Tạp chí Sông Hương - Số 152 (Tháng 10)
Phóng sự không đăng báo
17:03 | 02/06/2008
1Sau lần đi gặt thuê cho đồng bào dân tộc ở Vĩnh Thạnh về, tôi bị trận sốt rét nặng. Dai dẳng trở đi trở lại gần ba tháng mới khỏi. Những ngày sau đó, trong người thấy cứ nôn nao, bứt rứt.

Con Siêng một hôm nhìn chằm chằm vào mặt tôi rồi sợ hãi hỏi:
- Mẹ, mẹ làm sao thế?
Tôi nghe đầu mình như quả bóng bơm căng. Tôi làm sao ư? Không biết. Chỉ thấy muốn vùng chạy cho hả.
Trưa về nghe cha con rì rầm sau nhà, tôi ra xem họ nói gì. Hai người nhìn tôi rồi nhìn nhau. Thạch lo lắng:
- Em sao vậy? Thấy trong người thế nào?
Tôi không nhớ mình đã nói những gì. Qua lại vài câu, Thạch kêu lên: “Em điên rồi!”
Điên? Tôi bị điên? Thật kỳ quặc! À ra các người xầm xì với nhau để chống lại tôi? Tôi thấy nỗi bức bối lên đến cực điểm và xăm xăm đi ra ngõ. Một niềm thôi thúc không cưỡng được khiến đôi chân tôi bước nhanh rồi chạy gằn. Nhiều người trên đường trố mắt nhìn, lạ lẫm. Tôi cứ đi. Rồi chạy, bằng sự hả hê như con cá rô trong vũng bùn ngược rạch nước trong bất ngờ chảy vào không cần biết đầu kia rạch nước là gì. Nghe như có tiếng quát thật gần và tôi bị níu giật lại. Vẻ mặt chồng tôi lo lắng, giận dữ. Con Siêng thở hào hển, bệu bạo. Tôi đã làm chồng con phật ý chăng? “Đi về!” Thạch quát. Con Siêng nắm tay tôi nhắc lại: “Về nhà đi mẹ”. Tôi líu ríu đi theo hai người và ngạc nhiên thấy hàng xóm nhìn tôi, chỉ trỏ. Thạch giải thích điều gì đó với họ không rõ. Tôi mệt rũ, lệch xệch bước trong sự dìu đỡ của hai cha con.
Ngày đó Thạch đem về mớ thuốc tây và cho tôi uống rất cẩn thận. Anh bắt tôi nằm nghỉ, dỗ dành tôi như trẻ nhỏ. Tôi lộn xộn nhớ lại những gì đã xảy ra, thái độ của chồng, con: “Mẹ làm sao vậy?”. “Em điên rồi!” Tôi thấy choáng ngợp nỗi sợ khi hiểu mình đang bịnh nặng. Bao nhiêu năm dành dụm đã trút hết vào trận sốt rét dai dẳng vừa rồi mà giờ thì... Tai họa đang ập xuống gia đình tôi. Đầu tôi lại u u, mù mịt cảm giác chơi vơi, ngộp thở. Tôi ngồi dậy và đi ra ngõ. Con Siêng đã ở bên cạnh. Nó nắm tay tôi cương quyết bắt mẹ vô nhà. Tôi nghe theo dù không rõ sao nó làm thế.
