Tạp chí Sông Hương - Số 154 (Tháng 12)
Truyện tiểu sử, một loại hình tự sự cần được khẳng định và phát triển
09:27 | 05/06/2008
(Muốn khẳng định cuộc đời của mình không ai không thêm vào đó chút ít huyền thoại)                                 - M. Jourhandeau -


Dẫn luận
1. Người ta hay nói đến quan hệ tiểu sử nhà văn và sự nghiệp văn học của họ, quan hệ mà người sáng tác cũng như người tiếp nhận hay vận dụng. Vậy quan niệm thế nào cho đúng vấn đề này? Một quan niệm đúng về phương pháp tiểu sử trong sáng tác và tiếp nhận sẽ mở rộng tầm nhìn đối với văn học thời đại cũng như văn học dân tộc, từ đó khai thác hết tiềm năng sáng tạo văn học phù hợp với yêu cầu mới trong một thời đại đang mở ra triển vọng lớn cho sự xuất hiện các "anh hùng thời đại" trong mọi lĩnh vực mà sự mất mát về họ là sự mất mát của "các thư viện sống".
2. Những mối liên hệ sinh động giữa cá nhân nhà văn và cá tính sáng tạo của anh ta là có thực trong sự nghiệp của các nhà văn lớn. Mối liên hệ đó, so với các trào lưu khác có phần chặt chẽ hơn trong văn học hiện thực chủ nghĩa. Phương pháp tiểu sử đã được phát triển rất mạnh trong việc nghiên cứu tác phẩm tự sự và cả thơ của các nhà văn hiện thực.
Theo ý kiến của những người theo phương pháp tiểu sử thì tất cả những gì mà nhà văn sáng tác ra đều có cội nguồn trực tiếp ở những sự kiện trong cuộc sống riêng tư của anh ta, ở tâm tư tình cảm của nhà văn đó. Họ cho rằng lịch sử sáng tác văn học không tách rời với tiểu sử nhà văn. Tiểu sử giải thích sáng tác và tác phẩm nghệ thuật tài liệu phục hồi lại những sự kiện không ai biết hoặc không biết rõ ràng trong cuộc đời của nhà văn.
Ngay dưới dạng "thuần túy" của nó, phương pháp tiểu sử đã tồn tại trong một thời gian khá dài, nó đã từng cung cấp "mẫu mực" cho sự lý giải tác phẩm nghệ thuật tự sự xuất hiện trực tiếp trên cơ sở các sự kiện trong cuộc đời nhà văn. "Những nỗi đau khổ của chàng Véc-de" của Gớt, "Davít Coperfin" của Dicken, "Thời thơ ấu", "Thời niên thiếu và thời thanh niên" của Lev Tolstôi, bộ ba tác phẩm nghệ thuật của M.Goocki, "Vĩnh biệt vũ khí" của Hêminguê, "Thép đã tôi thế đấy" của N. Ôtơrosky v.v... là biểu hiện của văn học mang tính tiểu sử trên thế giới. Ở ta, trước kia và trong những năm chống Pháp, chống Mỹ, cũng không thiếu những tác phẩm tự sự như thế, có thể kể: "Hòn Đất", của Anh Đức, "Người mẹ cầm súng" của Nguyễn Thi. "Sống như Anh" của Trần Đình Vân, "Những ngày thơ ấu" của Nguyên Hồng... các chuyện "người tốt, việc tốt, chuyện anh hùng liệt sĩ v.v...
3. Trên bình diện truyện tiểu sử mang tính văn học, không thể không tìm hiểu một loại hình tự sự đặc thù, đó là truyện tiểu sử .
Truyện tiểu sử, trong quan hệ rộng, cần được gia nhập và chức năng tự sự của văn học, chức năng mà Pie Jané cho rằng "nó đã tạo nên nhân loại". Trong các hình thức hiện đại, truyện tiểu sử đạt đến các kiểu mẫu thuần túy văn học với các nhà văn lãng mạn chủ nghĩa.
