Đọc “Quỷ trong trăng”, cảm giác đầu tiên khởi lên và lặp đi lặp lại phía sau bề mặt con chữ là cuộc tìm kiếm miên man của Trần Thuỳ Mai giữa mê lộ thơ, hệt như những ám ảnh đã mộng du và quyến rũ bước chân nhân vật Lan trong một truyện ngắn của chị đội trên đầu chiếc mâm vàng sóng sánh nước để đi đến bờ vực tình yêu. Đó phải chăng chính là hình tượng tựa như một thi ảnh mà nhà văn nữ đã gửi gắm vào đấy tất cả nhữung khát khao, băn khoăn và tự vấn, kiếm tìm. Giữa những ám ảnh các con đường, Trần Thuỳ Mai đã không làm một “trò chơi vô tăm tích” vốn ảnh hưởng tinh thần của F. Nietzsche để đến với cái đích mịt mù không tưởng như “Mê lộ” của Phạm Thị Hoài mà chị lại gắn kết và neo giữ chính tâm hồn mình trên những giác độ tình yêu rồi soi xét nó từ nhiều điểm chiếu. Có lúc e ấp như mối tình thoát tục làm nên một “Thương nhớ Hoàng Lan”, có khi bao dung và chịu đựng đến phi lý những ảo ảnh hạnh phúc vốn đã không hề tồn tại như “Trăng nơi đáy giếng”, nhiều lúc lại đi đến tận cùng nghiệt ngã, phủ phàng dẫu chỉ là qua một “Nốt ruồi son” nghịch kiếp... Dù ở điểm chiếu nào, truyện ngắn của Trần Thuỳ Mai cũng đắm chìm trong tiềm thức miên man, vô hình chung hình thành những ý niệm để tác giả vén lên luồng sáng mong manh, đi sâu vào những ngõ ngách nhỏ nhoi, tìm ra đời sống hơn là đời sống, nhận thức ra tia sáng hằng cửu, bất biến trong chân lý tình yêu như Octavio Paz đã từng quan niệm. Luồng sáng mong manh ấy cũng là thế giới của cái đẹp dễ vỡ. Cái đẹp vốn hư ảo như nốt phù trầm tiếng thở dài: “Hoàng lan lớn lên, năm này qua năm khác, nở hoa vàng mong manh. Mong manh như tất cả những gì đẹp trên thế gian” (Thương nhớ hoàng lan). Càng mong manh, hư ảo, dường như người viết càng khát khao chiêm vọng hướng đến. Chị soi chiếu các nhân vật của mình bằng cảm thức dịu dàng, sâu thẳm qua những mảnh vỡ buồn của My, Khánh, Hạnh, người con gái xứ sở mặt trời hay người đàn bà cô đơn trên đỉnh Ngựa Trắng... Rồi giấu tiếng âm âm như làn sóng sục sôi trong đáy nước, những suy tư về cái đẹp của nhà văn càng ám ảnh, càng nén chặt: “ Sông trôi về biển là sông mất. Nhưng sông không chảy thì còn gì là sông” (Khói trên sông Hương). Đấy là đối thoại của nghịch lý, đối thoại của ánh sáng và bóng tối, của cái chết và mưa rơi trong “Giã từ vũ khí” (E. Hemingway). |