Tạp chí Sông Hương - Số 159 (tháng 5)
Huế trong mắt ai...
10:38 | 19/08/2008
PHẠM THỊ ANH NGA"Hiểu biết những người khác không chỉ đơn giản là một con đường có thể dẫn đến hiểu biết bản thân: nó là con đường duy nhất" (Tzvetan Todorov)
Huế trong mắt ai...

Có nhiều con đường đến với Huế, đến với chiều sâu tâm thức, với những giá trị nhân văn-lịch sử, những nét độc đáo riêng khiến Huế và con người Huế nói gì thì nói vẫn có cái gì khang khác so với những thành phố và cư dân những vùng đất khác. Ở đây chúng ta hãy thử tiếp cận với Huế và con người Huế thông qua một cách đọc: đọc những trích đoạn của một số người nước ngoài, được viết cách đây không lâu nhân những dịp họ ghé thăm Huế và tiếp xúc với người Huế. Cách đọc này đặc biệt tìm xem trong cách trần thuật người viết kể chuyện giải trình những sự việc xảy ra như thế nào, và tìm ra những điều mà họ cảm được hoặc những hình ảnh về thành phố và con người Huế còn đọng lại trong họ. Chỉ khi quan sát cách kể chuyện và giải trình câu chuyện như thế ta mới thực sự tiếp cận được với ý nghĩa của câu chuyện đang diễn ra đối với nhãn quan của mỗi người, tức là với chiều sâu của các sự kiện. Ý nghĩa và chiều sâu này không phải bao giờ cũng được bộc bạch, thể hiện rõ ràng trong cuộc sống, thậm chí có lúc lại hoàn toàn đối lập với những biểu hiện bên ngoài của các sự việc, tức là những gì tưởng như đang diễn ra.
Tôi là một người con của Huế, sinh ra, lớn lên ở Huế, và đã chọn thành phố quê hương của mình để sống và làm việc. Vì vậy, tôi cảm nhận cách đọc này như công việc đi tìm hình ảnh của mình và quê hương mình, không phải bằng cách soi gương, nhìn bằng hai mắt của mình, mà thông qua cách nhìn của người khác (l'autre). Nói cách khác, thay vì nhìn mình trong gương, ta có thể nhìn vào mắt một ai khác để nhận ra hình ảnh của mình ở đó. Có thể hình ảnh đó phần nào biến dạng, nhưng cũng có thể đó là dịp để ta tự khám phá ra mình một cách phong phú và thú vị hơn chăng.
Có vô vàn những gì đã được khách nước ngoài viết về mảnh đất này, và tôi không mong gì gom được hết những bài viết đó. Ở đây tôi chỉ xin trình bày lại những điều đã đọc được của ba nhà văn, nhà báo hiện đại Pháp, viết về Huế và người Huế, trong những cuốn sách viết về Việt Nam hoặc có một phần viết về Việt Nam. Các nhà văn, nhà báo đó là: Erik Orsenna với tác phẩm "Triển lãm thuộc địa" (L'Exposition coloniale), xuất bản năm 1988, giải thưởng Goncourt năm 1988, Jean-Claude Guillebaud với cuốn "Cồn Tiên. Trở lại Việt 1972-1992" (La Colline des Anges. Retour au 1972-1992), xuất bản năm 1992, và Jean-Luc Coatalem với cuốn "Tổ khúc Đông dương" (Suite indochinoise) xuất bản năm 1999. Những cuốn sách này tôi đọc trong nguyên bản tiếng Pháp, ở đây tôi xin dịch sang tiếng Việt những đoạn trích dẫn.
Trong cả ba cuốn sách nói trên, toàn bộ câu chuyên được kể từ góc độ của người-kể-chuyện-xưng-tôi, đó cũng đồng thời là nhân vật trung tâm của câu chuyện kể, mặc dù có lúc cái tôi này được phân thân và cái tôi-kể chuyện (le JE-narrateur) tách ra khỏi cái tôi-nhân vật (le JE-personnage), và thậm chí có lúc còn gọi cái tôi-nhân vật ở ngôi thứ ba với tên riêng (như Gabriel trong "Triển lãm thuộc địa").
Ở ba tác phẩm nói trên, ấn tượng của Huế và con người Huế đối với người kể chuyện có những độ đậm nhạt khác nhau, và mang những sắc thái rất khác nhau, thậm chí đối lập hẳn với nhau. Qua cách kể chuyện có thể nhận ra ít nhất là ba cách nhìn đối với Huế và con người Huế.
HUẾ VÀ CON NGƯỜI HUẾ - MỘT THẾ GIỚI ĐÁNG NGƯỠNG MỘ VÀ NHỮNG CON NGƯỜI VỪA GẦN VỪA XA.
 Huế trong "Triển lãm thuộc địa" của Erik Orsenna trước hết là hiện thân của một "thành phố xưa cổ", là "thủ đô lăng tẩm", đã cùng với một số địa danh khác của thế giới tạo nên (theo giọng điệu nửa đùa nửa thật của Erik Orsenna) một chuỗi "triển lãm thuộc địa" cho "đế chế giả" của nhân vật tôi, Gabriel. Truyện được viết vào những năm 1980 nhưng câu chuyện được kể lại diễn ra vào thời kỳ Đông Dương còn là thuộc địa của Pháp.
