Tạp chí Sông Hương - Số 152 (Tháng 10)
Thật bồ đoàn
17:21 | 02/06/2008
Ven Hồ Gươm ở phía lề đường bên phải, cách chân tượng vua Lê Thái Tổ ước ngoài trăm mét, luôn có một bồ đoàn. Bồ đoàn là chừng dăm tấm thảm Tầu rải sàn nhập lậu từ các tỉnh phía Bắc được các gia đình Hà Nội trung lưu ưa dùng.

Những tấm thảm mầu nâu đen, vàng và xanh thẫm khâu chặt lại với nhau, dầy khoảng năm tấc rưỡi. Bờ Hồ ban ngày đông người ban đêm vắng người nhưng tuyệt không thấy ai nghịch ngợm hoặc lấy giấu đi tấm bồ đoàn. Có một lần viên đề đốc thành tuần đêm, mỏi chân ngồi nghỉ trên đó, đứng lên thấy người lâng lâng ba ngày sau bỏ nghiệp võ quay sang miệt mài làm thơ. Rồi một trăm năm nữa người ta vẫn nhắc tới ông như một thi nhân. Phân nửa thi nghiệp của ông được chọn vào một tập thi tuyển đang rất gây tranh cãi trên văn đàn. Những khuya muộn của thứ bẩy và chủ nhật, chẳng cứ đợi đội tuyển bóng đá Việt Nam vào bán kết si gêm, bọn trẻ nghênh ngang lớn rầm rập lượn xe vòng quanh Bờ Hồ. Đến đúng chỗ có tấm bồ đoàn, tất thẩy bọn chúng đồng thanh gào. Khuyến quân cánh tận nhất bôi tửu, khuyên anh nốc nốt chén này. Giọng những đứa con gái đẫm nước mắt the thé như rượu hồi bao cấp bị mậu dịch viên pha thêm nước lã. Giọng những thằng bé trai có bi có hùng phẫn nộ chua chát. Đi hết qua đoạn đường ngắn ấy, bọn trẻ lại thành bình thường. Chúng lại cấu véo văng tục nhau. Tiếng khóc tiếng cười đã tắt chìm vào sương đậm mặt hồ. Hầu như những người lớn không biết và cũng chẳng có ai để ý.
Tháng lập xuân của không biết cách đây bao nhiêu năm, một trung niên gầy gò đã xách tấm bồ đoàn cô đơn ra ngồi. Tháng này con số đối ứng là tám (số của Thiếu dương). Vị đối ứng của tháng này là vị chua. Mùi đối ứng của tháng này là mùi tanh, nên trước mắt trung niên luôn là bát canh dưa nấu cá rô đầm Sét. Các cụ hưu trí của câu lạc bộ khí công thở hít ngoài trời đang ngồi tọa thiền ở phía bên rặng liễu khinh bỉ nhìn, đã dưỡng sinh lại ăn đồ nặng. Sương mù tan dần, ánh dương lớp nhớp vàng trên mặt lá hiu hắt ướt, trung niên đầu lởm chởm tóc lim dim mắt hướng Tháp Rùa. Bàn tay trái chụm ngón bắt quyết, còn bàn tay phải gõ vào đầu gối theo nhịp một lục một bát. Một nửa các cụ không chịu nổi đau lưng đã đứng, một nửa còn lại có hai cụ bà tiếp tục ngồi quyết dậy cho gã mới tập thiền một bài học. Vậy là, vào buổi sáng hôm ấy, từ ngã ba Bảo Khánh đến cửa ô ten Phú Gia, khúc đường hai trăm năm mươi mét đã ngập chìm trong cảnh giới không động đậy, một cảnh giới thượng thừa theo như quyển “Khí công thật là đơn giản”. Cuối cùng đến gần chính Ngọ thì các cụ đành thua, mặc kệ lời cổ vũ của đám đông xung quanh bu đen bu đỏ. Đúng lúc đó thì đại thương gia Bảo Kim Tín đi kiệu ngang qua. Bọn phu kiệu tám người mặc áo lụa hồng nẹp sa tanh tím hò hét dọn đường. Bảo Kim Tín xuất thân trưởng phòng tín dụng Ngân hàng có bị báo chí nghi ngờ là ăn cắp công quỹ không đột ngột lắm trở thành chủ mười ba tiệm vàng lớn nhất Hà Nội. Không con giai, vài năm gần đây miệt mài đi kiếm hiền tế, mong nối dõi dòng buôn duy trì sản nghiệp. Bảo đại thương gia có một cô con gái hai mươi hai tuổi nhan sắc tuyệt vời. Tiểu thư tốt nghiệp trường Ngoại thương, kể từ sau lúc học xong mẫu giáo mười lăm năm liên tục không đánh răng khi chúm chím hàm tiếu lấp lánh sau cặp môi xinh là một màu vàng đạt tới chất lượng SJC 9999. Đến gần ngang tấm bồ đoàn thì đường bị nghẽn, Bảo Kim Tín vẫy người hầu hỏi chuyện. Nghe xong bụng mừng thầm thủng thẳng cười khẩy khệnh khạng xuống kiệu tay cầm túi vàng lớn đứng hách dịch phía bên kia vỉa hồ xếch mé gọi dử.
