Tạp chí Sông Hương - Số 156 (tháng 2)
Đêm ba mươi có mỗi chuyện này...
17:05 | 30/07/2008
NGUYỄN QUANG LẬPChiều ba mươi tết, Quỳ đạp xích lô ra ga, tính đón khách chuyến tàu vét rồi gửi xích lô, bắt xe đò về quê. Vừa vào sân ga, tàu chưa về đã có khách gọi, may thế. Khách là một trung niên mặt rỗ, quần bò áo thun, kính đen gọng vàng.

- Bưởi!
Gã vươn vai dựa hẳn vào thành xe, rút thuốc lá hút.
- Ông cho con ba chục.
Quỳ chưa đi vội. Loại này hoặc công chức, hoặc ma cô, phải ngã giá trước. Gã quay lại, lột kính lừ lừ nhìn Quỳ. Quỳ cảm thấy hai tia sáng mắt gã đang soi từng lỗ chân lông da mặt mình.
- Mày định ăn thịt người ta hay sao mà thét dữ thế.
- Dạ tết nhất đến nơi. Ông gọi hàng nào cũng thế. Ấy là con lấy rẻ năm ngàn.
Thì ra gã chỉ mắng thế thôi chứ không thêm bớt một hai gì.
Đường phố ngày tết người ta đi như ăn cướp, như chạy giặc. Quỳ cũng lạng lách như ai, chủ yếu để người ta không coi mình là thằng nhà quê, ngờ nghệch quá.
- Từ từ thôi! - gã nhắc.
- V-ăng.
- Đi tử tế vào, rồi tao trả nốt cho năm ngàn.
- V-ăng.
Quỳ thả lỏng, thong thả đạp. Xem ra gã cũng tử tế. Từ ngày ra phố làm ăn, cứ ba ông khách thì một ông tử tế. Quỳ thường khoe với vợ như vậy. Vợ Quỳ tròn xoe mắt: “Tử tế mà lắm thế a?”. Đàn bà suốt đời rúc xó bếp biết gì! Vợ Quỳ mặt đã to lại phèn phẹt, nhưng từ cổ trở xuống thứ nào thứ nấy không đáng yêu cũng đáng nể. Ăn uống kham khổ lắm, thế mà cái đít lúc nào cũng vổng lên. Rõ đáng tự hào. Quỳ thích nhìn thị ngồi xới cơm, gối tì vào ngực, cặp nhũ trắng ngần phồng lên đến tận cằm. Chà, còn tám tiếng nữa, tha hồ mà ngoạm...
- Ây!
Gã khách kêu lên. Quỳ không kịp phanh xe, gã đã nhảy xuống lật đật chạy về phía sau nhặt lên một cái vòng. Quỳ cũng chạy tới. Vàng! Cái vòng vàng. Gã khách mân mê cái vòng vàng, cười toét một cái: “Một cây là cái chắc!”. Gã nhét ngay vào túi và nhảy phốc lên xe.
- Đi nhanh, mày. Tao tăng gấp đôi tiền cho.
Quỳ thấy xót quá, nếu mình không nghĩ vẩn vơ thì mình đã thấy trước gã.
- Ông tính một mình lấy luôn cái vòng à?
Quỳ hỏi giọng run run.
- Chứ sao, tao thấy trước mày.
- Con thấy trước ông nhưng con không kêu lên.
Quỳ cố gắng không để lộ cái giọng run run của mình. Gã khách cười cái “rắc”, nghe như ai vừa bẻ một cành khô.
- Ai bảo mày không chịu phát biểu ý kiến!
Quỳ thấy mình đuối lý. Đối đáp với người phố bao giờ Quỳ cũng là thằng đầu đất. Hôm qua có ông khách mắng Quỳ: “Tụi mày đói là vì không biết ngậm miệng ăn tiền” Quỳ cũng thấy đúng quá. Quỳ cố nặn óc nghĩ được câu gì hòng thuyết phục gã chia cho một ít.
- Tết nhất được lộc trời, ông cho con xin một ít.
Dứt lời, mặt Quỳ nóng bừng, khi không lại mở mồm xin xỏ. Gã khách lại quay lại nhìn Quỳ.
- Mày trông thế mà cũng có văn hóa đấy. Được, mày xin thì tao cho. Tao bảy mày ba, được không?
Quỳ cười nịnh, cái mặt cười mới thảm hại làm sao:
- Ông cho con bao nhiêu con ơn ông bấy nhiêu.
