Tạp chí Sông Hương - Số 153 (Tháng 11)
Gia tài của “Bướm vàng”
09:54 | 03/06/2008
Trong căn hộ tập thể đông đúc của “đại gia đình” ca Huế tại 46 Chi Lăng, hỏi nơi chị Mộng Điệp ở, ai cũng biết - một căn phòng rộng chừng 20 mét vuông trên gác hai. Chị là một trong số thành viên sáng lập Đoàn Ca kịch Trị Thiên Huế tại thành phố Vinh (Nghệ An) từ năm 1957, là người đầu tiên ở Thừa Thiên-Huế được phong tặng danh hiệu “Nghệ sĩ ưu tú” trong đợt I(năm 1984).
Gia tài của “Bướm vàng”

Sau ngày đất nước thống nhất, chị cùng với các nghệ sĩ trong Đoàn Ca kịch Trị Thiên Huế từ Hà Nội trở về quê hương. Cho đến nay, nhiều học trò của chị, nhiều người thuộc lớp đàn em của chị, nhờ biết cách đưa ca Huế vào thị trường du lịch, hoặc là nhờ số phận may mắn, nên đã xây được nhà riêng khang trang, nhưng chị vẫn yên vị ở chung cư 46 Chi Lăng.
Phòng chị Mộng Điệp ở ngay đầu cầu thang. Cánh cửa không khép nhưng trong phòng lặng phắc; tôi ngó vào không thấy ai. Một lúc, quen với ánh sáng mờ mờ trong phòng, tôi mới nhận ra chị đang lúi húi ngồi soạn gì đó dưới chân chiếc giường đơn bằng sắt. Chị cười nhẹ và như có chút ngượng nghịu:
- Không làm chi, tôi soạn lại mấy thứ...
Lúc này tôi đã thấy trong mấy thứ chị vừa soạn ra giữa sàn nhà bên cánh tủ đang mở có một đôi hia và chiếc mũ rực rỡ màu sắc, lóng lánh kim tuyến - những trang phục đã sống cùng chị trên sàn diễn mấy chục năm trời. Không hỏi, tôi cũng biết là chị đang hồi tưởng những ngày “oanh liệt” xưa, với  tiếng trống, tiếng nhạc rộn rã, với những ánh mắt say mê, những tràng pháo tay dậy đất bày tỏ sự ngưỡng mộ của khán giả. Bây giờ thì căn phòng lặng phắc. Tôi nhìn lên bàn thờ nghệ sĩ Trần Ngọc Oanh, người bạn đời của chị và cũng là một trong số người đầu tiên sáng lập Đoàn Ca kịch Trị Thiên, nhẹ giọng hỏi chị với một chút dè dặt và ái ngại:
- Chị ở một mình à?
- Không. Sau khi nhà tôi mất, một đứa cháu bà con đằng nhà tôi về ở với tôi đến nay...
Quen biết chị đã lâu, nhưng đến nay tôi mới có dịp hỏi chuyện về cuộc đời chị, mới biết chị có hai đứa con gái đã biệt tích từ hơn nửa thế kỷ qua!
- Thế ngày chị trở về Huế, cũng không tìm được dấu tích gì à?
- Thì anh bảo, tôi rời Huế năm bốn sáu, mãi đến bảy lăm mới về...
Chị chỉ nói ngắn gọn vậy, như muốn cho qua chuyện. Hình như không phải chị ngại nhắc lại chuyện đau lòng; chị nói nhỏ, nhưng giọng nghe vẫn bình thản. Đã đành, nỗi đau người mẹ mất con khó có gì sánh được, nhưng quãng thời gian hơn nửa thế kỷ với biết bao nỗi truân chuyên của cuộc đời nghệ sĩ cũng đủ làm con người ta nguôi ngoai. Tôi đã nghĩ: “Vậy là qua hai cuộc chiến tranh, chị mất hai đứa con, chỉ khác là chị không có niềm tự hào của người mẹ anh hùng đã hy sinh những người con yêu quý cho Tổ quốc...”; nhưng cuộc đời hóa ra còn phức tạp hơn. Hai đứa con của chị mất tích đâu chỉ vì chiến tranh xa cách; nói đúng hơn là chị đã bị cướp mất con từ trước năm 1945, trước cả khi chị kết hôn với anh Trần Ngọc Oanh!...
