Đầu đề này là một câu thơ của Phan Bội Châu viết trước khi từ giã cõi đời, viết để cảm ơn Huỳnh Thúc Kháng đã vì ông mà viết bài văn sinh vãn “Mừng được đọc bài văn sinh vãn, Chữ đá vàng ghi mấy đoạn tâm can”. Cảm ơn nhưng vẫn dành một câu hỏi lớn: ngàn năm ai biết ta? Câu hỏi ấy, suốt nửa thế kỷ qua, vẫn là một niềm tâm sự nhức nhối. Đúng là như thế. Người đời, trong đó có cả chúng ta, có khá nhiều người không biết đến Phan Bội Châu, hoặc chỉ biết được một phần. Không ít kẻ, không biết là bao nhiêu, còn đánh giá Phan Bội Châu một cách sai lầm hay thiên lệch, cũng không đặt đúng được vị trí Phan Bội Châu trong lịch sử và trong văn hoá nước nhà. Nhưng đến nay, sau hơn 60 năm, quá nửa thế kỷ khi Phan Bội Châu từ giã cõi đời, mới có một sự kiện - tôi cho đúng là một hiện tượng văn hoá quan trọng, có thể phần nào giải được mối tâm sự sâu kín này của Phan Bội Châu. Đó là việc ra đời bộ sách đồ sộ Phan Bội Châu- Toàn tập, một công trình hiếm có. Nói rằng hiếm có, e cũng không quá lời. Trước chúng ta gần hai trăm năm, đã có bộ Ức Trai di tập (1868) của Dương Bá Cung. Ông Dương đã phải dành cả cuộc đời mình nên mới có được một công trình Sưu tầm và giới thiệu thơ Nguyễn Trãi có thể nói là vĩ đại, vì đã vượt qua bao nhiêu sự khó khăn, nhất là về thời gian (đến bốn trăm năm sau Nguyễn Trãi), về hoàn cảnh (việc đi lại, ghi chép, trình độ học hành, không có báo chí v.v...)Ngày nay, tình hình có khác hơn nhưng chúng ta lại có một Dương Bá Cung mới, ứng đáp được nhu cầu học thuật, và có lẽ có thể giải được nỗi niềm “bất thức quân” cho Sào Nam tử được chăng?
Trước hết, sự công bằng đòi hỏi chúng ta phải trân trọng công phu của sự nghiệp sưu tầm bộ sách Phan Bội Châu- Toàn tập. Tôi gọi đây là sự nghiệp, mà không có dụng ý đề cao chút nào. Những người làm công tác văn hoá như chúng ta, ai mà không phải dấn thân vào công việc sưu tầm, tích luỹ. Với một sự kiện lịch sử, một tác phẩm văn hoá nghệ thuật, người quan tâm phải dành công phu thích đáng cho việc tìm hiểu đối tượng, đôi khi chỉ một chi tiết nhỏ cũng đã phải tốn nhiều công phu. Nhưng việc sưu tầm, biên soạn và công bố Toàn tập Phan Bội Châu thì phải nói đúng là một sự nghiệp. Phải thực sự yêu thích, say mê, có thể nói là cúc cung tận tụỵ. Cái tên Chương Thâu lâu nay cũng đã quen thuộc với nhiều người, nhưng cũng cho phép tôi được nhắc thêm vài ý để chứng minh cho điều tôi gọi là sự nghiệp: - Người sưu tầm công trình Phan Bội Châu là người mà Phan Bội Châu xếp vào hàng hậu tử. (Chúc phường hậu tử tiến mau). Người hậu tử có cái may mắn được là kẻ đồng hương, đồng quận với ông Phan, được sống cái không khí thời cuộc tạo ra từ đầu thế kỷ XX. Phan Bội Châu là thần tượng của cả nước, nhưng riêng ở Nghệ Tĩnh thì đã là một ông Thánh (Thánh Đàn). Gia đình, họ hàng, bè bạn xa gần, nói hay không nói, đều đã