- Này, sĩ, lại đây.
Trung niên lìa hình vất trí hợp cùng đạo lớn mặt giống tro nguội, khí sắc phảng phất như Nhan Hồi tọa vong. Bảo đại thương gia sốt ruột giơ tả thủ phất nhẹ. Một người hầu lăng xăng chạy đến nâng cao chân dung đương kim tiểu thư chụp tại ảnh viện phô tô Xính. Đám đông chết lặng hút nhìn vào cái cười kim nha ma mị nghìn vàng. Bảo đại thương gia xuống giọng đôi chút.
- Kẻ sĩ ơi, lại đây, cho cả hai này.
Chiến quốc sách chép Tề Tuyên Vương vời Nhan Súc, Súc giữ tư cách trí thức không lại nhưng vẫn ứng tiếng, suốt hơn hai ngàn năm những kẻ có chữ khâm phục lắm. Còn trung niên thì sầm mặt, bỗng đột ngột nhổ nước bọt. Bãi bột vẽ một đường parabon rơi xuống bồng bềnh trên mặt hồ. Tất thẩy những người xem thi tọa thiền giật nẩy mình. Văn hóa Bắc Hà có một đặc sản gọi là kẻ sĩ, vĩnh viễn chiếm ngôi đầu hơn hẳn bọn Nông Công Thương. Thì ra xuất sứ của trung niên không là bình thường và thao tác ứng xử với Bảo Kim Tín chứa đựng một phẩm hạnh kinh người. Thời buổi kinh tế thị trường khá nhiều kẻ sĩ chê quyền lực nhưng kẻ sĩ chê tiền và sắc thường hiếm lắm. Tại các quán bia hơi Lan chín Hải xồm mọi người ồn ào râm ran bàn tán. Nhưng cũng giống như việc ủng hộ quyên góp lũ lụt chỉ sôi nổi khi có báo đài, hơi men tan đi ngọn lửa rơm dư luận dần dần tàn. Những ngày sau cuộc sống đều đặn trôi, trung niên ngồi đấy chìm vào thường nhật.
Long Vũ đứng sát sau cửa sắt sơn màu be nhạt kéo hờ, ngách hậu của rạp hát Công Nhân. Bó hoa hồng đỏ giá mua hôm nay có hạ, Vũ ôm khe khẽ trước ngực. Khoảng chín giờ mười năm Thanh Hồng Linh sẽ đi ra, cô bé sẽ tiếp tục chạy sô đến nhà hát Tuổi Trẻ để hát nốt xuất cuối. Sẽ vẫn những bản tình ca có ca từ hoặc là dịu dàng cho em một ngày một ngày thôi hoặc dữ dội yêu nhau ném đá vỡ đầu nhau ra. Ông già bảo vệ mặt đờ đẫn nghiện rượu đứng dậy kéo cửa. Cô bé tóc ngắn váy dài nghiêng người lách qua khoảng hẹp. Vũ ấp úng tiến lại, cô bé không ngạc nhiên hơi mỉm cười.