Đến Huế, "mong các thành viên của Đô Thành hiếu cổ tha thứ cho anh", điều quan tâm đầu tiên của phóng viên Gabriel không phải là đi thăm lăng tẩm, thậm chí anh đã quyết định rời Huế mà chẳng nghĩ gì đến việc thăm viếng đó. Nhưng rồi anh xiêu lòng trước những lời khuyến dụ đầy tính thuyết phục của một chủ khách sạn người Pháp, nhất là trước lý lẽ: lăng tẩm Huế là "những lăng tẩm đẹp nhất thế giới". Và cuối cùng ấn tượng của lăng tẩm Huế đối với Gabriel được kể lại như sau: đó là "những lăng tẩm làm vinh dự cho giống người một ngày kia sẽ chết là chúng ta đây". Và Gabriel nhận thấy "nền văn hoá về tang chế của chúng ta (1) mới nghèo nàn ít ỏi làm sao. Bao giờ cũng là nghĩa địa Père Lachaise, bạ đâu người ta cũng giở bài đó ra". "Vâng, thật xấu hổ thay cho Père Lachaise! Một lăng tẩm thực sự bao gồm năm thành phần: 1/ sân tang, là nơi hội thảo của những bức tượng quan văn và quan võ, xung quanh là ngựa và voi, 2/ nhà bia, 3/ đền thờ bài vị, 4/ nhà nghỉ, 5/ bản thân mộ phần, là phần không nhìn thấy được, ẩn sau một bức thành đặc biệt, bức thành này lại được nguỵ trang giữa các lùm cây. Không kể đến những thành trì, những hố sâu bảo vệ cho người đã khuất, những ao sen nở hoa giúp cho người yên nghỉ được thư thái, những lối đi nhỏ hẹp giữa những cây xoài, cây sứ dành cho khách tham quan". Với Gabriel, "còn ở đâu hơn là ở Huế, để chờ đợi cái chết?"
Ngoài ấn tượng lăng tẩm, với Gabriel Huế còn là nơi có vốn thiên nhiên độc đáo, cái độc đáo tự Gabriel cảm được chứ không dựa trên sách vở hay kinh nghiệm của các bậc tiền bối (Gabriel đã ngăn lại khi người hướng dẫn du lịch có ý định tham khảo cuốn sách của L.Cadière): ngọn núi "hợp với lòng tôi", "Gabriel cảm thấy nhẹ hẫng. Bay bổng. Giải thoát khỏi mọi áp lực trần thế", "Cám ơn Louis (2), vì đã kéo con đến nơi chốn kỳ diệu này của Đế chế chúng ta".
Thiên nhiên Huế còn khiến cho Gabriel đa cảm xúc động, phải "ngăn không cho lệ rơi". "Lần đầu tiên sau lần ở Bra-xin, anh đã có cảm giác địa lý. - Như một tia nắng xanh, cũng hiếm hoi như thế nhưng ít chóng vánh hơn, một tia nắng rộng rãi, thong thả. Như một nụ hôn lên hai mắt. [...] Rất nhiều phút trôi qua như thế, trong một sự im lặng tuyệt hảo."
Nếu lăng tẩm và thiên nhiên Huế khiến Gabriel say mê và ngưỡng mộ, thì con người Huế lại khiến anh lúng túng và ngần ngại. Nhân vật đầu tiên, Tổng đốc Giao, được kể dưới một góc độ khá buồn cười: say mê đua xe đạp và ưa thành tích, nhưng lại thiếu năng khiếu, khiến những thuộc hạ người Pháp dở khóc dở cười khi muốn làm vừa lòng ông. Thất vọng vì phóng viên báo L'Équipe dành quá ít lời để đưa tin về thành tích trong đua xe đạp của vị Tổng đốc, viên thuộc hạ của ông, một sĩ quan Pháp, muốn Gabriel viết bài đã thuyết phục ông bằng những lời lẽ như sau: "Tôi không làm chính trị, nhưng báo L'Équipe đã làm ông ta thất vọng, và chúng ta thì không có nhiều đồng minh như thế ở đất nước này". Người kể chuyện không bình phẩm thêm gì, tức đã mặc nhiên dành cho người đọc quyền phán xét và đồng cảm với những lúng túng, băn khoăn của Gabriel.
Nhân vật Việt thứ hai được kể chi tiết là Nguyễn, một hướng dẫn viên du lịch, một người theo giám đốc của Đại Khách Sạn là "hoàn toàn có thể tin cậy. Đảm bảo sự thật lịch sử. Ở đây tôi đã từng tiếp những chuyên gia, cả những thạc sĩ (3). Không một ai trong bọn họ nêu được một sai sót nhỏ nào". Cảm giác lúng túng thậm chí là "xấu hổ" đến với Gabriel trong câu chuyện với Nguyễn: "Và tôi xấu hổ khi Nguyễn hỏi tôi: thế còn ông, ở Pháp ông có những lăng nào? Tôi kể cho Nguyễn nghe điện Panthéon, nhà thờ Saint Denis. Nhưng Nguyễn nhăn mặt: lăng tập thể, phải thế không?Tôi buộc phải thú nhận: vâng, tập thể. Phải có một chút riêng tư trong cái chết chứ,  Nguyễn nói thế với cái giọng trúc trắc của mình. Và làm sao có thể cho là Nguyễn nhầm lẫn? Chỉ có điện Invalides là làm Nguyễn hài lòng: chung quanh là những thương binh, cạnh đó là nhà bảo tàng, phía trên là vòm sơn vàng, như thế Napoléon đâu phải là kém may mắn".