giúp cho Chương Thâu sống trong niềm sùng bái giai nhân, để tạo cho anh lòng trung thành, bền bỉ đối với hình tượng đẹp đẽ này. Nguyên nhân chính khiến cho Chương Thâu gắn bó với Phan Bội Châu, đầu tiên phải kể từ thực tế ấy. - Tôi cũng tin rằng sự nghiệp giáo dục của chế độ ta đã có ảnh hưởng sâu sắc đến Chương Thâu, tạo nên cái lý tưởng cho anh suốt đời noi theo. Rất nhiều bạn trong giới sưu tầm nghiên cứu chúng tôi không có được sự thuận lợi này. Tôi nhớ lại những trường học phổ thông ở Nghệ An, Hà Tĩnh hồi đầu cách mạng (khoảng những năm đầu của thập kỷ 50) hình như nhiều thầy giáo Văn, Sử vùng Liên khu 4 này đã chú ý cho lớp học sinh của mình biết đến Phan Bội Châu hơn nhiều trường học trong cả nước. Tôi kể ra đây một kỷ niệm nhỏ mà tôi đã được chứng kiến. Tôi đã gặp một đề luận thầy giáo dạy lớp 8, 9 (không nhớ chính xác là ở trường Đặng Dung, Trần Phú hay Phan Đình Phùng), đầu đề thật độc đáo: “Tú Xương và Sào là đôi bạn sơ giao mà tri kỷ. Khi Phan Bội Châu bôn ba hải ngoại thì Tú Xương mới đỗ Tú tài. Em hãy thay lời Tú Xương viết cho ông Phan một lá thư tâm sự!” Không biết bài thơ “ Mấy năm vượt biển lại trèo non” của Tú Xương thì không làm được đề này. Học sinh lớp 8, 9 mà cho làm đề luận như vậy thì việc dạy về Phan Bội Châu ở nhà trường trung học lúc đó phải thế nào, mà chỉ riêng ở vùng Nghệ Tĩnh thôi. Tuổi trẻ học đường xứ Nghệ được tiếp cận theo hướng đó, chắc chắn có thêm ảnh hưởng sâu sắc. Rồi từ cái nền tiếp cận này, Chương Thâu còn được nhiều thầy, nhiều bạn, cả những vị lão thành cách mạng ở quê hương, nhiều ít đều có lòng sùng mộ Phan Bội Châu, giúp cho anh tăng thêm cảm tình và tri thức. Đến lượt những giáo sư, học giả hàng đầu trong cả nước, hoặc ở trường Đại học, hoặc ở Viện nghiên cứu, giúp cho anh định hướng trên con đường nghiên cứu học hỏi: Đặng Thai Mai, Trần Văn Giàu, Trần Huy Liệu, không hẹn mà như cùng giao cho anh một trách nhiệm và một kỳ vọng: “phải đến rồi phải đi, đi mãi với Phan Bội Châu”. Chương Thâu đã biết vâng lời các thầy, thiết thực vâng lời chứ không chỉ vâng lời vì lễ độ. - Điều đáng quý là sự vâng lời này ở Chương Thâu đã biến thành một đức tin. Tôi mượn chữ “đức tin” này của Corneille: đức tin không biến thành hành động, không phải là đức tin chân thành (la foi qui n’ agit point, n’est pas une foi scincère). Chương Thâu tin và đã hành động, hành động một cách kiên trì, bền bỉ và rất thuỷ chung. Anh em cầm bút chúng ta ngày nay thường hay nhảy vào nhiều địa hạt, kể cả những địa hạt không chuyên. Nhưng với Chương Thâu thì phải nói thực tế rằng anh không lúc nào quên Phan Bội Châu cả. Từ đầu chí cuối, cho đến nay, anh chỉ chuyên tìm, chuyên viết về Phan Bội Châu. Cả những khi phải bàn đến các đề tài khác (như về Nguyễn Trường Tộ, về Đông Kinh nghĩa thục, về Hồ Chí Minh v.v...) anh cũng tìm