Các cháu ơi! Đây là câu chuyện kể lại cả cuộc đời của O-Dì từng giai đoạn một để các cháu hiểu O-Dì mà thương O-Dì; kẻo các cháu sinh sau đẻ muộn, không hiểu lai lịch của O-Dì...”
Đó là những dòng đầu tiên bản “di chúc” viết ngày 7/4/1994 trong sổ tay của chị Mộng Điệp mà chị đã tin cậy đưa cho tôi xem khi biết tôi cũng chỉ muốn giúp những người “sinh sau đẻ muộn” hiểu “lai lịch” của chị. Tôi tạm gọi là “di chúc”, vì đây chỉ là lời nhắn lại những người cháu, có tính cách riêng tư, như là một bản dự thảo, chứ chưa có tính “pháp lý”, tuy rằng đoạn cuối chị đã dặn dò những việc cần làm khi chị “ra đi”. Trong cuốn sổ còn có bản “tiểu sử” khá dài chị viết từ ngày 17/4/1984. Nhìn những hàng chữ không ít lỗi chính tả, nét chữ vụng về, nhiều chỗ đứt gãy, cũng biết đây là việc làm quá sức của chị. Có lẽ vì vậy mà bản “tiểu sử” còn dở dang và mười năm sau, khi tròn 75 tuổi, chị rút gọn thành bản dự thảo “di chúc”.
- Đời tôi là thân con trâu, có được học hành chi mô. Viết được thế là gắng hết sức rồi!
Chị Mộng Điệp nói vậy và chống hai tay vào đầu gối đứng dậy đi tìm cho tôi xem những tấm ảnh kỷ niệm. Đã 82 tuổi, chị không còn nhanh nhẹn nữa, lưng hơi còng, nhưng trí óc vẫn rất minh mẫn. Tôi xem những trang viết của chị, hỏi gì thêm, chị đều nhớ rành rọt.
-...À, thì ra tên tục của chị là Bướm! Thế tên Mộng Điệp ra đời từ lúc nào, chị?
- Lúc tôi 21 tuổi, đang diễn cho Đoàn Kim Sanh. “Điệp” nghĩa là “Bướm” mà! Con bướm vàng!
Giọng chị nghe như thoảng tiếng cười. Có lẽ là chị cười sự trớ trêu của số phận. Cái tên đẹp thế mà cuộc đời cùng cực không kể xiết! Dù đã biết cuộc đời truân chuyên của lớp “xướng ca vô loài” ngày trước, tôi không ngờ người nghệ sĩ đầu đàn “làng” ca Huế lại có số phận long đong, vất vả đến vậy.
“Bướm sinh ra tại làng Trần Hà huyện Phú Vang. Cha Bướm làm nghề hát tuồng. Mẹ Bướm chết từ khi Bướm chưa đầy ba tuổi. Cha Bướm vì đông con, hoàn cảnh thiếu thốn bữa rau bữa cháo không đủ, đi hát thì không ai thuê; Bướm thì buồn phiền thương nhớ mẹ, tóc tai rụng hết, người còn lại nắm xương...”
Chị Mộng điệp đã viết những dòng như thế trong trang mở đầu bản “tiểu sử” của mình. Con “bướm vàng” vào cái tuổi đáng lẽ chỉ biết vui thú bay lượn bên những khóm cây xanh mượt mà, những đóa hoa thơm ngát rực rỡ sắc màu, đã phải bắt đầu cuộc đời phiêu dạt với thân hình còm cõi héo hon. “Cha Bướm” - ông Hoàng Trọng Đổng, dù thương con đứt ruột, không muốn xa Bướm, nhưng tình thế ngặt nghèo đã buộc ông phải bồng Bướm đi tìm bạn để cho. Bạn của ông là “thầy Mùi” ở làng Xuân Đài huyện Hương Trà. Ông Mùi cũng hát tuồng và đặc biệt có cái bàn máy hát múa rối nữa. Biết ông Mùi hiếm con, ông Đổng muốn cho Bướm làm con nuôi, nhưng nhìn thân hình xép ve thất thần của cô bé, ông Mùi ái ngại sợ nuôi không sống nổi. Bướm thì chỉ biết đưa đôi tay gầy guộc níu chặt lấy cha không rời nửa bước, sụt sùi khóc. Ông Đổng vừa hát dỗ con, vừa nài nỉ ông Mùi.