Sự lúng túng của nhân vật tôi-Gabriel ở đây xuất phát từ chỗ, nói theo ngôn từ của Descartes khi đề cập đến lĩnh vực siêu hình học (4), thì trong tiếp xúc với đối tượng là người khác văn hoá, ở đây nhân vật tôi-Gabriel hoàn toàn có thể hiểu vì sao Nguyễn suy nghĩ và nói như thế, tuy nhiên tự trong thâm tâm nhân vật tôi-Gabriel thì đó là điều không thể cảm được hay không thể hình dung được. Từ đó nảy sinh cảm giác vừa gần vừa xa trong tiếp xúc, nhưng ở đây không bao hàm ý khen chê, phán xét.
Như thế việc tiếp xúc với Huế và con người Huế đã đưa nhân vật tôi-Gabriel trở về với bản thể của mình, nhưng đó là một sự trở về không hoàn toàn yên ả: nó giúp cho nhân vật tôi-Gabriel soi xét lại nền văn hoá của cộng đồng mình và đồng thời nhận ra sự khác nhau rất cơ bản giữa hai cách nghĩ, cách nghĩ của Nguyễn và cách nghĩ của chính mình.
TIẾP XÚC VỚI HUẾ VÀ CON NGƯỜI HUẾ - MỘT CƠ HỘI ĐỂ TỰ ĐỀ CAO.
Nếu lối kể chuyện của Erik Orsenna chỉ nêu bật sự ngưỡng mộ thiên nhiên, lăng tẩm và cảm giác vừa gần vừa xa với người Huế mà không hàm ý phê phán, nghĩa là không tỏ rõ thái độ đánh giá đối với Huế và con người Huế, thì trong cách kể của J-L. Coatalem và J-Cl. Guillebaud thái độ này khá rõ nét.
Nhân vật tôi trong "Tổ khúc Đông dương" của J-L. Coatalem là một du khách Pháp đến Huế trong một chuyến du lịch xuyên Việt vào khoảng những năm 1990. Ấn tượng Huế đối với anh ta thật mờ nhạt, thậm chí là không có. Ở Huế, ngay khi được hướng dẫn tham quan lăng tẩm, điều anh ta cảm thấy, nhận ra không phải là những nét đặc trưng văn hoá lịch sử hay kiến trúc của các đền đài, mà đó là dịp để anh ta tự khẳng định những gì anh ta cho là hiểu biết và giá trị của bản thân mình. Hơn thế nữa, đó là dịp để anh ta tự đề cao, tự cho phép mình hạ thấp người đối diện và dè bỉu họ, như sau đây chúng ta sẽ xem xét. Và những địa danh của Huế chỉ hiện ra trong câu chuyện kể để định vị về không gian và thời gian mà không để lại dấu ấn nào đặc biệt: "trong lúc chúng tôi đến thăm lăng Khải Định", "trên sông Hương", " khi đến thăm một ngôi đền".
Nếu ấn tượng về thành phố Huế hầu như là không có, thì cách kể chuyện trong "Tổ khúc Đông dương" lại cho phép chúng ta theo dõi những sự kiện diễn ra ở hai bình diện: một là từ bên ngoài nhìn vào và hai là ý nghĩa thực sự của các sự kiện, tức là cấu trúc sâu của những sự kiện đó, xét tự góc độ của người kể chuyện.
Nhìn từ bên ngoài, những lời đối đáp, những sự kiện diễn ra, ngoại trừ lời nhận xét về sự trang trí ở lăng Khải Định là có phần gay gắt ("Vì đã đọc được điều này trong một cuốn sách hướng dẫn có minh hoạ của tôi, sau đó, trong lúc chúng tôi đến thăm lăng Khải Định tôi cho anh ta biết [...] rằng sự trang trí mà anh ta huênh hoang là bằng gốm thật ra chỉ là những mảnh sứ và thuỷ tinh đính lại"), còn thì dường như tất cả đều thuận buồm xuôi gió, thậm chí cuối cùng người khách du lịch Pháp còn trả cho người hướng dẫn viên Việt Nam một món tiền boa bằng đô-la và thân thiện bắt tay anh ta. Trái ngược hẳn với vẻ bên ngoài của các sự kiện, câu chuyện được kể từ góc nhìn bên trong có nhiều điểm rất "có vấn đề". Đầu tiên là hình ảnh của người hướng dẫn viên "quan liêu" ngu dốt và khoác lác: "Một túi đeo có dây dồn đầy những giấy tờ hành chính với các con dấu. Một kẻ quan liêu thực sự. Tự mãn đến mức không chịu nổi. Trong vòng bốn tiếng đồng hồ đã thành công trong việc mười lần dẫn ra Victor Hugo, De Gaulle và Jean-Paul Sartre mà rõ ràng là anh ta chẳng hiểu gì cả.". Dưới mắt của người trần thuật ngườì hướng dẫn viên không những kém hiểu biết về văn hoá Pháp mà ngay cả đối vớí văn hoá Việt Nam anh ta cũng hiểu biết sai lệch, như chúng ta đã thấy ở đoạn trích nêu trên về cuộc viếng thăm Lăng Khải Định. Rồi những suy nghĩ đánh giá ngầm đối tượng cũng như các sự kiện được kể như sau: "Về tiền boa, tôi có ý định chùi cho anh ta những đồng rúp để làm anh ta bực mình. Những đồng rúp nhét vào trong một phong bì, với một lời khen khéo diễn đạt: "Để làm chứng cho mối quan hệ hữu nghị giữa những dân tộc tiến bộ".