“Đã bảo anh đừng làm thế”
Vũ lí nhí nói và như mọi lần cô bé nhận bó hoa vội vã rồi đi về phía cái Dream có một chàng trai đeo kính tóc dài đang ngồi đợi. Sáu năm nữa, chàng trai buôn lậu phần mềm computer này sẽ trở thành nhan nhản con rể của một trong những bộ trưởng. Cô bé đã không biết và phải bẩy năm nữa mới biết dưới mỗi cuống hoa đều có quấn một bài thơ của Vũ. Có bài chép tay, còn bài đã đăng báo thì Vũ cẩn thận phô tô lại vào giấy trắng khổ A4. Chàng trai đeo kính khinh bạc nhìn Vũ. Vũ chỉ nhìn Thanh Hồng Linh. Vũ không có tiền nhưng Vũ có thơ. Thời tin học sẽ qua và thời thi ca sẽ tới. Vũ đi bộ đến phố Ngô Thì Nhậm để chờ Thanh Hồng Linh hát nốt xuất cuối. Hơn mười giờ cô bé đi ra bằng cổng chính và sẽ dễ dàng nhìn thấy Vũ dưới chân cột đèn cao áp. Lần này không có ai đón và cô bé tự đi một mình bằng chiếc Chally cũ kĩ. Chàng trai tóc dài đã đi đón một cô vũ nữ ở sàn nhảy Lá Cọ. Vũ biết vậy và cô bé cũng biết vậy.
“Anh lại đây, hôm nay em muốn anh đèo em”
Có một buổi tối muộn có gió heo may cô bé đã gọi Vũ. Cả hai lòng vòng đi lên hồ Tây rồi dọc theo đê Yên Phụ quay lại quán cháo gà đêm đối diện cửa đền Ngọc Sơn. Những con đường tình yêu muôn thủa của Hà Nội. Cô bé khô khan kể về gã bầu sô và Vũ nghe câu được câu mất cái giọng khàn khàn. Cô bé hình như khóc, nước mắt thật lăn qua hàng lông mi giả làm ẩm nhòe làn áo sơ mi lưng Vũ. Cô bé bâng khuâng gọi năm cái chân gà và Vũ lan man nhìn vỉa hè nham nhở vết đào của sở giao thông công chính đè lên vết đào của sở điện uống năm chén rượu trắng. Vũ và cô bé ở cùng phố. Phố nhỏ lẫn lộn những người có đạo và những người vô đạo. Vào giờ mẹ Vũ đọc kinh cũng là giờ bố cô bé rượu say chửi đổng. Người phu khuân vác già về mất sức sớm mệt mỏi vì cảnh nghèo thỉnh thoảng giải khuây bằng cách đánh con chửi vợ. Mẹ cô bé dạy nhạc lý cho học sinh lớp bốn xuất thân từ một ca sĩ hỏng giọng, nghêu ngao Văn Cao ngồi là bộ đầm tối. Bà ta luân phiên có ba người tình già đều trên bẩy mươi. Vũ đứng trên ban công hẹp, say đắm nhìn cô bé hàng xóm vừa rửa bát vừa khe khẽ hát. Suốt năm năm đại học chiều nào Vũ cũng bải hoải lang thang đi sau đôi bím tết tóc đuôi sam. Cô bé đi sinh hoạt lớp hát tại Cung văn hóa Thiếu niên. Cái phố nhỏ chỉ cần qua một ngã ba là đến bờ hồ Hoàn Kiếm và cô bé đi bộ. Gió ngây thơ thổi bím tóc ngây thơ. Vũ thì thào những khúc đoản thi trên căn gác xép chật mất điện khi cả nhà đã đi ngủ. Cô bé giả vờ ngó Tháp Rùa rồi liếc nhanh lại đằng sau để dễ dàng nhận thấy gã sinh viên gầy gò hứa hẹn một vóc dáng thi sĩ. Tình yêu làm nên nhà thơ. Cô bé gọi thêm bát cháo gà ăn với vẻ đói thật. Tự nhiên Vũ thấy da diết buồn, nếu không quá sợ cô bé anh đã đọc một bài tứ tuyệt ngẫu hứng.
“Anh đừng đi theo em nữa”
Vũ vô hồn không hiểu, Vũ đang nhẩm vài dòng lục bát.
“Tối nay em sẽ đi qua đêm với anh, em biết là anh yêu em”
Vũ vừa lắc vừa gật.
