Tạp chí Sông Hương - Số 156 (tháng 2)
Nhịp sóng xanh
08:42 | 31/07/2008
VĨNH NGUYÊNTrước mặt tôi là thăm thẳm sâu hút chập chùng xanh đến rợn người mà thích thú làm sao! Hồ Truồi trong vắt dưới chân như ta có thể rơi tòm xuống đó nếu không may để sẩy bước hụt. Và, sau lưng tôi là chót đỉnh Bạch Mã gần kề như chỉ còn một tầm tay với. Nơi đây, mang cái tên lộng lẫy: Vọng Hải Đài!

Thôi kể làm chi cho lắm chuyện tường thành hoang phế. Du khách đến Vọng Hải Đài - Bạch Mã là thỏa nguyện cả một đời người. Chốn Bồng Lai - Tiên Cảnh là đây rồi! Ta ngắm nhìn bao quanh nó. Ta sờ tay vào từng gọng cỏ lá cây, làn sương mỏng, vào một cánh nhạn lai hồng mà sững sờ đến e lệ như là đang đụng vào xiêm y người ngọc!
 Hèn chi trại sáng tác văn học nghệ thuật thiếu nhi Thừa Thiên Huế hè 2001 có một ngày tham quan ở lại Bạch Mã cần một đêm lửa trại và xin đề xuất sự việc nầy với giám đốc vườn quốc gia Bạch Mã Huỳnh Văn Kéo thì ông Kéo lắc đầu. Cuối cùng, cô Dung, cô Hường phải đưa ngón tuyệt chiêu ra mà rằng, ba mươi tư em thiếu nhi năm nay là tinh hoa của cả tỉnh chọn về cần có một đêm lửa trại để gây hưng phấn sáng tác cho các em, địa điểm là chỗ chị Nhân - giám đốc công ty du lịch thành phố vừa xây dựng một hotel trên Bạch Mã.
 Nghe nói đến con em quê hương học giỏi, vẽ và viết giỏi lại cụ thể cả vị trí, cả người có trách nhiệm, giám đốc Kéo phải mỉm cười:
 
