Tạp chí Sông Hương - Số 157 (tháng 3)
Vài điều về loại ngũ tự nhạc và cung trung nhạc
17:21 | 11/08/2008
DƯƠNG BÍCH HÀ1 NGŨ TỰ NHẠCDưới triều Nguyễn, Ngũ tự nhạc không chỉ ra chính xác tính chất của một loại nhạc như tên gọi của nó. Chính Gs. Trần Văn Khê cũng nói là đã mượn từ ngũ tự đã được dùng ở thế kỷ XV để chỉ loại nhạc tế lễ khác với Giao nhạc. Theo ông, Ngũ tự nhạc là nhạc trong tế xã tắc, mỗi năm hai lần, xuân thu nhị kỳ; tế Tiên nông, một năm một lần vào mùa hạ.
Vài điều về loại ngũ tự nhạc và cung trung nhạc

Theo một số nhà nghiên cứu gần đây, thì Ngũ tự nhạc dùng trong tế Ngũ tự, là 5 dịp cúng tế ở miếu Đô Thành hoàng mỗi năm 2 lần, xuân và thu), Đàn Xã tắc (mỗi năm 2 lần, xuân và thu), và đàn Tiên nông ( mỗi năm một lần vào mùa hạ. Tất cả có 5 lần tế ở các miếu này trong một năm, nên gọi là ngũ tự. (1)
Tuy vậy, tế Ngũ tự dưới triều Nguyễn thực chất là những cuộc tế lễ nông nghiệp ở đàn Xã tắc,(2) mà nghi lễ hàng đầu là nghi lễ cày ruộng Tịch điền. Lễ này có tử thời cổ đại ở Trung Hoa, mang ý nghĩa khuyến nông. khuyến khích dân chúng chăm lo việc cày cấy. Theo J. Lan. (3) ở Trung Hoa từ cổ đại, các triều đại đều có làm lễ Tịch điền một cách trang nghiêm. Trong lễ này, nhà vua phải xuống ruộng tịch điền tự tay cày 3 luống, các đại quan cày 9 luống. "Ở An Nam, lễ Tịch điền lần đầu diễn ra dưới triều Lê Đại Hành (950 -1005 )... tổ chúc rất long trọng dưới thời Lý (1009 - 1225), bị xao lãng dưới thời Trần (1225 - 1413), đã mất hẳn dưới thời Lê chỉ còn một lễ tế thần ngũ cốc. Vào thời kỳ Hồng Đúc (1470 - 1497), Hoàng đế Thái Tôn trực tiếp tế lễ và ra lệnh cho toàn dân phải đến cày... Dưới triều đại Nguyễn, niên hiệu Minh Mạng, Hoàng đế ra chiếu dụ:... Lễ trọng thể các Hoàng đế cày 3 luống ghi trong sử sách, cho ta thấy tầm quan trọng, sự ích lợi. Trong vương quốc âm nhạc nam, các Hoàng đế nhà Trần và nhà Lê có vài lần làm lễ long trọng nhưng vẫn còn lơ là. Từ khi Trẫm lên ngôi, luôn luôn nghĩ đến an dân, nên quan tâm đến việc chính này"... Vua định ngày lễ Tịch điền tháng 2... và phải xây tại ruộng Tịch điền các dinh thự là Quan Canh (nhìn cày), Cụ phục (mặc áo), đàn Tiên Nông, kho lúa dự trữ để cúng thờ (thần Thương)...
Theo tài liệu Sơ lược âm nhạc truyền thống Việt Nam, Gs. Trần Văn Khê cho biết trong tế Xã tắc có mặt cả 3 dàn nhạc: nhạc huyền, nhã nhạc và cổ xúy đại nhạc. Nhạc Huyền chỉ để trưng bày. Nhã nhạc tấu lúc mở đầu lễ giữa lễ Sơ hiến và Á hiến; giữa lễ Chung hiến và Triệt soạn (hạ cỗ). Đại nhạc tấu sau lễ Nghinh thần, trước lễ Triệt soạn và khi vua lên xa giá về cung.
Đại Nam Hội điển Sử lệ quyển 69 và 99 có ghi chép bài bản tấu tế đàn Xã tắc trước năm 1835, là Nhạc chương mang chữ Phong, gồm 7 chi chương:
Diên phong (trong lễ Nghinh thần)
Tuy phong (lễ hiến ngọc bạch và Sơ hiến)
Tú phong (lễ Á hiến).
Mậu phong
(lễ Chung hiến)
Hòa phong
(lễ Triệt soạn)
Dự phong (lễ Tống thần)
Khanh phong
(lễ tất).
Bát dật múa trong lễ Sơ hiến, múa Văn trong lễ Á hiến và Chung hiến.
Tập san B.A.V.H 4 (tập 6 - 1919B) và Những Đại lễ và Vũ khúc của Vua chúa Việt Nam mô tả một cuộc lễ Tịch Điền dưới thời Minh Mạng, cho biết trong đội hình đoàn diễu hành của vua quan đến đàn Tiên Nông có 8 nhạc công hòa nhạc và 14 ca sinh vừa đi vừa hát khúc Hòa tứ. Sau khi xong lễ thức 3 lần dâng rượu, Thượng thư bộ Hộ rước vua xuống ruộng Tịch điền cày ruộng, thì Đại nhạc, Nhã nhạc tấu nhạc và đoàn ca sinh hát khúc Hòa tử. Vua cày xong 3 đường đi, 3 đường lại thì khúc ca vừa dứt. Khúc hát Hòa tử có 36 câu thơ thất ngôn bằng chữ Hán. J. Lan và Đỗ Bằng Đoàn và Đỗ Trọng Huề chỉ chép lại lời ca.
Trích từ câu 5 đến câu 10:
..."Thánh hoài đôn bản trọng canh tang,
Dân sự gian nan niệm bất vương.
Triều tịch Mân Phong thất nguyệt chương,
Khuyến dân nhất đức cẩn vô hoang.
Khác tuân thành hiến tức tư phường,
Lai như lai tư triệu lý cương"
Trần Gia Am dịch thơ:
... "Lòng vua chú trọng việc nông tang,
Khó nhọc thương dân tính mọi đường,
Thất nguyệt Mân Phong ghi sớm tối,
Khuyên dân chớ để ruộng đồng hoang.
Kinh theo phép cũ đến nơi đây,
Gây dựng vì dân đất nước này "...
2. CUNG TRUNG NHẠC
Theo các nhà nghiên cứu, thì Cung trung nhạc (hay Cung nhạc) triều Nguyễn là nhạc tấu trong cung Hoàng Thái Hậu, hoặc trong cung điện của vua.
Tài liệu Sơ lược Âm nhạc truyền thống Việt của Trần Văn Khê cho biết: Ngoài dàn Nhã nhạc, còn thấy dàn nữ nhạc nhưng không biết có bao nhiêu nhạc công. Năm Minh Mạng thứ 8 (1827), trong lễ lục tuần Hoàng Thái Hậu, một dàn nhạc gồm 8 loại nhạc cụ, mà ông cho là rất gần với dàn Nhã nhạc ngày nay.
Từ Yến nhạc trở đi múa tỏ ra phong phú về bài bản hơn. Các điệu múa trong cung thường ít gắn với tế lễ, mà nghiêng về chức năng tiêu khiển. Cũng theo Trần Văn Khê, có 3 điệu múa sau thường tham gia vào Cung trung nhạc:
- Múa Văn - Võ (hay gọi là Bát dật)
- Múa các nhành hoa.
- Múa hoa đăng.
1 Múa anh hùng (?) khi Hoàng Thái Hậu lên tòa.
2. Múa Thanh hoa chi khi dâng thọ lần đầu.
3. Múa Xích hoa chi khi dâng thọ lần hai.
4. Múa Huỳnh hoa chi khi dâng thọ lần ba.
5. Múa Tiên đào quả khi Hoàng Thái hậu về cung.
Khi trời tối mới múa Hoa đăng đến lúc gần sáng.
Đến năm Khải Định thứ 2 (1917) vẫn có điệu múa mà ca vũ sinh tay cầm cành hoa vàng (huỳnh hoa chi) khi hát chương khúc Tập khánh và tay cầm quả đào (tiên đào quả) khi tấu chương khúc Bảo khánh trong lễ sinh nhật ngũ tuần Hoàng Thái phi. Tuy vậy, sách Những Đại lễ và vũ khúc của vua chúa Việt của Đỗ Bằng Đoàn và Đỗ Trọng Huề, lại không thấy đề cập đến điệu múa này trong danh mục các điệu múa cung đình.
Nhạc chương tấu trong cung Hoàng Thái hậu gồm 5 chương khúc mang chử Khánh có từ thời Gia Long và vẫn còn thấy dưới thời Khải Định như: Sùng Khánh, Tập Khánh, Chương Khánh, Bảo Khánh, Thành Khánh.
Năm Khải Định thứ 2 (1917), trong lễ ngũ tuần của Hoàng Thái phi, các nữ ca vũ sinh múa hát - chương khúc mang chữ Khánh, như Sùng Khánh Tập Khánh, Bảo Khánh. Nội dung của chương khúc Sùng Khánh được dịch từ bản tiếng Pháp trong Tập san Những Người bạn Cố Đô Huế (B.A.V.H) như sau:
Hạnh phúc và vinh quang (của đức bà Hoàng Thái hậu) đạt đỉnh cao.
"Đức bà như là quả đất thanh khiết và trong trắng!
"Ba nghìn cửa bằng đá quý ngời sáng rực rỡ.
"Chín mươi ngày ánh sáng đầy không khí trong lành.
"'Trong không gian yên tĩnh của bầu trời xanh, chòm sao Bửu vụ toả sáng trong trẻo
"Chúng ta hãy vui mừng vái lạy với tình cảm ca ngợi hân hoan"... (5)

