Tạp chí Sông Hương - Số 159 (tháng 5)
Hành trình đi tìm nguồn cội của một ý tưởng: Festival Huế
10:13 | 19/08/2008
TRẦN HOÀNG PHỐ(Gặp gỡ Anh Nguyễn Khoa Điềm) 1- Những ngày cuối đông năm ngoái và đầu xuân Nhâm Ngọ năm nay, thành phố Huế như đang chuẩn bị hồi sinh. Khắp nơi rộn rịp không khí chuẩn bị Festival năm 2002.

Cảnh vật thiên nhiên như cũng tưng bừng với cỏ cây hoa lá xinh tươi hòa lẫn với lòng người cũng như muốn phơi phới náo nức.
Bộ mặt thành phố như thay đổi hẳn. Người ta sửa sang lại vỉa hè, đường sá, bờ sông, công viên, cầu cống,... Dọn dẹp chỗ không vừa mắt, che dấu cái cảnh đời thường vào một nơi khuất tất, phô bày những cái đẹp mắt, thơ mộng.
Như thể bao lâu rồi, ở trong một ngôi nhà bề bộn ngủ yên, người ta xáo tung lên tất cả, sắp đặt lại tất cả, dọn dẹp, quét vôi, sơn lại cửa nhà, lau dọn những chỗ bẩn, trưng những cây cảnh, bình hoa, treo lại các bức tranh để đón các khách quý, vừa biểu thị lòng trọng thị khách và cũng để phô bày cái vẻ tự hào ngầm. Cái ngôi nhà được trăm con mắt biết tiếng đẹp - xinh.
Huế cũng như vậy, thành phố cũng đang chuẩn bị đón không chỉ một người khách quý ngoại quốc mà những cả nhiều đoàn: từ trời Tây có, từ các nước Asean có, và đặc biệt ba con rồng của thế kỷ XXI: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Một niềm vinh dự lạ thường, Huế được thay mặt cả nước để tổ chức một Festival hội tụ cả Đông Á bừng sáng trên nền trời của thế giới. Huế đưa tay giăng qua một đại dương để bắt với một châu lục từng là tâm điểm của nền văn minh cận và hiện đại: Châu Âu, qua một xứ sở đại diện - nước Pháp.
Thay cho một quá khứ chiến tranh, hằn thù, nghi kỵ, đối đầu, người ta tiến đến hiện tại và hướng đến một tương lai hòa bình, hữu nghị, hợp tác để phát triển.
Một ngôn ngữ chung cho một hiện tại và tương lai đó: văn hóa và nghệ thuật. Cái tiếng nói có từ ngàn xa làm giàu có và tô điểm cho vẻ đẹp con người nhân loại và các dân tộc. Đem cái vẻ đẹp tinh túy của mỗi một dân tộc, để làm phong phú cho vẻ đẹp chung của con người, đó cũng là ý nghĩa sâu thẳm của một Festival văn hóa - nghệ thuật.
Festival là hội lễ của khuôn mặt thanh bình và dựng xây của nhân loại.
Nó đẹp từ trong ý tưởng, bất kể khuôn mặt có thể bất toàn trong thực tế.
Nhưng tại sao lại chọn Huế làm tâm điểm để tổ chức Festival? Tại sao cả hàng chục thành phố của nước Việt Nam anh hùng, đau thương, và đang tái thiết người ta lại chọn một thành phố nhỏ bé, hiền hòa này để tổ chức Festival và không chỉ một lần mà là lần thứ hai. Và lần này lại quy mô đồ sộ hơn, đối tượng tham dự lại mở rộng hơn: Từ Huế - Việt Nam và Pháp, tiến đến Huế - Việt Nam - Pháp, cả Asean và rồi cả những con rồng Đông Bắc đang thay nhau bừng tỉnh làm cả trời Tây phải nể phục.
Cái vấn nạn đó nó cũng khá cắc cớ như khi người ta đặt câu hỏi: Tại sao Chúa lại chọn Móse làm người dẫn dắt dân tộc Do Thái đến "vùng đất hứa"?