Phần lớn sự được thua giữa lời nói và chữ viết, từ nỗi lo tìm tòi sự đồng nhất đến sự say mê trong huyễn tưởng, phần lớn các thành tố của tu từ học và thi pháp học, từ những mô thức phát ngôn đến hiệu quả tiếp nhận, phần lớn các giới hạn của việc giảng dạy văn học, từ lĩnh vực sáng tạo và sự phát hành hẹp đến sự sáng tạo và phát hành rộng, tất cả đều quy tụ ở truyện tiểu sử. Đây là loại hình tự sự thuận lợi cho việc nghiên cứu liên môn về truyện tiểu sử như là sản phẩm hay giải pháp hồi ức cá nhân hay tập thể, có liên quan đến nhiều bộ môn chứ không riêng gì văn học. Nói – nghe, đọc – viết truyện tiểu sử của người khác hay của mình, là xâm nhập vào lĩnh vực văn học một cách tự nhiên nhất bởi vì mỗi người sáng tác hay tiếp nhận đều nhận thức rằng – dù ít nhiều chưa sáng rõ – "cuộc đời là một cuốn tiểu thuyết".
Khái niệm
"Chúng ta đang ở thời điểm của tự truyện, của tự bạch, của hồi ức từ sau lăng mộ, của lời tâm sự từ buổi đầu tiên hay tuổi hai mươi, của lịch sử hay các tiểu thuyết về cuộc đời của chúng ta. Chúng ta ai cũng muốn phòng ngừa trước cái nhìn của hậu thế đối với ta trong một thời điểm phù hợp nhất; chúng ta tạo "điểm đặt" (pose) của chúng ta và một "tư thế đối với sự vĩnh hằng". Làm sao có thể nghĩ rằng những dòng nóng bỏng tính hiện đại đó lại vang lên cách đây một thế kỷ! Đây là lời của Guýt ta Vapêrô, nhà phê bình văn học cùng thời với Victo Huygô – người đã choáng ngợp, cũng như chúng ta ngày nay – trước sự tăng sinh của các tự truyện trong những năm 1850 – 1860.
Giải thích nguyên nhân của hiện tượng trên, Vapêrô điểm chỉ vào điều cốt yếu: Ước vọng của bất cứ cá nhân nào đặc biệt của nhà văn là tự chọn một "điểm đặt" và một "tư thế đối với sự vĩnh hằng".
1. Truyện tiểu sử – sự tự khẳng định được tìm tòi: Đó là ước vọng hiểu biết về mình và sự băn khoăn muốn khẳng định một sự liên kết "bản ngã với câu chuyện được kể. Trong cuốn "Cuộc đời của Henry Brula (Xtăngdan) đã diễn đạt nỗi băn khoăn đó: "Tôi sắp 50 tuổi, đó là lúc tôi cần tự hiểu mình. Trước kia tôi thế nào? Bây giờ tôi thế nào? Trên thực tế, tôi rất lúng túng khi trả lời các câu hỏi đó: "Nếu người ta tự kể về mình, phần lớn là vì người ta muốn đối thoại với cái "tôi" trong quá khứ trong sự đối lập với cái "tôi" trong hiện tại. Cuộc đời của ta chỉ có ý nghĩa và một giá trị cuối cùng khi ta hoàn thành truyện kể về ta.
"Viết tự truyện (viết tiểu sử của mình"), theo Philip Lơ Giơn, là thử chiếm lĩnh bản ngã trong sự toàn vẹn của nó theo một động thái thâu tóm tổng hợp về cái "tôi".