- Được tôi sẽ phôn cho chị Nhân, nhưng chỉ được đốt một bó tượng trưng thôi nhé, không được hơn!
 Những ai đã từng lên các nương rẫy, khi mặt trời khuất núi, nhìn ngọn lửa hừng hực bốc lên phả làn khói xanh lam vào các tầng cây hốc núi mà chẳng mân mê vào túi lần rút một điếu thuốc. Cắm điếu vào môi nhưng đôi mắt vẫn không rời làn khói xanh lam lan tỏa vào mái núi và tay kia lần cái bật lửa ga: phực, đốm lửa bén đầu thuốc thì rít luôn, nhược bằng đốm lửa chệch điếu mà xèo bộ râu thì cũng chỉ xuýt xoa một chút bởi cái thú say khói lam chiều!
 Lên tới lưng chừng Bạch Mã, mây dày mây xốp bồng bềnh như sương ngưng tụ, tỏa lan chập chùng tầng núi còn lãng mạn ngàn lần làn khói lam chiều kia. Việc đốt lửa ở vườn quốc gia Bạch Mã là tuyệt đối cấm. Lửa và khói sẽ làm chấn động và làm biến dạng môi sinh của lớp rong tảo, địa y long lanh như những hạt cườm đang bọc lấy hòn ngọc quý hiếm nầy.
 - Hoa có mệt không? - Tôi hỏi Duong Tu Hoa
 - Đi bộ mẹt... giờ em không còn... mẹt. Hoa cười đáp.
 Hoa gốc Trung Quốc, quốc tịch Hoa Kỳ. Tên gọi Việt là Dương Tử Hoa, cô vừa tốt nghiệp đại học ngành triết và kinh tế. Hoa cùng đoàn sinh viên Mỹ đăng ký học tiếng Việt và văn hóa Huế theo chương trình hợp tác giữa hai trường đại học Massachusetts Boston và đại học Sư phạm Huế do ông Nguyễn Bá Chung, quê ở Hải Dương, du học ở Mỹ trước năm 1975 giờ là giảng viên nghiên cứu về chiến tranh và những hậu quả xã hội thuộc trung tâm William Joiner.
 Ông Chung năm nào cũng dẫn một đoàn sinh viên Mỹ sang Huế. Xen giữa các ngày học là có ngày tham quan, ông Chung đã đi Bạch Mã nhiều lần nên quá sành.
 Ô tô đưa đoàn đến cây số 19, và hotel Mo-rin - Bạch Mã xinh đẹp (đơn vị Hương Giang quản lý) hiện ra. Mọi người xuống xe. Đến Vọng Hải Đài - Bạch Mã phải cuốc bộ một cây số nữa. Vốn sành nghề đi, ông Chung không theo đường lát đá mà đi theo đường tắt cắt rừng. Đoàn người đi giữa hai bờ cỏ lạ, lau lách quá đầu người. Có đoạn khá dốc. Mệt. Nhưng rất thú vị bởi thung lũng sâu chốc chốc lại hiện ra. Ngợp. Rất mạo hiểm. Nhưng chính đó mới là cái thú của du lịch.
 Trước tiền cảnh lau lách, cỏ dại và hoa dại, Vọng Hải Đài - một cái lầu trắng hiện ra đằng xa. Hết đoạn đường tắt, mọi người bước xuống con đường lát đá: Vọng Hải Đài - Bạch Mã là đây! Ối! Ối! Mọi người như cứ thi nhau ối ối bởi vẻ đẹp đến mê hồn của nó. Màn mây trắng xốp tràn xuống từ tầng trời, ôm chùng chót đỉnh Bạch Mã rồi quấn lấy đoàn người. Khi không còn nhìn thấy mặt nhau, mọi người phải đứng yên. Và, như có bàn tay thần kỳ xua bớt mây đi cho ta nhìn thấy mặt nhau như vừa gần gụi vừa buông xa mà mỉm cười đê mê đắm đuối. Cái ảo ảnh mê cung cứ lặp đi lặp lại cho ta không thể hình dung nó hiện hữu hay là đang mơ?
 Bên bờ thành hoang phế, vườn quốc gia Bạch Mã (thành lập ngày 15.7.1991 theo quyết định 214 CT của Chủ tịch HĐBT) vừa xây xong ngôi lầu gương bát giác.
 Du khách lên thang gác. Nếu mưa thì ngắm biển đục qua các ô kính. Nhưng du khách ít đến Bạch Mã mùa mưa. Ông Nguyễn Bá Chung lại sành khí hậu gió mùa Huế nên chọn đến Bạch Mã vào những ngày nắng hè để hưởng cái mát và ảo ảnh của các nàng Mây.
 Các nàng Mây không biết tự biến lúc nào để hồ Truồi hiện ra: Ối!Ối! Rồi cửa Tư Dung, bãi tắm Cảnh Dương sóng liếm lăn tăn bờ cát rõ mồn một cho mọi người lại ối ối như đang lẩm cẩm, đang mê muội!
 Và tôi hỏi "Hoa có mệt không" là hỏi lúc hồ Truồi hiện ra. Và "em không còn... mẹt" là em thật lòng. Em sung sướng vô cùng bởi bao bạn em đâu được hạnh phúc như em?
 Khi không nhìn rõ hồ Truồi, cửa Tư Dung là màn mây chập chờn trắng đục trước mặt cho ta đỡ ngợp. Thấy rõ hồ Truồi, cảm giác rờn rợn nhỡ sẩy bước chân như tôi đã nói trước đó, giờ đã quen nhìn hồ Truồi xanh trong dưới chân, tôi lại ao ước khác: đỉnh Bạch Mã cao 1450 mét. Vọng Hải Đài thấp hơn chừng chục mét thôi thì chẳng cần phép cân đẩu vân của Tôn Ngộ Không, một vận động viên nhảy xa cừ khôi, từ chót đỉnh Bạch Mã chạy chạy lấy đà rồi dậm nhảy trên nắp bể nước mười mét khối là có thể tõm đích hồ Truồi!
 Các bạn ơi! Hãy sung sướng cùng tôi! Tôi tới chót đỉnh Bạch Mã là niềm vui dâng lên chót đỉnh song biết ví von làm sao cho phải! Chưa bay, chưa nhảy được là chỉ tưởng ra, là điều có thể thôi mà? Phép cân đẩu vân cũng chỉ là điều có thể...
 Nhưng điều này thì thật.
 Tôi đang đứng chụp ảnh với Nguyễn Bá Chung thì có cánh tay ai vít vào cổ? Thì chính cô Hoa. Hoa từ phía sau, giang hai cánh tay quàng vào cổ tôi và Chung, đu người lên và bảo bạn bấm máy. Ủa, hay cô Hoa cũng có sự tưởng tượng như tôi, sung sướng đến tột đỉnh nhưng không bay được tới biển Tư Dung, không nhảy tòm xuống được hồ Truồi thì chỉ còn đu người lên nhau chứ biết làm sao?
 Bạch Mã là phần cuối của dãy Trường Sơn bắc. Núi ở đây có nhiều đỉnh cao thường gọi là động. Bởi vậy Bạch Mã cũng gọi là động Bạch Mã cao 1450 mét, động Đlíp 1200 mét, động Nôm 1186 mét, động Truồi 1154 mét và thấp dần ra biển như đèo Hải Vân chỉ cao bằng một phần ba Bạch Mã.
 Đứng trên Vọng Hải Đài - Bạch Mã là nhìn thấu suốt các chóp núi, các đèo dốc, mái rừng, suối khe, nương rẫy, ruộng lúa nước rồi đến đầm phá, đến biển nhấp nhô xa dần, thấp dần như những bước sóng bao bọc một diện tích vùng đệm của Bạch Mã là 22.300 ha rừng, đất rừng đất nông nghiệp và đất thổ cư thuộc chín xã và hai thị trấn thuộc hai huyện Phú Lộc và Nam Đông.
 Lượng mưa hàng năm từ 2400 mm - 3000mm, đặc biệt có năm lên tới 7977mm đã tạo cho vườn quốc gia Bạch Mã một bể nước dự trữ khổng lồ, theo các suối khe chảy về các vùng đệm và tới tận sông Hương - kinh thành Huế.
 Nhiệt độ trung bình của khu vực là 250C, ở đai cao trên 900 mét về mùa hè từ 180 - 230C.
 Mát quá! Cuốc bộ đến mấy cũng không tháo mồ hôi. Mà không tháo mồ hôi là người khỏe. Đến Vọng Hải Đài rồi, du khách có thể dễ dàng đi Ngũ Hồ, thác Đỗ Quyên, các khu rừng trúc, rừng chò, rừng thông, rừng tùng sinh thái kỳ ảo khác. Đêm nghỉ. Ngày đi. Đi miết cả tháng vẫn không biết chán. Giá 130 biệt thự còn tới bây giờ thì có thể nhất Phú Lộc! Có người nói thế.
 Tôi muốn tới nơi cửa biển Tư Dung. Lời yêu cầu của tôi được chánh văn phòng huyện ủy Nguyễn Minh hướng dẫn theo một sơ đồ phác thảo. Vừa vẽ Minh vừa nói: tới chân đèo Phước Tượng, rẽ trái tám cây về xã Lộc Bình. Có người đón anh.
 