Gã khách lại cười cái “rắc”. Thằng cha cười đến hay, như chó khạc xương.
- Ơn nghĩa! Tụi mày đói mà xài sang quá. Cái vòng nãy cỡ một cây. Tao trả mày tiền ba chỉ, tao lấy cái vòng - Gã xỉa ra tập tiền sáu trăm ngàn, hất tay phía sau - Cầm lấy!
Nhìn sáu tờ một trăm ngàn, Quỳ thấy chân tay mình cóng lại.
- Ông ơi, vàng bây giờ một chỉ gần năm trăm ngàn. Ông cho con ba chỉ mà được có...
Gã lập tức đút tiền vào túi.
- Không lấy thì thôi. Vàng rụng vàng rơi, một chỉ hai trăm là quá lắm.
Quỳ định nói: “Thôi, ông cho con xin” nhưng không hiểu sao lại kêu lên:
- Một chỉ hai trăm thì thiệt con quá!
Gã khách nhảy phắt xuống, chậm rãi tiến sát chỗ Quỳ:
- Mày được voi đòi tiên. Đã bảo vàng rụng vàng rơi giá chỉ có thế thôi. Mày thích thì tao đưa tiền cho, không thích thì đưa tiền cho tao. Cũng giá đó.
Chưa bao giờ Quỳ tính nhẩm nhanh như lúc này. Một chỉ lãi ba trăm ngàn. Bảy chỉ lãi hai triệu mốt. Đạp xích lô cả năm trời cũng thế thôi.
Gã khách moi cái vòng vàng ra, đưa cho Quỳ.
- Đây, mày xem có đúng một cây không. Hay bảo tao nói phét?
Quỳ cầm cái vòng xoay xoay. Một chỉ lãi ba trăm ngàn. Bảy chỉ lãi hai triệu mốt. Cộng với ba chỉ phần mình nữa, bán vứt đi cũng được bốn triệu bạc. Chợt gã khách đập nhẹ vào tay Quỳ. Quỳ giật mình ngước lên. Một cô gái đang hớt hải chạy tới. Quỳ vừa kịp đút cái vòng vào túi quần.
- Các bác được cái vòng của cháu phải không ạ?
Cô gái mặt non choẹt nhưng son phấn kỹ lưỡng lắm. Áo hở rốn, quần bò bó căng, cố tình làm nổi bật cái phần cần dấu đi. Xem “phong độ” biết ngay loại ăn chơi ngoại hạng.
- Cái vòng của mẹ cháu. Các bác được thì cho cháu xin. Không về, mẹ cháu giết cháu.
- Vòng vèo nào ở đây. - Gã khách trợn mắt quát, - Không dưng lại túm áo người ta mà hỏi. Biến đi!
- Không mà... Người ta chỉ cho cháu...
- Biến!
Gã khách đẩy cô gái ngã ngồi. Cô gái lồm cồm bò dậy bỏ đi. Vừa đi vừa nấc lên. Tự dưng Quỳ muốn gọi cô gái lại quá...
- Cách nào thì mày giải quyết đi. Nó đi gọi công an đấy.
Quỳ sực tỉnh, vội vàng lôi trong lưng quần ra cái bọc. Gã khách giật lấy.
- Bao nhiêu đây?
- Một triệu ba năm chục.
- Tao thiệt đơn thiệt kép. - Gã khách thở ra, - Thôi mày đi mau lên!
