Sen đang bồng nách đứa con nhỏ trên tay. Cô thôn nữ ngày nào hằng ngày với đôi quang gánh trên vai, đi quanh những mảnh vườn gầy guộc của vùng gò đồi bạc màu vì nắng gió, để mua rau, lá, cây, trái, đem ra chợ kiếm lời. Những khu vườn thu hoạch được nhiều, thì chủ đã có mối lâu dài với các con buôn lắm vốn ứng trước. Khoảng dành cho Sen, chỉ là những mảnh đất trồng nghèo nàn, hoặc không có người chăm sóc. Sản vật ở đây gồm những loại cây trái còi cọc, mà chủ vườn chẳng âu cần chuyện mua bán. Sen lặng lẽ thu nhặt mỗi nơi một ít, gom lại thành mớ, nào trầu, vả, bắp chuối, lá dung, bồ ngọt, chùm kết, thơm, mít, cam, ổi... thứ nào cũng nhỏ và quắt queo vì phải sống lây lất như chính cuộc đời của cô vậy.
Tôi nhớ như in, một buổi sáng mùa hè cách đây đúng hai mươi năm, thầy trò chúng tôi đang làm cỏ cho vườn hoa thì Sen đến, ngập ngừng, thẹn thò vì chúng tôi đang ở trần trùng trục, mồ hôi nhễ nhại với những chiếc quần xà lỏn, bạc mỏng bám vào da vì ướt.. Cuối cùng cô cũng lên tiếng, mặt quay đi: - Các anh có chi bán không? Chúng tôi không ai trả lời, cùng chun vào chiếc chòi lá, mặc vội thứ biệt y cóc đen và nhầu nát thời bấy giờ dành dành cho những buổi lao động, để vui vẻ tiếp khách... Thế là từ buổi ấy, chúng tôi bắt đầu có bạn hàng mua sỉ những khóm hoa trong vườn. Sen như dạng quý nhân trong một buổi sáng đẹp trời, đã cởi bỏ cho chúng tôi những tù túng đang bấy lâu đè nặng không dứt. Đó là việc mang hoa đi bán. Không phải tủi thân vì sĩ diện, cũng không phải sợ bạn bè hay đồng nghiệp bắt gặp khi mang hoa ra chợ, mà bởi một lẽ rất đơn giản là chúng tôi bị các cô hàng bán hoa bắt nạt quá thê. Lòng dặn lòng quyết bày chuyện tán tỉnh để mấy cô thương tình, mua cho được giá, nhưng thầy trò chúng tôi vẫn không làm sao đánh thủng quyết định của các cô bán hoa chợ, đằng sau những nụ cười tưởng như đã cảm thông sâu sắc ấy. Nhiều lần chúng tôi mạnh dạn phát biểu ý kiến: - Em mua hoa hồng của anh một cái năm hào, nhưng răng lại có thể đang tâm bán trước mặt anh, cũng nhánh hoa ấy, với giá năm đồng cho khách. Câu trả lời với chúng tôi thật đơn giản: - Rứa những lúc em đem từng xe hoa héo đi đổ vì không ai mua, anh có chia sẻ với em không? Ai thương em trong những lúc này đây? Chúng tôi ngậm thinh. Đuối lý. Có một lần đến sạp bán hoa, bỗng dưng "chàng nghệ sĩ" nằm trong "cái thằng làm kinh tế" của chúng tôi bật dậy quát tháo ầm ĩ, cuối cùng chúng tôi lặng lẽ mang hoa về. Thương những giọt mồ hôi đã từng đổ trên mỗi luống trồng thì ít, nhưng giận sự nhìn nhận cái đẹp của người đời thì nhiều. Bó hoa dù có đến hàng trăm cái, nhưng chúng tôi vẫn có thể nhớ vanh vách chúng ở gốc nào, lá có bao nhiêu ngọn bị sâu rầy cắn. Thế mà, hôm nay khi mang chúng đến chợ, người ta đã đành lòng bớt giá chỉ còn ba hào một cành. Những cành hoa chúng tôi đã cố ý cắt dài cọng để dễ bán, mặc dù, khi cắt như vậy, lòng quặn đau theo với gốc hoa mẹ. Cuối cùng, một trăm đóa hoa hồng được quyết định số phận là từng cành sẽ nằm trong giỏ xe của