Tạp chí Sông Hương - Số 157 (tháng 3)
Gặp lại người lính năm xưa trên chiến trường Trị Thiên
16:30 | 12/08/2008
NGUYỄN QUANG HÀRa Hà Nội mùa thu này tôi muốn đến thăm anh Lê Khả Phiêu. Những ngày anh đương chức, đến, người ta nghĩ mình cơ hội. Nhưng nay anh đã nghỉ, đến thăm là nghĩa tình đời. Lòng mong muốn ấy của tôi, được anh chấp nhận và hẹn giờ gặp.
Gặp lại người lính năm xưa trên chiến trường Trị Thiên

Đến bốn giờ chiều ngày 17/9/2001, tôi đến ngôi nhà 65 Phan Đình Phùng - Hà Nội, ngôi nhà anh Lê Khả Phiêu mới được tổng bí thư trao cho để anh nghĩ dưỡng và “Tiếp tục cống hiến trí tuệ cho đất nước”.
Người ra mở cổng hỏi tôi:
- Anh là Nguyễn Quang Hà
- Dạ, vâng. Tôi đáp.
- Anh Lê Khả Phiêu đang chờ trên nhà.

Tôi lên cầu thang tầng hai. Thật không ngờ, anh Lê Khả Phiêu ra tận ngoài cửa đón tôi, ân cần như một người anh đón đứa em đi xa trở về. Trông anh khoẻ mạnh, hồng hào, đôi mắt vẫn cười vui như ngày nào anh đón chúng tôi ở chiến khu của Trung đoàn 9 thời chiến tranh. Anh mặc chiếc áo sọc xám bỏ ngoài quần, tư thế ung dung, thân tình, giản dị của một người lấy chữ nhàn làm vui.
Sự giản dị, chân chất của anh, làm tôi nhớ lại sau những ngày đại hồng thuỷ 1999 ở Thừa Thiên Huế, anh thay mặt Trung ương Đảng với chức vụ tổng bí thư về thăm bà con bị nạn ở cửa biển Thuận An. Hôm ấy anh cũng giản dị như thế này, đi chân đất, ngồi bệt dưới đất cùng bà con dân chài, nghe bà con kể lại những ngày lũ lụt kinh hoàng vừa qua. Nhìn lại một bức ảnh chụp ấy thì đủ biết anh không cao đạo bao giờ.
Nhớ lại, lúc ấy Thừa Thiên Huế đang kỳ bầu cử hội đồng nhân dân các cấp, vì lụt phải hoãn lại. Trong câu chuyện với bà con, anh Lê Khả Phiêu căn dặn: Chọn những ai vì nước, vì dân thì bầu. Những ai không vì nước vì dân thì loại ra. Những ai mị dân, giả dối, trót bầu rồi thì phải hạ bệ xuống, bầu người khác thay. Anh Lê Khả Phiêu là người như thế.
Với dân, với công việc thì như vậy. Với đồng đội, anh dặn chúng tôi, những người lính chiến trường còn ở lại Huế cố gắng tìm mộ anh Thám, trung đoàn trưởng trung đoàn 9 hy sinh tại chiến trường Trị Thiên. Khi tìm thấy mộ anh Thám đưa về nghĩa trang thành phố Huế, anh liền báo cho vợ con anh Thám biết và cho xe đưa vợ con anh Thám vào thăm mộ. Đến lúc ấy anh mới yên lòng.
Bây giờ anh ngồi trước tôi đây, anh ngả người trên ghế, nhìn tôi, hỏi thân mật:
- Ở Huế có gì cậu kể cho mình nghe nào?
Tôi trả lời tình hình kinh tế Thừa Thiên Huế vẫn phát triển rất chậm. Đau nhất là nhà máy đường của Ấn Độ rút vào Phú Yên. Người nông dân có cảm giác đánh rơi vật quí trên tay, thấy đó mà không thể nào nhặt lại được. Hầu bao đã xẹp, càng xẹp thêm. Riêng về du lịch có điểm mới: Khu du lịch sinh thái Bạch Mã đang phục hồi lại một số biệt thự cũ của Pháp xưa và đã chính thức mở cửa đón du khách. Khu du lịch Lăng Cô đã xây lại “Cung Tịnh viên” thời Khải Định. Khách đông, đầy triển vọng. Khởi đầu “Vườn thiên đàng” của khu du lịch này.