Kể lại cuộc đời mình, đó trước hết là sự tìm tòi một hình ảnh huyền thoại về bản thân, đó là phong cho sự hiện hữu của mình một sự tiếp diễn và một ý nghĩa (chọn kỷ niệm và gợi lại là tỏa vào đó một ánh sáng mới) mà mới nhìn lần đầu có thể chưa thấy. Người ta cho rằng, trong tuyện tiểu sử, ít hay nhiều các câu hỏi về ý nghĩa của sự tồn tại, những câu hỏi luôn làm thao thức mỗi nhân sinh: Chúng ta có thật sự tồn tại không? Những gì ta đã sống qua có một giá trị tự thân, có một lý do lưu trữ không? Ju liêng Gơrin nói: "Tôi muốn tìm lại sợi chỉ đỏ mong manh hơn cả sợi tóc đã giăng qua đời tôi, từ khi sinh ra đến khi chết, hướng dẫn đời tôi, liên kết và giải thích "đời tôi".
2. Truyện tiểu sử: Một chân dung cho mọi người
Sự tự khẳng định được sáng tỏ hơn khi truyện tiểu sử đồng thời là bức chân dung cho mọi người. Khi tự kể về mình, người kể giúp cho mọi người nhìn mình một cách thân thiết với một sự ngưỡng mộ mà họ khó có thể đạt được trong đời sống hằng ngày. Tạo một ý nghĩa tổng quát về sự tồn tại của mình, người kể tự mình trình diễn để thu hút cái nhìn của người khác.
"Truyện tiểu sử – đó là sự hóa trang cho một ý ức được gột rửa để xóa các nếp nhăn trên khuôn mặt".
3. Truyện tiểu sử – một thái độ đối với quá khứ
Tất cả đều phải diễn ra như là người kể đóng vai nhân vật câu chuyện. Đó là công ước (pacte) của tự truyện.
Mọi tác phẩm tự truyện đều là sự tìm tòi thời gian đã đánh mất, một sự tìm tòi chậm chạp và gay gắt, nhưng thú vị biết bao mà cuối cùng kết quả của sự tìm tòi đó là những kỷ vật đầy xúc động trong sự hoài niệm.
Sự rời bỏ hiện tại, quay về phía sau cuộc đời, sự đột nhiên xuất hiện một dải quá khứ tươi mát đang còn câm lặng, dù tình cờ hay do sự hoài niệm kiên nhẫn – kéo theo đó là một cú "trượt tâm hồn" (heurt d'âme) khó có cái gì so sánh nổi hoặc cho một định nghĩa tường tận. Niềm vui ít nhiều có tính tự mê hoặc đó chính là động cơ của các tác giả tự truyện.
4. Truyện tiểu sử: một sự tự bạch, tự thú
Trong "tự bạch" của mình, J.J. Rút xô đã điều chỉnh lại những hình ảnh không đúng mà các nhà văn đồng nghiệp, do yêu quý, đã gán cho ông: "Bởi vì tên tuổi của tôi còn sống mãi trên đời, tôi không muốn có những sự suy tôn giả dối. Tôi không muốn người ta cho tôi những đức tính cũng như các thói xấu mà tôi không có".
Sự khôi phục lại một cuộc đời chân thực với sự "tự thú" về lỗi lầm trong tự truyện là sự mong muốn được thứ lỗi. Ai nỡ ném đá vào một người tự hối?
Rút xô nói tiếp: "Tôi muốn tôi thật là tôi: đáng khinh và xấu xa khi tôi đã là như thế, tốt đẹp, khoan dung, cao cả cũng là khi tôi đã là như thế.
5. Truyện tiểu sử: tấm gương cho người đọc
Cho đời mình một ý nghĩa, từ chối cái hết, tự hoài niệm một cách ngây ngất, biện hộ cho bản thân: đó là các yếu tố nội hàm của khái niệm Truyện tiểu sử. Các động cơ duy cảm đó không phải chỉ dành cho nhà văn. Trong sự tìm tòi ý nghĩa và sự chân thật của truyện tiểu sử, người đọc đã có sự nhập cuộc cũng không kém duy cảm.