Quỳ cắm cổ đạp xe chạy vù vù. Thỉnh thoảng phanh kít lại, đập tay vào túi quần: vẫn còn! Cái vòng vẫn còn! Lại đạp xe chạy vù vù. Còi ô tô kêu cái “roét!”, mồ hôi Quỳ túa ra, lạnh toát. Gớm, không biết cách nào Quỳ đã vọt ra tận Hồ Tây. Sờ túi, cái vòng vẫn còn, Quỳ cười nhăn một mình. Bây giờ phải quay trở lại, về Hàng Đào bán mới có giá. Ở đấy Quỳ có quen một chị hàng vàng, năm ngoái Quỳ đưa đón con chị đi học. Chị này giàu nứt đố đổ vách lại tử tế, chắc chẳng thèm ăn bớt của Quỳ. Một cây gần năm triệu, có cân non đi đằng giời cũng cầm chắc bốn triệu. Bốn triệu! Quỳ chưa bao giờ cầm số tiền lớn như thế. Vợ Quỳ cũng thế. Thị sẽ thế nào khi mình giơ bọc tiền ra nhỉ? Thị sẽ không dám cầm, ngờ vực hỏi: “Ai cho mà nhiều thế?. “Ai cho?” - Quỳ bế xốc thị lên giường - “Tưởng tớ không kiếm được ngần ấy tiền à?”. “Ây, ây... Con đang chơi ngoài sân”. “Gọi nó vào, đem cái đĩa bảo đi mua nước mắm”. Thị đẩy Quỳ ra, lườm: “Thì tắm rửa đi đã. Được mấy hơi mà hoắng lên thế”. Ừ thì tắm. Tắm xong tớ sẽ nghiền nát cái đít tự hào của mình ra, xem có còn khinh tớ nữa không. Xong rồi, thể nào thị cũng hỏi đi hỏi lại: “Ai cho đấy, nói thực xem nào? Hay là có con đĩ nào nó cho?”. Chà thích quá rồi, còn ra vẻ! Quỳ kể Quỳ gặp vận may như thế nào, cái ông khách tử tế ra sao. Thị lại tròn mắt kêu lên: “Tử tế mà lắm thế a?”. Tử tế mà lắm thế a. Rõ lũ đàn bà đần độn ngu si. Quỳ vừa nghĩ ra câu thơ. Quỳ nhẩm đi nhẩm lại cho thuộc, mai về sẽ đọc cho thị nghe. Thị sẽ ré lên bóp cho Quỳ một cái. Thị bóp thì đau lắm nhưng mà thích.
Chị hàng vàng tung nhẹ cái vòng mấy lần rồi ngước lên nhìn Quỳ.
- Có khi cái này không phải vàng. Nhẹ lắm.
Quỳ cười to, vui vẻ nói:
- Thì chị cứ thử đi.
Trông điệu bộ đi tìm đèn khò không được nhiệt tình cho lắm của chị, Quỳ đã thấy lo lo. Tuy vậy Quỳ vẫn nói cười như không.
- Vàng đang lên phải không chị?
- Ừ. Bốn chín hai.
- Em bán bây giờ là được giá, chị nhỉ?
- Ừ.
Đèn khò bật lửa. Ở cái nơi tia lửa liếm vào, một thứ nước rỉ xanh tứa ra. Mắt Quỳ tối sầm.
- Đồng em ạ. Mạ vàng thôi.
Một khối nước đá từ trên đỉnh đầu đang tràn xuống chân. Quỳ đứng trơ, nước đái từ hai ống quần túa ra, đọng thành vũng trên nền đá hoa.
Quỳ rơi phịch xuống ghế. Và kể. Chị không hỏi, Quỳ cũng kể. Không phải, Quỳ đang lảm nhảm như một thằng điên.
- Vàng giả sao nó dám đưa tiền cho em?
- Em ơi, có khi đó cũng là tiền giả.
Quỳ nuốt nước bọt, ngước lên ngẩn ngơ nói:
- Tại em tham quá.
Trong tích tắc, nước mắt Quỳ dàn dụa. Chị đưa cho Quỳ cốc nước lọc, khẽ thở dài.
- Em cũng đừng dằn vặt nữa. Tham là bệnh tật của giống người. Người ta trước sau rồi cũng mắc phải, chẳng ai nói phách nói tướng được.
Thôi, coi như mình vừa bị mất cắp, bị trấn lột, còn mấy tiếng nữa là hết năm, rán kiếm vài chục, về quê còn có chút gì đưa vợ. Quỳ đạp xe ra ga, về bến xe phía Nam, vòng vèo ra tận Phà Đen, lên chợ Bưởi, cũng chẳng có ma nào gọi. Phố phường vẫn đầy người ra đấy nhưng hôm nay là ngày vui của người ta, ngày chết tiệt của Quỳ. Đêm đổ xuống rất nhanh, gió hun hút thổi. Quỳ không rét nhưng mà đói. Đói lắm. Phố xá tịnh không ai còn mua bán gì. Khổ nỗi đường phố giờ này lại ngậy mùi xôi thịt, rúc vào đâu cũng ngậy mùi, càng hít lấy chân tay càng rời rã. Quỳ dừng xe một góc phố, tính làm một giấc lấy sức rồi gửi xe cuốc bộ về quê. Gần bốn chục cây chứ không ít nhưng đi mãi rồi cũng đến, cũng không hết tết đâu mà lo.