Về xã hội, tình hình thiên chúa giáo có cộm lên. Nổi bật nhất là vụ Nguyễn Văn Lý quậy phá, cái đáng bận tâm là phía đằng sau Nguyễn Văn Lý là cái gì? Nếu không hiểu được tận gốc thì thật khó mà giải quyết.
Không dễ gì có dịp được ngồi với anh Lê Khả Phiêu, nên tôi nói ngay với anh những gì mà tôi cứ suy nghĩ lâu nay:
- Trong dư luận nhân dân rất đồng tình với ba việc làm của anh. Một là để các đồng chí cố vấn nghỉ làm việc cho các đồng chí ấy dưỡng sức. Hai là phát động phong trào chống tham nhũng, coi đó là điểm mới làm trong sạch xã hội và ba là xây dựng một đội ngũ cán bộ, đúng như lời dạy của Bác Hồ: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội phải có con người xã hội chủ nghĩa”. Nếu cả ba điều ấy được thực hiện một cách triệt để, nhất định xã hội sẽ tiến lên mạnh mẽ.
Anh nói:
- Mình chống tham nhũng mới gãi gãi thôi.
Tôi hỏi anh:
- Tôi nghe trong dư luận, thì dư luận xã hội nói rằng anh Lê Khả Phiêu cũng là người tham nhũng, có đúng không anh?
Anh Lê Khả Phiêu không cần suy nghĩ, anh đáp bằng một câu hỏi lại tôi:
- Cậu có tin thành ngữ: “Ăn xôi chùa ngọng miệng” không?
Tôi đáp:
- Tôi hoàn toàn tin như vậy.
Anh nói:
- Trong đại hội IX đã đánh giá đồng chí Lê Khả Phiêu chống tham nhũng mạnh nhất. Nếu mình “ăn xôi chùa ngọng miệng” rồi thì làm sao mà dám chống, như kiểu dân nói: “Há miệng mắc quai” mà.
Tôi chợt nhớ bài của nhà báo Xuân Ba viết cho báo Tiền phong về cuộc gặp anh sau dịp tết. Trong bài báo Xuân Ba tả ngôi nhà anh ở đường Lý Nam Đế, được phân thế nào, cứ vậy ở cho đến tận bây giờ, không sửa chữa thay đổi gì. Trong lúc đó xung quanh họ sửa chữa ầm ầm. Và tôi biết ba người con của anh đều đi làm việc nhà nước, và sống bằng đồng lương thanh bạch của nhà nước như mọi cán bộ công nhân viên chức khác.
- Thế mà tôi nghe họ nói ầm lên. Tôi nói
Anh bảo:
- Bịa chuyện thì khó gì.
Tôi hỏi tiếp:
- Liệu cái ý đồ chống tham nhũng của anh có còn được thực hiện?
Anh Lê Khả Phiêu đáp:
- Đó là một việc khó. Đại hội 6, đại hội7, đại hội 8 đã đề ra, nhưng chuyển biến chậm.
Anh nói tiếp:
- Muốn chống được tham nhũng phải có một đội ngũ cán bộ tốt và phải có một đội ngũ công an mạnh và giỏi. Trong khi đó đội ngũ cán bộ của chúng ta có vấn đề. Không có một đội ngũ cán bộ tốt và ngành công an không mạnh sẽ bị nó quật lại. Chống tham nhũng là một việc làm không dễ song không thể không làm. Nó phù hợp với lòng dân, hợp đạo lý, thúc đẩy sự phát triển của xã hội, điều mà Đảng ta mong muốn.