Thạch đã nhờ cha tôi sang ở hẳn trông chừng tôi. Anh phải đi làm ở lò gạch. Hợp tác xã thời này khó khăn lắm, số lúa công điểm không đủ ăn nửa năm. Tôi vân uống số thuốc còn lại và phần lớn thời gian trong ngày thấy buồn buồn, nhàn nhạt bên những người thân giờ đây như tách hẳn ra, mình tôi cô độc giữa sự giam hãm bằng các cặp mắt canh chừng đâu đó. Chỉ khi đêm về tôi mới tìm thấy chút bình yên và tôi thường thức trắng đêm, yên tâm cười thân thiện với bóng tối. Hai ba giờ sáng tôi thường ngồi dậy lắng nghe những giấc ngủ mê mệt chung quanh và đắc ý ngắm nghía sự bất lực của mọi người. Một lần tôi đã lén mở cửa đi ra đường. Sự tĩnh lặng của đêm và bóng tối các vòm lá đưa chân tôi trong niềm lâng lâng dễ chịu ra đến ngã ba. Tiếng nói chuyện của các bà đi chợ rau đang tới gần. Quê tôi có chợ khá lạ, nhóm từ một giờ sáng đến tỏ mặt người là tàn – chợ chủ yếu gom rau cho dân buôn sỉ, sáng ra theo xe đi các ngả đường. Các bà vừa gánh rau vừa chuyện trò cho đêm đỡ vắng. Tôi biết tỏng họ và bật cười thành tiếng. Tự nhiên họ im bặt rồi ríu người đùn lại, nhìn tôi sợ hãi. Tôi thích chí cười tiếp. Trong họ chợt có người rú ré: “Con Bốn điên bay ơi” rồi cả bọn quáng quàng chạy, vấp ngã huỳnh huỵch, lồm cồm bò dậy chạy, mặc rau quả văng tung tóe. Tự dưng một niềm khoái trá dâng lên trong tôi, càng lúc càng khoái trá. Tôi xông tới, vỗ tay, cười nói huyên thuyên rồi nhảy loi choi ở ngã ba, niềm phấn khích đã lên đến cực độ...
Nhiều người nghĩ rằng người điên là không biết, không nhớ những việc mình làm. Sai lầm. Tôi hoàn toàn cảm nhận được cái đã đời hôm đó dù họ gọi tôi là con điên.
Tôi chợt nhớ ra mình đang bị xích ở chân giường. Sao những người thân xử sự với tôi như vậy nhỉ? Lúc tôi nhăn nhó rồi lớn tiếng đòi mở xích, Thạch trừng mắt, chỉ mặt tôi quát:
- Im! Mày ồn tao đập chết!
Cha tôi vội tới can. Ông nhỏ nhẹ:
- Con chịu khó vài ngày. Hết bệnh là được mở ngay mà!
Thì ra họ đang chữa bệnh cho tôi. Tôi sợ sệt vâng lời...
Tôi chợt nhận ra mình đang ở trong phòng có nhiều giường và nhiều người lạ. Những người mặc áo trắng khám bệnh nói chuyện với tôi rất dịu dàng. Có lúc họ rất cương quyết trước một số ý muốn của tôi. Thường xuyên có cha tôi và con Siêng bên cạnh. Con bé đang bỏ học lên phụ chăm sóc mẹ. Tôi dần hiểu mức nghiêm trọng của tình thế... Các bác sĩ chúc mừng tôi, họ bảo tôi đang bình phục. Thạch lên đón tôi về dù bệnh viện khẳng định tôi cần tiếp tục điều trị mấy tháng nữa. Tôi biết gia đình đang rất túng bấn và cũng xin về nhà uống thuốc.
Người nhà, hàng xóm có kể cho tôi nghe những gì đã xảy ra hơn tháng qua. Có nhiều điều tôi không nhớ và có những chuyện họ không biết, chẳng hạn việc tôi nhăn răng cười thầm cùng bóng tối, đêm đêm. Nhờ trời mọi chuyện đang dần qua. Tôi đã làm được mấy việc nấu nướng, giặt giũ.
Tôi quyết định ra đồng làm cỏ cùng các xã viên. Thạch im lặng mệt mỏi, thường từ lò gạch về với nồng nặc mùi rượu. Có vẻ anh buông xuôi.
Tôi còn yếu quá, ráng sức vẫn không thể theo kịp mọi người dù cái lối lao động tập thể vừa làm vừa đứng dậy uốn người đỡ mỏi rồi ngóng chừng tiếng kẻng chả nghĩa lý gì với sức vóc phụ nữ nông thôn như tôi. Tôi thấy đất trời quay cuồng và lơ mơ nhận ra tiếng kêu hốt hoảng của những người xung quanh.
Tôi tỉnh lại ở nhà mình và sau nỗi mừng của mọi người, họ có vẻ là lạ khi nhìn chằm vào mặt tôi. Thạch về, nhìn tôi, rồi thở hắt ra, không nói gì. Tôi sợ hãi và yếu ớt thả mình vào sự dâng đầy, ngập tràn của cơn lốc xoáy quen thuộc, chỉ khác là trước đây nó đến bất ngờ còn bây giờ tôi có vẻ chủ động tìm thấy nó...