[...] Nhưng rồi, trên sông Hương, chiếc đò của chúng tôi đột ngột hỏng máy [...] khiến tôi thích thú - ba động thái chia làm hai xuất, máy hỏng, không chữa được, các thuỷ thủ hoảng loạn, và thế là chúng tôi bị dòng nước cuốn đi, lùi lại và vượt khỏi điểm xuất phát ban đầu, trong khi người hướng dẫn viên tìm cách thuyết phục tôi tin điều ngược lại, rằng chúng tôi đang tận dụng cái giây phút yên lặng này, rằng nhìn ngắm hai bờ sông theo hướng này là tốt nhất - đến mức tôi đã tha thứ cho anh ta, chùi cho anh ta một cuộn đô la và trịnh trọng bắt tay anh ta khi ra khỏi chiếc xe Tạch-tạch của anh ta... Mù quáng như thế, ác ý như thế cũng gần như là tuyên truyền. Anh chàng này là một người có thiện chí, một nghệ sĩ nhất thời, một người làm xiếc với các tình huống theo cách của mình! Hoặc là, trầm trọng hơn, anh ta đang bảo vệ chính cái mạng sống của mình!"
Cách trần thuật như trên cho phép chúng ta tiếp cận với ý nghĩa của câu chuyện dưới góc nhìn của người trần thuật: đàng sau sự êm ả của cuộc gặp, là cách giải trình các sự kiện với rất nhiều sóng gió và có tính mâu thuẫn gay gắt, được kể từ một góc nhìn của kẻ bề trên, của kẻ tự ban cho mình vị trí cao hơn, giá trị hơn đối tượng gặp. Tuy nhiên những suy nghĩ đánh giá bất lợi đối với người khác và quá đề cao đối với bản thân mình, dù sao cũng chỉ diễn ra ngấm ngầm chứ không thể hiện rõ ràng trong tiếp xúc.
Như thế, Huế trong câu chuyện được kể ở "Tổ khúc Đông dương" gần như không gây được ấn tượng nào đối với người kể chuyện, và con người Huế đối với anh ta cũng chỉ là một con người kém cỏi, đầy nhược điểm, thua sút anh ta về hiểu biết và đáng thương.
TIẾP XÚC VỚI HUẾ VÀ CON NGƯỜI HUẾ - CƠ HỘI ĐỂ HIỂU NGƯỜI VÀ NGẪM LẠI MÌNH.
Nếu thái độ của người trần thuật ở "Tổ khúc Đông dương" đầy sự cao ngạo và khinh mạn trong tiếp xúc với Huế và người Huế, thì ngược lại ở "Cồn Tiên. Trở lại Việt ..." của J-Cl. Guillebaud, sự giải trình cuộc gặp được thực hiện với tính nhân bản cao độ, ở nhiều cấp độ điệu thức hoá (niveau de modalisation) khác nhau. Thực ra cùng với J-Cl. Guillebaud, còn có R. Depardon là đồng tác giả của cuốn sách bởi ngoài những trang truyện kể của J.-Cl. Guillebaud, còn xen kẽ nhiều bức ảnh do R. Depardon chụp (mỗi bức ảnh một trang, kèm với lời thuyết minh, chiếm khoảng 1/5 số lượng trang). Tuy nhiên trong khuôn khổ bài viết này tôi không đề cập đến những bức ảnh này mà chỉ tập trung đọc câu chuyện kể và phân tích cách giải trình câu chuyện.
Cuốn sách ghi lại cuộc hành trình của người kể chuyện với người bạn thân tên Raymond, tức là R.Depardon, đồng tác giả của cuốn sách. Cả hai đều là nhà báo, và đang trong một chuyến "trở lại" Việt vào năm 1992 (Họ đều đã sang Việt Nam 20 năm trước, vào năm 1972). Từ Đông Hà đến Huế, điều đầu tiên được người kể chuyện ghi nhận là ở Huế, "cái gì cũng bất động hơn. Ở đây thời gian được tính bằng thế kỷ; quyền lực thực sự nằm trong tay những vị sư, và kinh đô của các hoàng đế An Nam, mặc dù có những bức tường thành bị sứt mẻ và các miếu am thì yếu ớt mong manh, vẫn cưỡng lại được trước sự bất công của thời gian như nó đã cưỡng lại trước những cơn thịnh nộ của chiến tranh." Khác với người kể chuyện ở "Tổ khúc Đông dương", ở đây người kể chuyện và bạn của ông hoàn toàn chủ động trong việc tham quan và khám phá thành phố theo cách của mình. Họ thuê xe đạp để đạp thật lâu "trong cảnh mê màng tỉnh lẻ thơm mùi hoa sứ và hoa lài", và hoà cùng những du khách đến từ Hà Nội để "đi loăng quăng dọc các bể với các thảm sen, leo lên các bậc thang của Cấm Thành, dạo chơi gần chợ trung tâm và ở bến sông Hương nơi neo những con đò có phủ mảnh chiếu hình bán nguyệt nơi boong, nơi cách đây không lâu là chỗ cư ngụ của những cô gái làng chơi có móng tay trắng."