“Từ ngày mai em sẽ phải có tiền, em không thể chậm được”
Muốn là người giầu người ta bắt buộc vội vã, và đương nhiên chẳng thể trong trắng. Nước đục luôn dành cho những con trâu chậm. Vũ thở dài, tình yêu và văn chương hình như lại cần sự thong thả. Vũ theo cô bé sang sông chui vào thị trấn Gia Lâm. Cả hai không đi bằng cầu Chương Dương cũng không đi bằng cầu Thăng Long. Người ướt đẫm nước Vũ và cô bé tới bờ bên kia. Nhiều năm sau khi đã nát rượu, đã quen nói dối Vũ mới biết cô bé đã nói thật.
Khi ráo riết chuẩn bị in tập thơ đầu Vũ luôn nghĩ mình rồi sẽ nổi tiếng. Vũ viết sẵn một bài phỏng vấn công phu, những câu hỏi sắc sảo và những câu trả lời còn sắc sảo hơn. Vũ luyện những nụ cười buồn bàng bạc chua chát, những cái nhíu mày đọng nhiều minh triết để dành riêng cho những cuộc họp báo đông phóng viên nữ. Cuối năm 1977 Việt sắp sửa thành rồng thì tập thơ “năm tháng và người tình” của Vũ cũng được nộp lưu chiểu. Cuộc sống dư dật vật chất và thi ca phồn vinh. Xe Dream trở thành xe ôm, giấc mộng một thời hóa ra là phương tiện dung tục, nhiều người mất hẳn thói quen đi bộ. Nhưng mọi sự đều không phải suôn sẻ theo kiểu phó tiến sĩ sẽ đương nhiên là tiến sĩ, một nghìn bản thơ in cầu kỳ sang trọng của Vũ chỉ bán được một bản. Độc giả duy nhất ấy than thở trên báo Hà Nội là mình bị lừa. Vũ viết đơn xin vào hội nhà văn.
Cuối buổi chiều một ngày chính rằm tháng Ất Dậu khi kính thiên văn không gian Huble đã nhòm kỹ một vụ nổ trên sao Mộc thì khoa tử vi phương Đông đồng xác nhận là có sự xáo trộn nhất định ở chòm sao Văn Xương Văn Khúc. Ở một nơi nào đó một cuộc thi thơ của một tờ báo văn chương lớn đã kết thúc, thi sĩ không được kể cả giải khuyến khích. Trong đám đông nhan nhản vô danh đã có thêm một người. Chao ôi, nam tử hán đại trượng phu, phải có danh gì với núi sông. Thi sĩ nhớ lại mối tình đầu. Cô bé đã nổi tiếng, phía trước tên nữ ca sĩ trên tất cả các phương tiện truyền thông đều ghi hai chữ “siêu sao”. Thi sĩ phải yêu, thi sĩ phải kiên trì làm lại. Và thế là hàng đêm, dưới chân cột đèn cao áp phía bên kia vỉa hè của các tụ điểm âm nhạc đã có một thi sĩ âm thầm cầm hoa chờ đợi trong mối tình một chiều tuyệt vọng. Và để duy trì cường độ thi sĩ buông lỏng thi tài nôn nao viết báo. Hãy cảnh giác trước tệ nạn đua xe máy đêm. Nhuận bút lĩnh ngay sau khi báo ra là một trăm bảy mươi nhăm ngàn đồng. Tổng biên tập cũng là người thơ, nhìn vẻ xanh mướt đau đời của thi sĩ lầm tưởng là đồng nghiệp đang đói, tế nhị nhét thêm tờ hai chục nhầu vào giữa phong bì. Hơn một lần, thi sĩ rút một tờ năm mươi ngàn mua một vé vào xem liên hoan ca nhạc cầu truyền hình trực tiếp Bắc-Trung-Nam tại rạp Hồng Hà. Vâng, là em, đã đến lượt em, tình yêu của tôi. Vũ khản giọng đau đớn gào thành tiếng. Ca sĩ Thanh Hồng Linh hớn hở cô đơn đi ra sân khấu trong bộ áo dài dân tộc cách tân. Tà áo xẻ cao trông rõ một màu rung rinh ngơ ngát hồng nhạt. Người dẫn chương trình có hai giới tính đặt câu