Tạp chí Sông Hương - Số 156 (tháng 2)
Chuyện đi câu
08:47 | 31/07/2008
PHẠM THỊ CÚCMột ngày đẹp trời chúng tôi “lên đường” bằng... ô tô, đi câu cá ở một cái hồ xa xôi tận miền đông bắc nước Mỹ.

Câu cá là thú vui của nhiều đàn ông, nhiều người mê câu cá như đa số đàn ông Việt Nam mê bóng đá vậy. Như ông chồng tôi hễ cứ thấy có trận bóng đá nào trên ti vi cho dù đội bóng đá nữ, hay của thiếu nhi, thiếu nhi đường phố... của ai cũng được, miễn là đá bóng, làm gì cũng bỏ phải xem cho được. Còn những trận đá trên sân, thì dù có mưa gió bão bùng... cũng mặc, miễn là được xem. Còn nhớ lần ấy, đã lâu lắm rồi, cả nhà chúng tôi: hai vợ chồng đi làm, hai con nhỏ đi nhà trẻ, mẫu giáo mà chỉ có đúng một chiếc xe đạp, hôm đó chồng tôi đến nhà bạn chơi vì “hàn huyên” lâu quá, xe lại để ở gốc cây dưới nhà nên kẻ cắp đã “mượn” và cả nhà chúng tôi đành đi bộ vậy.
Chiều hôm đó, xe mới bị mất, lại mưa to, gió lớn, nhưng trận đấu bóng trên sân vận động Huế, không hiểu tại sao vẫn diễn ra như đã định, chứ không bị hoãn lại vì thời tiết xấu và anh ấy cũng đội trời mưa tầm tã, đi bộ để được coi đá bóng của đội nhà.
Còn câu cá là niềm đam mê chỉ xếp thứ hai sau banh bóng, lại có thêm “đồng minh” là chàng rể, chuyện câu cá đối với chú rể được xếp hàng ngang với sở thích xem đá bóng của ông bố vợ.
Chúng tôi lên đường đi câu với một “hành trang” khá đầy đủ: cơm trưa, nước uống, tăng, bạt để ngồi, quần áo tắm…nghĩa là như một cuộc picnic (không phải lên núi) về biển.
Đến nơi, xe ô tô được đỗ trên một bãi rộng, bên cạnh đồi thông, bạch dương bạt ngàn, cảnh sắc trên rừng, dưới hồ... thật vô cùng ngoạn mục, bố vợ và chàng rể, hai người hai cần câu, hai lon mồi (mồi cá là những con cá mại nhỏ bằng ngón tay, đang sống, lội tung tăng, được mua với giá 10 đô được 15 con) hai cha con lội ra xa, cách bờ khoảng vài chục mét, tôi và con gái ngồi trên ghế dài đặt trên bờ. Nghe nói hồ này nhiều cá lắm, nhưng nhìn mãi mà không thấy ai câu được con cá nào, cả việc giật cần câu lên cũng không thấy, chứ nói gì câu được cá. Nhưng khi câu được cá, dù cá to, hay nhỏ, đều phải thả xuống nước ngay, tôi hay nói đùa với con gái là “niềm vui mới chỉ có một nửa”. Ở Mỹ, khi muốn đi câu ở nơi nào, người ta phải đóng tiền (theo từng năm, từng quý, từng tháng...). Không riêng gì ở Mỹ, mà ở Pháp cũng như nhiều nước khác, đi câu đều phải đóng tiền, như tiền phí cho một trò giải trí vậy.
Ban đầu, hai vợ chồng chúng nó hay cãi nhau, vì khi câu được con cá to, vợ muốn đem về nhà nấu ăn, còn chồng thì sau khi được vui khoảng một phút vì bắt được cá to, liền thả ngay xuống nước cho cá được sống vì họ lý luận rằng: những nước công nghiệp phát triển, thì môi trường bị ô nhiễm nặng, như không khí, nhất là nguồn nước thường bị nhiễm những hơi độc như hơi thủy ngân chẳng hạn, nên dù vợ rất muốn đem cá về ăn, còn chồng thì nhất quyết bỏ lại. Và về sau thì con gái tôi đã chịu nhượng bộ với câu nói hơi buồn: “Câu được cá nhỏ hay to, nhiều hay ít, thì cũng thế thôi, có được ăn đâu mà ham”...
Tôi nhớ hồi ở Pháp, sau hai tháng thực tập ở một trường đại học của thành phố Toulon (miền nam nước Pháp) tôi lên Paris , ở nhờ nhà của chị Mỹ Linh và anh Nguyễn Xuân Hồng (anh Hồng là em ruột của nhà giáo, nhà thơ Nguyễn Xuân Thâm). Gần nhà anh chị Hồng có một vườn hoa rất rộng, trong vườn có hồ, có đường dài để người dân đến chạy và tập thể dục... Vườn đó tên là Chatenay-Malabry, nơi đó đã từng đón vua Louis thứ 14 là ông vua có nhiều công lao nhất đối với nước Pháp trong số mười tám ông vua Louis.