Tôi chợt nhận ra mình lại bị xiềng...
Tôi chợt nhận ra một lão già mặt mày quái gở đang huơ tay múa chân nói tràng tràng những câu bí hiểm. Lão đốt giấy, vẽ lửa vào khoảng không rồi đánh tôi bằng roi dâu, cầm dao phay chặt vào bụng tôi. Những người thân cứ trố mắt nhìn... Lần sau lão lại đến và tôi sợ sệt vâng dạ, làm theo bất kỳ mệnh lệnh nào của lão, cả việc lão đuổi tuốt mọi người ra khỏi nhà rồi lục lọi người tôi, đè cả người lão lên mình tôi, miệng vẫn không ngớt sùi bọt mép tuôn lài nhài bùa chú...
Rồi không thấy lão đâu.
Tôi vẫn bị xiềng chặt. Thạch và các con tôi đi đâu không rõ. Chỉ có cha tôi. Tôi đang bị cuốn trôi ngùn ngụt...
Rồi không còn cha tôi.
Tôi đã được tháo xiềng nhưng chỉ còn một mình trong ngôi nhà đã bị khóa chặt phía ngoài. Và một ô cửa sổ...
Và tôi đã vào tận đáy hố tối hun hút. Không còn ngôi nhà, không còn ô cửa... Tôi đã được giải thoát...
2
Tôi đã hoàn toàn đuối sức khi thầy Sáu bị công an bắt ở xã dưới, tội hành nghề mê tín dị đoan, xâm phạm thân thể phụ nữ. Nghe Thúy kể, tôi hiểu ngay vấn đề. Lúc ở bệnh viện tâm thần về, Thiệt bắt đầu làm vài việc lặt vặt rồi ra đồng. Biết làm sao được? Sau gần năm tháng cô sốt rét rồi điên, tôi đã làm việc đến kiệt cùng sức lực mà miếng ăn còn chưa đủ, vay giật chỗ này chỗ kia tiền thuốc men giờ cả đống nợ chưa trả. Rồi tiền học con Siêng, thằng Năng, thằng Tiếu...
Thầy Sáu bảo Thiệt bị mắc đàng dưới: thằng lính trên đồn chợ trấn xuống làng quậy, bị du kích bắn chết ở ngã ba giờ đeo đẳng theo Thiệt. Quả là có lần cô kể cho tôi nghe hồi bảy tư, lúc cô mới mười sáu, đám lính chợ Trấn nhiều thằng hay lẽo đẽo theo chân tán tỉnh. Tôi nhớ lại những lần đêm đêm Thiệt lẻn ra ngã ba mà ớn xương sống. Thầy Sáu cao tay ấn nổi tiếng khắp vùng, nhiều thân chủ ở tỉnh xa cũng tới rước. Lúc tôi kêu cầu, thầy bấm tay tư lự hồi lâu rồi nhìn tôi ánh mắt sắc lạnh đầy uy lực đến nỗi tôi phải ngó tránh đi. Thầy thả từng tiếng:
- Thằng âm này kinh lắm. Tôi sẽ trị được hắn nếu gia đình để tôi toàn quyền xử trí mọi tình huống. Mọi sự can thiệp lúc tôi đang đánh nhau với hắn đều nguy hại cho tính mạng vợ anh!
Tôi rập đầu vâng dạ.
Ngay lúc thầy mới tới ngõ, trong nhà đang gào la, cô ta bỗng im bặt, len lét sợ. Vài lần trị đã thấy dấu hiệu thuyên giảm...
Tôi thường xuyên đến nhà hỏi thăm tin tức và an ủi Thúy.
Tình trạng Thiệt càng lúc càng căng phải thường xuyên xích lại. Trong nhà, quanh vườn đọng đầy thứ ám khí. Tôi quyết định gởi ba đứa nhỏ sang nhà dì Thà phía trước và nhờ hẳn ông cụ sang giúp, trông nom săn sóc Thiệt.