“Ruột tằm ngày một héo khô
Gian nan là nợ, anh hào phải vay.”
Đó là câu hát nhập tâm đầu đời con bướm vàng thơ dại. Ông Mùi thương tình lấy giấy bút ra bảo ông Đổng viết giấy “bán con đoạn mãi” với giá 5 đồng! Ông cha nuôi muốn có giấy tờ cho hợp pháp và khỏi lôi thôi về sau, còn 5 đồng bạc là cách tỏ lòng biết ơn công sinh thành, cũng là cách giúp bạn lúc khó khăn. Cảnh chia tay giữa hai bố con thật là đặc biệt. Bướm cứ níu chặt lấy cha, ông Đổng không sao dứt ra về được. Người cha nuôi bỗng nghĩ ra một mẹo, lấy trống đánh rồi cùng ông Đổng hát một lớp trong vở tuồng “Sơn hậu”, cảnh Linh Tá đưa Đổng Lang và bà thứ phi ra Sơn hậu thành... Bướm mải mê nghe hai người múa hát, khi quay lại thì không thấy cha đâu nữa! Cô bé hốt hoảng chạy nhào ra đường, nhưng trước đôi mắt đỏ hoe nhòa lệ chỉ là một khoảng trống vắng mịt mù!
Phải sống xa cách người thân từ lúc còn thơ dại, con “bướm vàng” chẳng khác chi đã hóa thành kiếp khác, hết đau bệnh này đến bệnh khác, da thũng, bụng to, ghẻ lở đầy mình, trông không ra hình người nữa; đến nỗi có lúc bà mẹ nuôi phải cho ra nằm ngoài chuồng trâu. Nhiều lần ông bà rầy la nhau, người này trách người kia đã rước “của nợ” về nhà. Giận ông, bà mang Bướm bỏ vào một đầu thúng, đầu kia để hòn đá rồi gánh đi khỏi nhà ba bốn ngày liền. Con “bướm vàng” mồ côi mẹ sống lay lắt nhưng không chết có lẽ nhờ những điệu hát tuồng hỉ-nộ-ái-lạc thường vang lên trong nhà người cha nuôi cùng với ánh hào quang tỏa ra từ những mũ áo, giáo gươm đã đưa cô bé bay thoát ra cuộc đời thực cơ cực hàng ngày. Lên bảy-tám tuổi, Bướm đã phải làm nhiều việc trong nhà, từ việc lo cơm nước, nấu cám lợn đến bứt cỏ trâu...; lên 9 tuổi đã phải xay lúa giã gạo, 11-12 giờ khuya mới được đi ngủ, 4 giờ sáng đã dậy nấu cho “trai bạn” ăn đi làm...Có phải con “bướm vàng” đã hóa kiếp thành “thân trâu” từ đây? Nhưng may cho Bướm là cuộc đời còn có tiếng hát. Bướm cứ vừa làm vừa nhẩm hát theo những làn điệu nghe lóm được; tiếng hát đã giúp Bướm quên nỗi cực nhọc và vơi bớt nỗi buồn của một đứa bé bơ vơ. Có lần mải mê học hát để nồi cá cháy thành than và quên cả nấu cơm; người nhà đi làm ruộng về không có gì ăn, còn Bướm thì phải “ăn” đòn đến ngắc ngư không có sức để kêu khóc nữa! Có lần trốn đi xem hát hai ngày mới về, bị bà mẹ nuôi trói vào cột nhà, lấy roi mây quất liên hồi, khắp thân mình lằn ngang lằn dọc tứa máu. Vậy mà niềm say mê ca hát như một mầm cây khỏe mạnh bám rễ sâu bền trong tâm hồn Bướm, cứ mỗi ngày một lớn, không đòn roi nào có thể đánh bật ra được.