Nhưng cái đầu óc của con người cũng thật kỳ lạ, nó cứ bỡ ngỡ ngạc nhiên và từ sự ngạc nhiên đối với thực tại, nó lại tìm cách trả lời.
Đó cũng là một phương thức con người tự tồn tại với tư cách "một cây sậy biết tư duy".
Suy nghĩ làm cho người ta hiểu sâu hơn một sự việc, một thực tại. Dưới khuôn mặt hiển hiện đa dạng, nhiều sắc màu của một thực tại, ẩn giấu một khuôn mặt bên trong sâu kín, đó là cốt tủy, bản chất hình thành cái khuôn mặt đa sắc tướng bên ngoài.
Vậy thì: Ý tưởng chọn Huế làm Festival quốc tế bắt đầu từ đâu?
Ai đã có sáng kiến kỳ diệu này?
Kiểu ý tưởng kỳ diệu đó có lần Archimède đã phát biểu: "Hãy cho tôi một điểm tựa, tôi có thể bẩy cả thế giới".
Một ý tưởng có thể làm một thành phố phục sinh cả bên ngoài lẫn bên trong tâm hồn, cả vật chất lẫn tinh thần. Một ý tưởng có cánh bay của một Thiên thần, một chiếc đũa thần nhiệm mầu của một bà Tiên nhân từ gõ vào một lâu đài đang “ngủ quên” bỗng trở nên sống động nói cười đi lại và cuộc sống lại hồi sinh mạnh mẽ hơn, hào sảng hơn.
2. Tổng biên tập Nguyễn Khắc Thạch dự định sẽ làm một số "Sông Hương" đặc biệt để chào đón Festival. Anh hỏi tôi có thể viết một cái gì đó không? Chẳng hiểu sao, tôi buột miệng nói ngay: Có thể là một bài viết về nguồn gốc của ý tưởng Festival Huế chăng?
Một suy nghĩ đã có từ lâu, hay chỉ là một trực cảm. Có lẽ là trực cảm thì đúng hơn. Suy nghĩ đó chắc là nằm đã lâu trong cái cõi nào đó của vô thức. Chỉ là lâu nay, tôi cứ đọc mấy cuốn sách viết về Huế, cả "thượng vàng lẫn hạ cám", Ta có, Tây có. Và có lẽ cái vẻ đẹp tịch lặng bị bỏ quên của hình ảnh Huế như "nàng công chúa ngủ trong rừng" cả hàng mấy chục năm đã găm sâu trong ký ức chăng?
Ai đã làm cho nàng công chúa ấy thức giấc vậy? Chàng hoàng tử Festival quê quán là đâu?
Đôi khi điều mình nghĩ là hay, hấp dẫn thì khi trình bày cho người khác nghe, người ta lại làm cho mình "cụt hứng" vì xem đó là điều viển vông.
May thay hay bất hạnh, sau khi thừ ra một lúc suy nghĩ, Tổng biên tập mỉm cười: Ừ, lý thú đấy. Anh cứ tiến hành đi.
Tôi nghĩ thầm đúng là một tay xuất thân từ "thiền gia" mới dám chấp nhận một "cái đinh" của bài viết như vậy. Cũng phải là dân sống có chiêm nghiệm mới nhanh nhạy bắt chợp cái đề xuất có vẻ rồ dại kia.
Đề xuất mà không được nhận thì buồn. Nhưng được nhận rồi thì lại lo. Vì biết bắt đầu từ đâu đây?
3. Như một chàng Đôn Kisốt, tôi phóng lên chiếc xe "cúp" đã lỗi thời để bắt đầu một chuyến phiêu lưu dài, với "một ngọn giáo của lòng quyết tâm", tìm cho được "bông hoa hồng xanh của ý tưởng Festival".