Tại sao người ta thích đọc truyện tiểu sử (tự truyện và do người khác viết), nếu không phải với hy vọng tìm ở đấy ít nhiều hình ảnh của mình và thưởng thức ở đấy những đồng cảm xúc? Niềm vui ta tìm thấy khi nghe hay đọc truyện tiểu sử là do nhu cầu ta muốn tự kể về ta; điều đó tương ứng với tìm tòi sự đồng nhất, không phải từ mình tạo ra mà là hình ảnh từ một chiếc gương.
"Nghiêng mình trên vai của nàng Thủy tiên, ta sẽ thấy gương mặt của ta không phải như gương mặt mà ta thấy qua dòng nước suối" (3).
6. Truyện tiểu sử: một người thông tin và chứng nhân
Truyện tiểu sử, dù ở dạng nào, luôn có giá trị thông tin, dù của nhà văn nổi tiếng hay của một người bình thường. Mỗi một cuộc đời là một mảng lịch sử trong mắt xích của tri thức liên kết xã hội, nhân chủng, văn hóa, khu vực, trí tuệ, tư tưởng...
Tác giả khi kể về mình hay về người khác đều muốn được thông báo cho công chúng một số dữ kiện đời sống mà tác giả là đại lý hay kẻ trung chuyển.
Xanh Ôgustanh viết: "Tôi kể cho ai cái điều đó? Không phải cho anh, cho chúng tôi mà qua anh, tôi kể cho nhân thế, dù có thể rất ít người đọc những trang này. Và tại sao tôi viết? Cũng chỉ là vì ai đọc nó và cả tôi, chúng ta đều cùng nhau đo lường độ sâu thẳm mà tiếng kêu của chúng tôi vang đến các bạn. Rút xô lại muốn người đọc, ngoài sự hiểu biết về nhân thế, còn phải "đọc trong trái tim của ông".

Bấy nhiêu chức năng của truyện tiểu sử khi viết và đọc nó cho ta thấy tính đa năng của nó: đó là bức tranh của chủ thể và khách thể, của duy cảm và duy lý, của cái tiềm ẩn và cái tường minh. Ngoài ra, nó còn là sự tưởng tượng lãng mạn về cả một nền văn hóa để ta có thể kêu lên rằng: "Tất cả ở con người".
Có phải như vậy mà truyện tiểu sử nằm trên ranh giới của lịch sử và thẩm mỹ, của văn học và sự chứng nhân?
Truyện tiểu sử – xưa và nay
1. Truyện tiểu sử trước 1760
Được coi là thể loại văn học, tiểu sử và tự truyện, chưa xuất hiện sớm. Phổ biến ở thế kỷ 11 sau CN với các tác phẩm bậc thầy của Xuyêtôn (Xuetone) và Plu-tác-cơ (Plutarque), các bản tiểu sử là hình thức cổ nhất của truyện tiểu sử ở phương tây. Thể loại này tồn tại từ thời cổ Hyla đến buổi đầu của chủ nghĩa lãng mạn. Thể loại đó thay đổi tùy thời kỳ: ở giai đoạn Trung cổ, đó là cuộc sống của các quốc vương; vào thời Phục hưng, xuất hiện tiểu sử của các nghệ sĩ, nhà văn, nhà bác học. Nếu ở thế kỷ 17, truyện tiểu sử dành cho người nổi tiếng thì thế kỷ 18 là thế kỷ của các từ điển lịch sử và lịch sử văn học, trong đó tiểu sử tác gia giữ vị trí quan trọng.
Thể loại tự truyện (autobiographie) chỉ xuất hiện từ hơn 2 thế kỷ nay với các hình thức hiện đại của nó như Tự bạch của Rút xô, của Xanh Ôguxtanh, các truyện tiểu sử nhà văn v.v...
Theo Philip Lơ-Jơn, năm truyền thống văn học trước thế kỷ 19 có thể coi là "tiền thân" của tự truyện hiện đại:
- Tự truyện tôn giáo, các văn bản "tự ngã" thời Phục Hưng, truyện có thiên hướng trí tuệ hay nghệ thuật, các tài liệu biên niên về đời tư, các tiểu thuyết dưới dạng hồi ức ở ngôi thứ nhất.