Cho đến một hôm, Bướm đang ngồi nấu cám lợn và hát; vẫn câu hát người cha hát ru cô hôm nào: “Ruột tằm ngày một héo khô/ Gian nan là nợ, anh hào phải vay...” Bỗng cô nghe tiếng thầy Mùi gọi rất to: - “Bướm! Bướm!” - “Dạ...” - “Mày có thích học hát không?” -“Dạ có.” Thế là người cha nuôi cho Bướm vào đội “đồng ấu” hát tuồng mà ông vừa thành lập gồm 7 bé gái, 5 trai, lớp tuổi 9-11 tuổi. Bướm có hơi giọng tốt, nhưng “chữ nhất là một” cũng không biết, lại phải lo làm việc trong nhà, nên học cho thuộc các làn điệu hát tuồng và vũ đạo rất vất vả. Hồi ấy, các thầy dạy ca múa rất nghiêm khắc, không ít thầy còn ưa dùng roi vọt mỗi khi không hài lòng với học trò. Ở lớp “đồng ấu” của thầy Mùi, có lần thầy dạy mãi một làn điệu mà học trò vẫn hát không đúng, thầy đã bắt cả lớp nằm sấp xuống nhà rồi vung roi lên. Bướm thì có lần học vũ đạo, bước không đúng, thầy đã vung chân đá cho ngã nhào! Thầy đánh đau thì khóc, nhiều lúc hờn dỗi nhưng không ai giận thầy vì biết là thầy chỉ mong cho trò mau thành nghề. Cứ thế, sau 3 năm, vào lúc Bướm 12 tuổi, thầy Mùi dẫn cả đội “đồng ấu” 12 đứa đi diễn khắp tỉnh...
Vậy là sau mấy lần “hóa kiếp”, con “bướm vàng” bắt đầu cuộc sống hóa thân vào các nhân vật của vở diễn - những Lưu Thiên Tích, Tống Địch Thanh, Đào Phi Phụng, Lý Thiên Luông, Đổng Lang, Liễu Nguyệt Tiêm, Trại Ba công chúa..., trong tiếng Btrống kèn rộn rã, với sắc màu rực rỡ lung linh của đèn nến, trang phục, gươm đao. Nhưng không may, năm Bướm lên 16 tuổi, thầy Mùi mất, đội “đồng ấu” làng Xuân Đài tan rã, chẳng khác chi rắn mất đầu. Oái oăm thay là vào lúc con “bướm vàng” trở lại kiếp sống bơ vơ cũng là khi một sinh mệnh thành hình trong lòng cô. Đó là kết quả mối tình đầu say đắm với H., một diễn viên trẻ có tài ở Huế lúc đó. Vì chưa kịp thưa với bà mẹ nuôi, Bướm sợ bà đánh đập, nên đã phải theo T.L. đi trốn. Bướm đâu có ngờ T.L. đưa đi trốn chỉ để chiếm đoạt cô. Ông ta hơn Bướm đến gần hai chục tuổi! Nhưng đã lỡ bước, Bướm đành theo T.L. sang tận đất Lào và đã sinh đứa con thứ hai với ông ta. Con “bướm vàng” lại phải sống kiếp “thân trâu”, còn khổ hơn trâu nữa. Một nách hai con nhỏ, nhà không có ở, cơm không đủ ăn, không thể kể hết những nỗi cực nhục. Một thời gian sau, có người làng tìm thấy Bướm liền đưa Bướm về Viện Trình ở với vợ chồng anh Tuyên. Nhưng T.L. đâu có chịu buông tha. Ông ta tìm đến, bảo là đứa con khát sữa và nhớ mẹ sắp chết rồi! Bướm đã trải cảnh bơ vơ héo hon vì rầu rĩ khi mẹ mất, nên vừa nghe thế là nước mắt giàn giụa, vội theo về ở với ông ta. Nhưng Bướm nào có được quyền làm vợ, làm mẹ. Bắt được Bướm về, T.L. lại đưa cô đi hát lấy tiền ăn nhậu; hễ có điều gì không vừa ý là đánh đập cô không thương xót. Chịu không nổi, Bướm lại phải bỏ đi. Lại bị ông ta tóm được ở Đồng Hới. Lúc đó, Bướm đã xin vào Đoàn ca Huế Kim Sanh, sau chuyển sang Đoàn Kim Thịnh. Nhờ đã học hát tuồng kỹ lưỡng, nên Bướm theo ca Huế một cách dễ dàng, khi biểu diễn nhả chữ, các động tác vũ đạo “sạch sẽ”, đóng vai nào cũng được khen, nên anh em trong Đoàn đều muốn cứu Bướm thoát khỏi vòng trói buộc của T.L., đòi T.L. phải đưa Bướm đến “cửa quan” để phân xử. Quan xử chia con, mỗi người nuôi một đứa. Nhưng T.L. cứ bám Bướm phá rối, từ Quảng Trị, ra Ba Đồn, Kỳ Anh, Hà Tĩnh, Nghệ An, vào Đà Nẵng, tới tận Phan Thiết mới dứt được. Lúc đó, Bướm 22 tuổi, đã mang tên “Mộng Điệp”. Sáu năm trời, quãng đời đẹp nhất của tuổi thanh xuân, thân phận “con bướm vàng” chẳng khác chi nàng Kiều của Nguyễn Du!