Để bắt chộp một mùi hương, mùi hương vô hình vô ảnh của ý tưởng Festival, là một người từng làm công việc khoa học, trước hết, tôi thiết lập những giả thiết, rồi đi tìm chứng cớ, để có thể khẳng định, hay loại bỏ. Nhưng cũng phải nói một điều: những giả thiết khoa học thật ra cũng chỉ là những cái mốc mình hình dung trong trí tưởng tượng, một tấm bản đồ giả định để dò đường. Một chút kinh nghiệm khoa học của tôi, khi bước vào con đường thực, ta gặp không biết bao nhiêu điều ngạc nhiên, bỡ ngỡ, nhiều hoa thơm cỏ lạ ở những lối rẽ bất ngờ, mà những lối rẽ đó, nhiều khi lại là con đường đi đến chân lý có vẻ đúng nhất.
Giả thiết đầu tiên của tôi: cái ý tưởng kỳ diệu đó chỉ có thể xuất phát từ một người có đủ những điều kiện sau: a) phải là một trí thức có tầm nhìn xa thấy rộng; b) phải là một người thuộc giới văn nghệ sĩ Huế để có đủ một trí tưởng tượng bay bổng nghĩ ra một khác thường như thế; c) phải là người có "tâm" với Huế, yêu cái thành phố và cái quê hương thơ mộng này hết lòng, đến đắm say; d) phải là người có chức quyền, chức quyền thuộc loại khá cao trong bộ máy quyền lực Nhà nước.
- Với giả thiết như thế và với những điều kiện như thế, người mà tôi nghĩ đến đầu tiên và cũng là duy nhất: Nguyễn Khoa Điềm. Một con người hội đủ tất cả các điều kiện trên: Từng là Bí thư Thành Đoàn Huế, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Bình Trị Thiên, Tổng Biên tập Tạp chí Sông Hương, Phó bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế (phụ trách trực Thường vụ Tỉnh ủy), Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, kiêm Bí thư Đảng Đoàn Hội Nhà văn Việt Nam, Thứ trưởng rồi Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin, Ủy viên Trung ương Đảng, rồi trong Đại hội Đảng toàn quốc vừa qua là Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Trung ương Đảng,Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa TW. Một con người gắn bó máu thịt và tâm linh với Huế và cũng là một cống hiến, một "quà tặng" của Huế cho các bộ máy của Nhà nước và Đảng, từ thấp đến cao, và đương nhiên ở vị trí cao như vậy trong guồng máy, vả lại yêu thương Huế hết lòng, anh Điềm có đủ điều kiện nhất cho việc nghĩ ra một ý tưởng diệu kỳ.
4. Tôi còn nhớ cái ngày trước Tết cách Festival Huế 2002 hai năm, nghe tin anh Nguyễn Khoa Điềm trở lại Huế. Buổi sáng hôm đó, tôi phóng xe về thăm anh ở ngôi nhà dưới Vỹ Dạ, trên đường về Thuận An, qua chợ Mai một quãng, một ngôi nhà xưa cổ nằm sâu trong một khu vườn rộng mênh mông, với một ngõ sân có hàng chè tàu, một ngôi nhà vườn Huế thực thụ, chắc cũng đã có tuổi gần 100 năm. Ngôi nhà mà từ thuở quen rồi thân anh, những năm 80, tôi đã đi về hàng vài chục lần. Cái thuở anh còn là Bí thư Thành đoàn Huế, rồi phụ trách Tạp chí Sông Hương. Khi thì nói chuyện văn chương nghệ thuật, khi thì chuyện đời, chuyện xã hội. Khi buổi sáng, có khi thì chiều tối.
Vườn tược đã quét dọn sạch sẽ, sân không một chiếc lá, nhà cửa thì đã quét vôi lại mới mẻ. Nhưng lại không thấy người xưa, một người bà con của anh có lẽ ở trông nhà, bảo tôi: anh ở lại Nhà khách 5 Lê Lợi và hỏi tôi là ai. Tôi chỉ mỉm cười bảo: là bạn, và chẳng xưng danh.
