Tạp chí Sông Hương - Số 159 (tháng 5)
Di sản nghệ thuật của Trịnh Công Sơn với Huế - thành phố Festival
14:55 | 19/08/2008
BỬU NAMHY VỌNG, NIỀM TIN CỦA NGƯỜI NHẠC SĨ TÀI HOA VỀ SỰ PHỤC SINH CỐ ĐÔ HUẾ: THÀNH PHỐ FESTIVAL.

Những ngày Xuân tháng ba này, cách những ngày tháng ba năm 1998 ngày nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết và nói những dòng chữ cảm nhận về sự phục sinh của Huế và sự phục sinh của các ngành nghệ thuật, đã bốn năm. Cảm nhận của anh đã được khẳng định mạnh mẽ, Huế rộn ràng chuẩn bị Festival 2002 vào tháng 5 tới.
Thành phố như phục sinh từ cảnh vật bên ngoài thiên nhiên cây cỏ, dòng sông, sương mù sớm tinh sương rồi lung linh nắng mới trên chiếc áo lộng lẫy của lá non, lộc biếc, cho đến những ngổn ngang náo nức chuẩn bị từ lát lại lề đường, con đường đẹp nhất Huế, con đường Lê Lợi bằng một thứ gạch rất đẹp giả cổ, đến mở dài con đường thơ mộng chạy sát ven bờ sông Hương từ quãng chân cầu Trường Tiền đến “Cercle” (Nhà Văn hóa Hữu Nghị rồi Trung tâm Dịch vụ Festival hiện nay). Có thể thấy nơi nào cũng đang sửa chữa xây dựng. Người ta đang xới tung cả nửa con đường Hà Nội (Lê Thánh Tôn cũ) để đặt ống thoát nước.
Khu nhà Trung tâm dịch vụ Festival (Cercle cũ) một nơi vốn dĩ rất đẹp đã được sửa sang, tái tạo lại cho hoàn chỉnh và đưa vào sử dụng.
Cung An Định khẩn trương tiến độ phục hồi để dựng sân khấu thứ hai bên hữu ngạn.
Quảng trường trước Ngọ Môn trong Đại Nội những tháng cuối năm ngoái đã từng là công trường rối bời đất đá, giờ đã định hình hoàn chỉnh một khuôn sân rộng mênh mông nằm giữa kỳ đài và cửa lầu Ngọ Môn sẽ là một sân khấu Festival lộ thiên hùng tráng phía tả ngạn.
Nhà hát Duyệt Thị Đường đã khôi phục dần bộ mặt.
Những ngày cuối năm ngoái, là một thành phần trong hoàng tộc, tôi nhận được giấy mời vào dự lễ húy kỵ của vua Gia Long, rồi những ngày đầu năm Nhâm Ngọ, lễ húy kỵ vua Minh Mạng. Ở Thế miếu, nơi thờ các vua Nguyễn cũng đã thay dần sắc diện. Một người quen trong Ban Trị sự Nguyễn Phước tộc dẫn tôi tới vào các án thờ bên trong của các vua Nguyễn, những án thờ này cũng khôi phục một phần vẻ tráng lệ uy nghiêm cũ, một phần các cổ vật cũng được Bảo tàng Cổ vật Huế cho xuất kho trả lại một ít.
Khắp nơi trong Đại nội như một công trường, thợ thuyền của Trung tâm Bẩo tồn Di tích Cố đô Huế đi đi lại lại với các vật liệu xây dựng, thoát nước, ánh sáng... bày la liệt, tất cả đang chuẩn bị cho những ngày Festival sắp đến gần.
Cái đám hoàng gia suy tàn như vài chiếc lá lơ thơ còn sót lại trên cành sau những cơn bể dâu lịch sử đủ các phiên hệ, đế hệ cầu kỳ mà định mệnh dành cho tôi một mắt xích nhỏ nối kết trong đó, tụ họp nhau làm lễ kỷ niệm ngày băng hà cách đây 200 năm của vua Gia Long Thế Tổ Cao Hoàng đế, vị hoàng đế sáng lập ra Vương triều Nguyễn, tái thống nhất tổ quốc, rồi tưởng niệm Hoàng đế Minh Mạng, Thánh Tổ Nhân Hoàng Đế, vị Hoàng đế lẫy lừng nhất trong vương triều. Với những lễ bái uy nghiêm, rắc rối dành cho huý ký các Hoàng đế còn “vang bóng một thời”.