Không ngủ được, nhạc nhéo đinh tai nhức óc. Nhà sát đường chưng đèn kết hoa như đám cưới, nhưng nhìn vào thời trống hoác, chỉ một đôi trai gái đang ôm nhau nhảy. Chúng nhảy như động rồ, ngoắc của nợ vào nhau chứ đâu phải là nhảy. Bỗng Quỳ đứng phắt dậy. Gã khách! Thằng quần bò áo thun! Thằng mặt rỗ! Con kia đích thị là đứa đến xin vòng. Tiên sư cha quân mất dạy! Quỳ chực xông vào nhưng hú hồn đã khựng lại được trước cổng. Không vào. Đêm ba mươi vào làm ầm ĩ nhà người ta thì cầm chắc tiền mất tật mang. Cứ đứng đây đợi. Thằng kia nếu là chủ thế nào cũng tiễn con kia, nếu là khách thì quá lắm đến giao thừa cũng phải cút. Còn hai tiếng nữa đến giao thừa chứ mấy. Quỳ ngồi xổm, tựa lưng thành cổng, nghiến răng chờ đợi. Con chó bẹc-giê thấy có người lạ liền đủng đỉnh đi ra, đưa mắt lừ đừ nhìn Quỳ, gừ một tiếng, ra cái điều: “Nhìn cái gì mà nhìn”. Chó nào chủ nấy. Chó nhà quê nghe tiếng người cuối xóm, đầu xóm đã sủa nhặng lên, ra vẻ hung hăng lắm, nhưng người ta dậm chân một cái đã cụp đuôi mất dạng ngay tắp lự. Con bẹc-giê đến sát cổng, nằm bẹp xuống, trễ nải lim dim mắt nhìn Quỳ. Rõ nó coi Quỳ bằng nửa con mắt. Quỳ cười khẩy, nghĩ bụng: “Mày là cái đéo gì. Đồ liếm cứt nhà giàu”. Nó lại gừ một tiếng rồi ưỡn ngực vươn vai, đủng đỉnh đi vào, ra cái điều: “Chẳng dư hơi đôi co với lũ chúng mày”. Thế mới tức. Tự nhiên Quỳ tức uất lên.
“Ba-ái!”, “Xí ố ghẻ-ên!”.
Rồi! Thằng kia ra rồi. Quỳ vụt dậy. Gã vừa ra khỏi cổng, Quỳ đã túm chặt lấy tay gã.
- Ông! Đây là cái vòng giả! Ông cho con xin lại tiền.
Gã từ tốn nhìn Quỳ, không lộ một chút gì tức giận hay sợ hãi. Tuồng như gã đã biết trước thế nào cũng gặp Quỳ, thế nào cũng nghe Quỳ nói thế.
- Thì buông ra đã nào. Tao có chạy đi đâu mà sợ.
- Con đã thử rồi. Đây là cái vòng đồng mạ vàng.
Quỳ đưa cái vòng cho gã. Gã cầm cái vòng ngắm nghía.
- Giả à?
- V-ăng.
- Ừ, nếu giả thì tao đưa lại tiền cho. Coi như tao không được cái gì, thế thôi.
Gã nhảy lên xích lô, vui vẻ nói:
- Đi! Đi thử một lần nữa cho chắc. Rồi mày chở tao về Bưởi, tao lấy tiền đưa mày. Mau lên, giao thừa sắp đến rồi.
Quỳ định nói: “Thôi, không thử nữa, ông cho con xin lại tiền”, nhưng lại nghĩ bụng: “Thử thì thử, sợ gì! Lần này có ông nội mày cũng không lừa được ông nữa đâu, con ạ”.
Gã bảo Quỳ dừng lại trước cửa hàng vàng cách hàng vàng quen của Quỳ có mấy trăm mét. Chủ nhà đã đóng cửa nhưng thấy gã thì vui vẻ lắm, nhanh nhẩu tìm đèn khò ra xịt. Ủa, nước vàng chảy ra tươi rói! Thế là thế nào nhỉ?
- Mày thử kiểu gì lạ thế? Làm mất thời gian tao! - Gã vừa đi ra cửa vừa càu nhàu và nhét cái vòng vào túi.
Quỳ lẽo đẽo theo sau, nói giọng thiếu tự tin hẳn:
- Con thử nhà người quen hẳn hoi.
Lập tức gã quay ngoắt lại.