Vậy mà chỉ buổi chiều hôm đó, anh lại điện thoại đến tôi. Hỏi tôi có phải tôi đến chơi không? Tôi bảo "Phải". Anh mời: "Hôm sau, buổi chiều đến Nhà khách, phòng anh nói chuyện chơi".
5. Vậy là cái hình dáng cao quá khổ của tôi, con ngựa già màu vàng - chiếc xe cub cổ lỗ của tôi - cũng dễ giúp cho người ta nhận diện.
Hôm sau, buổi chiều, anh lại điện tới tôi, xin lỗi là không thể dành thời gian để tiếp riêng tôi được, mà mời tôi đến Hội Văn nghệ, anh đang có một buổi gặp gỡ với anh em cán bộ cốt cán Hội và Tạp chí SH, để có thể trò chuyện luôn vì ngày mai, có việc bận phải trở ra Hà Nội.
Tôi nhớ chiều hôm đó, hình như chỉ có BCH Hội và Ban Biên tập Tạp chí SH mà tôi thì không thuộc cả hai. Anh Điềm lúc đó còn là Tổng Thư ký Hội Nhà văn Việt , Bí thư Đảng Đoàn Hội và vừa là Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin. Trong buổi gặp, anh chỉ trình bày những thông tin và những vấn đề văn hóa văn nghệ quan trọng rất ngắn. Rồi để anh em có gì cần hỏi thì anh trao đổi thêm.
Chẳng hiểu lúc đó tại sao tôi lại cất tiếng đầu tiên. Tôi nói đại ý:
"Huế đã từng là Trung tâm văn hóa văn nghệ rực rỡ của cả nước trong quá khứ. Bây giờ lại rơi vào "không khí của một tỉnh lẻ". Anh là một người con của xứ Huế, lại rất tâm huyết với nó, bây giờ lại đảm nhiệm cái chức to lớn về văn nghệ, văn hóa. Anh có cách gì để làm phục sinh Huế, làm cho nó có được phần nào vẻ diễm lệ xưa. Hay nói cách khác, anh có thể nghĩ và thực hiện một điều gì đó, giống như một cái lò xo bấm vào đó mọi cái đều chuyển động để biến Huế thành một trung tâm văn hóa-du lịch cả nước và cả quốc tế thực sự chứ không phải trên giấy như điều ta mong ước".
Câu hỏi của tôi làm cho không khí của gặp gỡ chùng xuống. Một khoảnh khắc yên lặng, cả cử tọa và cả người được chất vấn.
Nhưng rồi anh Điềm lại nở một nụ cười vừa dí dỏm, vừa có vẻ một "nụ cười của vô thường của Phật", vừa có vẻ ranh mãnh của khôn khéo của một người từng trải qua kinh nghiệm trận mạc chính trị. Khuôn mặt anh sáng lên. Tôi nghĩ chắc trong anh đang lóe lên một ý tưởng độc đáo có thể làm cho đối tượng đối thoại phải tâm phục, khẩu phục, mà lại phù hợp với cái "tạng chất" của người hỏi.
- Anh là người có tìm hiểu các nền văn minh thế giới, chắc anh biết. Nền văn minh Athènes của đất nước Hy Lạp cổ đại có một thời sáng chói rực rỡ đến thế kia, rồi đến ngày nó cũng tàn lụi, chỉ còn những phế tích điêu tàn. Văn minh Ai Cập Cổ đại với các Kim Tự Tháp lừng danh kia cũng có lúc bị vùi chôn trong bão cát sa mạc. Văn minh huy hoàng Ăng-Co kia, rồi cũng lãng quên trong rừng già. Cái gì có lúc rực rỡ thì cũng có lúc tàn lụi. Đó là quy luật. Huống gì Huế nhỏ bé của chúng ta...
Câu trả lời cũng làm cho mọi người lặng đi. Và anh Điềm cũng lặng lẽ nhìn tôi, hiền lành như một giám khảo chờ thí sinh trả lời một phản bác của mình. Như một kẻ quen trò chơi ”mèo vờn chuột” theo kiểu lập luận phủ định và đối lập.
