Tạp chí Sông Hương - Số 153 (Tháng 11)
Danh họa Pablo Picasso - Huyền thoại sống của thế kỷ xx
09:38 | 03/06/2008
Kỷ niệm 120 năm ngày sinh của đại danh hoạ Pablo Picasso 25/10/1881 - 25/10/2001
Danh họa Pablo Picasso - Huyền thoại sống của thế kỷ xx

PABLO PICASSO sinh ngày 25 tháng 10 năm 1881 tại Malaga – một hải cảng miền nam Tây Ban Nha, nơi miền quê đầy nắng ấm, đất đai trù phú, con người vui tươi, phóng khoáng. Những năm trẻ thơ của người họa sĩ tương lai đã trôi qua ở La Corgne và Barcelone nơi cha của Picasso – ông Jose Ruiz Blasco là giảng sư hội họa ở Trường Nghệ thuật trang trí. Ngay từ những năm tháng tuổi thơ Picasso đã được cha định hướng cho học hội họa. Ông là người thầy đầu tiên ân cần và nghiêm khắc đối với chặng đường đầu đến với nghệ thuật của Pablo Picasso. Mẹ của Picasso là một người nội trợ, một người mẹ dịu dàng có ảnh hưởng rất lớn đến tình cảm của Picasso. Cái tên Picasso được ký trong bức họa "Cuộc đấu bò tót" (Chì và màu bột 13 x 21cm) năm 1892 chính là họ của người mẹ, từ đó dần dần tên Picasso trở nên quen thuộc với toàn thế giới. Và Picasso cũng là một trong số các danh họa thế kỷ XX nổi tiếng ngay từ khi còn rất trẻ.
Năm 1895, khi mới 14 tuổi Picasso đã thi đậu vào Viện Hàn lâm Mỹ thuật Barcelone, người ta kể rằng bài thi hình họa được quy định 2 tuần, nhưng Picasso chỉ vẽ vài giờ là xong và khi chấm vẫn được xếp hạng A. Một năm sau, Picasso đã có triển lãm đầu tiên tại quán cà phê "Els Quatre Gats". Tờ báo "La Vaguandia" đã đăng bài giới thiệu sự xuất hiện của một tài năng mới với những lời đánh giá xác đáng mà về sau thấy là hoàn toàn chính xác. Cuối năm 1897, với những thành tích hội họa được dư luận chú ý, Picasso được chuyển đến học tại Viện Hàn lâm Hoàng gia San Fernando ở thủ đô Madrid (Tây Ban Nha). Nhưng rồi Picasso lại thấy nhàm chán bởi lối dạy kinh viện nhuốm sắc màu tôn giáo khắc kỷ vốn rất chặt chẽ ở Học viện, vì vậy chàng trai trẻ Picasso lại muốn ra đi để tìm kiếm cái mới, cho dù lúc bấy giờ ông cũng chưa thật biết rõ cái mới là gì? ở đâu? nhưng nghe nói Paris đang là nơi sẵn sàng đón nhận tất cả những ai muốn thử sức trên con đường nghệ thuật chông gai, dù ông biết rõ vinh quang thì ít mà cay đắng thì nhiều, qua cuộc đời của các họa sĩ Hậu Ấn tượng mà ông ngưỡng mộ và chịu ảnh hưởng chút ít như Toulouse Lautrec, Cezanne, Gauguin.
Năm 19 tuổi, Picasso đến Paris lần đầu tiên và với thời gian chưa đầy 3 tháng ông đã có được những người bạn mới, để rồi sau đó qua lại Paris nhiều lần và cuối cùng quyết định sống lâu dài ở đây. Ông tổ chức triển lãm cùng với Vollard, kết bạn với nhà thơ Apollinaire, nhà văn Mỹ Gertrude Stein (1874 – 1946), Max Jacob, Mattisse, Braque, Andre Derain,... Phần lớn họ là những người cấp tiến và có ảnh hưởng lớn đến tư tưởng nghệ thuật của Picasso... Paris đã đón nhận ông gia nhập vào đội ngũ các họa sĩ tiên phong đầy sung sức và sự cao ngạo. Chỉ vài năm sau Picasso trở thành ngọn cờ nghệ thuật ngay tại Paris thủ đô nghệ thuật hiện đại thế giới. Vốn là người có cá tính riêng độc đáo, cùng với khí chất hừng hực của dòng máu Tây Ban Nha Picasso lao vào sáng tạo say mê, cuồng nhiệt, nhưng không bao giờ Picasso tự hài lòng và yên phận tận hưởng thành quả sáng tạo của mình. Picasso luôn làm ta khâm phục và kinh ngạc bằng sự đổi thay đột biến không ngừng. Trong thời kỳ màu xanh (1901 – 1904) Picasso đưa ra hàng loạt tác phẩm vẽ theo phong cách biểu hiện hiện thực rất gần với phong cách truyền thống Tây Ban Nha với đường nét thanh nhã, run rẩy đầy cảm xúc, tất cả lan tỏa bởi màu xanh