Người đàn bà chia ngọt sẻ bùi với tôi mười năm qua giờ đang dần xa lạ. Xót thương, lo lắng rồi cũng vơi dần. Vả lại, tôi không còn lòng dạ nào nghĩ nhiều, cứ phải cắm đầu cắm cổ làm việc để nuôi con, trả nợ. Thường thì tôi ngủ lại ở lò gạch. Mươi bữa về gởi tiền cho Thà, mua sắm mấy thứ chỗ ông cụ. Có lúc Thiệt tỏ vẻ mừng khi thấy tôi, lúc cô ta la hét, chửi rủa điên loạn. Đám trẻ qua với mẹ cũng thưa dần. Mọi người thân xung quanh có vẻ buông xuôi, chấp nhận. Cha vợ tôi cũng bắt đầu mỏi mệt. Có lần nghe tiếng gào, từ nhà Thà băng qua, tôi thấy ông đang say máu, dùng roi quất Thiệt tới tấp. Thấy tôi ông buông phịch người xuống nền nhà hổn hển, rũ rượi. Ông ngơ ngác một chút rồi hai dòng nước mắt lăn dài trên má.
- Đưa cơm, nó hất đổ. Tao bực quá tính vụt vài roi không hiểu sao nó bắt cứ đánh hoài. Càng đánh càng hăng lên... Con ơi! Mày chết quách đi cho đỡ khổ...
Tôi quay đi.
Thời gian cứ trôi. Tôi đã xong nợ nần lại được cử làm đội trưởng hợp tác xã gạch ngói rồi tích lũy được số vốn kha khá. Quan hệ tốt tôi được xã cấp lô đất trên đường liên hương – cái vườn cũ rào tre là đất của ông nhạc. Đã có ngôi nhà ngói khang trang cho 4 cha con.
Thiệt từ lâu đã không còn là mối bận tâm nhiều nữa. Vợ chồng Thà nhận lo phần cơm nước cho cha và chị, tôi gởi tiền. Một lần vùng chạy, bị xích níu chân, Thiệt ngã đập mặt xuống nền dập nát môi và gãy mấy răng cửa. Cú ngã đã làm nốt việc hoàn chỉnh chân dung một người điên. Lâu lâu Thà mới vào tắm chị một lần – điều này do nhu cầu của những người xung quanh chứ không phải vì Thiệt. Sự chấp nhận cũng thành đường mòn và có cái lý của nó. Đám trẻ con Thà lớn lên hoàn toàn xem dì ruột của chúng là một thứ vật nuôi để giải trí tò mò. Chúng thường đem cho Thiệt mấy thứ đồ ăn vặt và thích thú quan sát. Chúng không có ký ức một dì Thiệt – người. Mà ký ức, nhất là những ký ức bất lợi thường thì người ta cố quên hoặc phủ dần lên nó những biện minh hợp lý...
Tôi đã cưới vợ. Thúy, con thầy Sáu. Ông được ra tù sau 4 năm 6 tháng. Tất nhiên, cưới chui. Tôi có thưa chuyện với các cán bộ địa phương và gia đình phía vợ thông cảm. Chả lẽ bắt tôi ở vậy suốt đời với người vợ không còn là người nữa? Không ai phản đối gì. Vả lại, đã từ lâu con người trong ngôi nhà ma cuối xóm kia không còn có ý nghĩa xã hội ở cái xã cận núi còn nặng nề những lo toan chuyện đói nghèo. Hình như Thiệt còn biết chuyện tôi cưới vợ. Một lần thấy tôi, cô ta gào toáng lên và dùng tay làm các động tác sự giao cấu.
Chính cha Thiệt sau lần ngã bệnh cũng về hẳn nhà với cậu trai út vừa cưới vợ. Thiệt được tháo xiềng, tự do trong nhà. Mọi cửa đi bị khóa kín. Mỗi ngày hai lần nhà Thà chuyển qua cửa sổ một tô cơm, một ca nước.
Tôi đã có thêm một thằng cu với Thúy.
Con Siêng sau năm lớp chín xin học may. Xong khóa nó làm ở tỉnh hơn năm rồi theo bạn bè vào Sài Gòn may công nghiệp, lâu lâu mới về thăm nhà. Mỗi lần về nó đều sang dì Thà rồi lại ngó chừng qua cửa sổ ngôi nhà nó ở lúc bé. Cha con không nói gì chuyện ấy nhưng tôi biết, cũng như tôi, trong nó chỉ còn một nỗi khắc khoải: sao mãi mẹ chưa chết!...
