Tạp chí Sông Hương - Số 159 (tháng 5)
Gặp gỡ các nghệ sĩ trong trại sáng tác điêu khắc quốc tế 2002
10:20 | 19/08/2008
Khai mạc từ ngày 3 tháng 4 đến ngày 15 tháng 5 năm 2002, Trại Sáng tác Điêu khắc Quốc tế lần thứ ba là một trong những hạng mục trọng tâm lớn của Festival Huế 2002. Sau đây là cuộc gặp gỡ của PV Tạp chí Sông Hương với các nghệ sĩ đến từ nhiều miền đất khác nhau trong Trại Sáng tác, cùng hướng về tiếng nói giao lưu văn hoá khu vực và quốc tế.


Phóng viên (PV): Thưa ông Nguyễn Hiền, là phó ban điều hành Trại Điêu khắc Quốc tế lần thứ II năm 1998 và lần thứ III, ngoài những vấn đề về quy mô, chất liệu tác phẩm, số lượng tác giả..., xin ông cho biết đâu là điểm khác biệt nổi bật giữa hai Trại sáng tác?
Nhà điêu khắc (NĐK) Nguyễn Hiền: Trại điêu khắc lần thứ III là sự kế tục của trại năm 1998. Có ba điểm khác biệt nổi bật giữa hai trại. Một là, trại trước là một bước đột phá, trại này kế tục trên sự đột phá ấy nhưng lại nằm trong 71 hạng mục của chương trình Festival 2002. Cũng chính vì vậy, Ban tổ chức Trại lần này phải kiêm nhiệm cả những công việc khác, do đó, trại cũng ít được sự chú ý, tập trung, quan tâm như một điểm nóng so với trước. Khác biệt thứ hai là vai trò chủ nhà ít đi khi số lượng nghệ sĩ Việt giảm bớt. Và khác biệt thứ ba là thời tiết.

PV: Thưa ông, những khác biệt đó sẽ là khó khăn hay thuận lợi ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sáng tác của Trại?
NĐK Nguyễn Hiền: Vâng, ảnh hưởng trực tiếp lắm chứ. Đối với sự điều hành, ngoài một số người có vai trò "tượng trưng", tất cả chúng tôi đều phải thực sự cố gắng nhạy cảm trong vấn đề cọ xát hay gặp gỡ văn hoá. Ý thức của các nghệ sĩ chủ nhà có thể giúp mỗi một thành viên trong trại cũng ít hơn khi bản thân họ cũng là những người lần đầu đến Huế. Và thời tiết nóng bức như thế này thì chỉ thích hợp với người châu Á, các nghệ sĩ châu Âu khó có thể thích nghi tốt trong khí hậu dữ dội của Huế.

PV: Thưa ông Gerard Howeler, là đại diện duy nhất đến từ Hà Lan, xứ sở của những chiếc cối xay gió và hoa tuylip xinh đẹp, ông có ấn tượng gì về khí hậu và đất nước chúng tôi?
NĐK G.Howeler: Ấn tượng của tôi về Việt và Huế là xứ sở của các bạn quá xinh đẹp và thơ mộng. Tôi rất thích ở đây và cảm thấy hồ hởi, sung sức vô cùng. Chỉ có khí hậu thời tiết quá nóng và sự bất đồng ngôn ngữ là cản trở đôi chút mà thôi.

PV: Cũng là đại diện duy nhất đến từ Philippin, đất nước nằm trong khối Asean và khu vực Đông Nam Á, có địa lý và văn hoá khá gần gũi với Việt Nam, thưa ông Toym de Leon Imao, ông thấy Việt Nam có nhiều điểm tương đồng với đất nước của ông không, ví dụ như khí hậu hay một vài khía cạnh trong hành trình văn hoá phương Đông?
NĐK I. L. Toym: Điều đầu tiên tôi thấy là tình cảm của con người gắn bó với gia đình và mối quan hệ giữa mọi người trên đất nước Việt khá giống với đất nước của tôi. Philippin cũng như Việt từng có một số phận thuộc địa và khá giống nhau về văn hoá, đã bỏ qua quá khứ, mỉm cười và vươn lên. Tôi yêu Việt , chỉ có điều...là người châu Á nhưng tôi cũng khó thích nghi được với mưa nắng bất thường ở đây.

PV: Thưa bà Mai Thu Vân, bà sẽ chia sẽ và đồng cảm cùng những khó khăn của các bạn đồng nghiệp trong Trại chứ, với tư cách là một trong những nghệ sĩ nước chủ nhà?
NĐK Mai Thu Vân: Tôi đến từ Hà Nội, là một trong những đại diện nước chủ nhà tâm niệm học hỏi, giao lưu với các bạn đồng nghiệp từ các nước. Là người Việt , tôi nghĩ có lẽ mình đã quen với những khó khăn nên chuyện gì cũng khắc phục được. Còn các bạn nước ngoài chắc chắn cũng biết mình khó khăn khi đã đến đây, người ta sẽ có một sự đồng cảm mang ý nghĩa văn hoá. Người Việt có câu "vạn sự khởi đầu nan...", tôi tin khi công việc đã vào guồng, tất cả những khó khăn sẽ được tháo gỡ.