bất cứ người phụ nữ nào chúng tôi gặp trên đường về. Một buổi chiều thật đáng nhớ... Hiền ngồi đằng sau lưng tôi nhìn qua người thiếu phụ song hành, rút cành Lady X màu tím khói, cắm vội vàng vào giỏ xe và giục tôi đạp nhanh qua mặt, bởi không lường trước được phản ứng của người ta sẽ như thế nào. Khi tạo được cự ly yên tâm với người không quen, Hiền mới phát biểu theo kiểu "ta phục ta quá trời!' rằng: - Thầy thấy không? Khuôn mặt buồn và sang trọng của nàng, xứng đáng để nhận cành hoa mang tước hiệu Lady. Tôi lặng lẽ mỉm cười, và không biết phải nói gì trong lúc này. Thế là từng đoá hoa một: Tyfany ửng hồng trên đầu cánh như má nàng thiếu nữ khi trời se lạnh; Papa Meilland đỏ thẫm, nhung mượt và nồng nàn lời tỏ tình; Sun King rực rỡ như gánh trên vai câu thơ "Ôi! Nắng vàng sao mà nhớ nhung..."; Garden. Party trắng hồng màu áo nữ sinh Đồng Khánh mỗi chiều trên đường Lê Lợi; Diamond ]ubileé phớt nhẹ màu lụa xứ Hà Đông..., lần lượt, lần lượt... được chúng tôi mang tặng một cách gián tiếp, nhưng đầy thành ý qua nhũng chiếc giỏ xe... Thầy trò chúng tôi chỉ cách nhau mấy tuổi, và tất cả đều độc thân. Ngoài những giờ ở trường học, chúng tôi sống với nhau như anh em. Xuất phát từ sự đồng cảm, tất cả đã tìm được nhau trong khung vườn khá rộng của nhà tôi. Với đồng lương giáo viên ít ỏi của mình, tôi chỉ đủ tiền để mua gạo cho cả nhóm, thức ăn và tiền chi tiêu khác đều phải kiếm từ hoa. Chúng tôi làm đất, bón phân, ghép hoa, tưới nước, tỉa cành, bắt rầy, bán hoa như một niềm vui, và một chút ý vị để sống... Những tối cuối tuần, "thủ quỹ" rà soát thu nhập, nếu có dư đồng nào, chúng tôi mua rượu uống và hát hò suốt đêm trong căn lều lợp lá đùng đình. Ngôi thảo am ấm cúng tình người, một góc nhỏ không bao giờ phai trong nỗi nhớ... Từ ngày vườn hoa hồng khoe sắc, nở rộ, chúng tôi đón thật nhiều khách, tất nhiên, phần lớn là các thiếu nữ; nói như vậy không phải không có những quý ông đến mua hoa tặng người yêu. Chúng tôi hãnh diện làm kẻ mang hạnh phúc đến cho những mối tình...
Thế rồi, cũng đến lúc đất đai cạn kiệt dần dinh dưỡng, những đoá hoa đã bắt đầu nhỏ lại, ít sắc tươi tắn và nét mởn mơ..., chúng tôi lo lắng nghĩ đến số tiền dành dụm ít ỏi, hoàn toàn không đủ để tái sản xuất. Phân bón cho hơn 400 gốc hồng đâu phải là chuyện nhỏ trong hoàn cảnh này. Bỗng dưng "bà tiên của những đoá hoa hồng" ở đâu hiện về ban phép mầu, khiến mỗi buổi sáng thức dậy, chúng tôi lại thấy xuất hiện hai thùng phân heo đặc khá lớn nơi góc vườn. Cứ như thần thoại, chúng tôi tiếp nhận chúng và bắt đầu việc phục sinh cho các gốc hoa. Thì ra... đó là công việc thầm lặng của Sen... Mỗi sớm cô thức dậy vào lúc 4 giờ, mua rẻ nước phân từ nhà bên cạnh và gánh xuống cho chúng tôi, khi tất cả còn đang ngủ. Mãi đến cả tuần sau, mọi người mới biết dược điều kỳ diệu đó. Sen từ ngày ấy trở thành người bạn nhỏ và bà mẹ lớn của chúng tôi... Mỗi buổi sáng, chúng tôi cắt hoa, nàng đem đến chợ và mua thức ăn trở về, bày cho thầy trò nấu nhưng món ăn rẻ mà ngon. Hoa hồng đối với Sen chỉ là một món hàng như trái thơm, trái mít, nải chuối, buồng cau, bó sân lốt hay rổ bứa, bần quân... hàng ngày trên gánh chợ. Điều Sen quan tâm là những miếng ngon cho gia đình và đám bạn bè khi từ chợ trở về. Mộc mạc, đôn hậu và chỉ biết có nụ cười hiền khi chúng tôi ngỏ lời cám ơn, hay biểu lộ lòng tri ân. Ấy là Sen, đây mới thực là nàng Lady X xinh đẹp và sang trọng mà bấy lâu chúng tôi tìm kiếm. Một hôm, thầy trò quyết định đến thăm nhà nàng, gia tài của Sen chỉ có mái tranh đơn sơ và xiêu vẹo, một bà mẹ già bịnh hoạn và đứa em trai gầy ốm, tật nguyền. Trên chiếc chõng tre, mẹ Sen đang mệt, nên miễn cưỡng ngồi dậy tiếp chúng tôi. Bà cũng không giấu vẻ ngạc nhiên về sự xuất hiện của đám bạn Sen, làm sao lại sạch sẽ và sáng sủa như vậy. Bà hỏi như thăm dò: - Các cậu đến chơi hay có việc gì? - Chúng con là bạn của Sen, nghe bác đau và đến thăm. Mong bác mau bình phục. Như nhớ ra điều gì đó, bà ôn tồn: - Cháu nó xấu xí như vậy nhưng rất có nết, có tình. Hôm sinh cháu được mấy ngày, chiếc chõng tre tôi nằm bị sập, không may mặt cháu bị áp vào lò lửa than "nằm nơi", cho nên, bị cháy một mảng. Tôi cứ như mang bên mình một mối nợ với con và ân hận mãi. Lũ trẻ trong xóm hay chọc hắn là Chung Vô Diệm, hắn cũng chỉ cười không giận. Thấy con mà tôi đứt cả ruột. Nếu như không bị tai nạn này, tôi nghĩ hắn cũng không thua chúng kém bạn mô. Không hiểu sao lời nói của bà như chạm đến chính nỗi đau của chúng tôi: Mọi người đều nghĩ đến Sen, nhưng, không ai muốn nói lời an ủi hay sẻ chia trong lúc này. Sen tiếp tục đến với chúng tôi ân cần, thầm lặng, nhưng luôn cho mọi người những điều thú vị bất ngờ. Trên rổ chợ chiều nay của Sen khi trở về, có thêm một gói hạt giống, nàng không nói gì, mà chỉ gọi chúng tôi ra cùng đánh luống để gieo. Mỗi lần về sớm, nàng thường phụ chúng tôi gánh nước tưới, nhưng hôm nay lại đặc biệt ân cần trên luống đất mới vun với khoé cười tủm tỉm. Nửa khuôn mặt cháy xém của Sen bây giờ đã trở thành bình thường và quen thuộc với chúng tôi lắm rồi. Một tháng sau, những cây hoa giấy Zenia lớn lên từ gói hạt giống của Sen đã bắt đầu trức nụ hoa đầu. Chúng tôi đâu có biết nàng đã phải dành dụm và tiết kiệm trên rổ chợ hàng ngày đến cả tuần mới mua nổi. Sau này Zenia trở nên quen thuộc và phổ biến với mọi người. Lúc dầu, chúng là những của lạ hiếm thấy và quý đến mức các cô bán hoa đâm ra dịu ngọt với Sen và ân cần gửi lời thăm chúng tôi. Khác với hoa hồng, kiêu sa, lộng lẫy, Zenia chỉ rực rỡ và ngời lên từng đám đủ màu sắc. Chúng có dáng của hoa quỳ thu nhỏ, nhưng cánh nhám và dày hơn. Ngày chiếc hoa Zenia đầu tiên hé cánh, cũng đúng vào dịp sinh nhật của Sen. Ngày sinh, đó là những gì mà Sen chẳng bao giờ nghĩ tới, cũng như chẳng hề lưu tâm. Nhưng Sen lại là người nhớ rất rõ ngày chết của những người thân quen. Ngày kỵ cha, nàng thường bịt chiếc khăn chế, dù Sen đã mãn tang từ khi còn là con bé đũng quần lấm bụi, nhảy cò cò với lũ trẻ trong xóm. Hôm đó, chúng tôi đồng