 bài thơ chữ Nôm? Phải chăng, đã sáng tác bằng chữ Nôm - ngôn ngữ dân tộc, tác giả cũng muốn rộng đường trong tư duy, nên đã tạo nên biến thể bằng việc xen vào câu lục ngôn.
Xét đến hiện tượng câu lục ngôn trong QATT, chúng ta cũng không thể bỏ qua khái niệm: tính lịch sử của văn hóa. Bởi đặc tính này tạo cho văn hóa có bề dày, có chiều sâu, và chính nó buộc văn hóa thường xuyên tự điều chỉnh, tiến hành phân loại và phân bố lại các giá trị. Văn hóa còn có giá trị tiếp nối, nên chúng ta không xét câu lục ngôn trong QATT như là giá trị tự thân, mà xét nó trong mối quan hệ trước nó và sau nó.
Hiện tượng thơ lục ngôn có từ thời tiên Tần, lưỡng Hán (Trung Quốc), có trong văn học Triều Tiên, có trong thi ca của văn học truyền miệng Việt Nam (thơ lục bát, tục ngữ)... Trong thơ chữ Hán thời Lí – Trần, chúng tôi khảo sát, tổng cộng có 18 câu lục ngôn trong ba bài: Ở bài "Sinh tử" của Nguyễn Tuân (?-thời Lý) có 12 câu, 1 câu 6 chữ. Hai câu mở đầu trong bài "Phật tâm ca" của Trần Tung (1230 – 1291). Và một bài thơ lục ngôn 4 câu "Nhàn cư lục ngôn đề thủy mặc tướng tử tiêu cảnh" (Nhân lúc rỗi, dùng thơ 6 chữ đề vào bức tranh nhỏ) của Phạm Mại. Những sáng tác sau QATT, qua khảo sát, chúng tôi cũng thấy rằng: "Hồng Đức quốc âm thi tập" (Theo Hợp tuyển thơ văn Việt Nam thế kỷ X-XVII, Tập II, Nxb VH, HN, 1976) có 16/24 bài có xen câu lục ngôn (tỷ lệ 66,5%), "Bạch Vân quốc ngữ thi tập" (tập thơ này có một số bài trùng với QATT, thì có 85/161 bài có xen câu thơ 6 tiếng (tỷ lệ 52,8%), 185 câu lục / 1288 câu (tỷ lệ 14,4%).
Như vậy, việc xen vào 432 câu lục ngôn trong 1380 câu của 185 bài (gồm 160 bài theo thể thất ngôn bát cú và 25 bài theo thể thất ngôn tứ tuyệt) là một việc làm có ý thức của Nguyễn Trãi. Phải chăng QATT muốn đi theo hướng kiệm lời – "Thơ phải được ý ở ngoài lời. Trong thơ hàm súc vô cùng thì mới là tôn chỉ của người làm thơ, cho nên ý thừa hơn lời thì tuy cạn mà vẫn sâu, lời thừa hơn ý thì tuy công phu mà vẫn vụng. Còn như ý hết mà lời cũng hết thì không đáng là người làm thơ vậy" (Ngô Lôi Pháp); muốn học tập cổ thi, và đặc biệt muốn vận dụng câu thơ dân gian vào trong câu thơ viết để góp phần bảo tồn nét văn hóa dân tộc? Việc sử dụng câu lục ngôn vào bài thơ với một tần số lớn như thế (72,8%), chứng tỏ rằng "Chỉ có khi nào anh hiểu luật thì anh mới có thể tự cho phép mình có ngoại lệ hoặc phát triển luật mới" (Johames Robert Becher).
Có giả thiết cho rằng: câu lục ngôn có khả năng do biến âm tiếng Việt cổ mà chuyển thành; kl, t'l/tr, tl, bl/s, km/m... (theo Trần Xuân Ngọc Lan – Dấu vết về tổ hợp âm đầu trên chữ Nôm, TCNN, số 3/1984, bl/tr (theo Bùi Văn Nguyên)...
Hiện tượng âm dính nay vẫn còn rớt lại trong cách phát âm của một ít người già ở vài địa bàn nhỏ hẹp vùng sâu vùng xa (như một vài nơi ở huyện Tuyên Hoá – Quảng Bình còn nói cây t'le – cây tre, con t'lâu – con trâu).
Âm dính, biến âm là một thực tế có trong tiếng Việt cổ, nếu có chứng tích trên chữ Nôm thì có thể có ảnh hưởng đến câu văn, câu thơ. Tuy nhiên, điều đó đã ảnh hưởng thế nào đến cơ số câu thơ QATT thì đến nay vẫn chưa có một công trình nào khảo cứu trực tiếp, giải quyết thấu đáo.
