Chỉ một tập thơ MÂY SÓNG NGÀY XƯA của “thi sĩ lão thành” Trương Quân đang hiện diện trong chúng ta cũng đủ minh chứng cho điều đó. Với ông, thơ là ngôn ngữ ban đầu và cũng là ngôn ngữ sau cùng của đời mình. Thơ đã hiện diện và tồn tại trong ông như một tôn giáo cá thể. Bàn về thơ thì từ trục ngang Đông Tây qua trục dọc Kim cổ người ta đã đưa ra vô số những chính kiến, lý lẽ. Nhưng chung qui lại, nó cũng chỉ gồm hai thành tố như Cao Bá Quát từng nói là tính tình và qui cách. Nói theo thuật ngữ của các nhà phê bình mới thì đấy là cảm xúc và thi pháp. Về cảm xúc, trước hết nó là nguồn hứng khởi nội tại được thi sĩ mã hoá vào ngôn ngữ như một phương tiện truyền cảm. Đấy chính là cái hồn của thơ. Cái hồn thơ Trương Quân được rung lên từ tấc lòng chân thành về sự nhân ái, bao dung nên nó thấm đẫm tinh thần từ bi của Đạo Phật. Ông thương yêu, chia sẻ với từng số phận con người đến mọi sinh linh cỏ cây, muông thú và thậm chí cả những vật vô tri, vô giác nhỏ nhoi như hạt cát. Thơ ông là một chuỗi cảm hứng thống nhất giữa nhớ tiếc quá khứ và ám ảnh về tương lai. Chính vậy, nó lấp lánh một nỗi buồn. Ở đây, thơ đồng nghĩa với sự đổ vỡ tiềm tàng trong cái đẹp. Đọc thi phẩm Trương Quân, người ta cũng dễ nhận ra rằng, nỗi buồn đã mang tư cách một đặc trưng của thơ. Nỗi buồn là tình cảm nhân văn nhất, nó đánh thức lòng trắc ẩn và làm rung động con tim. Từ xưa, người Trung Quốc đã coi thơ là tiếng hát được cất lên từ những buồn thương, mất mát “Tâm chi ưu hỉ, ngã ca thảo dao” (lòng ta lo buồn, ta ca hát). Về thi pháp, tập thơ mang nhiều cấu trúc về phương diện tổ chức ngôn ngữ từ cách luật đến tự do và một phần dáng dấp thơ hiện đại. Tác giả là người có tri thức, có bề dày văn hoá lịch sử nên đã kết hợp được nhuần nhuyễn giữa kinh nghiệm và cá tính sáng tạo để làm cho thơ của mình phong phú, đa dạng về nghệ thuật ngôn từ, về hình thức thể hiện. Thơ Đường luật từng là một hình thái ý thức xã hội của Tam giáo thời phong kiến Trung Quốc nên nó trĩu nặng cả hệ thống qui tắc ràng buộc như niêm, luật, vận, đối, tiết tấu, bố cục... rất dễ bị chối bỏ trong bút pháp tự do phóng túng của người hiện đại. Vậy nhưng với thi sĩ Trương Quân, ông đã làm thơ niêm luật như chơi. Niêm luật mà không hề gò bó, nó vẫn tự nhiên, thanh thoát. Bởi vậy, mạch thơ lưu loát, trôi chảy nhưng tình thơ vẫn vấn vương, lưu giữ. Mảng thơ Đường luật của ông đã đạt tới sự hài hoà, mẫu mực và thanh tú. Các thể loại thơ khác trong tập này được coi như những thể nghiệm sáng tạo của tác giả nhưng ông cũng đã gặt hái được sự thành công. Người đọc sẽ gặp nhiều câu thơ xuất thần, nhiều bài thơ hoàn hảo trong MÂY SÓNG NGÀY XƯA. Mỗi thời đại thi ca đều có giọng điệu riêng, hơi thở riêng của nó. Bởi vậy, hình thức thơ bao giờ cũng mang tính nội dung. Khi những rung động đang mơ hồ thai nghén cho thơ một hình hài văn bản thì đấy là công việc của vô thức chứ không phải công việc của ý thức. Điều này, dường như các nhà thơ đều vi phạm, đều dùng kinh nghiệm một cách lạm dụng để gò nó phải thế này hoặc phải thế kia. Chính thi sĩ Trương Quân cũng đã “việt vị” khi ông “đa hệ hoá kênh thơ” của mình. Từ đó, có thể nói MÂY SÓNG NGÀY XƯA còn lấp ló những nhược điểm “bất trị”, những nhược điểm mang hệ quả từ mặt ưu điểm của nó. Có lẽ cũng vì thế mà nói theo kiểu Huế thì mặc dù tập thơ rất “dễ thương” nhưng chưa “dễ sợ”. Cảm giác dễ sợ ấy là “thi trung hữu quỉ”, là quá hiếm hoi trong thời đại chúng ta. MÂY SÓNG NGÀY XƯA được chắt chiu, chưng cất bằng một đời thơ của thi sĩ Trương Quân và nó đã mang lại cho chúng ta một thông điệp đầy kiêu hãnh rằng, trong thế giới hữu hình, sai biệt này, con người vẫn có một năng lực phù phiếm nhưng rất sang trọng. Năng lực ấy là cứu cánh cuối cùng trên thăm thẳm hành trình về phía hư vô. Huế - TP.Hồ Chí Minh 2002 N.T.L.D
(nguồn: TCSH số 157 - 03 - 2002)
|