mộng du, vắng lạnh mà gợi cảm lạ thường. Nhân vật trong tranh của Picasso là những người nghèo lam lũ, ông già mù hát rong, cô gái mảnh mai giặt ủi áo quần, đôi tình nhân hốc hác, ngơ ngác trước bữa cơm đạm bạc, thi sĩ cô đơn với ly rượu đã cạn... Màu xanh lam chủ đạo càng bộc lộ rõ tình cảm của họa sĩ, nỗi niềm xót thương trước những cuộc đời rách nát, đau thương của bao kiếp người mà ông gặp hàng ngày trên mọi đường phố, quán rượu. Thời kỳ màu hồng (1904 – 1906) Picasso vẽ những người làm xiếc, cậu bé với con chó u sầu, chân dung những người bạn... Trong màu hồng nhạt le lói chút vàng cam, tất cả đều trầm tư mệt mỏi, uể oải bởi gánh nặng của cuộc đời. Trong tranh của Picasso thời kỳ này thật vắng nụ cười, màu hồng ấm chỉ có thể là sự biểu hiện trạng thái khác lạ hơn, ưu ái hơn của người họa sĩ, chứ không thể che lấp được bao nhọc nhằn, bất công mà ông vẫn thấy. Năm 1907 Picasso giới thiệu trước công chúng Paris bức tranh mở đầu cho chủ nghĩa lập thể (Cubisme) "Những cô gái ở Avignon" (224 x 245cm), bức tranh thể hiện 5 cô gái đang ngồi vặn vẹo, xô lệch với những mảng cắt mạnh, không gian tạo hình bị xé vụn, hoảng loạn, các khuôn mặt cắt gọt như những mặt nạ Phi Châu mà ông đã từng biết đến. Sau này Picasso đã nói với bà Francoise Gilot – một trong những người vợ của ông rằng chính ông đã phát hiện ra nghệ thuật của người da đen Phi Châu từ những chiếc mặt nạ được Matisse đem về. Cả Paris la ó, ngay cả những người bạn thân thiết của Picasso như nhà thơ Apollinaire, nhà sưu tập Vollard cũng sửng sốt kêu lên "Hắn điên mất rồi!", nhà sưu tập Nga Chtchoukine thì thất vọng "Nước Pháp đã mất một thiên tài!". Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau Apollinaire đã cảm nhận ra cuộc cách mạng hội họa của Picasso và trở thành người tuyên truyền tích cực cho chủ nghĩa lập thể, còn Vollard và Chtchoukine thì đua nhau mua tranh lập thể của Picasso. Theo các nhà nghiên cứu mỹ thuật bức tranh "Những cô gái ở Avignon" của Picasso chịu ảnh hưởng rất rõ từ tranh "Niềm hạnh phúc cuộc sống" của Matisse vẽ vào năm 1906. Với các họa sĩ trào lưu tiên phong dường như tất cả đã là quá khứ kể từ khi "Những cô gái ở Avignon" ra đời, các họa sĩ trẻ chào đón cái mới ở Picasso mở ra trong trạng thái phấn khích thực sự.
Chính trong thời gian ở xưởng vẽ tại khu Bateau – Lavoir khu Montmartre, Picasso đã nảy nở mối tình đầu với nàng Fernande Olivier nhưng sự nồng thắm, đắm đuối của mối tình đầu cũng không làm họa sĩ quên đi bao nỗi bất hạnh của cuộc đời, ngay cả tranh vẽ, nàng cũng chất chứa một nỗi u hoài, tê tái. Năm 1918 Picasso cưới Olga Koklova một diễn viên ballet người Nga và chuyển đến sống ở 23 phố De la Boetie, năm 1921 sinh con trai là Paul, đấy là những năm tháng ngắn ngủi mà Picasso dành nhiều tình cảm cho vợ con, sau này họa sĩ có rất nhiều vợ và người tình, đối với phụ nữ Picasso thấy rõ họ cần cho cuộc sống của ông đến nhường nào, nhưng với tính khí đặc biệt, sự thăng hoa, tình cảm vô bờ, Picasso chẳng dừng lại ở ai lâu. Chỉ có thể nêu ra tên tuổi của một số ít trong đó như, Fernande Olivier, Eva Gouel, Olga Koklova, Marie There Walter, Doa Maar, Francoise Gilot và sau cùng là Jacqueline Roque người phụ nữ sống với ông lâu nhất cho đến cuối đời và khi ông mất bà đã không chịu đựng nổi, cuối cùng sau mấy năm đau khổ bà đã tự sát. Bà để lại câu nói nổi tiếng "Trước mặt đã có Picasso thì không cần ngắm mặt trời nữa!". Những cuộc tình trôi qua luôn để lại dấu ấn ở các cuộc cách tân nghệ thuật trong tranh của Picasso. Năm 1937 Picasso đã vẽ bức tranh "Guernica" nổi