cách lái được hoặc ghé sang với Phan Bội Châu. Đi thực địa cả trong lẫn ngoài Bắc, anh cũng chỉ có mục đích tìm dấu vết, tìm thơ văn Phan Bội Châu. Gặp gỡ tất cả mọi người xa gần, trên dưới, câu hỏi đầu tiên của anh vẫn là câu hỏi về Sào . Những năm tháng dài lâu ở Nga, Pháp, Nhật và Trung Quốc v.v... anh cũng cố mày mò để tìm hiểu về thần tượng mà anh theo đuổi. Và công lao của anh đã được đền đáp với bộ sách Phan Bội Châu- Toàn tập đồ sộ này. - Một bộ sách gồm 10 tập dày dặn dành riêng cho một nhân vật lịch sử, một nhà văn hoá kiệt xuất là một thành quả đáng kể. Nhưng ta còn phải công bằng mà dành thêm niềm trân trọng, vì đây là công sức của một cá nhân. Ai cũng thấy, ngày nay khác với thời Dương Bá Cung, những công trình lớn lao như thế này, phải là công trình tập thể, phải được sự chỉ đạo của Nhà nước hay của một cơ quan có thẩm quyền chủ trì. Chuyện liên hệ ngành nọ ngành kia, tổ chức này tổ chức khác (nhất là với các tổ chức ở nước ngoài), chuyện huy động những khả năng, những chuyên gia đặc trách về các đề tài để đóng góp cho công trình, các cấp (kể cả cấp Viện, cấp Bộ, rồi cấp Nhà nước), rồi cả chuyện kinh phí in ấn, giao lưu v.v... đều là việc vượt quá tầm hạn chế của một người độc lực. Chương Thâu đã không có được những ưu tiên ấy. - Nhưng điểm cơ bản theo tôi, là qua bộ sách này, ta thấy được công lao của Chương Thâu và công lao ấy đã được đền bù cho Chương Thâu, nâng anh lên vị trí của con người nghiên cứu thực sự. Dư luận lâu nay biết đến Chương Thâu, phần lớn xem anh là một nhà sưu tầm, dù có tầm cỡ, thì cũng chỉ giới hạn ở công/phu/bền bỉ/sưu tầm/mà thôi. Không. Bộ sách này không chỉ là bộ sách sưu tầm mà là một công trình nghiên cứu hẳn hoi, dù soạn giả chưa viết được lời tổng kết. Bộ sách, theo tôi, ở phần thiết thực thì ứng đáp được lòng mong mỏi của Phan Bội Châu mong cho những người đời sau hiểu được mình hơn. “Nga nga hồ chí tại cao sơn, dương dương hồ chí tại lưu thuỷ”. Cái cao sơn, lưu thủy của Phan Bội Châu chưa mấy người biết, thì đến nay, ai muốn biết cần phải đọc bộ sách này. Còn ở phần sâu xa, rộng lớn hơn, thì đây là cơ sở vững vàng và đầy đủ cho ta đặt lại vị trí của Phan Bội Châu trong văn hoá và trong lịch sử Việt . Muốn làm được công việc này, người sưu tầm không phải chỉ biết một việc sưu tầm, gặp tài liệu ở đâu thì sưu tầm ở đó, mà phải có một ý đồ khoa học hẳn hoi. Việc sưu tầm phải được cùng một lúc đặt ngang với chương trình nghiên cứu. Phải có hướng đi từ trước, phải hình dung được cả hệ thống vấn đề và cách thức triển khai ở từng khía cạnh. Vì đây là sưu tầm để đi đến một đối tượng nhân vật và làm sáng lên sự đa dạng, đa dạng mà lại rất tập trung ở nhân vật ấy. Có sự thuận lợi là Phan Bội Châu là một nhân vật lịch sử có tiếng tăm, được ghi chép và ghi nhớ ở nhiều nơi. Nhưng cái khó lại chính là ở