3
- Xếp bảo cậu lên gặp ngay! Trưởng phòng thông báo khi tôi vừa đến.
- Việc gì vậy anh?
- Cái phóng sự ấy mà. Mình đã bảo cậu nhiều lần, bơn bớt chữ nghĩa đi. Cứ cắm đầu suy diễn lan man.
- Nhưng em suy diễn gì đâu? Tôi bực bội kêu lên.
- Thì cái đoạn kết đấy. Hôm biên tập mình đã ngờ ngợ. Y như rằng vướng ở chỗ đó...
- Được rồi để xem xếp phê gì!
Tôi dợm bước bỏ đi, cố nén một câu thất lễ. Dù thừa nhận tôi là cây bút xông xáo, sắc sảo, nhiều lần trưởng phòng chê tôi lắm chữ nghĩa. Anh cứ lấy kinh nghiệm mười mấy năm làm báo của mình mà yêu cầu tôi viết thật sáng tỏ, rõ ràng các vụ việc, sự kiện. Trời à, đặc trưng của báo chí lẽ nào tôi không hiểu. Vấn đề ở chỗ, tôi thường trương ra những chữ gọi đích danh những trắc ẩn, nỗi niềm của các nhân vật hoặc nâng tầm vấn đề lên tính khái quát và bài báo có sức nặng tư duy chứ không đơn giản là sự phản ánh. Tôi đã có bạn đọc, nhưng ý kiến trưởng phòng cũng được một số đồng nghiệp ủng hộ...
Cách đây hơn mười ngày, người bạn làm ở hội Chữ thập đỏ tỉnh phôn cho tôi: “Có bài báo hay cho cậu đấy!” Anh báo tin một phụ nữ tâm thần ở Cảnh Hiệp bị chính gia đình giam cách ly trong ngôi nhà hoang đã 12 năm. Tôi ô kê rồi phóng xe máy đi ngay. Tôi từng có những bài báo hay về những đốm lửa mong manh, những nghịch cảnh, những số phận đáng thương rất cần sự trợ giúp của mọi người. Và đã có không ít sự phản hồi tốt.
Trên đường về Xuân Cảnh trên 80 cây số, tôi quyết định đi ngược với lôgíc làm việc thông thường là đi từ huyện xuống mà về thẳng xã hỏi thăm dân, hy vọng có những trực tiếp bất ngờ.
- Con Bốn điên chớ gì? Chú cứ đi hết đường này. Đó, cái vùng cây gần núi đó. Lại ngã ba có quán nước, nẫu chỉ. Mà chú là gì của con Bốn?
Tôi cám ơn người đàn bà đi chợ trên đường và chạy non cây số nữa thì đến cái quán ngã ba. Ở nông thôn, những nơi này tập hợp không thiếu chuyện đầu làng cuối xóm.
Thấy tôi chăm chú nhìn tấm ảnh cô gái trẻ đẹp đang mỉm cười, tay vén tóc, Năm Thà bảo: “Chị Bốn hồi con gái đấy!” Tôi cố giải thích cho chị ta hiểu mục đích của tôi là đem lại điều tốt cho người chị điên. Trùng trình mãi và cũng khó bề từ chối, chị đưa tôi ra lối sau, qua khu vườn rậm rạp, hoang tàn những lùm chuối, bờ tre, mãng cầu, cỏ dại, đến nơi nhốt người điên. Đó là gian nhà lợp ngói thấp tè, tường xây lở lói - mẫu nhà nông thôn xây vôi những năm đầu tám mươi. Cửa chính đã gắn cái ổ khóa, Năm Thà đưa tôi vòng lại cửa sổ. Các thanh sắt và cạnh cửa nhớp nhúa, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Tôi lùi xa bấm một kiểu ảnh và thấy trên nền đất chung quanh vương vãi đầy phân người, rùng mình hiểu rằng cái khoảng trống này là nơi trao đổi “chất” của con người trong kia.
Nghe có tiếng động, trong khung cửa hiện ra một hình hài người nhàu nhĩ, bẩn thỉu từ mớ rối lơ thơ bết mảng của tóc đến cái áo, đôi bàn tay đang bấu lên song cửa và gương mặt trắng bệch với đôi mắt vô hồn, láo liêng sợ sệt. Trong tích tắc tôi bấm máy, chị bỗng đưa tay vén tóc và cười bằng cách chằng đôi môi sẹo, khoe khoảng trống vùng răng cửa như một sự hài hước. Bỗng chị gào lên bằng giọng the thé, hoang dại:
- Cho tao ra! Cho tao ra! Nó giết tao...