Và tôi mắc bẫy ngay (tôi nghĩ thầm):
- Đành rằng có cái rực rỡ một thời rồi cũng có lúc tàn lụi, ngược lại có cái có lúc nào đó còn là một thứ vô danh hoang vu, nhưng lại một thời gian khác sau đó bất ngờ hiện lại sáng chói. Sài gòn 300, 400 năm, 500 năm trước còn là điểm mờ, nhưng bây giờ lại sáng chói. Nửa đầu thế kỷ XIX nước Nhật còn là một vầng mặt trời lặn trên bản đồ thế giới, 2/3 nửa cuối thế kỷ XX lại vầng dương sáng chói về một nền kinh tế hùng mạnh. Mọi cái xét trong thời gian tuyệt đối sẽ là “bể dâu”, ngược biến thành xuôi và xuôi thành ngược. Nhưng chúng ta sống trong thời gian hiện tại của một kiếp người, phải làm một cái gì đó cho Đời, cho cái thành phố dịu dàng và xinh đẹp này đã trở thành một cõi tâm linh ta. Chừ nó đang héo hắt trong tàn lụi và trong cái nghèo. Thơ của anh, đã từng viết “Khóc với Huế mà cũng cười với Huế”; “Đất nước. Tình yêu. Mơ ước mai sau”.
Một cái thuở chiến khu xa vời “thành phố sau màn mây”. Ôi thương nhớ vẫn hôn lên cùng nắng hồng mỗi sáng” (...) “Ta vuốt ve ngàn mái ngói mênh mang” “ Tay ta đan với tường thành vỡ rạn” và “con cầu như một tiếng nấc nằm ngang”...
... Một thuở, cái con người đó một mình đơn độc trong rẫy ở khu xanh ngắm nhìn mây trắng mà nhớ thương thành phố quê cha đất tổ, quê mẹ đợi chờ, mà mơ ước cho mai sau dựng xây. Và làm những bài thơ hay nhất của văn học Huế vùng giải phóng và cũng của cả nước: “Đất ngoại ô”, “Con chim thời gian”, “Con gà đất, cây kèn và khẩu súng”, “Khúc hát ru những em bé lớn lên trên lưng mẹ” và đặc biệt là trường ca “Mặt đường khát vọng” viết về hùng khí của phong trào yêu nước của SVHS Huế.
Giờ, cái con người đó, ở giữa cái mê đắm của ngàn ngàn cuộc họp ở thủ đô xa tít, có còn hoài vọng cho cái thành phố của một thời trai trẻ, của ước mơ chăng?)
... Tôi cũng cất tiếng hùng hồn và có phần hung hăng của một tay sinh viên tranh đấu thuở xưa:
- Nhưng, đó chỉ là lời nói cho qua để trốn tránh một thái độ bất lực. Ta còn nhiệt tâm, trí lực và cả một tấm lòng. Phải làm cho Huế phục sinh. Phải có một ý tưởng để đánh thức Huế. Phải có một cách đi phù hợp với tính chất, sắc thái Huế.
6. Và cái giỏi của anh Điềm, là một cách trả lời rất bình tĩnh, điềm đạm, và ung dung (chính nhờ cái điềm đạm ấy như tên của anh mà anh đã nhiều lần vượt cạn khỏi những tình thế hiểm nghèo. Không như chúng tôi cứ hung hăng tiến lên, rồi bị đánh tơi tả...)
- Một ý tưởng kỳ diệu không đến từ một người, dù người đó được giao phó giữ một cương vị cao nào đó. Mà đến từ tất cả mọi người, từ anh, từ rất nhiều người khác, những người có lòng, có tâm, có trí lực với Đời, với Huế.
Người lãnh đạo đúng, là kẻ biết nghe tất cả, biết gạn lọc cái tinh túy, cái hay, ủng hộ nó, huy động mọi sức mạnh để biến nó thành hiện thực với một sự quyết tâm.
Nó đang chờ ở đâu đó và đang đòi hỏi chúng ta phải nghĩ bằng cả trái tim và ngọn lửa của trí tuệ...