Xe máy tôi bon bon một vòng cung đường thơ mộng mép phá Cầu Hai lô nhô nò sáo làng chài. Ruộng lúa chín trải những thảm vàng. Nhiều người đang gặt. Thấp thoáng vườn nhà, rừng cây thấp và đường đèo thấp vòng vòng chạy giữa chân núi và mép nước. Xe chạy rẽ được sáu kilômét đến thôn Tân An - đoạn đường mà ngày xưa Pháp đã làm để hưởng thụ thắng cảnh cửa biển Tư Dung thì phải ngừng lại bởi sức đề kháng của quân dân ta khi đó. Nay tỉnh đầu tư làm tiếp qua các thôn Mai Gia Phường, Hòa An, Tân Bình, An Bình, Hải Bình mười cây số chạy quanh chân núi Vĩnh Phong - con đường hình cánh cung vòng sát cửa Tư Hiền mới (Có thể cửa Tư Hiền vỡ năm 1811, từ 18.9 - 16.10.1811 (tháng tám Tân Mùi). Đợt lụt này làm cho cửa biển Tư Dung bị vỡ, mở thành cửa lạch rộng 27 trượng năm thước, sâu 7 thước) và vòng năm cây số đường cung biển từ cửa Tư Hiền đến cửa Tư Dung ngày xưa. Và danh thắng phát tỏa cửa Tư Dung là một tấm gương xanh cho đỉnh Vĩnh Phong soi bóng.
 Chiếu qua sử sách, năm 1403 Khai Đại thứ nhất nhà Hồ, một trận lũ lớn ngập lụt kéo dài ngày đã phát nổ mở thêm một cửa biển mới là cửa Hải Nhuyễn, tục gọi cửa Eo. Năm sau (1404) nhà Hồ xuống chiếu sai quân từ kinh thành vào lấp của Eo. Năm 1467, một trận lũ lớn tràn về mở rộng lại cửa Eo và chính vua Lê Thánh Tông chuẩn y cho lấp. Năm 1497 - 1504 đời vua Lê Hiến Tông, hiệu Cảnh Thống, lũ lụt lại phá vỡ cửa Eo. Rồi người đời trước truyền lại cho người đời sau là nó tự lấp. Rồi nó lại tự vỡ, tự lấp mấy lần nữa.
 