Những năm tháng đó, tựa như trong chuyện cổ tích, có một chàng dũng sĩ đã bất chấp tất cả, dang rộng đôi cánh tay cứu con “bướm vàng” thoát khỏi nanh vuốt của kẻ ác. Chàng trai ấy là nghệ sĩ Trần Ngọc Oanh, cùng là diễn viên trong Đoàn KimThịnh, thua Mộng Điệp 3 tuổi. Ngọc Oanh cảm thương cuộc đời Bướm quá nhiều bất hạnh, mê đắm tài sắc cô bạn diễn viên, ngỏ lời muốn được nên nghĩa vợ chồng. Thoạt đầu, Mộng Điệp từ chối. “Anh là con trai mới lớn, tôi là gái nạ dòng, lại nhiều tuổi hơn, lấy nhau rồi không có hạnh phúc mô!” Nhưng Ngọc Oanh vẫn cứ theo đuổi, thề thốt hết lời, bày tỏ tình thương yêu chân thật của chàng. Đến thế, kẻ sắt đá cũng phải động lòng, huống chi trái tim người nghệ sĩ vốn nhạy cảm đã trải bao đau đớn, như một dây đàn mong manh chỉ lướt khẽ là rung lên. Thế là nhằm ngày giỗ mẹ, hai người đưa nhau về Viễn Trình làm lễ thành hôn trước đông đủ bà con...
Chị Mộng Điệp thực sự được làm vợ từ ngày đó, nhưng cuộc đời trớ trêu, “chàng dũng sĩ” can đảm lại không được tạo hóa ban cho hạnh phúc làm cha! Trước tình thế ấy, anh Ngọc Oanh mấy lần xin T.L. “nhường” cho đứa con lớn - kết quả mối tình đầu của con “bướm vàng” - nhưng T.L. không chịu. Chị Mộng Điệp mãi mãi mất quyền làm mẹ từ đó!...
Từ ngày đó, hơn nửa thế kỷ đã qua! Tôi đọc những dòng chữ ghi lại vắn tắt những năm tháng đẫm nước mắt ấy của chị Mộng Điệp, mỗi lần ngước hỏi thêm một vài chi tiết là một lần ngạc nhiên trước vẻ bình thản như là vô cảm của chị. Rồi tôi cũng hiểu. Với tôi, dù là người ngoài cuộc, những bất hạnh trong cuộc đời chị lần đầu tôi được biết đã gây chấn động sâu sắc, như bất chợt gặp một vụ tai nạn thương tâm. Còn chị, tuy không quên lãng, nhưng với những nỗi cực nhọc, mất mát chồng chất như cả một quả núi, nếu cứ mãi đau đớn buồn thảm về chúng thì chắc là đã bị đè bẹp không ngóc đầu lên được. Và may mắn là chị còn niềm đam mê ca hát, còn sự gắn kết với bạn đồng nghiệp, còn mối giao lưu và những lời hẹn ước với khán giả mến mộ - tất cả, đã nâng đỡ tinh thần chị, giúp con “bướm vàng” vượt lên bão tố, ngày một bay cao. Và tôi chợt nghĩ: có khi nỗi tuyệt vọng trước những bất hạnh trong cuộc đời riêng vô hình trung đã thúc đẩy chị dành tất cả tình yêu, tâm trí cho nghệ thuật. Cho đến sau ngày về hưu, hễ có dịp đến với nghệ thuật, bàn về nghệ thuật là chị lại “say như điếu đổ”. Chính là chị đã “tự thú” như thế trong bản “tiểu sử”. Ngay trong những trang viết này, chị chỉ kể rất ngắn gọn về cuộc đời riêng, còn nữa, chị dành để ghi lại những kinh nghiệm nghề nghiệp, các nhân vật chị đã “hóa thân” như thế nào trong cuộc đời diễn viên của mình.
