Tạp chí Sông Hương - Số 158 (tháng 4)
Hồng Nhu - ngọn gió chướng miệt đầm
16:35 | 18/08/2008
VỌNG THẢO... " Đôi trai gái đến nhót từ trong thau ra mỗi người một con cá ngậm ngang mồm, trút bỏ áo quần, trần truồng dắt tay nhau xuống nước. Hai con cá ấy là lễ vật dâng Thần Đầm. Chúng sẽ chứng kiến cái giờ phút linh thiêng hòa nhập làm một của đôi vợ chồng mới cưới, ngay trong lòng nước... Cuộc giao phối xong, đôi trai gái mới được há miệng. Hai chú cá liền bơi đi...".

Hình như đấy là một đoạn trích nhỏ của huyền thoại? Hay một câu chuyện cổ tích vừa lạ vừa quen đối với những người dân đầm Mỹ Lợi, Cầu Hai - chốn quê đã sinh ra một Hồng Nhu tài hoa với lối viết văn xuôi chín đầy kinh nghiệm?
Đoạn trích nhỏ trong truyện ngắn "Lễ hội ăn mày”, và tập truyện cùng tên xuất bản năm 2001 của Hồng Nhu như dẫn dắt người đọc miên man trong những mê cung huyền tưởng. Không bất ngờ, ấn tượng bởi kết cấu và thời gian rối theo kiểu "đục lỗ thủng bằng thời điểm để quay nhìn lại" của tác giả tiên phong dòng ý thức M.Proust nhưng người đọc thật sự bất ngờ trước nghệ thuật xây dựng truyện bằng những chi tiết tưởng chừng không bao giờ có thực của nhà văn. Đi sâu vào đoạn khúc trong cuộc đời một người đàn bà, một cô bé ăn mày đến một đời làm vợ trên hoang vu đầm phá, sự mặn mà kinh nghiệm của nhà văn khiến ông mang vào tác phẩm hơi thở của gió lạnh biển khơi và tràn trề những hy vọng ấm áp trong nhiều đoạn cắt, càng tô đậm thêm phong tục, lối sống của con người miệt đầm. Vừa "lạ hóa", vừa huyền tưởng, "Lễ hội ăn mày", là cuốn phim được lắp ghép bằng thủ pháp nghệ thuật điện ảnh hiện đại. Có những ngày rằm tháng 7 không nghi ngút trầm hương lễ cúng cô hồn của người dân xứ Huế mà mang dáng dấp của một lễ hội cổ xưa, khấp khởi yêu thương và buồn vui trầm lắng.
Toàn bộ tập truyện ngắn của Hồng Nhu bao gồm những hình ảnh sông nước, đất trời, tình người và số phận... bằng những khám phá của một linh hồn gió chướng chỉ thích đi vào tâm hồn trong sâu cùng ngõ ngách và bộc lộ thái độ sống của mình. "Những điều tốt đẹp, vẹn toàn không phải tự trên trời rơi xuống mà con người phải tự tìm lấy, tự giành lấy" (Giếng loạn)...
Phải chăng, từ một chuyển kết giản đơn ấy mà người thợ săn đã tìm rừng làm bạn, và biết xót xa trước nụ nhài mong manh không nở nổi giữa mùa đông hay những cánh chim vàng anh cũng manglại vấn vương khi chia lìa đôi lứa. Với "Người trong rừng sớm", người đọc có lúc không khỏi băn khoăn chất na ná "Muối của rừng" của Nguyễn Huy Thiệp. Nhưng không... Những băn khoăn của nhân vật chính khác xa với cái kết huyền thoại của lão Diên thợ rừng lão luyện trước mùa hoa tử huyền. Nhà văn như không nói gì cả. Thế giới lại được đẩy lùi ra xa và cứ thế những ngôn ngữ tự mình gắn kết, tôn tạo những ẩn ngữ giản dị, làm tác phẩm vừa "đời thường" vừa không kém phần tinh tế. Ở nhiều truyện ngắn, sự chậm rãi của con chữ được kéo dài thái quá. Đó không phải là một giãi bày. Đỉnh cao của giản dị như bất chợt hóa thành vô thiếc, và 9 truyện ngắn trong tập truyện là dòng chảy của nước, của sự chìm sâu từ nước đến gió chướng lạnh mù; mang vô thứ hiển bày giữa những cốt truyện thâm trầm, hồn hậu.
Vừa yêu thương, vừa sáng tạo những ước vọng, gian khổ, âu lo của con người, trong nhiều tác phẩm khác của mình, ngọn gió chướng miệt đầm ấy càng trải qua thời gian, càng chín tới, càng kết tinh sự mặn mòi của biển trời vào tâm hồn sông nước. Giữa biển trời mênh mang ấy, "Lễ hội ăn mày" của Hồng Nhu đã vượt qua hành trình của những giới hạn, chậm rãi rong chơi giữa bến không cùng!
Huế, 1.2002
V.T

(nguồn: TCSH số 158 - 04 - 2002)

 

Các bài mới
Các bài đã đăng