Dưới mắt của người kể chuyện, Huế không có thay đổi nào sau 20 năm trở lại: "Ở đây, tôi không nghĩ đến ngay cả việc khơi dậy kỷ niệm để đo lường những đổi thay. Ở đây không có gì thay đổi. Tôi đặt va li ở khách sạn XX (5) cứ như là tôi mới ra đi hôm qua." Những chi tiết nhỏ về thành phố cũng được kể tỉ mỉ: "Dưới cửa sổ phòng tôi ở, cái bể dùng để trang trí cho mảng tường bê tông không di dịch một ly nào", trên sông "cũng những chiếc thuyền có đuôi nhô cao đó", "cũng những chiếc ghe y hệt". Những thứ mùi bay ra từ chợ cũng là "những mùi còn lưu lại trong trí nhớ của tôi". Và ở khách sạn XX, "sau quầy rượu, các cô tiếp viên có cùng những câu chuyện trao đổi và những tiếng cười phá lên như cách đây hai mươi năm".
Cuộc sống với những nhu cầu thực tế không làm cho Huế mất đi khía cạnh thơ văn của nó: ở các quầy sách "những cuốn tự điển tiếng Anh và sách tin học vẫn chưa xua đuổi được những tập thơ tí hon được đóng thủ công nói về "cô nàng yêu dấu" và "mùa xuân cuối cùng"."
Sự yên ả của Huế còn được ghi nhận trong thế so sánh với những vùng đất khác của Việt Nam, với Sài gòn "tất tưởi" và "trơ trẽn", Đà Nẵng "sầu thảm", miền Bắc "nghiêm nghị"... Hôm nay cũng như hôm qua, "Huế là hiện thân của một sự uể oải tự tin, một niềm kiêu hãnh ôn hoà cắm vào quá khứ hoàng triều mà mỗi một đối thoại nhỏ cũng có thể làm sống dậy." Hơn thế nữa, người kể chuyện còn ghi nhận một thế hài hoà kỳ diệu: "Sự hài hoà không một vết rạn đó khiến tôi kinh ngạc. Làm thế nào mà nó chống chọi được? Làm sao nó có thể lưu truyền giữa những ba mươi năm giông tố? Khác với Đà Lạt, là một sản phẩm thuộc địa, Huế đã không được chiến tranh chừa ra." Người kể chuyện còn tỏ ra khao khát hiểu được điều bí ẩn sâu kín đó: "[...] Bất chấp tất cả, Huế đã không thay đổi. Phải chăng nó giấu kín những vết thương của mình? Phải chăng nó che đậy ở bên trong những khiếp sợ xưa cũ?Liệu nó có biết xua đuổi những thứ đó đi bằng thế đứng vững chãi trong "thời gian dài", thời gian vĩnh cửu, thời gian tất nhiên rồi sẽ quay trở lại."
Trước bí ẩn chưa được giải mã đó, thái độ của người kể chuyện và bạn của ông là vô cùng cẩn trọng và tinh tế: "Theo bản năng, chúng tôi tuân theo khí hậu (6) đó. Chúng tôi đi trong thành phố với những bước chân rón rén. Chúng tôi không cưỡng lại được thái độ cẩn trọng lén lút. Nói thế nào nhỉ? Ở Huế, lần này, chúng tôi đặc biệt không muốn quấy nhiễu gì cả." Cách giải trình thái độ trân trọng đó còn được nhấn mạnh trong thế đối lập với thái độ hoàn toàn trái ngược của một đám du khách Đài Loan, mà chúng ta sẽ xem xét ở đoạn dưới.
Qua cách trần thuật có thể nói thái độ của người kể chuyện khi tiếp xúc với thành phố Huế là vừa tinh tế, tỉ mỉ và sâu sắc trong nhận xét, vừa trân trọng, hiểu biết trong ứng xử. Ngoài ra có thể thấy là nó rất tự nhiên, không bị một định kiến ban đầu hay một động cơ cá nhân nào chi phối, và rất bản chất, ở chỗ không dừng lại ở việc ghi nhận những hiện tượng mà còn tự vấn về chiều sâu của những biểu hiện bề mặt đó.
Tương tự như mối quan hệ của họ với thành phố Huế, quan hệ của người kể chuyện và bạn của ông với người Huế là một kiểu quan hệ rất tinh tế và nhân bản. Ngoài một vài ghi nhận sơ sài về những người qua đường ("Chúng tôi đạp xe đến mức không ngừng lại nổi, không có mục đích nhất định, thích đâu thì đi đó, được hộ tống bằng những nụ cười và những lời thì thầm.") và một tình huống gặp gỡ được kể qua loa ("Chúng tôi kề cà với những sinh viên hơi lúng túng khi thắc mắc về phương Tây."), còn thì trong câu chuyện có hai tình huống gặp gỡ được trần thuật với những chi tiết khá thú vị.