Trong ánh mắt hoàng hôn của các “Mệ” này đã thấy ngời lên những tia nắng rạng rỡ của niềm vui vì thấy Hoàng Cung, Đại Nội, đang được khôi phục lại phần nào vẻ tráng lệ xưa.
Một trong tờ tạp chí nghiên cứu về văn hóa lịch sử Huế thuộc loại nghiêm túc nhất, tờ “Nghiên cứu Huế” đã xuất hiện số ba, với bài vở thật phóng phú, in đẹp, với một tranh bìa vẽ con ngựa đá trầm tư nở rực hoa ngũ sắc trong bóng đêm, xa xa một vầng trăng vàng nhỏ nhoi, tranh của một họa sĩ nổi tiếng của phong trào sinh viên Huế yêu nước và cũng lừng danh sau 1975, họa sĩ Bửu Chỉ. Biểu tượng Huế phục sinh đó chăng? Hay chính là biểu tượng sự phục sinh sáng tạo của các nghệ thuật Huế.
Tờ “Nhớ Huế” của tổ chức liên lạc đồng hương Huế ở TP Hồ Chí Minh đã ra một số tết Nhâm Ngọ thật hay, nồng nàn tình cảm và nhiệt tình với quê hương của những người Huế tha phương ở các miền trong đất nước và nước ngoài. Và tờ này đang chuẩn bị cho một số 13, với chủ đề “Huế - bài thơ đô thị” hướng tới Festival 2002.
Hàng chục cuộc triển lãm hội họa, nhiếp ảnh, thư pháp đã dự kiến tổ chức với đủ tất cả các nghệ sĩ Trung Nam Bắc gởi thư, điện tới tấp xin đăng ký trước.
Một trại sáng tác điêu khắc quốc tế lần thứ hai mang tên “Ấn tượng Huế” ở công viên trước trường Đại học Sư phạm đang rắc lại những chuẩn bị cuối cùng để cho ngày khai trại.
24 đoàn nghệ thuật của 10 nước (kể cả Việt ) đang cho những tiền trạm tới Huế với những bước chuẩn bị chu đáo.
Đó có phải là tiên cảm của Trịnh Công Sơn: “Phục sinh Huế cũng là phục sinh các ngành nghệ thuật” đó ư?
Không chỉ ở thành phố mà các làng quê của các huyện chung quanh Huế đang được hồi sinh. Những con đường nhựa rộng thênh thang nối Huế với các huyện phía và phía Bắc đã được sửa chữa, khôi phục, mở rộng xây dựng mới...
Tôi về dự lễ kỵ 50 ngày mất của cậu tôi ở một làng quê thuộc huyện Phú Vang, làng An Lưu, một ngày giữa tháng ba năm này, năm 2002.
Xưa, con đường về làng này lởm chởm những dăm đá rải từ thời chế độ cũ, chưa kịp tráng nhựa, lầy lội mùa mưa. Con đường này cứ thế mà tồn tại nửa thế kỷ. Thế mà từ trong hai năm đầu thiên niên kỷ qua, một con đường nhựa đã được xây dựng.
Đường đi cũng ngắn hơn. Xưa phải qua cầu Đập đá. Nay thì đi cầu Vỹ Dạ, lên một đại lộ rộng thênh thang vài kilômét rồi rẽ vào một đường nhựa vào làng. Điện, nước cũng đã về làng. Mùa màng cũng được. Cả một làng quê thanh bình thuở xa xưa đã trở về, cuộc sống đã phục sinh còn hơn xưa. Người trong làng đã bàn định viết địa chí làng, dân cũng đã an cư.
Tôi cứ tưởng như các giấc mơ của nhạc sĩ họ Trịnh về một quê hương thanh bình, ấm no đang được thực hiện dần. Mơ đang biến thành thực ư? Chắc sẽ có những giọt lệ mừng vui trên các “Ca khúc da vàng”, “Kinh Việt ” của anh.