- Đâu? Nhà người quen mày ở đâu?
- Đó kìa! Có một đoạn.
Gã rút cái vòng ra đưa cho Quỳ:
- Cho mày thử lại. Không bảo tao hợp đồng nhà người quen lừa mày. Đi mau lên, tao chờ.
Quỳ co cẳng chạy. Không kịp bấm chuông, cứ thế lao thẳng vào nhà.
Chị hàng vàng cầm cái vòng lật đi lật lại.
- Đâu? Vết thử của người ta đâu? Mỗi vết thử của chị đây này.
- Vừa thử xong mà. - Quỳ thở hắt ra.
Chị hàng vàng bỗng tái mặt kêu lên:
- Thôi rồi! Nó thử cái vòng thật của nó. - Chị đẩy Quỳ, hối hả giục, - Ra đi! Khéo không cái xích lô của em...
Quỳ lao như tên bắn. Ối cha mẹ ơi, họa vô đơn chí! Cái xích lô lấy lại của người ta, còn chưa trả hết tiền. Quỳ ngã sấp xuống mặt đường, mãi sau gượng ngước lên đã thấy chị hàng vàng ngồi trước mặt. Chị đỡ Quỳ dậy, nói như rên:
- Về quê mà làm ăn em ạ. Ỉa vào phố với phéo.
Quỳ biết mình khóc nhưng không đừng được.
- Chị ơi, bao giờ em mới hết ngu?
Chị nhét năm mươi ngàn vào túi Quỳ, giọng nghèn nghẹn:
- Em đừng mơ tưởng viển vông nữa. Mình hết ngu thì người ta mưu mẹo lên gấp năm gấp mười. Cũng coi như mình ngu như cũ. Thôi, về đi em.
Không! Không về! Phải đến nhà con kia! Nó cùng duộc với thằng mặt rỗ. Không lấy được tiền thu được của thì cũng xé tan xác chúng nó ra.
Cô gái vẫn thức, đang ngồi ngắm nghía, nắn nắn ngực mình.
- Cô gì ơi! Ra tôi bảo! - Quỳ nói như quát.
Cô gái thủng thẳng đi ra, vênh mặt lên, hất hàm hỏi:
- Gì thế?
Tự nhiên Quỳ tịt ngỏm, không biết nên tiếp tục thế nào.
- Cô mất cái vòng phải không?
- Phải.
- Đây là cái vòng giả! Cô lừa tôi!
Cô gái cầm lấy cái vòng, bất ngờ ném thẳng vào trán Quỳ.
- Đồ ăn cướp! Đây mà cái vòng của tao à?
Cô gái nhào tới túm chặt lấy cổ áo Quỳ, kêu to:
- Mẹ ơi! Đây rồi! Thằng ăn cắp đây rồi!
Quỳ há hốc mồm, không biết nên làm gì, nói năng thế nào.
Trong nhà đi ra một người đàn bà chừng năm mươi tuổi, mặt mày xem ra phúc hậu lắm.
- Thằng này giật cái vòng của con. Bắt được, nó lại trả lại cái vòng giả.
- Không phải! Cô lừa tôi! - Quỳ vặc lại và giật tay cô gái.
- Thôi, thôi. Đừng ồn. Nhà chị đang có khách. Có gì vô nhà nói. Chuyện đâu có đó em ạ.
Bà cất tiếng dịu dàng, nghe êm như tiếng Phật bà từ trời xanh rót vào tai Quỳ. Bà tự tay mở cổng, nhẹ nhàng kéo Quỳ vào.
Vào thì vào! Cây ngay không sợ chết đứng. Chừng nào còn chưa lấy được tiền và cái xích lô thời ông còn nằm ỳ ra đấy, chúng mày không cho ông ăn thời ông ỉa ra cho mà dọn.
Bà nhẹ ấn vai Quỳ xuống ghế bành. Cái ghế to đến nỗi Quỳ thấy mình như đang tụt xuống một cái hố. Bà xăng xái đi lấy nước, rất lâu sau cầm cốc nước đi ra ấn tận tay Quỳ, ân cần nói:
- Con bé nhà chị nó cũng hư lắm. Em uống nước đi, rồi kể chị nghe đầu đuôi thế nào.
Quỳ tu một hơi, quệt mồm, nói:
- Chiều nay con đi chở khách...
- Thì uống nước đi đã nào. Chuyện đâu có đó mà em.