Mới đây thôi, ngày 2.11.1999, cơn đại hồng thủy phát nổ phá lại cửa Eo. 14 người chết, 64 ngôi nhà bị tống ra biển. (Lịch sử sáu mươi tư ngôi nhà làng Rồng ra đời sau đó). Và năm sau (năm 2000) Bộ Giao thông vận tải đã quyết định cho lấp. (Nay nó đã là một con đập tràn vững chắc, nối hai làng Thuận An - Hòa Duân trên tỉnh lộ 49b).
 Như vậy, trước năm 1403 và sau các năm 1500, 1600 rồi có thể đến 1700 (?) trên đầm phá Tam Giang thì duy nhất chỉ có một cửa biển Tư Dung. Triều thần các nước muốn đến giao tiếp với chúa Nguyễn bằng đường biển thì thuyền vào cửa biển Tư Dung, vào phá Tam Giang, vào sông Hương mà cập bến Phu Văn Lâu - Nghênh Lương Đình.
 Tư Dung đẹp tuyệt vời. Vua Lê Thánh Tông (1442 - 1497) còn là một nhà thơ đã sớm gửi gắm hồn mình vào cửa biển này:
 Giáp bãi núi xanh bày rợp mắt
 Liền trời sóng vỗ biếc muôn trùng...
(Nghỉ lại cửa biển Tư Dung)

 Đặc biệt, Lộc Khê Hầu Đào Duy Từ (1572 - 1634) khi dâng chúa Nguyễn "Hổ tướng khu cơ" (bàn về phép dùng binh) và được chúa ân sủng, họ Đào hứng chí làm thơ ca ngợi giang sơn là ra mặt ca ngợi chúa. Và "Tư Dung vãn" là bài thơ nôm theo thể lục bát dài 380 câu đã ra đời trong bối cảnh ấy:
. .. Khéo ưa thay cảnh Tư Dung
 Cửa thâu bốn biển nước thông trăm ngòi
 Trên thời tinh tú phân ngôi
 Đêm treo thỏ bạc ngày soi ác vàng

 Dưới thời sơn thủy khác thường
 Động Đình ấy nước - Thái Hàng kia non!
 
