Tạp chí Sông Hương - Số 152 (Tháng 10)
Thư pháp về “Lòng hiếu thảo”
17:26 | 02/06/2008
Có những “Ngày của Mẹ” vào cuối thu ở phương Nam. Người xa xứ nhắn nhủ với nhau, đấy là những ngày đẹp nhất. Và họ đã trải lòng trong một không gian thư pháp có chủ đề về lòng hiếu thảo.
Thư pháp về “Lòng hiếu thảo”

Ý tưởng báo hiếu đã được người xa quê đồng tình và thực hiện thành một cuộc triển lãm thư pháp mang tên Lòng hiếu thảo. Bốn nhà thơ - thư pháp Trụ Vũ - Song Nguyên - Phong Sơn Chính Văn đã gây ấn tượng với người thưởng lãm trong một không gian thư pháp, nồng ấm tình Mẹ và đạo lý làm người. Mỗi nhà thư pháp có một nét riêng mà không gian thư pháp thì rộng lớn vô cùng.
Có rất nhiều lời hay ý đẹp về trung hiếu, tình Mẹ, về quê hương và xử thế được “viết như vẽ”. Chữ nghĩa về hiếu đạo chen chúc bày biện, gợi nhớ nhiều nỗi niềm. Những chất liệu giấy, lụa, gỗ, tre, mây, sứ... được các nhà thư pháp làm cho đẹp hơn và sinh động hơn.
Vào thăm “không gian” này (tại Nhà văn hoá Quận I-TP.HCM), nhiều người đã đắm mình, bồi hồi, nhớ thương với nhiều câu ca dao, thành ngữ, câu đối, câu hò Huế, danh ngôn Việt . Những câu hát vành nôi Mẹ đã ru: Mẹ già như chuối ba hương... Mẹ thương con biển hồ lai láng... Công cha như núi Thái Sơn, Nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chảy ra... Những ca từ nổi tiếng như Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình rạt rào... (Y Vân), Mẹ dạy cho con tiếng nói quê hương  (Trịnh Công Sơn), Một bông hồng cho những ai đang còn mẹ (Phạm Thế Mỹ)... Những lời hay ý đẹp: Giữ thơm quê mẹ, Tịnh tâm, Có nuôi con mới biết lòng mẹ, Xa quê hương thì không có lỗi - Quên quê hương mới là có tội (Đinh Phong)...
Vào thăm “Không gian” này, khách tham quan đọc lại thơ xưa và thơ ngày nay qua nét bút thư pháp bay lượn và tài hoa. Nơi này là “Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài” (Nguyễn Du), “Tôi thấy tôi mất mẹ, Mất cả một bầu trời” (Thanh Tịnh). Câu thơ trích trong Lời mẹ dạy (Phùng Quán), nơi kia là những câu thơ sâu lắng về Mẹ của Bùi Giáng, Trụ Vũ, Phong Sơn, Tôn Nữ Hỷ Khương, Trần Hữu Lục, Tôn Nữ Thu Thủy, Thanh Nguyên, Đỗ Trung Quân, Trương Nam Hương, Song Nguyên, Chính Văn, Hồ Đắc Thiếu Anh, Trần Thị Linh Chi...
Suốt thời gian triển lãm từ ngày 2 đến 9-9-2001, không gian thư pháp về lòng hiếu thảo đầy ắp hoa tặng và có rất đông người vào thưởng lãm. Người hưởng ứng “Ngày của Mẹ” đã gắn rất nhiều hoa hồng trên nhiều bức thư pháp mà họ ưng ý và chọn lựa. Lớp trẻ, hầu hết là sinh viên, học sinh thì vô ra tấp nập để “xem” các nhà thư pháp viết tại chỗ và yêu cầu hoặc xin một hai câu thư pháp về Mẹ. Đông vui mà trang trọng! Nhiều người ghi vào sổ lưu niệm, hết sức ca ngợi sáng kiến của Ban liên lạc đồng hương Huế tại TP.Hồ Chí Minh và Tủ sách Nhớ Huế đã có sáng kiến và tổ chức thành công một cuộc triển lãm thư pháp về lòng hiếu thảo tại trung tâm Sài Gòn.
Với những người xa xứ vốn có rất ít ngày vui ở quê người, thì những “Ngày của Mẹ” đã nuôi dưỡng, tiếp nối và bồi dưỡng trong họ một tình cảm cao quí, nét đẹp truyền thống hiếu đạo của đất nước. Họ đã có dịp gắn một đoá hồng trong tim mình. Và họ cũng đã có cơ hội bày tỏ hạnh phúc của mình trong những “Ngày của mẹ”.

TRẦN HỮU LỤC
(nguồn: TCSH số 152 - 10 - 2001)

Các bài đã đăng
Thật bồ đoàn (02/06/2008)
Nhân ngư (02/06/2008)