“...Lên vở Thoại Khanh-Châu Tuấn, tôi lại phải đóng vai Châu Tuấn. Nhân vật này khác với Lã Bố là văn võ kiêm toàn, đạo đức tốt, tính tình đằm thắm, biết thương mẹ, chung thủy với vợ, thà chết không chịu hứa duyên cùng công chúa, dù gian nan cay đắng mấy cũng vượt qua. Sau khi nắm chắc những nét chủ yếu trong “lí lịch” và tính cách của Châu Tuấn, tôi phải “kiểm tra” lại các nhân vật mà tôi đã đóng để có cách diễn thích hợp và khỏi lặp lại. Tôi nhận thấy Châu Tuấn có 3 chỗ phải đặc biệt chú ý khi diễn mới lột tả được tâm trạng phức tạp của chàng: Có đi thi hay không? Có chịu lấy công chúa không? Bị vợ và mẹ nghi oan...Châu Tuấn là một nho sinh, nên tôi phải chú ý cả đến cách đi đứng, cách cầm bút viết của một nhà nho. Cũng may ông cha nuôi Bướm là một thầy chữ nho và từ hồi ở với ông, tôi đã quan sát cách đi đứng và tập cầm bút; các thầy chữ nho, ngay khi họ không cầm bút viết, bàn tay không buông lỏng mà mấy ngón tay vẫn mân mê như khi cầm bút vậy. Tôi tập đêm tập ngày, ai đi chơi đâu thì đi, còn tôi tìm đến mấy ông cụ đồ nho học hỏi thêm...Khi diễn đoạn Châu Tuấn nghe loa báo triều đình mở khoa thi, thoạt đầu, chàng phấn khởi nhanh nhẹn sắp xếp bút nghiên để lên đường, nhưng khi nhìn lại mẹ già yếu, lỡ mẹ nằm xuống thì vợ có đảm đang được không? Lúc đó, tôi đi lui đi tới vài lần, rồi mở túi lấy sách vở thủng thẳng để lại chỗ cũ và cầm mấy ngòi bút chậm rãi buông rơi vào lọ từng chiếc một, thể hiện sự đấu tranh tư tưởng gay go của nhân vật. Sau đó, nghe Thoại Khanh động viên, hứa hẹn thay chồng chăm lo mẹ chu toàn, tôi đã xúc động rơi nước mắt thật sự...Đến lớp Châu Tuấn lột áo mão, tôi đã sử dụng cách nói lối pha tuồng và khi lột áo, tôi đã sử dụng toàn bộ hình thể, cả chân hia cũng cuộn tròn hất chiếc áo ra khỏi người, thể hiện vẻ đẹp của nhân vật không chịu khuất phục vua quan...”
Mặc dù phải cố gắng lắm mới viết nên được một dòng chữ ngay ngắn, chị Mộng Điệp đã ghi lại quá trình hóa thân vào chỉ một nhân vật mà đã dài gần 3 trang. Mỗi nhân vật một cách diễn tả, mà cuộc đời chị đã hóa thân vào không biết bao nhiêu là nhân vật chính của những vở diễn lớn. Chị muốn ghi lại tất cả vì đó là lẽ sống, là tình yêu, là “tài sản” quý giá nhất của chị để lại cho đời.