thì quả vẻ đẹp sơn thủy hữu tình nơi đây cũng như hồ Động Đình - một hồ lớn ở phía Tây và các dãy núi lớn thuộc các tỉnh Sơn Tây, Hà Bắc, Hà bên Tàu. "Động Đình ấy nước, Thái Hàng kia non" là ý nói cảnh núi sông hùng vĩ vùng cửa biển Tư Dung cũng chẳng kém gì Động Đình, Thái Hàng vậy!
 Thôn Hải Bình có bốn mươi mốt hộ thì hộ ông Trần Thảnh ở cuối thôn xây nhà ra chính cửa Tư Dung, và mười cây số đường tỉnh đầu tư cũng mới làm tới đây. Chuyện trò với ông Thảnh một lúc, tôi cùng Phạn Văn Uýnh - cán bộ địa chính xã Lộc Bình tụt xuống cửa.
 Cha mẹ ơi!... Trên Vọng Hải Đài - Bạch Mã thì đoàn người ối... ối... bởi chốn Bồng Lai, thì, giờ tôi thốt gọi bố mẹ tôi lên là bởi ngày xưa Người có khi nào ước tới chốn này?
 Từ ngày mở cửa biển Tư Hiền mới, cửa Tư Dung chỉ còn là một con ngòi nhỏ, tạo thành một cái hồ dài năm kilômét sát đường, bên kia là bãi cát và biển gợn sóng lăn tăn. Phía nam cửa Tư Dung bãi cát vàng viền quanh bờ đá lớn. Những tảng đá khổng lồ hình khổng long, hình voi chầu nhẵn bóng qua năm tháng sóng bào mới tuyệt làm sao! Du khách tới tắm biển Tư Dung có thể chơi trò "cúp hòm" hoặc chạy đuổi bắt nhau quanh quanh chân đá mà không sợ sây sước chân tay. Mà thật lạ, các tảng đá ở bãi biển đây sao mà từa tựa những dáng hình người! Khi ngồi nhâm nhi ly bia với Nguyễn Minh ở quán Thình, tôi tấm tắc về những tảng đá này và Minh động lòng nói: đó là nàng Tư Dung đang ngủ yên!
 Đúng! Đúng là nàng Tư Dung đang ngủ. Nhưng nó đúng hơn trong ý của Minh mà tôi hiểu: thắng cảnh như thế nhưng chưa làm được gì để hái ra tiền?
 Trong thực tế, đường làm đến đây là có thể khai thác du lịch về nàng Tư Dung được rồi. Nhưng hãy khoan. Vì như thế thì sẽ ăn non. Phải làm thêm hai cây số đường vòng qua doi Bụt. Như vậy, bãi tắm sẽ kéo dài ra tận đó. Du khách chiêm ngưỡng thêm cảnh ngoạn mục bên kia doi Bụt là vịnh Cảnh Dương - Chân Mây và thỏa sức ngắm chân trời cùng biển rộng.
 Ngành du lịch sớm hình thành một đội ngũ được học hành tử tế để quản lý "bãi tắm biển Tư Dung". Du khách kêu rên du lịch ở ta nhiều nơi ô nhiễm lắm! Phải nâng tính tự trọng cảnh quan ngay từ đầu rồi mới nói đến chuyện gương mẫu và hướng dẫn khách.
 
Tôi nhớ hình ảnh Nguyễn Bá Chung hôm dẫn đoàn sinh viên Mỹ thăm Ngũ Hồ thì quả là tính tự trọng quê hương ở ông Chung rất cao. Đến hồ thứ năm, mọi người tắm táp xong là đưa đồ ăn bới theo ra ăn. Ông Chung vừa ăn vừa nhặt từng vụn bánh, lá bánh rơi ra bỏ vào bì ni lông. Mọi người làm theo ông. Cuối cùng thì tất cả giấy má, rác rưởi được gom vào một cái bì đại và ông Chung gồng cái bì đại ấy trên vai băng qua bao suối, bao cánh rừng để đưa về đích: một thùng rác bằng nhựa cứng đặt sẵn gần thác Đỗ Quyên.
 