Ở tình huống thứ nhất, người kể chuyện và bạn của ông tiếp xúc với một cô gái Huế tên Vy. "Chúng tôi uống trà với cô Vy, một giáo viên hai mươi lăm tuổi, xinh đẹp và nhút nhát, giảng dạy tiếng Pháp ở Đại học, đã lật đi lật lại đến chục lần liên tục những tờ tạp chí cũ đến từ Paris." Qua cô gái, người kể chuyện và bạn của ông còn nhận ra và tiếp xúc với cả một khía cạnh khác của Việt Nam mà biểu trưng của nó chính là Huế: "Cùng với cô gái đang ngần ngại và đỏ mặt, đặt tay lên miệng như muốn kìm nén một sự táo bạo không thuộc về cô, là một nước Việt Nam khác đang thoáng hiện ra. Chính là nước Việt Nam của Huế: truyền thống và học thức, hiếu kỳ đối với thế giới bên ngoài nhưng ghét làm hại đến thanh danh của mình, chăm chú trước những sắc thái tinh tế và bất kham đối với những nhốn nháo nhất thời."
Những động tác, cử chỉ của Vy được người kể chuyện giải trình tỉ mỉ, như thể ông đọc được từ bên trong những cảm giác, suy nghĩ của cô gái. Vẻ bối rối, cách di chuyển mình trên ghế ngồi, cử chỉ vuốt tóc, thấm mồ hôi trán của Vy được giải trình với các chiều sâu ý nghĩa như sau:"Cô Vy, xuất thân từ một gia đình trí thức và tư sản, vẫn chưa hết ngạc nhiên vì đã nhận lời uống tách trà này với chúng tôi, dưới những cây phượng ở thềm một quán cà phê. Ngoài đường! Một hành động ba lần vi phạm: uống giải khát ở nơi công cộng, với nam giới, lại là người nước ngoài! Trước khi đến, cô đã ngần ngại cả một buổi tối. Bây giờ thì chúng tôi đoán được là cô đang bấn loạn vì tình huống; vừa lo lắng muốn chấm dứt nhưng lại vừa say sưa với câu chuyện bất ngờ là được gặp gỡ thế giới bên ngoài. Vẻ bối rối, cách cô di động trên ghế ngồi đã nói lên khá đầy đủ về nỗ lực mà cô đã áp đặt cho mình." Trước những lời Vy lặp đi lặp lại: "Tôi làm phiền các ông. Tôi làm các ông chán nản mất. Tôi không có khả năng trả lời những câu hỏi của các ông" người kể chuyện giải trình như sau: "Đó không chỉ là sự đỏm dáng. Phải chăng ở đất nước Việt Nam vào năm 1992, sự say mê mở cửa phải khẩn thiết lắm mới khiến được bản thân cô Vy ngồi với chúng tôi ở thềm một quán cà phê công cộng của Huế! ". Cách giải trình này có tính đến những đặc điểm văn hoá-chính trị-xã hội của tình huống gặp gỡ, cũng như những nét đặc trưng nhận thấy ở cô gái, nhưng nó không lệ thuộc vào những đặc điểm ấy đến mức được phát triển theo hướng định mệnh chủ nghĩa. Vì vậy nó hoàn toàn tự nhiên và có sức thuyết phục.
Cuối cùng là một tình huống gặp gỡ hết sức đặc biệt giữa một bên là người kể chuyện và bạn của ông và một bên là những người Huế (và một người hướng dẫn viên du lịch không phải là người Huế, bà D.). Đặc biệt nhất là ở chỗ đó là một cuộc gặp gỡ không giao lời (non-verbal) hoặc hầu như là không giao lời, bởi ngoài bà D., là có đối thoại đôi chút với người kể chuỵện và bạn của ông, còn tất cả những người còn lại đều không hề đối thoại với họ. Tuy nhiên qua cách giải trình câu chuyện xảy ra tại khách sạn XX, có thể nói người kể chuyện và bạn của ông đã thực sự hiểu gặp những con người đó.
Trước tiên, có thể thấy sự đối lập giữa hai thái độ ứng xử đối với Huế và con người Huế: trong khi người kể chuyện và người bạn Pháp "bước rón rén", "Ở Huế, lần này, chúng tôi đặc biệt không muốn quấy nhiễu gì cả." thì "Nhưng hoài công. Sự phiền nhiễu đã đến bất chấp mọi thứ. Bất ngờ và có tính biểu trưng. Điều này còn tai hại hơn. Chúng tôi đang ở khách sạn XX,  bà D., Raymond và tôi, thì một nhóm người từ một xe ca bước xuống, ầm ĩ xâm chiếm hành lang"
 Ở đây cách kể chuyện được tiến hành rất đa dạng, một mặt đơn thuần là những sự việc diễn ra và một mặt là cách giải trình những sự việc ở nhiều cấp độ điệu thức hoá (7) khác nhau. Nói theo ngôn ngữ của E.Goffman, thì ở khung bâc một người kể chuyện tường thuật những gì đang diễn ra trước mắt: "Các nhân viên vội vã, hành lý chất đống trước quầy, một cô phiên dịch hối hả, ngực mang bảng tên và tay cầm một chùm chìa khoá. Khách là những người Trung Hoa đến từ Đài Loan đang đi du lịch theo đoàn.", "Đúng là những người Trung Hoa này bụng phệ và đi đứng với vẻ cáu kỉnh", "những người Trung Hoa từ trên lầu bước xuống ăn bận kỳ quái, được bọc trong những tấm áo choàng vải kếp", "chiếc thuyền đã được những người Trung Hoa đến từ Đài Bắc thuê để "chơi bời" trên sông. Họ sẽ lên đường vào ngày mai.", và cuối cùng "Nhìn kỹ, thì chẳng nghi ngờ gì việc những nhân viên khách sạn, cách đây vài phút vẫn còn vội vã, bây giờ thể hiện một sự kinh tởm vừa đau buồn vừa bất lực."