tiếng và trưng bày tại Hội chợ thế giới ở Paris, ông đã tố cáo chiến tranh bằng những hình tượng nghệ thuật sống động, bằng thủ pháp hội họa hoành tráng đầy ấn tượng, với diện tích hơn 30m2 (395 x 777cm) bằng hai màu chủ đạo đen, trắng qua một loạt cấu trúc hình tượng nhân vật rã rời, gào thét, biến dạng, những người mẹ bế con tuyệt vọng trong lửa, các chiến binh ngã, gục, ngựa dẫm nát những bàn tay chới với... cả bức tranh đầy ắp hình, chật ních, ngột ngạt bởi không khí của sự chết chóc, hủy diệt. Picasso tự phân tích tác phẩm của mình "Con bò tót là sự bạo tàn và bóng tối, con ngựa hình ảnh của nhân dân lao động". Guernica là bức tranh lịch sử chính trị lớn của thời đại mà sức mạnh tố cáo chiến tranh thật lớn lao. Một số nhà triết học còn cho rằng Guernica là sự cảm nhận nhạy bén, dự báo về thảm họa phát xít của họa sĩ. Sau này khi Paris bị phát xít Đức chiếm đóng Picasso đã đứng vào đội ngũ kháng chiến trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Pháp, ông tiếp tục dùng hội họa làm vũ khí chống lại sự tàn bạo, bảo vệ hòa bình và công lý. Năm 1949, nhà thơ cộng sản Louis Aragnon đã chọn tranh vẽ chim bồ câu của ông làm biểu tượng của Hội nghị Hoà bình thế giới. Picasso đã được biết đến rõ hơn nữa như một chiến sĩ hòa bình kiệt xuất. Ông luôn dùng nghệ thuật để chống chiến tranh, tỏ rõ thái độ yêu chuộng hòa bình một cách trực diện. Các tác phẩm "Chiến tranh và hòa bình", "Thảm sát ở Triều Tiên" ra đời trong sự biểu đạt thái độ như vậy. Với những đóng góp to lớn đối với nghệ thuật nhân loại và sự đấu tranh bền bỉ vì hòa bình, năm 1962, ông được Nhà nước Xô Viết trao tặng Giải thưởng Hòa bình mang tên Lênin. Đối với nhân dân Việt , Picasso là một người bạn lớn chung thủy. Năm 1946, khi gặp Bác Hồ ở Pháp, ông nói rằng từ những năm 20 ông đã chú ý đến tờ báo Le Paria (Người cùng khổ) do Nguyễn Ái Quốc sáng lập, và đặc biệt thích thú với những tranh biếm họa do ông Nguyễn vẽ... Trong những năm đế quốc Mỹ xâm lược nước ta, Picasso luôn đi đầu trong phong trào ủng hộ nhân dân Việt chống Mỹ, ngay trên giường bệnh vào tháng 12/1972 ông đã ký vào Bản phản đối Mỹ đánh phá Việt . Năm 1960, Bác Hồ đã viết thư chúc mừng thọ Picasso với những lời trân trọng mà thân tình.
Picasso hoạt động nghệ thuật ở nhiều lĩnh vực, và dường như ở đâu ông hướng đến thì ở đó nghệ thuật tỏa sáng những giá trị thẩm mỹ mới. Những tranh cắt dán từ những năm 1912-1913, những sáng tác theo lối Tân cổ điển, Siêu thực những năm 20-30, sự xuất hiện tác phẩm gốm của ông tại làng gốm Vallauri, những tranh vẽ tại tòa nhà UNESCO năm 1958... đều phản ánh năng lực sáng tạo phi thường ở ông. Picasso mất ngày 8 tháng 4 năm 1973 tại Mougis. Picasso đã trải qua suốt ba phần tư thế kỷ liên tục sáng tạo, ông đã để lại một gia tài nghệ thuật đồ sộ với hơn 15.000 tranh sơn dầu, khoảng 100.000 bản tranh khắc, 34.000 tranh minh họa, 300 tác phẩm điêu khắc, hàng ngàn tác phẩm gốm, tất cả chúng hiện nay đều là báu vật của các bảo tàng, các sưu tập nổi tiếng, nhưng lớn hơn tất cả là Picasso đã để lại một tấm gương sáng tạo phi thường, một tình yêu cuộc sống mãnh liệt. Cuộc đời sáng tạo nghệ thuật của Picasso là một sự khẳng định rõ ràng rằng nghệ thuật sẽ không còn ý nghĩa khi nó không gắn bó với số phận con người, không vì sự tiến bộ của xã hội. Pablo Picasso thật xứng đáng với lời ca của người đời "Một huyền thoại sống của thế kỷ XX, một tượng đài của hậu thế".

PHAN THANH BÌNH
(nguồn: TCSH số 153 - 11 - 2001)

Các bài mới
Ngày lễ hội (03/06/2008)
Các bài đã đăng
Con khỉ B’ Li (03/06/2008)