loạt dậy sớm, tìm đến nụ hoa Zenia đầu tiên vừa nở. Thực tình, cả thầy lẫn trò đều không ngờ nó đẹp như vậy. Có lẽ luận về cái đẹp là vô bến bờ, và chẳng có cái chuẩn nào để quy về đối sánh. Lúc ấy, chúng tôi thấy những cánh hoa Zenia, dù là giống hoa trồng luống, mọc đại trà, nhưng vẫn đẹp đến không gì so sánh nổi. Bởi, ở từng cánh hoa, đã trở thành nơi tụ lại những ngày chờ đợi mong ngóng của chúng tôi để xem hình dáng nó ra thế nào; bởi ở đây là điểm hẹn mà bao ngày qua, chúng tôi chăm chút tưới tẩm; và bởi đây là món quà của Sen dành cho từ những buổi chợ đắn đo, dành dụm. Thầy trò quyết định không cắt nụ hoa đầu này, mà chỉ dùng giấy màu gói nó lại trên luống trồng và gắn lên trên ấy một tấm giấy ghi chữ thật to và rõ, vì, chúng tôi biết nàng phải đánh vần lâu lắm mới đọc được: "Hôm nay, mười tám năm về trước mạ sinh Sen, chúng tôi chúc Sen vui vẻ, đạt được những gì mình mơ ước. Đây là đoá hoa đầu chào đời từ công lao của chúng ta, dành riêng cho Sen đó ". Làm xong mọi việc, chúng tôi trốn ra vườn sau núp vào các khóm lá để theo dõi và làm bộ như tất cả đều đang còn ngủ. Chẳng khác mọi hôm, từ tờ mờ sáng, Sen rón rén gánh đôi thùng phân vào vườn, chợt nhận ra tấm giấy gói trên luống hoa, nàng tần ngần ngồi xuống. Một phần vì trời chưa sáng tỏ, và một phần vì đọc chậm, mãi một lúc sau chúng tôi thấy nàng bật lên khóc, khóc nức nở, khóc thành tiếng... Ngắt cành hoa và đứng dậy nhìn quanh, tất cả cũng chỉ có nàng và những luống hoa trong sương mờ. Vững tin không có ai nhìn, nàng ép cành hoa vào ngực mình, đứng thẫn thờ một hồi lâu..., nước mắt ràn rụa trên gò má cháy rám. Chúng tôi không biết Sen đang nghĩ gì, chỉ biết rằng hình ảnh ấy quá đẹp trong mắt chúng tôi. Một cảnh tượng dù chúng tôi đã nhìn thấy nhiều lần qua các nàng thiếu nữ tân thời và lộng lẫy khi đến thăm vườn hoa này. Thậm chí, có người đã từng đưa đoá hoa lên mũi khen thơm, cho dù đó chỉ là những giống vốn hữu sắc vô hương. Có người cầm hoa trên tay, trầm trồ ngợi ca màu sắc, dài cánh, nhụy hương..., nhưng, sau khi đấu láo với chúng tôi trở về, lại hồn nhiên bỏ quên, dù đã trả tiền mua chúng. Hình ảnh nàng Sen với những giọt nước mắt bên đoá hoa dại trong buổi sáng sương mờ ngày nào, đã trở thành một tác phẩm hoàn mỹ sống mãi trong lòng chúng tôi cho dù, sau đó không lâu, thầy trò chúng tôi đành tiếc rẻ chia tay, vì các bạn phải ra trường và đi nhận công tác mỗi người một nơi. Chúng tôi giã từ ngày tháng êm đềm cũ bằng một buổi cùng nhau mang tất cả gốc hồng, trồng lại trên một ngôi vườn chùa cạnh Huế. Và cũng từ hôm ấy, nàng ra đi...
Gặp lại Sen sau nhiều năm xa cách, hôm nay tôi mới biết cô đang làm công nhân khuân vác ở một xí nghiệp. Cuộc đời nàng Lady X trong lòng chúng tôi, chỉ được làm vợ có một đêm trong cơn say của một người quen biết. Và cuối cùng... nàng cũng đã có một tác phẩm kháu khỉnh để chia sẻ ngọt bùi, ấm lạnh và để thấy được mình vẫn còn có niềm hạnh phúc của một kiếp người. N.H.T
(nguồn: TCSH số 158 - 04 - 2002)
|