Năm Thà ngó sang tôi bảo:
-Thấy người lạ là chỉ vậy đó!
Rồi quay sang nạt: “Im đi không!”
Tiếng gào dứt giữa chừng. Người điên sợ sệt cười như biết lỗi rồi buông tay, lảo đảo quay vào. Tôi đột ngột quyết định:
- Chị mở cửa cho tôi vào!
- Không được đâu! Năm Thà bối rối – Trong nhà bừa bộn lắm. Với lại...
Chị ta dừng lại giữa chừng vì lúc ấy có nhiều người vừa đến. Năm Thà giới thiệu anh Tấn chủ tịch, chị Minh Hội phụ nữ và mấy cán bộ ủy ban. Không hiểu từ nguồn tin nào họ biết có nhà báo về điều tra vụ giam người. Nghe yêu cầu của tôi, chủ tịch Tấn bảo Năm Thà cứ mở cửa. Ập vào tôi là đặc quánh mùi hôi thối. Người đàn bà ngồi nép trên sạp ván, len lét nhìn, kéo tấm chăn rách đen sì che người như một phản ứng tự vệ. Những vết lở lói, mòn nhẵn trên tường là dấu tích của sự kiên trì moi, nạo bằng tay. Nền đất có vết lõm sâu cũng mòn nhẵn. Năm Thà giải thích là chị ấy tự moi để nằm khi có trời trở. Vài phút sau chúng tôi đi ra. Không thể ở lâu hơn. Tại nhà Năm Thà tôi có cuộc trao đổi với người có trách nhiệm và thân nhân người điên. Tôi đến tận nhà gặp anh Thạch rồi sang bên ông cụ, cha người điên...
- Cái phóng sự được đấy. Tổng biên tập vừa nói vừa mở bản thảo – nhưng có đôi chỗ cần sửa chữa lại.
Tôi ngồi xuống chờ đợi.
- Các câu nói của chủ tịch xã, hội phụ nữ và nhân thân người bệnh là lời người thật, việc thật chớ?
- Dạ, em có ghi âm!
- Vậy thế này, chỉ còn hai điều: cái tít “Khuôn mặt của cái ác” và phần kết. Thực ra chỉ là một bởi nó liên quan. Vấn đề ở chỗ tư tưởng của bài viết, tức là từng vụ việc ấy, tác giả muốn đi đến đâu. Đây, phần cuối cậu viết thế này: ”Phải, cái ác có quá nhiều khuôn mặt. Đó là sự hạn chế về nhận thức, hiểu biết từ người hành xử đến hệ thống quản lý xã hội. Và điều này còn nguy hại hơn: có thể anh nhận ra đó là điều ác mà không động chạm đến quyền lợi cá nhân anh nên không góp phần ngăn chặn và cứ để nó trôi qua như một kiểu đường mòn, thời gian sẽ làm việc còn lại là bình thường hóa nó. Thỏa hiệp với cái ác là cái ác đã được nâng cấp! Trong điều kiện đời sống vật chất và nhận thức hiện nay của xã hội ta, khuôn mặt cái ác mà chúng tôi muốn nhấn mạnh trong bài quả là một vấn đề hết sức nghiêm trọng, rất đáng quan tâm!”
Ngừng một chút, tổng biên tập đánh giá:
- Về mặt lý luận, điều cậu viết không có gì sai nhưng bản chất vấn đề có phải theo hướng đó không? Chẳng hạn theo lời cán bộ và gia đình là tình thế nó vậy chứ không ai muốn. Họ bảo nếu không giam chị Thiệt, chị cứ đi rồi chết sông chết suối hoặc gặp thằng vô lại làm cho ễnh bụng, càng khổ. Rồi gia cảnh anh Thạch không thể để vợ đi chữa lâu dài ở bệnh viện. Hợp lý cả. Nhưng còn người vợ sau của anh ta, cô Thúy con ông Thầy Sáu đó. Theo mình, có lẽ từ đầu, anh ta đã có tình ý với cô này, sẵn trớn mới đẩy tình cảnh vợ mình tới nước đó. Hướng này dễ hiểu, dễ chấp nhận hơn. Cái ác rất sáng tỏ.