đó. Cái khó nữa là Phan Bội Châu thuộc thế hệ các nhà nho, mà vốn liếng nho học của chúng ta so với các cụ ngày xưa, thì kể cả các bậc thầy của Chương Thâu nữa vẫn là hạn hẹp. Người nước ngoài nói đến cụ Phan tất nhiên phải viết bằng tiếng nước họ, tiếng Trung Quốc, tiếng Nhật, tiếng Pháp v.v... càng gây khó khăn cho mình hơn. Chỉ quen với sưu tầm không thôi, không có bản lĩnh và vốn liếng của người nghiên cứu sẽ khó hoàn thành công việc. May mắn là Chương Thâu đã vượt qua được những trở ngại này. Nhìn trên đại thể, thì Phan Bội Châu- Toàn tập đã làm sống lại cả một giai đoạn lịch sử và phần nào làm sống lại khá trọn vẹn một con người là “vị thiên sứ, đấng xả thân” như Nguyễn Ai Quốc đã từng nhận định. Tài liệu về hành trang cá nhân đầy đủ nhất với bản tự truyện (tập 6). Đặc biệt là các thư từ cụ Phan giao thiệp với người trong nước, người nước ngoài đều được ghi lại khá đầy đủ, giúp ta hình dung được cuộc đời cách mạng của nhà lãnh tụ và sau đó là người sáng lập Việt quang phục hội. Chặng đường thứ nhất, ta biết được mối quan hệ với các chí sĩ trong nước. Chặng thứ hai là con đường bôn ba hải ngoại, sự liên hệ với những Sầm Xuân Huyên, Đại Ôi, Cung Kỳ Thao Thiên, Tiểu Thiên Thọ Thái Lang và cả Toàn quyền Xa-rô trong chính quyền thực dân. Chặng đường cuối cùng, ta lại được biết mối tình cả nước đối với “Ông già Bến Ngự” qua những chứng minh cụ thể bằng văn bản, bằng thư từ. Phải thành thực mà thú nhận rằng, khá nhiều người trong chúng ta đã từng trầm trồ với Lưu Cầu huyết lệ tân thư, hay băn khoăn về Pháp Việt đề huề luận, mà đã mấy người được đọc. Chương Thâu đã bổ sung cho vốn kiến thức của tất cả chúng ta về Phan Bội Châu một cách toàn diện, với tư cách là nhà nghiên cứu của mình. Có thể kể qua một vài điểm nổi bật nhất: 1. Nhà nghiên cứu đã làm tốt công tác văn bản. Tất cả những tác phẩm lớn của Phan Bội Châu đều được khảo sát kỹ càng: Việt vong quốc sử (tập2), Việt nghĩa liệt sử (tập 5), Hải ngoại huyết thư (được phiên âm nguyên văn và dịch ra quốc ngữ là điều lâu nay chưa ai làm). Đặc biệt cuốn Phan Bội Châu niên biểu (tập 6) được khảo sát rất kỹ càng, chu đáo, xác định được thời điểm sáng tác một cách thuyết phục. Công phu đính chính và phát hiện rất đáng ghi nhận, như việc xác định lại Phan Bội Châu đúng là tác giả của bài ca thường được gọi là bài Á tế á hay Đề tỉnh quốc dân ca mà tên chính là Hải bô thần ca (có sự đóng góp của Võ Văn Sạch). Nhà nghiên cứu cũng cho ta biết được những tác giả trong sách Việt nghĩa liệt sử: ai là Đặng Tử Mẫn, ai là Đặng Đoàn Bằng, Lưu Song Tử, Trần Quốc Duy v.v... Đặc biệt có sự phát hiện về vở tuồng Việt vong thảm trạng (có sự đóng góp của Quang Đạm) là điều lâu nay không ai biết. Tôi rất trân trọng việc Chương Thâu đã công bố một số bài phú của Phan Bội Châu khi còn là học sinh, được ghi trong