2. Truyện tiểu sử sau 1760
Văn minh phương Đông tiền lãng mạn là chất kích thích tạo sự tăng sinh đặc biệt cho các hình thức đa dạng của truyện tiểu sử.
Về phương diện viết tiểu sử, có một sự bùng nổ về chất lượng và số lượng ở thời kỳ này, cùng với các từ điển tiểu sử, đặc biệt là truyện tiểu sử nhà văn gắn với phê bình văn học. Nửa sau của thế kỷ 19, cách viết tiểu sử có một cơ sở phương pháp luận chặt chẽ hơn, chú ý hơn đến sự độc đáo cá nhân và sự tái hiện chính xác.
Vào những năm 1760-1780, phát triển loại hồi ký hiện đại. Nhiều truyện tiểu sử ở ngôi thứ nhất xuất hiện ở phương Tây: ở Pháp có Rút xô, ở Mỹ có Benjamin Phơrăngelin, ở Anh có Etwa Gipbon, ở Ý có Casanova, Alphi-êri... Cuối thế kỷ 19, ở Pháp, hồi ký cạnh tranh trực tiếp với tiểu thuyết của Xtăng-dan, Sa-tô-briăng, Muýt-xê, Va-lit-xơ. Sự thắng lợi của thể loại thuộc về thế kỷ 20 với Grin, Sác-tcơ, Bovoa...
Lược qua lịch sử truyện tiểu sử, ta thấy trong suốt lịch trình văn học thế giới, truyện tiểu sử phát triển với hình thức ngôn ngữ quý tộc. Các hồi ký của Plu-tác, Pe-ron, Xanh Bơvơ, các tự truyện của Rút xô, Satôbriăng, Muýt xê, Xtăng dan đưa thể loại này lên cấp độ một thể loại cổ và trang trọng trong lịch sử văn học Pháp.
Tất cả cũng chỉ để nói rằng: đã có cơ sở để giải tỏa mối hoài nghi của những người cho rằng đây không phải là thể loại văn học.
Sự đa dạng hóa truyện tiểu sử là dấu hiệu của sự dân chủ hóa tiếng nói của quần chúng đã tạo nên một bước ngoặt quyết định trong lịch sử văn học. Nhưng cũng từ đây, xuất hiện một sự nhập nhằng khó gỡ: truyện tiểu sử có giá trị quy chiếu hay giá trị thẩm mỹ, đó là văn học hay chứng nhân, là thực tế hay tưởng tượng?
Tính nhập nhằng thể loại
Ba-khơ-tin, khi nói về thi pháp tiểu thuyết, cũng đã so sánh với truyện tiểu sử về cốt truyện, nhân vật, chủ đề, tính cách người trong đó. Hình như ông đã liệt truyện tiểu sử vào thể loại tự sự. Tuy nhiên, cho đến nay, truyện tiểu sử vẫn cần được phân giải về tính nhập nhằng (ambiguité) của nó.
Sự nhập nhằng đó thể hiện rõ trong tự truyện. Đã từ lâu R. Lơ Jơn định nghĩa tự truyện theo một "công ước" sau: người kể – nhân vật anh hùng là chủ thể của truyện, tính chất hồi cố của người kể nhằm liên kết cái hiện tại của tác giả và quá khứ của nhân vật anh hùng, tính chất tập thể của tiếp nhận (khác với nhật ký thầm kín, riêng tư).
Nhưng cho đến nay, "công ước" đó hình như không còn giá trị. Các tác giả  ngày nay đã đổi tên nhân vật anh hùng bằng một tên gần gũi nhưng khác với nó hoặc đặt tên của họ (người kể – nhân vật anh hùng) cho một nhân vật hư cấu. Đã xuất hiện truyện tiểu sử hoàn toàn tưởng tượng hoặc các tiểu thuyết về cuộc đời nhân vật lịch sử. Vì vậy, ranh giới rất khó xác định giữa tính thậttính hư cấu, tính thực tế và tính tưởng tượng. Hình như mọi văn bản, dù hư cấu nghệ thuật đến đâu đều phải có ít, nhiều tính tự truyện và có thể nói rằng: sáng tác nhất thiết phải quy chiếu gần xa về những gì họ đã sống.