Trong 3 ngày lễ, vào giờ ăn trưa của Hoàng Thái phi thì Hoàng thượng đều đến dâng rượu, trong khi các nữ nhạc công hát những bài chúc thọ...
Qua một số bài bản được coi là Cung trung nhạc của triều Nguyễn trên, chúng ta không thể không nêu ra đây một vài điều còn nghi ngại: Một là, chúng ta chưa tìm thấy những bài bản xác thực của loại nhạc này; hai là, chẳng hề tồn tại một sinh hoạt âm nhạc nào dưới triều Nguyễn mang tính độc lập theo kiểu Cung trung nhạc, nhưng vẫn cố kê ra cho đủ thành phần, như cơ chế triều nhạc thời Lê?
Bởi vì, ngay với Yến nhạc, phần nào đó, cũng còn là một bộ phận của Đại triều nhạc đến Cung trung nhạc thì bài bản, trình thức và không gian diễn tấu cũng như chức năng phục vụ lại trùng lặp với Yến nhạc. Đó đều là các bài bản nhạc và múa trong lễ Vạn thọ, lễ Thánh thọ... mà trong trình thức, luôn luôn có thủ tục vua ban yến hoặc dâng thọ, chúc mừng, tạ ơn, và đều ở trong cung.
Vì có cùng chức năng và bài bản - cùng hình thức và nội dung, như trên, theo chúng tôi, hai loại nhạc này, dưới triều Nguyễn, chỉ là một: Yến nhạc là Cung trung nhạc. Còn chức năng khác, bài bản khác của Cung trung nhạc, như chức năng tiêu khiển, hoặc không có hoặc chưa có tư liệu, thì cũng chỉ là một thành phần, một bộ phận nhỏ trong đó mà thôi.
Vì vậy 7 loại nhạc lễ thường được nhắc đến trong một số tư liệu, công trình về âm nhạc cung đình triều Nguyễn, chúng tôi thấy:
Yến nhạc là một bộ phận của Cung trung nhạc thì hợp lý hơn về không gian, chức năng và bài bản. Và với tiêu chí trên, các loại nhạc lễ cung đình triều Nguyễn cũng có thể chỉ gồm 4 loại chính như sau:
1. Giao nhạc. Nhạc trong tế lễ Nam Giao.
2. Miếu nhạc. Gồm cả:
- Nhạc tế Miếu.
- Nhạc tế Ngũ tự.
3. Triều nhạc. Nhạc trong lễ Đại triều và Thường triều.
4. Cung trung nhạc. Gồm:
Yến nhạc. Nhạc trong lễ ban yến và lễ dâng rượu chúc thọ (dâng thọ) Hoàng Thái hậu và chúc thọ Vua (trong lễ Vạn thọ, Thánh thọ...)
- Những sinh hoạt âm nhạc mang chức năng tiêu khiển thuần túy trong nội cung, không ràng buộc bởi lễ nghi...chẳng hạn, Ca Huế thính phòng. Tuy vậy, hiện nay chúng tôi vẫn chưa có tư liệu đầy đủ về loại này.
Trên đây là 2 trong số 7 loại nhạc cung đình triều Nguyễn thường được nhắc đến. Ngoài Giao nhạc, Miếu nhạc, Đại triều nhạc, mà không gian diễn tấu cũng như thể chế lễ nhạc đầy đủ tư cách là một loại nhạc. Còn lại trên đây là 2 trong 4 loại nhạc, theo chúng tôi là chưa được "chính danh" lắm trong tư cách một loại nhạc độc lập, so với 3 loại trên.
D.B.H

(nguồn: TCSH số 157 - 03 - 2002)

 


-------------------------------
(1) Phan Thuận An: Bài giảng lớp Đại học Nhã nhạc, Trường ĐHNT Huế, 1998
(2) Theo Vân đài loại ngữ của Lê Quý Đôn: Xã (thổ thần), Tắc (thần ngũ cốc). Sđd, tr.12
(3) Cây lúa: Pháp chế, thờ cúng, tín ngưỡng, B.A.V.H, tập 6-1919B. Nxb Thuận Hoá, Huế 1998, tr.258.
(4) Bản đã dịch của Nhà Xuất bản Thuận Hoá: Những người bạn cố đô Huế (đã dẫn).
(5) Những người bạn cố đô Huế. Nxb Thuận Hoá, Huế, 1998. Tập 5-1998, tr.143.

Các bài mới
Các bài đã đăng
Vượt cạn (11/08/2008)