sách Đông Khê hiên luật phú, sách giáo khoa của gia đình cụ Nguyễn Thức Tự (tập 1). Lâu nay là chỉ nghe tiếng chứ chưa ai đề cập đến (trừ một trang sơ lược trong sách Sào thiên cổ sự, Nxb Thuận Hoá, 1998). Tôi nghĩ người viết về giáo dục Việt xưa, phải cảm ơn Chương Thâu về khối tư liệu này. 2. Trên đây, để nói qua rằng Phan Bội Châu cho đến cuối đời mình, vẫn mang một nỗi niềm sâu kín: thiên hạ thuỳ nhân bất thức quân. Thực vậy, đa số người Việt ta chưa “thức quân” bao nhiêu. Người ta chỉ nghĩ cụ Phan là người chủ trương đánh Pháp, cầu Nhật, là nhà cách mạng quốc gia. Như vậy là không đầy đủ và cũng không chính xác. Nhà nghiên cứu Chương Thâu không viết luận đề, không biện bác, mà chỉ bằng cách giới thiệu Phan Bội Châu- Toàn tập, để làm cái nhiệm vụ “thức quân” này. Tôi tin rằng ai đọc hết cả 10 tập sách này, sẽ thấy hiện ra trước mặt chúng ta là một con người vĩ đại Phan Bội Châu. - Đúng là một nhà cách mạng quốc gia, nhưng không phải cái quốc gia hẹp hòi của thời đại phong kiến. Ông đã vươn lên, từ tầm văn hoá dân tộc tiến sang tầm văn hoá khu vực. Phải hiểu việc ông đi Đông du ở khía cạnh văn hoá này. Thêm vào đây, lần này chúng ta có trong tay bài văn Ai Việt điếu Điền (tập 2) càng cho thấy rõ là cái nhìn của ông không bó hẹp. - Là nhà cách mạng quốc gia, nhưng đường lối cách mạng quốc gia của ông là linh hoạt. Ông đã đi theo sự tiến hoá của nhân loại, biết tuỳ theo hoàn cảnh mà định chủ trương (Vấn mục đích, bắt vấn thủ đoạn).Khi nghe những ý kiến về Pháp Việt đề huề, có người đã nghi ngờ lòng chung thuỷ của ông - vì chỉ mắc mớ với chữ nghĩa chứ không hề đọc, và cũng không biết đến cả những tài liệu khác như Dư cửu niên lai sở trì chi chủ nghĩa. Cũng lạ, khi ta xem chủ trương thay đổi của Quốc tế cộng sản để đối phó với chủ nghĩa phát xít, chủ trương của Đảng ta đối với Nhật, nhất là với Pháp, khi đánh khi đàm, vừa đánh vừa đàm, thì ta tán thành, mà khi nói đến chủ trương của Phan Bội Châu chuyển tấn công sang đề huề thì ta lại có ý không ưng. Điều cụ Phan xót xa: tiền lộ vô tri kỷ” quả là có lý do chính đáng. - Ta vẫn thường nghĩ rằng các nhà chí sĩ, các anh hùng chống Pháp thời phong kiến, chỉ biết đánh địch bằng vũ lực, không biết đến những hình thức vận động cách mạng mới, thường có định kiến rằng Phan Bội Châu cũng thuộc vào lớp người này. Té ra không phải: chuyện đi cầu viện Nhật Bản chủ yếu là việc cho học sinh đi học nước ngoài. Hãy tưởng tượng là vào giai đoạn lịch sử ấy mà thu xếp, liên hệ được với một số trường để cho hàng trăm học sinh Việt Nam đến học ở đất Đông Kinh thì quả là một thành công độc đáo, không một lãnh tụ, một tổ chức nào làm được, dù ở những nơi có bạn bè, đồng chí giúp đỡ nhiệt tình. Lập hội “du học sinh” rồi lập hội Việt Nam quang phục, hội Đông Á đồng minh, hội Điền Quế Việt liên minh và soạn