Giọng của anh Lê Khả Phiêu trầm và ấm. Giọng của một người thanh thản, chiêm nghiệm. Tôi được biết, trước khi anh cho chúng tôi vào thăm, anh vừa làm việc với tổng bí thư Nông Đức Mạnh, và sau chúng tôi anh sẽ làm việc với ông Phan Diễn. Rõ ràng công cuộc mới vẫn đang cần đến trí tuệ của anh. Tôi nhớ, nhân kỷ niệm lần thứ 90 ngày sinh của đại tướng Võ Nguyên Giáp, anh Lê Khả Phiêu đến thăm, hai người ôm nhau thắm thiết. Trong phút giây vui mừng ấy, đại tướng Võ Nguyên Giáp nói với anh: “Chúng ta sẽ tiếp tục cống hiến cho đất nước”. Lòng của những người sống vì dân vì nước trong sáng và thanh thản biết bao nhiêu. Anh Lê Khả Phiêu đang tiếp tục cống hiến cho đất nước bằng cách của mình. Tổng bí thư mới trao ngôi nhà 65 Phan Đình Phùng này cho anh là trong cách tư duy ấy.
Chuyện cứ đưa đẩy, bỗng hai anh em lại nói về làng Rồng ở cửa biển Thuận An. Ngôi làng được xây dựng để đưa những gia đình ngư dân Thuận An bị lũ cuốn trôi hết sạch tài sản lên ở. Từ hai bàn tay trắng, bơ vơ, bỗng họ được mời về ở ngôi làng xây cất mới mẻ này. Tên làng Rồng do anh đặt.
Anh Lê Khả Phiêu hỏi:
- Ở Huế, lâu nay Hà có về làng Rồng không?
Tôi đáp:
- Dạ, có. Nhiều gia đình treo ảnh anh chụp chung với bà con Thuận An, không phải treo chỗ nghiêm trang mà là chỗ thân thiết nhất trong nhà. Họ coi đó là một kỷ niệm không bao giờ quên. Và tấm hình anh xắn quần tới gối ngồi bệt xung quanh ngư dân Thuận An được in trang trọng trong tập sách dày: “Huế, cơn đại hồng thuỷ 1999”.
- Mình có thấy.
Tôi nói:
- Bà con làng Rồng nhắc tới anh luôn và rất mong được anh về thăm.
Anh kể, ở Thuận An có làng Rồng, cũng trong cơn đại hồng thuỷ ấy tại Quảng Nam và Quãng Ngãi cũng có hai làng giống như làng Rồng vậy. Họ cũng đang mời anh về thăm. Anh không quên họ, rất nhớ họ. Anh sẽ cố gắng sắp xếp thời gian để về thăm những nơi đầy tình người ấy.
Tôi nói:
- Mùa hè vừa rồi tôi có về thăm làng Rồng. Làng Rồng dựng trên bãi cát, chưa được quy hoạch cây cối, nên nóng. Nhân dân sẽ trồng cây, nhưng muốn biết ý anh định trồng cây gì. Nhân dân làng Rồng muốn làm theo ý anh.
Anh Lê Khả Phiêu hỏi tôi ở Huế có cây gì truyền thống mà nhiều bóng mát. Tôi bảo Huế có hai cây nhiều bóng mát được dân ở đây ưa thích là cây nhãn và cây phượng vĩ. Phượng vĩ ở Huế rất đẹp, con đường phượng vĩ từ cầu Bạch Thổ tới cầu Phú Xuân xưa đã được nhà thơ Xuân Diệu gọi là “đường học trò”. Lá phượng xanh, hoa rực đỏ và chịu được gió bão. Anh bảo thế thì nói dân trồng cây phượng vĩ lấy bóng mát.
Nhìn đồng hồ, đã đến thời gian anh Lê Khả Phiêu làm việc với anh Phan Diễn, chúng tôi đành chia tay. Anh dẫn tôi qua cửa, đưa tới tận đầu cầu thang. Anh nắm chặt tay tôi, dặn lại:
Nói nhân dân làng Rồng trồng cây phượng vĩ mà lấy bóng mát nhé. Mình đã biết cái nắng ở Huế, nắng ghê gớm lắm.
Tôi nhớ mãi nụ cười đôn hậu, thanh thản của anh phút chia tay. Tôi cầu mong anh mãi mãi khoẻ mạnh và lòng thanh thản, như sức khoẻ anh hôm nay, trong buổi gặp anh giữa mùa thu Hà Nội này.
N.Q.H

(nguồn: TCSH số 157 - 03 - 2002)

 

Các bài mới
Các bài đã đăng