(Tôi nghĩ thầm, đúng là cách nói của một nhà chính trị đã kinh qua sách vở và thiên biến vạn hóa của cuộc đời).
Tàn cuộc. Tôi bắt tay anh thật chặt. Anh nói nhỏ "không chỉ có thơ tình mới cứu vãn cuộc đời đâu nhé" rồi ra đi. Còn một buổi gặp gỡ với Tỉnh ủy trong đêm trước khi ra lại Hà Nội.
Tô Nhuận Vỹ còn bước theo anh. Vừa đi, vừa trao đổi nhỏ to gì đó.
Thuở đó, anh Vỹ đã thôi giữ chức Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật và đang lúc chờ đợi và cũng đang ngắm nghé chức Giám đốc Đài Truyền hình Huế. Mà hình như bên đó, họ quyết giữ không buông.
Sau này, anh Vỹ làm Giám đốc Sở Ngoại vụ của Tỉnh, một cương vị rất hợp với anh. Một nhà văn có tài, ăn nói có duyên, hấp dẫn, một giọng nói khi trò chuyện thì rất thiết tha, đằm thắm và tình cảm. Và cũng là một con người đa tình.
Cũng là "giống nòi tình", đôi khi rồ dại, tôi đã từng ao ước có được một phần ba các mối tình của anh, chắc mình sẽ thỏa mãn lắm. Sau này, nghe anh Vỹ tâm sự, tôi mới biết sự khủng khiếp hãi hùng của lưới tình... Nó làm cho cuộc đời thành khổ nạn.
7. Mới đây nghe anh Nguyễn Xuân Hoa kể, tôi mới biết anh Tô Nhuận Vỹ cũng là người có đóng góp khá lớn trong việc biến ý tưởng Festival thành hiện thực.
Anh Vỹ và anh Nguyễn Xuân Hoa là 2 người đã qua Pháp đến các thành phố Festival của Pháp để học cách quản lý, tổ chức một Festival lớn với tất cả chuyện bếp núc của nó.
Còn buổi chiều thuở ấy, anh Nguyễn Xuân Hoa cũng tới dự. Với khuôn mặt của một triết nhân. Không hiểu lúc đó anh nghĩ sao về cuộc đối thoại này. Vì anh sẽ là một trong những kẻ chủ chốt để thi công ý tưởng Huế-Festival từ 2000 đến 2002 và chắc sẽ còn dài dài nữa..
Nhưng lúc đó, anh chỉ mới ở cương vị Phó Giám đốc Sở Văn hóa Tỉnh, anh "ẩn dật" một cách khéo léo trong cương vị người phụ tá, theo kiểu "lánh thân ra đằng sau để làm được việc" của Lão Trang, của một bản lĩnh chính trị khôn khéo đợi thời, thái độ mà họa sĩ Bửu Chỉ nói đùa "khôn khéo như một con trạch".
Chính qua Festival 2000, anh Nguyễn Xuân Hoa mới thi thố hết các tài năng của một kẻ sĩ "tri hành hợp nhất". Và cũng nhờ Festival này, anh mới bước lên cương vị Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin một cách vững vàng, một con người không thể thiếu được trong việc thi công một thành phố Huế - Festival.
8. Huế năm sau 1999, bị một trận lụt chưa từng có trong lịch sử. Tưởng đâu trận "đại hồng thủy" đã dìm Huế vào tận cõi hồng hoang.
Cả nước thương Huế, giúp Huế đứng dậy. Và cả nước cũng giúp Huế tổ chức một Festival quốc tế đầu tiên ở Huế, ở Việt vào mấy tháng sau đó của năm 2000.
Sự thành công của Festival Huế 2000 đã vang dội cả nước. Nó chứng tỏ Huế có một bản lĩnh, một tính cách mạnh mẽ dù đã bị ngã xuống một cách đớn đau, nhưng biết vin vào ước mơ và lòng quyết tâm đã vươn mình đứng dậy và phục sinh.