Và câu chuyện còn được kể với nhiều chiều kích ý nghĩa khác ở những khung điệu thức hoá khác nhau: thay cho những du khách Đài Loan và nhân viên khách sạn, thì câu chuyện được kể trong thế đối lập giữa những người nghèo và "những người mang ngoại tệ", "khinh người", đang "chiếm làm thuộc địa" khách sạn với một "vẻ hám tự phụ", hoặc giữa những đại diện của hai đất nước, hay là, ở một cấp độ điệu thức hoá cao hơn nữa, "Con rồng Trung Hoa, kẻ láng giềng to lớn của nước Việt Nam, ra đi cũng như nó đã đến", "Khu vực viễn Á bao quanh Việt Nam sẽ không bao giờ thận trọng với cái xứ sở rẻ rúng này".
Khác với sự điệu thức hoá nhằm gán cho một sự kiện thông thường một ý nghĩa đặc biệt như thế, ở đây câu chuyện kể còn cho ta nhận thấy có lúc bản thân sự kiện đã một sự mô phỏng, đóng kịch, nhập vai, tức đã được cách điệu hoá. Đó là cảnh những du khách Đài Loan trong áo mão vua quan đang vui đùa với vai hoá trang: "một sự mô phỏng bông đùa quá trớn về những buổi lễ cung đình Huế. Những người Trung Hoa được hoá trang thành những hoàng đế và quan lại An Nam và đang trêu ghẹo không chút khách sáo những ái phi của mình.", "Sắp đến lúc chiếc thuyền vua giả tạo nhổ neo trên sông Hương trong tiếng cười và tiếng kèn". Nhưng một người quan sát từ bên ngoài có thể nhìn nhận cảnh này như đang ở khung bậc một, là đúng như những gì đang diễn ra trước mắt: "Bà D., với cương vị là người Việt yêu nước, không giấu diếm cơn thịnh nộ của mình nữa. Bà nói đã bị "sỉ nhục"." Thái độ phẫn nộ này là hệ quả của thao tác phi điệu thức hoá (démodalisation), không nhìn nhận những sự kiện từ góc độ mô phỏng đóng kịch nữa mà đưa nó về với ý nghĩa nhận thấy một cách đơn thuần qua những gì đang diễn ra. "Đó là ký ức Huế bị nhại lại một cách nặng nề, kỷ niệm về cung đình bị biến hoá thành những cuộc truy hoan ở trại lính." Những góc độ sâu xa này đã được người kể chuyện và bạn của ông nhận thấy một phần nhờ ở vai trò trung gian (médiation) của bà D., nhưng phần lớn là nhờ ở nỗ lực của bản thân và nhất là ý thức và lòng mong muốn thực sự hiểu kẻ khác.
Thái độ của người kể chuyện và bạn của ông cũng được thể hiện qua cách kể những việc xảy ra giữa những khách du lịch Đài Loan và những nhân viên khách sạn của Huế. Một mặt, ông lên án cách ứng xử khiếm nhã của những du khách Đài Loan đối với thành phố và con người Huế một cách rõ ràng như đã thấy ở trên, hay ngấm ngầm chỉ qua những điều ghi nhận: "Vào rạng sáng, tôi thoáng thấy hai ả gái điếm không phấn son đang loạng choạng rời khách sạn", "Lúc ăn sáng, cuối cùng chúng tôi đã dự vào cảnh chiếu lại cuộc vui đêm đó, cuộc vui đã được quay thật lâu bằng máy quay phim và như thể chiếu lại cho những tay Trung Hoa hớn hở đang bị cơn mệt đến mụ mẫm người đóng đinh trên ghế."
Đi đôi với sự phê phán cách ứng xử của các du khách Đài Loan là thái độ ngấm ngầm cảm thông với những nhân viên khách sạn: bất mãn nhưng vẫn không tỏ thái độ rõ ràng, "cách đây vài phút vẫn còn vội vã, bây giờ thể hiện một sự kinh tởm vừa đau buồn vừa bất lực." Trong cách tường thuật câu chuyện xảy ra giữa những du khách Đài Loan và những nhân viên khách sạn, thì rõ ràng là người kể chuyện đứng về phía những người Việt , những người Huế. Có thể nói ở đây dù những du khách Đài Loan và những nhân viên khách sạn đã có tiếp xúc, đã thực sự giao lời với nhau, nhưng giữa họ không có giao tiếp, gặp gỡ thực sự. Trái lại, giữa những nhân viên này và những người khách Pháp (tức người kể chuyện và bạn của ông) dù không giao lời nhưng đã có giao tiếp và gặp gỡ. Một cuộc gặp thực sự, ở những chiều kích sâu xa mà chỉ thiện ý và thiện tâm mới giúp người ta có được.