Tôi đến chơi ở vườn hoa đó, thấy một ông già đang ngồi câu trên bờ một cái hồ rất rộng, bên cạnh là một cái giỏ đầy cá, đang ngâm dưới nước (để cá khỏi chết) tôi lân la hỏi chuyện “loại cá này ăn có ngon không bác?”. Ông trả lời: “tôi đã ăn đâu mà biết có ngon không”. Thấy tôi mở tròn mắt ngạc nhiên, ông nói tiếp: “Số cá này, trước lúc ra về tôi sẽ thả hết xuống hồ”, và ông giải thích thêm: “Vì sợ nước hồ bị ô nhiễm nên không dám ăn cá”. À ra vậy.
Trở lại chuyện câu cá của chúng tôi, chúng tôi ngồi nói chuyện phiếm một hồi cũng chán, lại thấy chung quanh, người lớn, trẻ con tắm, người bơi lội, kẻ bơi phao rất vui vẻ, tôi cũng rất ham tắm, ham bơi, liền vào một bụi rậm gần đó tìm cách “thay đổi y phục” để đi tắm. Hồ nước trong vắt và mát lạnh, dưới lòng hồ trong cạn những viên đá cuội tròn, trắng, trong trong, đục đục nhìn rất đẹp, tôi cũng đem về Việt Nam một nắm, gọi là kỷ niệm gọi quá lên là của biển Đại Tây Dương (vì hồ đó gần biển Đại Tây Dương) và khi đi biển Cape Cod, tôi cũng cố gắng đem về nhà một nắm “nghêu, sò, ốc, hến” của biển Đại Tây Dương thật.
Lặn xuống nước, mới bơi được mươi thước, lặn hụp dăm lần, khi đứng chân xuống lòng hồ, trên thảm rong rêu mượt mà, xanh óng…sao thấy những vật gì hơi trơn trơn, cứng cứng dưới chân, bèn lặn xuống nhặt lên hoá ra là… trời ạ, bao nhiêu là con phọp, ở ta hay gọi là con bọp bọp. Ôi chao là nhiều, những con phọp vừa to vừa già, vì chắc hàng năm, hàng đời chẳng ai bắt cả, cứ đặt chân xuống là đụng một lúc bốn năm con, có con to bằng quả xoài tượng. Tôi thích chí quá, la toáng lên gọi con gái “đưa cho mẹ cái túi ni lông thật to...”. Vì tôi nghĩ, chung quanh tôi tuy đông người thật đó, nhưng họ không hiểu tiếng Việt. Tôi cứ tưởng con gái tôi không nghe thấy, lại gọi, một lúc sau nó đem ra không phải một mà là hai, ba cái túi to. Mặc dầu rất thích bơi vì nước rất mát nhưng vì ham bắt phọp hơn, nên cứ hụp xuống trồi lên và chỉ một lúc sau đã đầy một túi to.
Chàng rể và bố vợ cũng lội xuống cùng một mức nước đứng câu, nhưng chàng rể được cái “ưu điểm’ là chiều cao xấp xỉ Từ Hải của Nguyễn Du là “...thân mười thước cao”, nghĩa là cao gần hai mét nên không bị ướt quần còn bố vợ thì tuy chưa “phải đấm” nhưng quần ướt hết vì chiều cao “khiêm tốn” hơn, cả hai cũng mải mê câu nhưng chưa ai được con cá nào. Hay vì tôi hụp lặn quá gần, làm cá sợ chạy trốn hết? Chàng rể tuy câu không được cá hơi buồn, nhưng lại lo bố vợ buồn hơn, nên thỉnh thoảng lại liếc sang, thấy bố vợ cứ co chân lên, thò tay xuống... chàng nghĩ “xấu” cho bố vợ là đứng lâu quá bị “mót” nên tiểu bậy ra hồ và khoát nước rửa đó thôi, nhưng lại nghĩ “ba bị gì mà chân co lên, thò xuống hoài vậy nhỉ”
Khi lên khỏi hồ, tôi khoe với chồng tôi “em bắt được một túi phọp to chưa nì”, anh ấy cũng nói “anh bắt được nhiều hơn em”. Ngoài số phọp lận đầy lưng quần, anh còn bỏ đầy hai túi to căng nên khi bỏ ra thì nhiều hơn của tôi thật. Hoá ra là câu cá mãi không được con nào, thôi thì “câu” phọp thay vào vậy.