Festival Huế năm 2000 dù còn rất nhiều khiếm khuyết, nhưng nó chứng tỏ một khả năng Huế có thể tổ chức Festival, hai năm một lần và đang có mơ ước tự biến mình thành một thành phố Festival.
Festival Huế năm 2000 đã làm cho Chính phủ và cả Bộ chính trị hài lòng.
Đồng chí Lê Khả Phiêu, năm 2000 còn ở cương vị Tổng Bí thư, có lần đi qua thăm Pháp và đã tỏ lời cám ơn Chính phủ Pháp về sự giúp đỡ nhiệt tình trong việc tổ chức thành công Festival Huế 2000, mà cũng tỏ lời mong muốn Pháp tiếp tục giúp đỡ cho Festival Huế 2002.
Chính phủ Pháp và Bộ Ngoại giao Pháp cũng bất ngờ, không lường trước sự đánh giá cao của Chính phủ và Đảng ta. Và họ trở nên hào hứng: xem đây là một thành công lớn của chính sách văn hóa đối ngoại của họ, và rất sảng khoái để tiếp tục cộng tác tích cực để tiến hành tổ chức Festival Huế 2002 tổ chức AFFA của Bộ Ngoại giao Pháp (tổ chức quy tụ các tham tán và tùy viên văn hóa Pháp trên thế giới, và các thành viên quan trọng của Bộ Ngoại giao và Bộ Văn hóa Pháp) đã họp mấy ngày liền để phân tích một sự kiện thành công của chính sách hợp tác văn hóa của họ, Festival Huế 2000 và họ mời Nguyễn Xuân Hoa và Nguyễn Duy Hiền đi dự. Hai anh cũng không ngờ cuộc hội thảo chỉ bàn về thành công của Festival Huế 2000. Các cố vấn Pháp giúp đỡ tổ chức Festival Huế năm 2000 đã đánh giá rất cao năng lực tổ chức tiềm tàng của Huế và Việt Nam, ngay cả những tiềm năng to lớn của các đoàn nghệ thuật của Huế-Việt Nam, đánh giá cao cả việc phối hợp trong tổ chức và cả trong biểu diễn nghệ thuật.
Anh Nguyễn Xuân Hoa và Nguyễn Duy Hiền cũng bất ngờ, và dĩ nhiên là vui sướng.
Chính trong mắt nhau, trong mắt của hai đối tác văn hóa - nghệ thuật, ta mới hiểu ta hơn và sự hiểu biết đưa đến lòng tin cậy lẫn nhau trong hợp tác.
Pháp vẫn là đối tác quan trọng nhất trong Festival này.
Trong khi ta đề xuất mở rộng Festival Huế 2002 thành Festival Huế (Việt ) - Pháp và Asean. Vì ta lúc đó đang thay phiên làm Chủ tịch Hiệp hội Asean và ta cũng đã từng đăng cai tổ chức Hội nghị thường niên của các nước nói tiếng Pháp ở Hà Nội. Qua một Festival Huế, Việt tạo một nhịp cầu để nối kết 2 thế giới Đông Nam Á với Châu Âu qua Pháp.
Năm 2002 là năm tổ chức "World cup" do Hàn Quốc và Nhật Bản đồng tổ chức. Pháp là đội bóng đã đoạt vô địch World cup trước đó, nên đã hào hứng đề nghị ta mở rộng mời Hàn Quốc và Nhật Bản đồng tham dự. Ta cũng thấy quá hợp lý: Huế (Việt )-Asean với Pháp đã hay, giờ mở rộng ra Nhật Bản, Hàn Quốc thì hay hơn nữa.
Nhưng đã mời 2 con rồng ở Đông Bắc Á, thì còn con rồng thứ ba to lớn đầy năng lực đang vươn mình tỏa bóng cả thế giới, Trung Quốc thì sao?
Việt đề nghị Festival Huế sẽ mời cả Hàn Quốc, Nhật Bản và cả Trung Quốc luôn.