Thái độ ứng xử, cách nhìn nhận vùng đất và con người nơi mình đến thăm ở đây có hai kiểu hoàn toàn đối lập nhau: một bên là sự tôn trọng văn hoá, thành phố, cảnh quan Huế và nỗ lực tìm hiểu con người Huế và cả thành phố Huế, và một bên là xu hướng sử dụng cảnh vật và con người Huế để phục vụ cho bản thân mình và những bản năng thấp hèn của mình, thậm chí là huỷ hoại cảnh quan và con người Huế. Ứng xử này phần nào giống ứng xử của nhân vật tôi trong "Tổ khúc Đông dương" nhưng ở một mức độ cao hơn, tàn khốc hơn. Tuy nhiên ở đây với cương vị là người đọc, ở góc độ tiếp nhận, chúng ta cũng nên lưu ý một điều: trong thế đối lập giữa những du khách Pháp hiểu biết, tinh tế, khiêm nhường và những du khách Đài Loan hống hách, kỹ quặc, thô lỗ thì rõ ràng những người Pháp có vị trí tốt đẹp hơn, thuận lợi hơn. Đó là cách nhìn của người kể chuyện, và dường như đó cũng là dịp để ông tự ngợi khen mình và phê phán kẻ khác, trong mối tương quan với Huế và con người Huế. Vả chăng, một nhóm người không thể đại diện cho cả một nước, một dân tộc, và sẽ cạn nghĩ nếu cho rằng tất cả những du khách Đài Loan đến Huế đều đáng trách như những nhân vật được kể trong câu chuyện.

Cuối cùng, có thể nói, qua ba cách tường thuật của ba tác giả Pháp về chuyến thăm Việt Nam và thăm Huế của họ như đã phân tích ở trên, có thể nhận thấy ba cách nhìn nhận Huế và con người Huế rất khác nhau. Bên cạnh một cái tôi say mê ngưỡng mộ cảnh quan, lăng tẩm Huế, có cảm giác vừa gần vừa xa với con người Huế, có một cái tôi kiêu hãnh xem du lịch là một cơ hội để tự đề cao và coi khinh người khác và văn hoá của họ. Và cuối cùng là cái tôi nhân bản, trân trọng cảnh quan, con người Huế, không chỉ ở bề ngoài mà cả trong những nhận xét tinh tế, những tự vấn bản thân, những suy nghĩ sâu kín không tỏ ra bằng lời, chỉ có thể cảm nhận bằng cái tâm thầm kín.
Soi mình trong cái nhìn của người khác không phải để tự chiêm ngưỡng, Huế và con người Huế có thể ngộ ra được điều gì ở đây? Có thể rút ra bài học nào về cách ứng xử, về những hình thái khai thác du lịch, về mối quan hệ giữa du khách và chủ nhà? Có phải bất kỳ nét đặc trưng nào trong văn hoá Huế, văn hoá Việt cũng có thể đưa ra để khai thác và thu ngoại tệ? Xin để dành lời giải đáp cho những cấp, những ban ngành liên quan. Riêng tôi chỉ xin có một suy nghĩ nhỏ: ranh giới giữa cái hay và cái dở vốn rất mong manh, càng mong manh hơn khi nó vừa liên quan đến thể diện (cá nhân và quốc gia) vừa gắn liền với lợi nhuận kinh tế. Thu hút du khách bằng cách khai thác những đặc điểm lịch sử-văn hoá là việc hoàn toàn nên làm, nhưng biết dừng lại ở mức nào trong thương mại hoá du lịch và văn hoá Huế, để đừng một người yêu nước nào phải phẫn uất như trường hợp bà D. trước cảnh những du khách trong áo mão vua quan Việt Nam du hí ầm ĩ trên sông Hương, kể cũng là điều đáng để chúng ta lưu tâm suy xét.
Huế, tháng 4 năm 2002.
P.T.A.N

(nguồn: TCSH số 159 - 05 - 2002)

 

----------------------------
1. Nghĩa là của người Pháp
2. Cách xưng hô lạ lùng của Gabriel với bố đẻ Louis của mình.
3.
Agrégé trong nguyên bản tiếng Pháp, là người đã qua kỳ thi để lấy bằng agrégation, rất được trọng vọng. Trước đây từ này vẫn được dịch sang tiếng Việt là "thạc sĩ", khác với "thạc sĩ" trong hệ đào tạo cao học hiện nay của chúng ta.
4. Descartes phân biệt một bên là cái hiểu được (intelligible), một bên là cái
cảm được hay hình dung được (imaginable). Những từ ngữ "intelligible" và "imaginable" được Descartes sử dụng với ý nghĩa đặc biệt. hơi khác với nghĩa thông thường của chúng.
5. Tên một khách sạn ở Huế. Trong bài này tôi xin được thay cái tên đó bằng XX.
6.
Climat trong nguyên bản tiếng Pháp, ý nói khí hậu tinh thần.
7.
Cấp độ điệu thức hoá (niveau de modalisation) là khái niệm do E.Goffman đề xuất. Theo E.Goffman, một sự kiện có thể được ghi nhận ở một khung bậc 1 (cadre primaire), khi nó chỉ được miêu tả đơn thuần, nhưng sự kiện cũng có thể được tường thuật, giải trình với những ý nghĩa khác hơn, bằng những thao tác điệu thức hoá. Ở mỗi cấp độ điệu thức hoá, có một khung điệu thức hoá (cadre modalisé) tương ứng.

Các bài mới
Nói ngược (20/08/2008)
Các bài đã đăng