Bà tươi cười cắt ngang lời Quỳ. Vô lẽ bà này lại đẻ ra con khốn nạn kia? Quỳ uống thêm ngụm nước, đang nghĩ xem mình nên bắt đầu thế nào cho vừa gọn vừa rõ ràng thì một chiếc xe Jeep đỗ xịch trước cổng. Ba người đàn ông bước vào. Hai người trẻ, một người đã cứng tuổi có cái mũi cà chua. Hai người trẻ chẳng nói chẳng rằng ập đến bẻ quặt tay Quỳ.
- Ô, sao lại thế này? - Quỳ kêu lên.
- Câm mồm! - người mũi cà chua quát khẽ. - Lôi cổ nó ra ngoài!
Quỳ ra sức trì lại nhưng không được. Tuyệt vọng, Quỳ quay mặt về phía bà chủ kêu to:
- Bà!
Bà ném cho Quỳ một nụ cười khinh bỉ rồi quay lại người mũi cà chua, thở ra:
- Tết nhất... phiền các chú quá.
Người mũi cà chua cụp mắt xuống, cố gắng lễ phép với bộ ngực xốp lúc nào cũng muốn nhào ra khỏi cổ áo của bà.
- Dạ có chi... Anh đâu chị?
Bà nhỏ giọng:
- Anh có khách.
Người mũi cà chua liền co vai, rụt cổ, nói khẽ:
- Thôi, em chào chị, em về đây. Chị cứ yên tâm đi, thế nào em cũng lấy lại cái vòng cho cháu.
- Thôi, khỏi phiền các chú đến thế.
Bà nói và tiễn người mũi cà chua ra cổng.
- Chỉ cần các chú dạy cho thằng mất dạy kia mấy bài học. - Bà hất hàm về phía Quỳ lúc này đang bị một người trẻ ấn cổ xuống thùng xe.
- Dạ-ạ.
- Bọn nhà quê mất dạy lắm.
- Dạ-ạ.
Người mũi cà chua mặt mày nghiêm trọng hẳn, như vừa ngộ ra điều gì sâu sắc lắm.
- Chị nói phải quá. Bọn em lâu nay cũng chủ quan...
Xe Jeep biến khỏi cổng. Bà quay lại lườm cô gái nãy giờ vẫn ườn ra trên đi-văng.
- Cái vòng đâu rồi, con chó?
Cô gái cười rúc rích.
- Mẹ cũng quá lắm. Mắng nhà quê xơi xới. Cứ làm như mẹ không phải ở quê ra.
Bà ngồi xuống, hực ra một tiếng cười khô khốc.
- Là tao nói thế, chứ không có chúng, bố con mày bốc cứt mà ăn.
Nói rồi bà vươn vai ngáp dài.
- Khách với khứa. Giờ này còn ngồi thầm thầm thì thì.
Bà uể oải lên cầu thang. Lát sau đã nghe tiếng bà ngọt như tiếng tơ đồng:
- Ấy không. Về là thế nào. Anh đến giờ này là lộc trời ban cho nhà em đó.
Cô gái ngửa cổ cười dài, thò tay nhổ một nhúm lông ném lên phía cầu thang.
Xe Jeep chở Quỳ đến ngã tư thì dừng lại. Người mũi cà chua tự tay cởi trói cho Quỳ.
- Thôi, cho về ăn tết với vợ con.
Quỳ chẳng thấy vui sướng gì, cứ ngồi lì không chịu xuống xe. Ngồi tù còn đỡ nhục hơn về nhà kể cho vợ chuyện này.
- Con không về.
- Sao?
- Chúng nó là bọn lừa đảo.
Người mũi cà chua cười phì:
- Mày bây giờ mới biết à?
Rồi anh vỗ vai Quỳ, dịu giọng:
- Về đi em, giao thừa rồi đó.
- Nhưng chúng nó là bọn lừa đảo! - gần như Quỳ rú lên.
- Bé mồm thôi! Mày còn nói nữa, tao lại bắt mày bây giờ!
Xe Jeep biến mất. Quỳ đứng trơ giữa ngã tư đường. Bốn ngã đườngvắng hoe. Không một bóng người, cả bọn mất dạy lẫn người tử tế.
Bắc Linh Đàm 11-2001
N.Q.L

(nguồn: TCSH số 156 - 02 - 2002)

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Trăng mười sáu (30/07/2008)
Cổ tích buồn (30/07/2008)
Những con chữ (30/07/2008)