sách, viết báo, tổ chức kỷ niệm anh hùng liệt sĩ ngay trên đất nước người, mở rộng giao lưu với các nhân sĩ ngoại quốc v.v... Bộ sách Phan Bội Châu - Toàn tập cho thấy những điểm đó một cách cụ thể để có thể hiểu đúng về Phan Bội Châu. 3. Là chí sĩ cách mạng, là anh hùng yêu nước, Phan Bội Châu còn là một nhà văn hoá nữa, nhưng thật ra thì nhiều người cũng không có điều kiện nhận rõ được nhà văn hoá Phan Bội Châu. Đa số hình như quen xem ông là một nhà thơ cổ động xuất sắc: “Phan Bội Châu, câu thơ dậy sóng” có lẽ là ý chung của rất nhiều người. Nhưng với Phan Bội Châu - Toàn tập ta còn thấy được: - Ông cũng có thể ngồi chung với các nhà sử học với nhiều công trình chuyên về sử cách mạng, về truyện ký danh nhân. - Ông là một nhà báo, một nhà chính luận với ngòi viết sắc bén, kịp thời. - Ông là một nhà thơ, và đừng quên rằng ông vừa là một thi sĩ cổ điển, lại vừa là một nhà thơ bình dân. Các thuật ngữ “thơ bình dân” này chính ông tự đặt ra, ngay vào thời kỳ mà văn học ta có phong trào Thơ Mới. Cùng với thơ ca, ông còn có nhiều bài phú, văn tế, câu đối. Riêng văn tế, câu đối, ông cũng đứng vào hàng đầu những tác gia chuyên trách hai thể loại này. - Ông còn sở trường cả một số loại hình nghệ thuật, có viết tuồng, viết chèo. Có thể ở lĩnh vực này ông không xuất sắc lắm, nhưng lại có hiện tượng là tác phẩm của ông rất được truyền tụng như tuồng Trưng Trắc. Người dân đã đặt nội dung lên trên hình thức, khiến cho ta phải suy nghĩ về những vấn đề thuộc lý luận văn học có thể gợi ra. - Đặc biệt, Phan Bội Châu còn viết truyện ngắn, viết tiểu thuyết. Trùng Quang tâm sử xứng đáng là cuốn tiểu thuyết luận đề có vị trí nhất định. Tôi đã nói đến nghệ thuật viết truyện ngắn của nhà chí sĩ, được Chương Thâu trích in trong bộ sách này (tập 7). Nhưng lần này, Chương Thâu có tìm ra cuốn Không trung duyên (Duyên trời) là một phát hiện độc đáo nữa. Hi vọng rồi đây có nhiều nhà phê bình sẽ chú ý đến cuốn truyện này. Bấy nhiêu vấn đề, đều được thu thập đưa vào Phan Bội Châu- Toàn tập, đủ để khẳng định Phan Bội Châu là một nhà văn tầm cỡ. Văn học sử Việt chắc chắn phải định vị lại cho ông, và Chương Thâu phải được tính công trong việc chỉnh lý lại những quan niệm cũ. Còn một lĩnh vực nữa, nhiều nhà cách mạng có hoạt động văn hoá đã không theo kịp Phan Bội Châu. Hai bộ sách Chu Dịch và Khổng học đăng (tập 9 và tập 10) cho ta thấy ông Phan còn là một học giả thực sự. Nếu tôi không lầm thì những tác phẩm về nho giáo này đã được soạn trước cả những công trình của Trần Trọng Kim, Đào Duy Anh, Ngô Tất Tố, (dù đến nay nó mới được in ra). Mà cách nghiên cứu của Phan Bội Châu cũng có đặc điểm khác mọi người. Tôi đã có lần nói rằng: “Phan Bội Châu biết đặt Nho giáo vào hoàn cảnh hiện tại để giúp cho người đọc có thể lĩnh hội được tinh thần Nho giáo mà vận dụng vào cuộc sống