Chị đóng vai Lã Bố và Châu Tuấn khi Đoàn Ca kịch Trị Thiên Huế vừa được thành lập, đang “đóng đô” ở Nghệ An. Phải trải qua hơn chục năm long đong, chị mới lại được lên sàn diễn chính thức. Sau khi được chàng “dũng sĩ” cứu thoát khỏi tay T.L. một thời gian, Cách mạng Tháng Tám nổ ra, rồi mặt trận Huế vỡ, các đoàn tuồng và ca Huế không còn đất diễn, từng nhóm diễn viên trôi dạt tứ phương. Chị Mộng Điệp ở trong nhóm đi ra phía bắc, người làm ruộng, kẻ đi buôn, khi cần thì tụ họp lại biểu diễn phục vụ các phong trào cách mạng. Cho đến năm 1957, đôi vợ chồng Yến-Oanh (song thân của nghệ sĩ ưu tú Ngọc Bình, Trưởng Đoàn Ca kịch Huế hiện nay) trong một cuộc họp đồng hương, đã bàn việc lập Đoàn Ca kịch Trị Thiên để đến ngày thống nhất về diễn ở quê hương. Lúc đó, vợ chồng chị Mộng Điệp đang làm ruộng ở Quỳnh Lưu, nghe tiếng gọi nghề nghiệp, tiếng gọi đồng hương ấy lập tức về nhập đoàn cùng một số diễn viên khác như ông Lượng, o Năm, o Tha... Bà con đồng hương đi vận động từng mảnh vải để may trang phục, phông màn. Những ngày đầu, tiền lương chưa có, lại chưa bán vé, nhưng đi diễn ở đâu cũng được bà con nuôi, cho quà bánh. Chính trong thời gian này, lần đầu chị Mộng Điệp được gặp Bác Hồ, hát cho Bác nghe bài ca Huế “Đêm trăng Bến Hải”, trong dịp Bác về thăm quê. Về sau, khi giặc Mỹ dội bom khu Bốn ác liệt, Đoàn chuyển ra Hà Nội, chị còn gặp Bác hai lần nữa...
Chuyện “về sau” thì còn nhiều nữa, nhưng với chị Mộng Điệp, kỷ niệm những ngày đầu gian nan dựng nên cơ nghiệp Đoàn Ca kịch Trị Thiên Huế dù đã gần nửa thế kỷ qua, vẫn nguyên vẹn và tươi tắn. Nghe chị vui vẻ kể lại cảnh khán giả nồng nhiệt vỗ tay khen ngợi diễn xuất vai Lã Bố, khi màn hạ thì chen nhau vào hậu trường sân khấu để biết mặt diễn viên sau khi lột trang phục trong đêm diễn đầu tiên tại Nhà hát nhân dân Nghệ An với vở “Lã Bố hý Điêu Thuyền”, tôi tưởng như chị trẻ lại đến mấy chục tuổi. Sự tán thưởng của khán giả là phần thưởng lớn nhất, là hạnh phúc đối với người nghệ sĩ. Cuộc đời chị không biết đã bao lần được hưởng niềm vinh hạnh ấy. Trong một đêm diễn ở làng quê Quảng Bình, mặc trời mưa gió, người xem vẫn đội nón trùm ni lông chen khít bên nhau; tại Trường Nghệ thuật giữa thủ đô Hà Nội, khán giả là các bậc thầy, các nghệ sĩ tên tuổi; trên chiến khu Trị Thiên ở Trường Sơn, khán giả có khi chỉ là một nhóm nhỏ chiến sĩ giữ chốt... Có lẽ đó cũng là thời “hoàng kim” của Đoàn Ca kịch Trị Thiên Huế, giai đoạn nghệ sĩ Văn Lang làm Trưởng đoàn với các vở diễn nổi tiếng như “Kim Vân Kiều”, “Con gà mái xám chân chì”, “Kan Lịch”, kịch thơ “Tuổi hai mươi” của Lưu Trọng Lư...
Chị Mộng Điệp vui vẻ nhắc lại một thời sôi nổi, ngồi lặng giây lát rồi hạ giọng nói:
- Anh Văn Lang mất rồi! Ông nhà tôi và anh Yến cũng mất rồi! Lớp đầu tiên của Đoàn giờ chỉ còn tôi và bà Oanh. Không biết được đến lúc mô đây...
Chị thong thả đứng lên cất tập ảnh kỷ niệm và cuốn sổ vào tủ. Lúc này tôi mới để ý trong ngăn tủ bên trái treo một chiếc áo dài óng ánh màu vàng rất đẹp. Nghe tôi hỏi, chị nói:
- Đứa cháu con bà chị tôi ở Hà Nội vừa may cho đó! Nó bảo tôi ra ở với nó, khi nằm xuống, nó lo cho hết. Nhưng tôi ra ngoài đó, để ông Oanh lại với ai! Thế là nó may sẵn cho chiếc áo để mặc khi “ra đi”...