Tôi và Uýnh miên man gối hai cái đầu ướt vào thân thể nàng Tư Dung. Uýnh gối vào khúc chân còn tôi thì gối vào đoạn bụng. Tôi muốn ngủ một giấc quá! Giữa trưa nắng nhưng bãi đá rợp mát bóng cây che. Những tán cây bàng, cây chà như những chiếc lọng chao nghiêng trên các bàn đá, thớt đá như ngựa xe, như ghe thuyền rùng rùng trống dong cờ mở một thời. Cán bộ địa chính Uýnh nghĩ gì? Còn tôi đang nhớ về công chúa Huyền Trân. Hình như khi gả công chúa cho Chế Mân để lấy hai châu Ô, Lý vua cha có đưa công chúa tới cửa biển này, và sau khi vua Chiêm mất, người cứu Huyền Trân về với Đại Việt cũng đưa nàng vào cửa Tư Dung?
 Tôi nghĩ rằng, những hòn đá, những tán cây ở bãi biển Tư Dung là tài sản vô giá của quốc gia, ta hãy mau mau bảo vệ nó!
 - Lên ông Thảnh dội lại nước ngọt rồi về xã anh Uýnh nhỉ - tôi đề nghị.
 - Anh khỏi lo, đã có suối "Ngũ Hồ". Uýnh dáp.
 - Ngũ Hồ? - Tôi sửng sốt.
 - Vâng!
 Và, tôi theo Uýnh vòng xe lại phía bắc thôn Hòa An. Chỉ năm phút sau, tôi đã ngẩn ngơ bên dòng suối Đá Bàn tuôn xuống từ đỉnh Vĩnh Phong. Anh em văn hóa xã Lộc Bình chu đáo đón tôi bằng cách ngâm một chục bia Huđa xuống suối Đá Bàn và chờ tôi cùng Uýnh đi Tư Dung về. Chúng tôi đứng trên Đá Bàn nhảy tòm xuống tắm. Vừa tắm vừa uống bia lạnh. Khoái tỉ chưa?
 
Đây là hồ hai. Phía trên có thể cải tạo thêm ba hồ nữa. Ngũ Hồ là viễn cảnh. Nhưng dễ làm lắm. Có thể làm ngay được. Cho một chiếc xe cẩu vào đây. Gạt, xeo bớt một vài tảng đá là thành Ngũ Hồ - Đá Bàn - Vĩnh Phong. Tên gọi hơi dài lại ngắc ngứ. Thôi tùy đó mà gọi lại cho êm cho du khách tắm biển Tư Dung là còn được tắm suối Ngũ Hồ - Tư Dung ngay bên cạnh mà không phải ngược Ngũ Hồ - Bạch Mã cao vời!
 
Thật kỳ thú!
 Theo đề án của tỉnh Thừa Thiên - Huế thì có hai cây cầu lớn bắc qua phá Tam Giang. Một cây bắc từ thôn Mộc Trụ qua thôn Hà Thanh - Vinh Thanh (đã khởi công ngày 28.8.2001 gọi là cầu Trường Hà dài tám trăm bốn mươi tám mét). Một cây khác bắc từ Sịa qua bến Vĩnh Tu (Quảng Ngạn - Quảng Điền). Và, huyện Phú Lộc đã đệ trình lên tỉnh, Trung ương xin xây cầu Tư Hiền bắc từ chân núi Vĩnh Phong sang Vinh Hiền - núi Mu Rùa tuyệt tác (đã xong phần khoan thăm dò địa chất).
 
Làm được ba cây cầu nầy, đời sống dân sinh, văn hóa vùng đầm phá sẽ nâng lên rất cao. Du khách đến tham quan Di sản văn hóa thế giới Huế sẽ có thêm các tour du lịch mới lạ, phong phú và đa dạng: du thuyền đưa khách đi hoặc neo đậu trên phá Tam Giang sinh hoạt cùng người dân đánh cá; đến với suối nước nóng Thanh Tân để chữa trị các bệnh ngoài da; đến các rừng thông sinh thái có lợi về phổi; các suối nước mát Nhị Hồ và Ngũ Hồ; các bãi tắm biển nước sạch Thuận An, Lăng Cô, Cảnh Dương, Tư Dung bên các nàng tiên... đá đang ngon giấc và Bạch Mã - nàng Mây như chưa biết ngủ bao giờ!
 