Chúng tôi xin đưa ra một số ví dụ về câu thơ hội đủ 7 tiếng trong QATT lại mang trong nó ít nhất là một tiếng có phụ âm đầu là âm dính:
Ví dụ 1:           "Thế sự người no ổi tiết bảy,
Nhân tình ai ủ cúc mồng mười" (Bài 22)
Ví dụ 2:           "Nguyệt xuyên há dễ thâu lòng trúc,
Nước chảy âu khôn xiết bóng non" (Bài 49)
Ví dụ 3:           "Trư  độc, trư  tham, trư  bạo ngược
Có nhân, có trí, có anh hùng" (Bài 132)
Ví dụ 4:           "Chớ người trọc trọc chớ ta thanh
Lấy phải thì trung đạo ở kinh" (bài 156)...
Trong 4 ví dụ nêu ra ở trên, những tiếng in nghiêng đều là những tiếng có phụ âm đầu là âm dính (m,s,tr...) Vậy, sẽ giải thích như thế nào cho thỏa đáng hiện tượng câu thơ QATT vừa đủ 7 tiếng, vừa có một số tiếng mang trong mình nó phụ âm đầu là âm dính của tiếng Việt cổ (?). Mặt khác, các công trình khảo cứu chỉ mới tìm ra một số tiếng Việt cổ có phụ âm đầu là âm dính, trong lúc tiếng Việt có đến 17 phụ âm đầu.
Tiếng Việt cổ đã trưởng thành dần qua thời gian và qua giao tiếp của cộng đồng người Việt. Năm 1010, Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra Đại La. Đến thời Nguyễn Trãi, Thăng Long đã trải qua 4 thế kỷ con người của 4 phương 8 hướng tụ hội về. Lẽ đương nhiên, do nhu cầu giao tiếp, tiêu chuẩn, trước nhất là phải ăn nói cho tròn vành rõ tiếng, ngôn ngữ chốn đế đô sẽ loại bỏ dần những yếu tố khó nghe, khó nói, khó viết... Nguyễn Trãi là người ý thức rất rõ về nền văn hiến Đại Việt, hẳn là ông sẽ rất thận trọng trong việc dùng chữ, đặt câu sao cho vừa bảo tồn vừa làm giàu lên nét văn hóa truyền thống.
Hơn nữa, đưa câu thơ lục ngôn vào thơ thất ngôn, Nguyễn Trãi còn đưa luôn vào câu thơ ấy sự cải biên nhịp thơ. Nhịp cố hữu của thơ thất ngôn Đường thi là nhịp chẵn lẻ 4/3 hoặc 2/2/3. Nhịp chẵn lẻ là nhịp âm dương được kết hợp với cơ số 7 tiếng, cơ số 7 vốn là một vòng số màu nhiệm ứng với nhiều chuyện ở đời. Câu thơ 7 tiếng vững chãi, cố định, quen thuộc trong thi pháp cổ điển, câu thơ 7 tiếng có ưu thế ngoại đối trong vị trí các cặp câu đối xứng, nhưng lại hạn chế trong phép nội đối, bởi số âm tiết lẻ. QATT vẫn lấy nhịp chẵn / lẻ làm nền: Nhịp 4/3: 1304/1408 câu, nhịp 2/2/3: 11/1408 câu, tổng cộng 1315/1408 câu (tỷ lệ 93%).
Nhưng, trong số 432 câu lục ngôn có các dạng nhịp cơ bản sau đây: nhịp 2/2/2 có 156 câu (tỷ lệ 36/1%), nhịp 3/3 có 246 câu (tỷ lệ 59,3%), nhịp 2/4 có 19 câu (tỷ lệ 4,4%),  nhịp 4/2 (tỷ lệ 1,4%) nhịp 1/5 có 5 câu (tỷ lệ 1,2%).
Nhịp 3/3 thiết lập trên cơ sở mã đối xứng của thi ca nói chung, của thành ngữ, tục ngữ dân gian nói riêng. Khi mã đối xứng xuất hiện thì tạo ra quan hệ và nảy sinh tư duy. Thơ Đường hay bởi lẽ nó tạo ra quan hệ, gợi mở tư duy. Nhịp thơ 3/3 làm nhịp câu thơ chậm lại, cân đối, hài hòa, có sức khái quát cao, có tính triết lý sâu sắc. Tính chất hoàn chỉnh cân đối của các câu lục đưa đến cho các nhịp đôi của câu thơ cái vẻ trọn vẹn của một tư tưởng gẫy gọn, rất thích hợp để khẳng định một sự thực của lí trí hay của tâm trạng. Câu lục có nhịp 3/3 sử dụng phép đối thì ý tưởng càng rõ, lúc này tận dụng được cả phép nội đối lẫn phép ngoại đối (ưu thế hơn so với câu thơ 7 chữ). Ví dụ: "Đại địa dày/ Nam nhạc khỏe, Cửu tiêu vắng/Bắc thần cao" (Bài 66), hai câu thơ này đã được Hoài Thanh bình luận: "Một lần nữa ta lại gặp những câu thơ sáu chữ và lần này những câu thơ ấy, với nhịp điệu ấy, đã tăng thêm rất nhiều chất rắn rỏi, đanh thép, chất khỏe của ý thơ: đất càng dày núi càng khỏe, chín tầng trời càng vắng, sao Bắc thần càng cao". Cho nên, trong QATT câu lục loại nhịp 3/3 nằm rất nhiều vị trí: ở dòng 1, ở dòng kết, hoặc ở liên 2, liên 3 của bài thơ – tạo cảm giác mạnh về nội dung biểu đạt. Ví dụ:"Ngỏ cửa nho / chờ khách đến, Trồng cây đức/ để con ăn" (bài 27), hay "Đạp áng mây/ôm bó củi, Ngồi bên suối / gác cần câu" (Bài 41), "Mài chăng khuyết / nhuộm chăng đen" (Bài 69)...