Về đến nhà, hai mẹ con xông ngay vào bếp, hí hửng: “ chuyến này được một bữa tiệc cháo phọp mê ly đây”. Sau một hồi luộc, hấp, xào, nấu... với bao nhiêu tiêu, hành, chanh, ớt…thơm phức, vui vẻ, hào hứng dọn ra bàn, thì chàng rể thoái thác không ăn vì bị “nhức đầu” đang nằm dài vì mệt. Tôi hỏi con gái “chồng con sao vậy”, “anh ấy nói không ăn bất cứ con gì bắt dưới hồ đó”. À ra vậy, những con cá to, ngon lành là vậy mà còn thả xuống nước lại, không ăn, thì những con phọp “già khụ” này cớ gì lại ăn?
Thế là nồi cháo hôm đó chỉ là “đặc sản” của người Việt thôi, tuy chàng rể là một người cực kỳ hiền lành và dễ tính. Nhất là trong chuyện ăn uống, chàng ta mê tất cả các món ăn Việt Nam, kể cả nước mắm, ruốc…chẳng hạn món dưa môn khô muối chua, nấu với tôm, chàng ta nhận xét “ăn dai dai ngon ngon”, nhìn cách ăn thì biết là ngon thật chứ không phải khen “xã giao”.
Những bữa cơm ở nhà hàng Tàu, Thái Lan, Ý…của hai vợ chồng con gái tôi, dù ngon, dù thích đến mấy, sau những câu khen, đều có câu: “nhưng mà không ngon bằng những món của em nấu”. Cũng phải công bằng mà nói rằng, con gái tôi cũng rất thích nấu ăn món Việt , Tây, Tàu... Trên các kênh truyền hình của họ, một lúc có cả hàng trăm kênh và phát hai mươi bốn trên hai mươi bốn tiếng đồng hồ mỗi ngày, có những kênh chuyên về nấu ăn. Như chúng ta đã biết dân Mỹ gọi theo đúng nghĩa đen là “dân tứ chiếng” nên món ăn của họ cũng không có gì đặc trưng, mà cũng chỉ là những món của các nhà hàng ăn Tàu, Thái, Ý, Nhật... Dân Mỹ họ nấu thường là “hổ lốn” ví dụ món rau xào thì cho nhiều thứ rau, quả bỏ lẫn vào và xào lên.
Trở lại món phọp, ở nhà đã phải ăn ba bữa liền: cháo phọp, canh phọp, phọp xào... đến bữa tiệc thứ tư, một người bạn Việt mới mời hai chúng tôi đi nhà hàng.
Buổi câu “cá phọp” thứ hai, chúng tôi đi xa hơn. Chả là chàng rể vì quá thích câu cá, nên khi mới học năm đầu cấp ba, bà mẹ đã mua tặng sinh nhật cậu ta một chiếc thuyền phao, đến bây giờ gần hai mươi năm vẫn còn dùng tốt. Chiều hôm đó, chúng tôi hì hục bơm căng xong chiếc thuyền, bỏ vào hai tấm ván to để ngồi, ba chúng tôi lên thuyền, bơi ra giữa lòng hồ. Giữa hồ hoa súng rất nhiều, nở đầy rất đẹp, hai người thì thích câu, còn tôi thích hái hoa, làm động nước nên cá sợ chạy hết, nhưng lần đó cũng câu được một chú cá khá to. Lúc đó tôi đã bị “đuổi” lên bờ, chưa kịp nhìn cho rõ, con cá đã được thả lại xuống hồ. Hai mẹ con tôi đang nướng thịt gà và bắp ngô thì trời bỗng đổ mưa, phải vào chòi để trú, có những chòi lợp lá gì như lá cọ, có bàn gỗ là những tấm ván to, dài ghép lại với nhau để làm bàn (cao) và ghế (thấp hơn) cho những người đi câu dùng làm bàn ăn, hoặc ngồi nghỉ chân lúc mưa, nắng…Dưới hồ, vì mưa to, nên hai bố con cũng vội vàng bơi vào bờ để tránh mưa, nhưng cũng không khỏi “ướt như chuột lột”.
Tội nghiệp chàng rể, lần đi câu thứ hai, không được con cá nào cứ luôn miệng “con xin lỗi ba vì đã không làm cho ba vui do chuyện câu không được cá”, cứ như là chàng ta mắc lỗi vì xúi giục cá đừng cắn câu của bố vợ vậy, trông bộ dạng thật là tội nghiệp!
Thật là những kỷ niệm “Chuyện đi câu” không bao giờ quên...
P.T.C

(nguồn: TCSH số 156 - 02 - 2002)

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Nhịp sóng xanh (31/07/2008)
Trăng mười sáu (30/07/2008)
Cổ tích buồn (30/07/2008)