Và như vậy một Festival Huế quy mô đồ sộ đã được hình thành 9 nước ở Đông Á với Pháp, mà 2 đối tác quan trọng nhất vẫn là Huế (Việt Nam)-Pháp.
9- Nhưng có người lại hỏi: vậy Festival Huế năm 2000 xuất phát từ đâu?
Những ngày đầu tháng 4 năm này, nghe tin anh Nguyễn Khoa Điềm vào Huế, có hội nghị, hay lớp bồi dưỡng cán bộ tuyên giáo gì đó.
Ngày cuối cùng trước khi anh rời Huế để trở ra Hà Nội, tôi cũng được anh hẹn gặp qua anh Phan Công Tuyên.
Thời gian của anh còn rất ít. Nên gặp tôi hỏi ngày có phải ý tưởng Festival - Huế do anh nghĩ ra hay không?
Anh trả lời ngay: ý tưởng đó xuất phát từ thành phố Huế và tỉnh. Nhưng lúc đó với cương vị là Bộ Trưởng Văn hoá Thông tin, anh rất ủng hộ, vì đây là dịp để Huế hồi sinh, đặc biệt sau trận lũ lịch sử 1999, sự ủng hộ đó càng mãnh liệt hơn. Nghệ sĩ Trung Kiên, Thứ trưởng Bộ Văn hoá đã giúp Huế rất nhiều trong việc lo cho chương trình biểu diễn ở lễ hội chính thức của Festival 2000 và cũng đóng góp sức mình vào Festival này.
Điều gì làm được cho Huế, anh Điềm bảo, anh sẽ cố gắng làm hết lòng. Và anh em văn nghệ sĩ cũng nên lăn xả vào mỗi người mỗi tay, tuỳ chuyên môn và khả năng để vực Huế dậy. Anh nói có những thông tin nhiễu loạn đồn đại cấm viết về nhạc sĩ quá cố Trịnh Công Sơn, và cả việc ngăn cản tranh Bửu Chỉ xuất hiện. Anh em phải hiểu rằng không bao giờ anh làm điều đó và cho phép làm điều đó.
Anh em cứ làm một cách mạnh dạn với ý thức và trách nhiệm của một nghệ sĩ và một công dân, một người con xứ Huế là tốt rồi.
Nghe tin tôi nói anh Hoàng Phủ Ngọc Tường vừa được in 4 tuyển tập tác phẩm, anh chúc mừng rồi hỏi thăm sức khoẻ và tức tốc rủ anh Tuyên đi thăm dù rất cận giờ bay.
Tôi còn nhớ trong tuyển tập thơ của anh, có mấy bài đề tặng anh Tường. Ngày anh Tường cho ra mắt tập thơ “Người hái phù dung” cũng có thơ anh nơi bìa sách. Nó chứng tỏ tình bạn thuỷ chung và sâu sắc giữa hai anh.
Đặc biệt từ lúc cơn bệnh làm anh Tưởng suýt chút nữa mất mạng, dù bị tàn phế nhưng anh ấy vẫn tỏ ra một ý chí và một sự tuyết tâm vượt lên trên bệnh tật, đọc cho các cháu viết và vẫn viết rất hay.
Sự tự phục sinh của anh Tường, vượt lên trên những trở ngại tưởng không thể nào vượt lên nổi, cũng là một nét đặc trưng của tính cách Huế.
Cũng như Trịnh Công Sơn, Bửu Chỉ và ngay cả Nguyễn Khoa Điềm hay Trần Vàng Sao... mỗi người dù đã từng trải qua những khốn khổ về vật chất, về tinh thần, hay về mặt xã hội, tất cả đều vịn vào lòng say đắm nghệ thuật và cuộc đời, vào ước mơ để đứng dậy và sáng tạo mạnh mẽ hơn trước.
Đó cũng chính là cội nguồn sâu thẳm của con người Huế và của vùng đất yêu dấu này.
                                                                                                 T.H.P

(nguồn: TCSH số 159 - 05 - 2002)

 

Các bài mới
Nói ngược (20/08/2008)
Các bài đã đăng