 
Cái Điền - Bí thư xã đoàn Lộc Trì đang chờ tôi ở ủy ban để đi Khe Su. Nơi ấy có sáu hộ gia đình người Mường (nghe nói thế) di dân tự do từ Phú Thọ vào năm 1994. Mục đích tôi đến là xem họ sinh sống ra sao và có chặt cây rừng Bạch Mã hay không? Sự sốt sắng của tôi được trả lời cụ thể. Nói là sáu hộ nhưng chỉ có gia đình ông Đinh Văn Niệm, 59 tuổi, và cháu ông mà thôi. Ông bà Niệm ở thôn Tân Bưởi, xã Đồng Thịnh, huyện Yên Lập tỉnh Phú Thọ. Ông bà có tám người con bốn gái bốn trai. Cô Nhì lấy chồng ở quê. Cô đầu Đinh Thị Ngọc lấy anh Dũng (Kinh) rồi cùng bố mẹ chuyển cả nhà vào đây. Thêm một đứa con trai nữa của ông Niệm vừa lấy vợ (Kinh) mới tách hộ, thành bảy hộ. Cô Ngọc sôi nổi nói với chúng tôi: "Ở quê em khổ lắm. Làm nương thất bát quá không đủ ăn. Con gái mới lớn thì bị người ta lừa đi Trung Quốc làm vợ mấy ông già. Trở lại được quê thì tay ôm đứa con nheo nhóc. Nếu ở đây cho ở thì quê em kéo vào cả làng."
 - Giờ chịu rồi! Thôn trưởng Nguyễn Thám nói đỡ. Họ vào đây há dễ lại đẩy họ trở về. Họ hiền lành, chịu khó làm ăn, chấp hành nghiêm ngặt mọi quy định của thôn xã nên mới nhập được khẩu. Cả thôn có bốn mươi bảy hộ, quản lý mười ha ruộng cấy thì bảy hộ người Mường cũng được suất ngang bằng hộ khác. Bảy hộ này đã sắm được trâu bò cày. Hết ruộng đến vườn, xuống suối xúc cát sạn cũng có thêm đồng tiền.
 Chúng tôi lội qua Khe Su là gặp ngay cột mốc - chân Bạch Mã. Xóm người Mường nằm ngoài chân Bạch Mã là vùng đệm gần nhất của vườn. Vườn quốc gia Bạch Mã có chủ trương cho mỗi hộ dân ở đây vay một triệu ba và cấp luôn giống cây cho họ trồng quanh nương rẫy, ruộng canh tác và đất vùng đệm của vườn. Họ đun nấu bằng rơm, rạ, cỏ khô, lá và cành khô, phát thêm sim me tràm chổi quanh bờ ruộng cũng vừa đủ nên không có ai đưa dao vào cây rừng dẫu chỉ bằng ngón tay.
 
Bảy hộ người Mường đều làm nhà tre, lợp lá mây, lá gồi. Phên che cũng bằng lá. Họ hy vọng khi gom được một số tiền thì, cát sạn đã có sẵn ở Khe Su, chỉ mua sắt và ximăng là đổ trụ. "Phải theo gương trưởng thôn Thám thôi". Họ nói thế.
 Mười năm qua phong trào trồng cây gây rừng ở Phú Lộc lên mạnh. Toàn huyện trồng mới 13.821 ha thì người dân theo các dự án PAM đã trồng 2000 ha. Chị Phạm Thị Mừng, phó giám đốc lâm trường Phú Lộc cho biết, từ năm 1979 đến 1990 lâm trường đã trồng 3.400 ha rừng, thì trong đó có 1000 ha thông và 700 ha keo xen cây bản địa và keo xen thông. Còn hạt kiểm lâm (đơn vị anh hùng) ngoài công việc chuyên môn của "những người giữ rừng bắc Hải Vân" cũng tranh thủ trồng được 3.465 ha rừng.
 Tôi ngập ngừng dưới suối khe Su chưa chịu lên bờ. Thôn trưởng Thám hiểu ý: "Hai người tắm cái cho mát, tôi về trước!".
 Cái Điền vỗ mạnh vào vai tôi nói như quát "Anh xem người đang cỡi ngựa trên kia kìa!" Tôi ngửa cổ nhìn theo Cái Điền:
 - Chỗ thác chảy trên các bậc đá thâm tím ấy là gì? Tôi hỏi.
 - Đó là Khe Máu - Thủy điện Bạch Mã Pháp xây ngày xưa. Sau này ta định khôi phục nhưng lại thôi- Điền giải thích. Nhưng anh phải nhìn lên chót kia!
 - Mình thấy rồi!
 Cái Điền nói chắc chắn rằng Cái đã đi quan sát nhiều chỗ nhưng không có chỗ nào nhìn người cỡi ngựa rõ ràng và đẹp như đứng ở Khe Su. Ô, mỏi cổ quá nhưng mà đúng lắm! Cái mỏm đá chìa ra kia là cái đầu con ngựa và trên đó là một vầng mây trắng như người đang ra roi mà phi về cửa biển Tư Dung.
 Khi viết về ngọn núi nầy, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường có khơi một phép tính cho nhiều người phải khát thèm: "Đà Lạt về Nha Trang phải mất ba trăm cây số. Sa Pa về Đồ Sơn còn xa hơn. Chỉ một cú điện thoại, anh có thể mở rượu nhâm nhi ở trên đỉnh Bạch Mã, chờ hải sản tươi ở đầm Cầu Hai đưa lên". Quý tộc quá! Nhưng thuộc phái yếu. Phái mạnh là phải trèo đèo lội suối. Tọt một cái nhảy xe xuống biển. Rồi, ngoắt một cái đánh vòng xe lên. Nhưng phải nói công bằng: Bạch Mã đứng hàng đầu!