Mã đối xứng không phải là đặc điểm riêng của ngôn ngữ văn học Việt Nam, nhưng lúc cắt bớt một tiếng của câu thơ thất ngôn, đưa vào đó nhjp 3/3 cân xứng, Nguyễn Trãi đã vận dụng thế mạnh của nhịp 3/3 trong câu thơ dân gian để tạo nên câu thơ lục ngôn đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Loại nhịp này, trong quốc âm của Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng chiếm một tỷ lệ là 62,7% (116/185 câu), Truyện Kiều của Nguyễn Du cũng có đến 80/1627 câu lục có nhịp 3/3 (tỷ lệ 4,9%).
Thơ ca không chỉ có tự sự, mà còn miêu tả, biểu hiện, nên việc sử dụng câu lục ngôn – câu thơ đã có trong tục ngữ, ca dao của văn chương Việt Nam để đưa vào đó các loại nhịp 3/3, 2/2/2, 2/4, 4/2, 1/5 thì vấn đề không chỉ là ý thức dân tộc nữa, mà cái chính là từ nghệ thuật, từ mục đích của nghệ thuật. Mỗi khi câu thơ vừa cố ý kiệm lời, vừa cố ý thay đổi nhịp điệu, thì chắc chắn ở đó có dụng ý nghệ thuật của nhà thơ (trường hợp câu thơ mở đầu và kết thúc trong bài "thủ vĩ ngâm" là một ví dụ: "Góc thành Nam, lều một gian" – câu thơ nhắc lại hai lần, với nhịp 3/3, với phép đối xứng đã nhấn mạnh tình thế oái oăm, tù hãm của nhà thơ trong tình thế "góc", "lều"). Như vậy bản sắc dân tộc không phải là sự gượng ép, mà bắt đầu từ nghệ thuật. Văn hiến bắt nguồn từ nghệ thuật thì nền văn hiến đó càng trường tồn. Thế giới có những giá trị văn hóa mãi mãi tồn tại với thời gian. Ai xóa được thần thoại Hy Lạp, ai xóa được I-li-át và Ôđixê, ai quên được Truyện Kiều của Nguyễn Du...
Sử dụng câu thơ 6 tiếng, là đã phạm vào niêm của bài thơ, một ngòi bút xuất sắc như Nguyễn Trãi lẽ nào không biết điều đó? Biết mà vẫn cố ý phạm luật, vậy có thể xem đây là thể nghiệm của Nguyễn Trãi, và thể nghiệm này có thể xem là thành công ở phương diện khai phá, vượt lên lối mòn quen thuộc, vượt lên sự lệ thuộc vào một thể thơ ngoại lai, tác phẩm nghệ thuật có giá trị, trước khi trở thành của chung của nhân loại, là sản phẩm riêng biệt của con người riêng biệt. Con người đó để lại "dấu ấn" trong con đẻ của mình. Việc vận dụng các loại nhịp đa dạng trong câu lục đều nhằm mục đích phát huy hết khả năng biểu hiện nội dung của nó. "Thơ lục ngôn thể hiện nỗ lực của tác giả trên con đường tìm tòi một thể thơ dân tộc ít nhiều thoát đi Đường luật trong khi vẫn giữ phong cách chung của thơ Đường luật. Thơ Đường luật có pha lục ngôn sẽ ít thấy từ thế kỷ XVIII trở đi, vì khi ấy thể thơ yêu vận như song thất lục bát và lục bát đã đủ thành thục để đáp ứng một cách thích hợp với cảm quan về âm điệu của người Việt cũng như yêu cầu phản ánh của thơ ca Việt".
Sử dụng được câu lục ngôn ở rất nhiều vị trí trong bài thơ, với nhịp điệu hết sức đa dạng, biến ảo, chứng tỏ người sử dụng nó thành thạo trong thi pháp của mình. Việc xen câu lục ngôn vào trong bài thơ là thành công của Nguyễn Trãi trên phương diện nghệ thuật, phương diện thể loại, phương diện tinh thần. "Cái gì đã tới Việt thì cũng Việt hóa như thế nào đó và sẽ xứng đáng là con cháu Việt " (Tố Hữu, Nghiên cứu nghệ thuật số 1- 1981, trang 7).

HOÀNG THỊ THU THỦY
(nguồn: TCSH số 152 - 10 - 2001)

Các bài mới
Thật bồ đoàn (02/06/2008)
Nhân ngư (02/06/2008)
Các bài đã đăng