PV: Ngoài ý thức về một cuộc giao lưu văn hoá mang tầm vóc thời đại, còn có lý do nào khiến mỗi một tác giả đều mong muốn đến với Trại sáng tác này?
NĐK G. Howeler: Tôi là người Hà Lan, nhưng tôi sinh ra ở Inđônexia, một nước thuộc địa. Ý thức về đất nước bé nhỏ, một thuộc địa cũ và nỗi xấu hổ nằm sâu trong tiềm thức ấy đã thôi thúc tôi đến đây, tìm hiểu về đất nước Việt Nam khá gần gũi trong tâm tưởng của tôi và để xoá nhoà hồi ức về những cuộc chiến tranh trong quá khứ.
NĐK I.L. Toym: Tôi cũng như nhiều người khác, đã đến từ nhiều nước, từ những vùng thực tại và quá khứ khác nhau.Tôi cũng muốn tìm hiểu về đất nước Việt Nam dưới góc nhìn cũng như trong tác phẩm của tôi, đó là sự cân bằng giữa cái cũ và cái mới.
NĐK Mai Thu Vân: Còn tôi, giao lưu ở đây không chỉ là sự trao đổi chuyên môn, nghề nghiệp mà còn là tìm hiểu về đất nước và những người nghệ sĩ khác nhau, luôn hứa hẹn và đợi chờ cho tôi những bất ngờ không bao giờ đoán được.

PV: Thưa ông G. Howeler, tôi đã được xem catalogue về toàn bộ các tác phẩm tượng đài mà ông từng sáng tác ở 20 nước trên thế giới. Hầu hết các tác phẩm của ông đều bằng chất liệu đá, với một ngôn ngữ thể hiện theo "bố cục tổng thể", bản chất tự nhiên của hình thể sự vật với kết cấu sắp đặt giản dị. Vậy những ấn tượng về Việt sẽ đi vào tác phẩm lần này của ông theo phong cách ấy?
NĐK G. Howeler: Đúng vậy. Tác phẩm của tôi sẽ được làm bằng đá, với những mẫu hình nhỏ đơn giản sắp xếp lại thành một tổng thể. Đó là hình ảnh của một con người đang đi, một Việt Nam năng động, lạc quan, hướng lên phía trước, chuyển động và chuyển động.

PV: Thưa ông I.L.Toym, những hình ảnh về tác phẩm mà ông giới thiệu lại mang đến một cảm giác về những bức tranh thánh thời Trung cổ nhưng được thể hiện bằng ngôn ngữ hiện đại. Ông có thể phác thảo đôi điều về tác phẩm mình đang thực hiện?
NĐK I. L. Toym: Những tác phẩm của tôi đúng là mang rất nhiều cảm hứng tôn giáo. Cha tôi theo đạo Ixlam, mẹ theo đạo Tin Lành. Tôi muốn mang sự hoà hợp giữa hai tôn giáo đó thể hiện trong những tác phẩm của mình và cả trong tác phẩm tôi đang thực hiện trong Trại này. Tác phẩm của tôi bằng chất liệu composite và xi măng, cao 4 mét, là một cô gái đang ngủ trên thuyền ("Girl sleeping on boat"), hình ảnh của cái mới trên làn sóng triều dâng của những cánh tay xoè ra như những bông hoa xấu hổ mà tôi bắt gặp ở góc lăng tẩm Huế. Những cánh tay đó là truyền thống nâng đỡ sự hồi sinh của đất nước Việt . Ý tưởng của tôi chỉ bắt đầu hình thành khi tôi gặp một người đang ngủ trên chiếc thuyền ở bãi biển Thuận An.
NĐK Mai Thu Vân: Phác thảo của tôi ư? Chúng chỉ mới là những ý tưởng được hình thành trong đầu và phụ thuộc vào ngẫu hứng sáng tạo. Trong quá trình xử lý đá, tôi sẽ tuân theo đường đi của chất liệu mà thể hiện ý tưởng. Thật khó có thể nói trước được điều gì một khi nó chưa thành hình.

PV: Cuối cùng, xin trở lại với ông Nguyễn Hiền, là một nhà điêu khắc chuyên nghiệp gắn bó với Huế, ông nghĩ gì về ý định xây dựng Vườn tượng Quốc tế của thành phố trong nay mai?
NĐK Nguyễn Hiền: Khi Ban điều hành của Trại thành lập, chúng tôi không có trách nhiệm với những tác phẩm để lại sau khi Trại kết thúc. Riêng bản thân tôi thấy ý định thực hiện một Vườn tượng Quốc tế tại Huế là rất hay và có tính khả thi. Một vừơn tượng như vậy sẽ giúp chúng ta có sự cân bằng giữa di sản văn hoá và văn hoá đương đại. Trên thế giới chỉ có Singapore là có một vườn tượng với quy mô nhỏ khoảng 30 tượng có kết cấu và chất liệu bền vững, nếu Trại này thành công chúng ta sẽ có số lượng tượng nhiều hơn thế. Chúng ta đã có một nhà bảo tàng tượng Điềm Phùng Thị, tại sao lại không thể có một vườn tượng Quốc tế? Chúng tôi mong đợi sự thành công ở Trại này để hứa hẹn những Trại mới, những tác phẩm mới cho tương lai!
PV: Xin chân thành cảm ơn!
Huế, 4. 2002.
PHƯƠNG LAN thực hiện.

(nguồn: TCSH số 159 - 05 - 2002)

 

Các bài mới
Nói ngược (20/08/2008)
Các bài đã đăng