hỏi hóm hỉnh. Khán giả có trình độ thẩm mỹ âm nhạc trung lưu ào ào vỗ tay. Tôi chẳng nghe thấy cái gì, tôi chẳng nhìn thấy cái gì. Tôi chờ đợi trong vắt giọng hát của em. Tôi chờ đợi long lanh ánh mắt của em. Và em nói “Kính thưa khán thính giả toàn quốc. Hôm nay qua cầu truyền hình Linh xin hát một bài về mẹ. Sẽ rất nhiều người hỏi tại sao Linh lại hát về người mẹ. Thưa, bởi vì, trong Linh luôn có một bà mẹ. Hơn thế nữa hôm nay mẹ Linh đang ốm. Mẹ ơi, mẹ có nghe thấy tiếng con không” Bây giờ Vũ đã nghe thấy tất cả. Trực giác và linh cảm của thi sĩ là bất khả giải thích. Mẹ của ca sĩ đang đi dở điệu tăng gô trên sàn nhẩy của câu lạc bộ khiêu vũ cổ điển Palace lầm bầm với người tình già “cái con này suốt ngày nó rủa tôi ốm”. Thanh Hồng Linh nước mắt lưng tròng hát bài người mẹ. Một trong những dấu hiệu trưởng thành của ca sĩ là không hát tình ca nữa. Nghệ thuật luôn luôn là phức tạp vì nó không trong trắng một cách bình thường. Phẩm hạnh của nó chỉ có thể đo được theo kiểu chữ trinh của Kiều. Và kiểu nào thì cũng đáng giá nghìn vàng. Ca sĩ vẫn đi ra từ ngách hậu nhưng không phải để tiện đường mà để tránh những người hâm mộ. Sau một lần chen qua đám đông các fan, đùi trái bị bầm tím bởi những cái cấu cuống nhiệt, Thanh Hồng Linh đã vĩnh viễn không mặc váy ngắn nữa. Vũ từ bên kia hè thong thả đi sang, thời gian làm tình yêu chuyển động chậm. Bốn phóng viên lẫn lộn cả nam nữ của hai tờ báo lá cải nhoay nhoáy chụp ảnh. Cách đây hơn tuần tờ văn nghệ buổi chiều phụ trương văn hóa thể thao giải trí của một tập san trực thuộc trung tâm phòng chống các loại bệnh xã hội đã công khai úp mở mối tình của Vũ. “Còn mãi một tình yêu”. Câu cuối của bài báo được in đậm “Sự chung thủy chính là thần dược để chống lây nhiễm ết”. Vũ kẹp quyển sự bất tử vào nách trái rồi đưa Thanh Hồng Linh bó hoa loang lổ nhiều màu tím. Cũng có một người đứng cạnh ô tô đang chờ ca sĩ, so với những người ngày xưa thì tóc ngắn hơn và mặt già hơn.
“Em xin giới thiệu, đây là nhạc sĩ Tùng Quang còn đây là thi sĩ Long Vũ”
Nhạc sĩ và thi sĩ gật đầu xã giao chào, hai người đã biết nhau qua một lần kiện bản quyền trên báo. Không hiểu sao những ca khúc được phổ nhạc trộm từ thơ thường rất thành công. Nhạc sĩ nheo cặp mắt mà hai mươi lăm năm trước còn long lanh đen sinh viên nhưng bây giờ đã nhiều chân chim đĩ thoã.
“Đi ra Phố Biển ăn cái gì đi”
Thanh Hồng Linh gần như ấn Vũ vào chiếc xe hơi bốn chỗ có mầu da cam rất chóe. Nhạc sĩ mặt lạnh huýt sáo giai điệu bài hát phổ trộm thơ Vũ. Ca khúc đã thành thời thượng cho giới trẻ nhờ sáu bản án tranh chấp dân sự. Vũ tuyên bố với giới báo chí rằng đang âm thầm chờ tài trợ để theo phiên thứ bẩy. Quán hải sản sang trọng đầm ấm người, thực khách phần đông là thương gia. Vân tòng long, phong tòng hổ các doanh nghiệp ngồi đâu là nơi ấy thơm nức mùi tiền. Thanh Hồng Linh ăn tôm, Nhạc sĩ nhấm nháp sò huyết, còn Vũ ngẩn ngơ uống cô nhắc đắm đuối nhìn Thanh Hồng Linh.