đương thời”(1). Cái mới của Phan Bội Châu là ở đó. Và như vậy, ta vẫn phải xếp Phan Bội Châu vào hàng ngũ những nhà tư tưởng Việt , khi mà cuốn sách Lịch sử tư tưởng Việt được biên soạn. 4. Tôi cho rằng bộ sách Phan Bội Châu - Toàn tập của Chương Thâu sưu tầm, biên soạn còn giúp ích cho việc nghiên cứu, ảnh hưởng chủ nghĩa Mác-Lênin ở Việt Nam. Nói điều này, chắc có người còn băn khoăn hay nghi ngại. Nhưng sự thật là thế này. Phan Bội Châu - Toàn tập đã được tập hợp lại cùng một chỗ, các tác phẩm như: Lênin liệt truyện, Xã hội chủ nghĩa, Phạm Hồng Thái, Chủng diệt dự ngôn, và Duyên trời. Bấy nhiêu tác phẩm đều cho ta thấy tư tưởng Mác Lênin của Phan Bội Châu là có thật và rất thiết tha, đằm thắm. Mấy chữ “tư tưởng Mác Lênin của Phan Bội Châu” là tôi mượn của tiến sĩ Jorgen Unselt, ở trường đại học Heidelberg, Cộng hoà liên bang Đức. Tiến sĩ viết bài này năm 1990 khi chuẩn bị luận án tiến sĩ ở Hà Nội, nhưng đến bây giờ tôi (và có lẽ cả các bạn đọc nữa) mới được biết, nhờ có Chương Thâu trích dẫn (tập 7). Tiến sĩ đã khẳng định rằng “nhà cách mạng già đo - Phan Bội Châu- vẫn quyết tâm thực hiện tư tưởng Bônsêvích ngay cả trong thời gian bị giam lỏng ở Huế” (tập 7, trang 309). Những điều này rất phù hợp với ý kiến của tôi (2), và tôi thấy rằng sách Phan Bội Châu- Toàn tập sẽ có thể chứng minh một cách xác đáng. Trở lại một chút, với cuốn tiểu thuyết Duyên trời, ta thấy rõ ràng niềm tin và sự ca ngợi của Phan Bội Châu đối với Mác, Lênin và Liên Xô là chân thành, thiết tha, muốn biến thành hành động. Tôi tán thành ý kiến của Jorgén Unselt rằng từ Phan Bội Châu đến Hồ Chí Minh là một sự “kế thừa biện chứng”. Và tôi cũng mong muốn như tiến sĩ trường đại học
Heidelberg
: giá như có một đài kỷ niệm Phan Bội Châu đặt ở Hà Nội cùng với lăng Hồ Chí Minh thì sẽ tốt đẹp biết bao!” (3) 5. Bộ sách Phan Bội Châu- Toàn tập còn có một ưu điểm (cũng ưu điểm trong tư cách của nhà nghiên cứu) là đã thu thập được rất nhiều ý kiến nhận định về Phan Bội Châu của các nhà học giả trong nước, ngoài nước, kể cả những nhận xét ngắn gọn của nhiều người trong các tầng lớp nhân dân. Nhiều sách, nhiều bài đã viết về ông Phan, khó mà kể hết, nhưng các đoạn trích dẫn ở đây đều có thể xem là tiêu biểu, nói được từng khía cạnh trong con người Phan Bội Châu, tuy chưa phải là đầy đủ (sẽ nói dưới đây). Thơ văn, câu đối ca ngợi nhà chí sĩ cũng đã được ghi lại một số (thật ra trên mấy chục số báo Tiếng dân năm 1940 còn nhiều hơn), mà tiêu biểu là bài văn tế của Huỳnh Thúc Kháng. Rồi còn có cả những bài vè. Phan Bội Châu quả thực đã sống trong lòng nhân dân, trong lòng dân tộc. Bộ sách Phan Bội Châu- Toàn tập này có khuyết điểm nào không? Tất nhiên là phải có. Làm ra một bộ sách hàng mấy ngàn trang như thế, sao lại không có những thiếu sót nhất định. Nhưng tôi cho rằng những khuyết