- Vâng, như vậy thì quá rõ ràng và có thể truy tố tội anh ta về tội ngược đãi vợ với hôn nhân không hợp pháp là xong. Nhưng sự tình, qua điều tra của em, không phải vậy. Ý kiến của những người thân đã tỏ rõ là họ thông cảm cho anh ta. Vấn đề em nêu ở phóng sự này là cái mặt ẩn của cái ác. Và vì không hiển hiện nên xác định, đấu tranh, tiêu diệt nó rất khó. Đây mới là sự nguy hại nghiêm trọng trong vấn đề đạo đức xã hội.
Tổng biên tập trầm ngâm một lát rồi kết thúc:
- Thôi được, để mình suy nghĩ thêm.

Nghe tôi bảo sẽ đến bệnh viện tâm thần – người bạn chữ thập đỏ mới cho hay chị Bốn Thiệt đã được địa phương và gia đình đưa đi ngay sau khi tôi về, trưởng phòng đột ngột bảo:
“ Mình cùng đi với cậu!”
Đã được tắm rửa sạch sẽ và mặc quần áo bệnh viện, nom chị khác hẳn. Ánh mắt lơ láo của người điên tập trung vào tôi rồi sáng lên: “chụp hình. Chụp hình nè!”
Cái vùng hỗn độn, mịt mờ của trí não người điên vẫn có thể lưu giữ những hình ảnh, ấn tượng đặc biệt. Ngồi cạnh chị là cô gái trạc hai mươi, khó có thể gọi là giống mẹ nhưng tôi đã buột miệng: Siêng phải không? Cô gái gật đầu, bối rối.
Ở hành lang, Siêng khóc bảo rằng cũng rất thương mẹ nhưng không biết làm cách nào, nghĩ tại cái số. “Mẹ cháu bị ma ám và...chắc khó chữa khỏi...” Có gì như là sự ân hận, nhẫn nhục ở Siêng giống vài người thân của cô gái.
Sau khi chụp cho người bệnh kiểu ảnh và hứa sẽ mang hình lại, chúng tôi có cuộc chuyện trò với bác sĩ điều trị. Những điều tôi chứng kiến khiến vị bác sĩ rất quan tâm. Ông có vẻ chú ý các chi tiết người điên bốc phân vãi vào anh chồng khi anh này lại gần cửa sổ hoặc khi có bệnh chị còn biết treo quần nơi cửa cho khô rồi mặc lại... Những điều này tôi không viết trong bài. Trưởng phòng cũng tròn mắt, rùng mình rồi hỏi liệu có thể chữa được bệnh cho người điên không? Vị bác sĩ bảo rằng có tiến triển bước đầu và có cơ sở để hy vọng nhưng chắc rằng bình phục sẽ lâu, nhất là phải kiên trì...
Trên đường về, trưởng phòng nói với tôi:
- Có lẽ cậu đúng. Cái phóng sự ấy mà!
- Không! Tôi lắc đầu. Em đã quyết định về gặp anh Tổng xin rút lại bài báo. Em tin là chị ta sẽ bình phục và thực sự bối rối không biết chị sẽ sống ở đâu, sẽ ra sao giữa cõi người sau mười mấy năm đã trải qua ở cái địa ngục trần gian ấy? Điên, chị ta làm khổ những người thân. Tỉnh, chị ta còn làm khổ chính mình. Có lẽ cũng giống suy nghĩ của nhiều người, em
nghĩ, thà chị ta chết đi còn hơn! Và chúng ta, sự trượt dài trên đường mòn hoặc những triết lý như em liệu có đem lại chút lợi ích nào cho cuộc sống? Có xoay chuyển được gì không khi mà lối sống vị kỷ càng lúc càng lớn lên trong mỗi con người?
- Cậu lại chữ nghĩa nữa rồi!...
Hồ Le, ngày 8.1998 – 5.1999
 
LÊ HOÀI LƯƠNG
(nguồn: TCSH số 152 - 10 - 2001)

Các bài mới
Thật bồ đoàn (02/06/2008)
Các bài đã đăng
Nhân ngư (02/06/2008)