“Tuần sau em mời anh Vũ đến ăn tân gia”
Ca sĩ có cát sê mỗi tối là bẩy triệu và sắp tới sẽ sở hữu ngôi nhà ba tỉ. Thiên hạ không còn giật mình, nghệ thuật đang được tôn vinh bằng giấy bạc. Nghĩ cho cùng Vũ không cần tiền. Hai trong số bốn phóng viên vẫn lẽo đẽo theo đang thập thò máy ảnh phía góc sát quầy bar. Vũ hơi xoay ghế, ở góc độ này nếu có bị chụp trộm thì khi lên hình trông Vũ vẫn có vẻ thi sĩ.
“Thời buổi nhiễu nhương, muốn nổi tiếng dễ thật, mặt chỉ cần dầy”.
Nhạc sĩ bâng quơ trịnh thượng. Trịnh thượng là đứa con hèn hạ của đố kỵ. Thanh Hồng Linh lườm nhạc sĩ, chợt cô thở dài khóe mắt âm ẩm nhìn Vũ. Những buổi chiều học hát đã tan thật vào ngày xưa. Vũ tự uống cạn ly rượu sóng sánh chua chát mầu nâu. Vũ lưỡng lự định đứng lên rồi đau đớn cắn môi tiếp tục ngồi. Kể từ bây giờ trở đi thi sĩ quyết định chỉ toàn ngồi.
Hà Nội có Bờ Hồ và Bờ Hồ mùa đông có một người ngồi. Lác đác đã có lá vàng hoang mang bay trên mặt hồ hiu hắt nước. Một đoàn quay phim nước ngoài lỉnh kỉnh nhiều đồ nghề vây quanh tấm bồ đoàn. Gã đạo diễn trông như người Nhật nhưng nói tiếng Pháp oang oang hét vào cái loa điện. Trung niên thi sĩ ngồi kiết già vô cảm, thần mắt đăm đăm dõi hư vô. Nắng hanh vàng đặc nóng như đang giữa hè. Cú máy cận cảnh đầu tiên được quay vào lúc mười giờ kém năm. Họa sĩ thiết kế của đoàn làm phim bóc từ chân tượng vua Lê Thái Tổ những khóm rêu xanh mầu thời gian rắc đều lên tóc của người ngồi. Nhiều phố của Hà Nội bị nghi ngờ là không cổ chỉ vì thiếu rêu. Những vòng người mênh mông tò mò đứng xem. Vòng trong cùng vẫn là toàn bộ các cụ tổ hưu trí dưỡng sinh. Vòng kế ken chặt những đứa trẻ đua xe máy vị thành niên đang nháo nhác lớn. Mặt trẻ con đờ đẫn vì dư lực hồng phiến, không có gió nhưng đầu và vai bọn chúng liên tục lắc lư. Thứ nữa là đám công chức trốn giờ đang cằn nhằn dẫm lên chân nhau. Ngoài cùng thưa thớt những người hình như làm nghệ thuật. Nghệ sĩ luôn khát khao bám sát hiện thực nhưng không hiểu sao thường bị chầu rìa. “Máy hai, xong”. Trợ lý dạo diễn là một nữ văn sĩ có giải truyện ngắn được mời liên doanh với tư cách là một người viết lời bình phim khẽ rút bút mở sổ tay. Tên phim đã được chọn nhưng có lẽ phải thêm lời đề từ. Huyền bí một dáng ngồi hay là sự thách thức thế kỷ. Trung niên thi sĩ đột ngột lảo đảo, nắng chính ngọ xói căng chiếu giữa đỉnh đầu. Tất cả mọi người hồi hộp cầu nguyện cho người ngồi thiền đừng ngã. Ca sĩ cũng đứng xem, tất nhiên là ở phía ngoài lẫn lộn vào đám nghệ sĩ. Mặt ca sĩ phảng phất như buồn như nhớ. Ngày xưa, người yêu đầu tiên của ca sĩ có kể chuyện Đạt Ma Tổ sư ngồi thiền. Đỉnh Thiếu thất lồng lộng gió, và lúc đó quanh Tổ sư không có người, chỉ có những cây tùng cây bách và thâm nghiêm vách đá.
Rằm tháng Tân Mão, năm 2001
 
NGUYỄN VIỆT HÀ
(nguồn: TCSH số 152 - 10 - 2001)

Các bài mới
Các bài đã đăng
Nhân ngư (02/06/2008)