Chị nói chuyện “hậu sự” của đời mình mà giọng như vui vẻ, nét mặt thoáng nụ cười. Một người tưởng đã không sống nổi qua tuổi ấu thơ cay đắng và đã từng muốn tìm đến cái chết để thoát khỏi thân phận “nàng Kiều”, nay vượt qua tuổi thượng thọ với không biết bao nhiêu là huy chương, giải thưởng, danh hiệu vẻ vang thì việc chuẩn bị để bước tới cái giới hạn cuối cùng của cuộc đời chẳng có gì đáng phiền muộn. Chị còn nói thêm, giọng nửa đùa nửa thật: “Tôi bây giờ là ba không: không nhà, không chồng, không con! Chỉ lo khi nằm xuống, mấy cháu khiêng xuống cầu thang khó khăn thôi!” Quả là chị đã nghĩ kỹ đến mọi điều. Tôi cũng vừa đọc trong bản thảo “di chúc” của chị những dòng như sau:
“...Các cháu ơi! O Dượng sống cả cuộc đời thanh bạch, ăn tiêu tằn tiện, cốt dành dụm một chút ít mà nuôi dưỡng tuổi già. Nghĩ con cái không có, lỡ đau ốm biết nhờ ai...Bây giờ Dượng đi thế giới khác, để lại cho O-Dì một gia tài nhỏ bé đó, biết tính liệu làm sao? Đem bán đi thì nhà trống trải lạnh lùng. Thấy những vật kỷ niệm còn đó, O-Dì tưởng tượng Dượng còn sống cũng đỡ cô quạnh. Tốt nhất là cháu nào thờ phụng O Dượng thì để cho nó dùng... Còn bao nhiêu tranh ảnh ở trong va ly, các cháu mời lãnh đạo Đoàn đến bàn giao cho họ; cả các kịch bản nữa...”
Chị Mộng Điệp viết những dòng này khi anh Trần Ngọc Oanh vừa mất, cuối trang là mấy câu thơ tự vịnh: “ Điệp-Oanh chắp cánh tung bay/ Trong vườn nghệ thuật thì nay trở về/ Thuỷ chung giữ trọn lời thề...”. Bảy năm đã qua. Chị vẫn khỏe mạnh, sống vui vẻ hơn và căn phòng chẳng những không cô quạnh mà nhiều lúc ngập tràn tiếng cười, tiếng hát. Tôi tạm biệt người nghệ sĩ đầu đàn “làng ca Huế” khi Thúy Hồng - người cháu cùng ở với chị, đi chợ về. Một cô gái xinh đẹp, trẻ măng, tưởng như chưa qua tuổi thiếu nhi. Chị Mộng Điệp nói:
- Nó thấp một chút, nên không vào Trường Nghệ thuật được, nhưng tôi dạy nó ca mấy năm, nay đã tham gia vào đội quân ca Huế trên sông được rồi. Cháu Hồng Trinh, con nó, mới 4 tuổi, đã thuộc 46 câu bài “Tứ đại cảnh”...
Và chị vừa vỗ nhẹ tay lên mặt bàn, vừa hát: “Trăng kia tàn/ Sao đương sáng / Lòng lai láng/ Nhớ đến chung tình/ Ân tình nặng/ Ai ràng buộc cho ta/  Trách trăng già/ Ghẹo nguyệt trêu hoa...”
Cháu Hồng Trinh có lẽ là người học trò cuối cùng của chị. Nhiều học trò được chị kèm cặp đã trở thành những “Nghệ sĩ ưu tú” như Châu Dinh, Thu Song, Khánh Vân, Kim Quý, Kim Phú, Sĩ Cừ...Tôi chợt nhận ra “gia tài“ con “bướm vàng” để lại đâu phải “nhỏ bé”, đâu chỉ là mấy thứ đồ gỗ cũ kỹ và chiếc giường sắt trong căn phòng này. Những vai diễn, những làn điệu, những bài giảng mẫu mực của chị đối với nhiều thế hệ diễn viên ca Huế, cả niềm say mê nghệ thuật, cả những trang viết, những tấm ảnh kỷ niệm của chị mà tôi vừa được xem là thứ tài sản không thể tính theo giá “thị trường”, mãi mãi là vốn quý của nền nghệ thuật truyền thống Huế.

NGUYỄN KHẮC PHÊ
(nguồn: TCSH số 153 - 11 - 2001)

Các bài mới
Ngày lễ hội (03/06/2008)
Các bài đã đăng
Con khỉ B’ Li (03/06/2008)