 
Tôi nhớ hôm đoàn sinh viên Mỹ đến thác Đỗ Quyên thì không ai muốn về nữa. Dòng thác cao ba trăm thước dốc đứng dội ầm ì ào trắng xóa. Không biết sao Duong Tu Hoa nằm xoài ôm lấy một tảng đá nhẵn lỳ mặc cho nước xô quanh lướt thướt quần áo. Hay Hoa đang liên tưởng về "Vọng Lư Sơn bộc bố" của Lý Bạch? Dải Ngân Hà dày đặc những vì tinh tú vắt ngang trời đang tuột khỏi mây nối miền hạ giới? Nhưng "Xa ngắm thác núi Lư" là Lý Bạch phải đứng ở phía đối diện và thấp hơn mới thấy dòng thác đổ như bay làm cho hơi nước bốc lên như khói kia!
 Để khỏi phụ lòng cảm khái của thi sĩ, bên dòng thác dốc đứng Đỗ Quyên, vườn quốc gia Bạch Mã đã xây bảy trăm bậc xuống chân thác. Du khách lần theo bảy trăm bậc xuống rồi vòng qua mái núi bên kia ngắm thác mới kỳ thú bức tranh kỳ vĩ của Đỗ Quyên. Chỉ xin du khách lưu ý: muốn xuống thác phải liệu sức mình với bảy trăm bậc lên mới có đường về!
 
Không ai muốn rời Đỗ Quyên. Sự chần chừ, chờ đợi một điều gì đó nữa thực sự đã được đáp đền: trời đang trong xanh thì, các nàng Mây bỗng đâu vờn tới như thần. Phút chốc đã nhòa vào dòng thác và biến các hõm núi, thung sâu một màn ngầu đục khói sương loi thoi ảo ảnh phô bày, khuất lấp rồi lại phô bày các chóp động Đlíp, động Nôm, động Truồi rồi Thúy Vân, Vinh Thái, Vĩnh Phong là những nhịp sóng xanh rì rào rừng cây, cánh đồng, bãi tắm dần thấp dần xa như gieo lời ru lời đưa tiễn du khách xuống núi ra đi mà như là níu kéo du khách trở lại theo những nhịp sóng xanh vỗ ngược từ sóng biển Tư Dung, Lăng Cô, Thuận An, Quảng Ngạn nâng du khách lên lại chót đỉnh Bạch Mã nhiệm màu!
Bạch Mã - Huế, tháng 9.2001
V.N

(nguồn: TCSH số 156 - 02 - 2002)

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Trăng mười sáu (30/07/2008)
Cổ tích buồn (30/07/2008)