Từ "nói dối như thật" (mentir-vrai) đến "nói thật như dối" (autofiction), truyện tiểu sử mang tính văn học sáp nhập vào loại hình truyện tiểu sử tạo nên một ranh giới từ xưa nay khó phân biệt. Sự liên hệ với thực tế luôn luôn có ảo tưởng, việc diễn đạt kinh nghiệm sống luôn làm mê mẩn người viết tự truyện. Vì vậy mà A-ni-ec-nô (Annie Ernaux) khi viết tiểu sử về cha và mẹ đã bị dằn vặt giữa hai khuynh hướng:
"Tác phẩm của tôi có tính chất văn học vì tôi đi tìm sự chân thật về mẹ tôi mà với các từ ngữ, tôi không thể đạt được. (Có nghĩa là tranh ảnh, kỷ niệm, chứng nhân của gia đình đều không thể cho tôi sự chân thật đó). Nhưng tôi chỉ dám mong được đứng phía dưới của văn học? (1)
Kết luận
Đất nước chúng ta đã có lịch sử lâu đời về đấu tranh dựng nước và giữ nước. Bao nhiêu nhân vật anh hùng, bao nhiêu nhà văn tài ba kể cả những con người vô danh đã hy sinh thầm lặng, thử hỏi văn học Việt Nam đã để lại bao nhiêu truyện tiểu sử để có thể đưa thêm vào lịch sử thể loại của văn học Việt Nam một vốn quý tinh thần. Chúng ta đã có chuyện: người tốt, việc tốt, chuyện anh hùng liệt sĩ trong kháng chiến, đã có các danh nhân, các nhà văn sắp qua đời viết hồi ký, viết tự truyện. Nhưng những năm gần đây, văn học chưa chú ý đến thể loại này.
Trước mắt là một thời đại đầy cam go, thử thách. Chắc chắn sẽ có nhiều nhân vật anh hùng trong mọi lĩnh vực và nhiều người vô danh thầm lặng không đủ sức để kể về mình. Họ mất đi là dân tộc mất đi một khi tàng tri thức và đạo đức.
Đã đến lúc cần khẳng định loại hình truyện tiểu sử như một loại hình tự sự của thời đại mới. Các nhân vật lớn tuổi hãy để lại tự truyện, hãy giúp các danh nhân viết hồi ký, các nhà nghiên cứu, phê bình cần đánh giá các truyện đã ra đời và nhà trường cần cho học truyện tiểu sử như một thể loại văn học.


TRƯƠNG DĨNH
(nguồn: TCSH số 154 - 12 - 2001)

------------------------------------------
(1) Le récit de vie
(2) Pierr Janet
(3) Gustave Vaperean Lannée litteraire et dramatique -Hachette 1864.P.265
(4) Stendhal Vie de Henry Brulard Folio no 47.P 28
(5) Philippe Le Jenne L’autobiograhie en France A.Colin 1971
(6) Julien Green “Partir avant le jour “Grasse 1963
(7) Claude Abastodo “Raconte! Raconte” Les récits de vie comm objet semiotique
                                     Revue des Sciences humaimes no 191 Récits de vie 1983.
(8) Le pacte biographique Ph.Le Jeune Poétique no 56 1983.P.425
(9) J.J.Rousseau. Les confessions - Pléiade P 1153
(10) Georges May. L autobiographie. Paris P.U.F 1979.

Các bài mới
Người điên (05/06/2008)
Những cánh cửa (05/06/2008)
Rượu chiều (05/06/2008)
Nơi cuối sông (05/06/2008)
Các bài đã đăng
Gửi sông thao (04/06/2008)