điểm về in ấn, thì người đọc có thể dễ dàng nhận ra và tự chữa lấy, mà cũng không nhiều lắm. Nhà xuất bản cũng như ban biên tập có thể nhận được sự hoan nghênh của bạn đọc, hoan nghênh một cách chân tình. Về nội dung, sự phân bố như vậy cũng tiện cho sự tiếp nhận phổ thông, cách an bài các tác phẩm theo thứ tự thời gian như vậy là hợp lý, dù rằng cũng dễ gây lúng túng cho sự nhận định theo hệ thống khoa học. Giá mà ở tập cuối cùng, người nghiên cứu sưu tầm có thêm vài trang sơ kết các tác phẩm theo các bộ môn khoa học và nghệ thuật, thì giúp cho sự nhận diện nhà cách mạng, nhà văn hoá Phan Bội Châu được hệ thống hơn. Lẻ tẻ, ở từng loại hình, Chương Thâu chỉ cung cấp tài liệu mà không góp thêm những lời kêu cứu (như anh đã làm tốt ở một số văn bản được khảo sát), chắc sẽ để tồn tại một số băn khoăn. Thí dụ khi giới thiệu tác phẩm Tuồng Trưng nữ vương, tôi nghĩ có thể ghi chú thêm vấn đề do Ninh Viết Giao gợi ra cho rằng nguyên bản có lẽ là do Vương Thúc Lương viết. Nhưng tôi vẫn công nhận là Chương Thâu đã làm việc khá thận trọng. So với bộ sách xuất bản năm trước (1990) ở Huế, nhiều tài liệu tồn ghi hoặc không chính xác, đã được bỏ đi, chỉ để lại những gì có thể khẳng định được là của Phan Bội Châu. Trong số những nhận định lâu nay về Phan Bội Châu, còn có nhiều ý kiến cần phải được trao đổi lại. Tôi đã phê bình nghiêm khắc những loại ý kiến này trong cả một chương sách dài. Xin miễn nhắc ở đây. Tôi thấy Chương Thâu đã không muốn đưa các vấn đề này vào, vì không phải chỗ để tranh luận (bộ sách này chỉ là sưu tầm). Có chăng một phương pháp khác để đề cập vấn đề cho được trọn vẹn hơn, vì trong bao nhiêu thức giả, cũng không ít những con người “bất thức”(tôi dùng lại chữ vô tri kỷ và bất thức quân của cụ Phan). Nhưng cũng có thể cho qua được, vì ta hy vọng, sau bộ sách này, sẽ có những đề tài khoa học về Phan Bội Châu bổ sung cho. Sách Toàn tập này còn có một số bài chưa trọn vẹn, thì không phải lỗi ở Chương Thâu. Chương Thâu đã được nhiều người, nhất là các cụ lão nho Nghệ Tĩnh giúp đỡ. Bạn đọc chắc đồng tình với tôi, cùng với Chương Thâu cảm ơn các cụ, hi vọng là trí nhớ của các cụ phản ánh đúng sự thực để ta thấy rõ Phan Bội Châu quả là một nhà văn hoá lớn của đất nước. Những gì chưa trọn vẹn là sự bất cập của Chương Thâu, và của cả chúng ta. Tôi cũng xin được cùng với Chương Thâu, thú tội trước hương hồn cụ Phan. Nhiều trường hợp, tôi đã không giúp được Chương Thâu bổ sung cho kho tài liệu mà vì thời gian, vì tình trạng đất nước, tôi đã không giữ trọn được những báu vật Phan Bội Châu để lại cho mình. V.N.K
(nguồn: TCSH số 158 - 04 - 2002)
--------------------------------- (1) Sách “Sào Nam thiên cổ sự” - NXB Thuận Hoá 1998 trang 320 (2) Cũng sách trên, các trang 283, 321. (3) Tập 7, trang 310. (4) “Sào thiên cổ sự” trang 340 - 354
|