Tôi cũng nghĩ rằng chính các làng quê vùng ven Huế này hồi sinh sẽ làm cho Huế kéo dài, mở rộng tính đô thị.
Khu công nghiệp Phú Bài, rồi sân bay Quốc tế ở đây, làm cho thị trấn vốn đìu hiu này trong thời kỳ bao cấp trước 1986, hay nhốn nháo sặc sụa mùi trại lính Mỹ trước 1975, đã trở thành một thị xã thật sự với nhà cửa khang trang và sự xây dựng nhộn nhịp.
Khu nghỉ mát Lăng Cô - Bạch Mã nối biển với núi, tạo ra một thứ “Nha Trang”, một thứ “Đà Lạt” trong lòng Huế.
Cảng Chân Mây đang định dần khuôn mặt, một cảng có tính chất quốc gia và quốc tế cho những tàu trọng tải nặng có thể cập bến dỡ và ăn hàng, tạo ra một “thứ Đà Nẵng” trong Huế cổ kính thuở xưa.
Các khách sạn Morin, Century đã đạt 4 sao, khách sạn Hương Giang đã sửa sang, nâng cấp lại. Hàng chục các khách sạn trung bình và nhỏ khác cũng đang được nâng cấp chuẩn bị đón khách du lịch nghe đâu sẽ tràn ngập như nước lụt xứ Huế tháng mười, mười một, mười hai.
Huế đang được hồi sinh. Tiếng gọi đó như một sự reo vui, một niềm hy vọng cho những năm tiếp theo của thiên niên kỷ mới. Đó, tôi cũng chắc rằng là niềm hy vọng của hương hồn Trịnh Công Sơn, bởi anh nặng lòng sống, đấu tranh và mơ ước cho quê hương lớn Việt Nam, và quê hương nhỏ, Huế trong lòng của anh.

DI SẢN NGHỆ THUẬT CỦA TRỊNH CÔNG SƠN VÀ CÓ THỂ ĐÓNG GÓP GÌ CHO THÀNH PHỐ FESTIVAL?
Di sản nghệ thuật người nhạc sĩ tài hoa này, tên tuổi được nhân dân yêu mến của anh, và tiếng vang quốc tế của âm nhạc anh, có thể đóng góp gì cho sự phát triển của một thành phố Festival, thành phố du lịch văn hóa?
Một thành phố xác định thế mạnh du lịch - văn hóa cần tạo ra nhiều sản phẩm văn hóa phong phú đa dạng. Một trong những sản phẩm văn hóa ấy là di sản và cả tên tuổi các danh nhân văn hóa - nghệ thuật, bên cạnh các danh nhân anh hùng-lịch sử.
Ở Pháp và đặc biệt ở Thủ đô Paris mà tôi có dịp ghé tham quan, người ta biết khai thác di sản và tên tuổi này. Một mặt để ngợi ca, tôn sùng, một mặt khác thu hút khách du lịch tham quan.
Hàng trăm viện bảo tàng lớn nhỏ dầy đặc trên đất Pháp và Paris . Đôi khi chỉ mang tên rất khiêm tốn “Maison de Victor Hugo”, “Maison de Balzac” (chuyển ngữ thường gọi là Nhà lưu niệm, nhưng thật ra là một bảo tàng nhỏ với rất nhiều hoạt động phong phú, từ chiếu phim về cuộc đời nghệ sĩ, đến thuyết minh về sự ra đời các tác phẩm, đến các kỷ vật nghệ thuật, được bán để tưởng niệm danh nhân).
Hàng trăm các tượng danh nhân văn hóa được quần chúng yêu mến, được giao cho các nghệ sĩ điêu khắc tài ba sáng tạo nên và nó dựng ở những nơi đẹp nhất, thu hút khách tham quan.
Rồi mộ các danh nhân văn hóa hay lịch sử cũng là một điểm tham quan. Vì thường mộ này thường chôn ở những nơi có phong cảnh đẹp.
Các con đường đẹp được đặt tên danh nhân cũng là nơi thu hút sự tò mò của khách du lịch, nếu được giới thiệu kỹ.
Huế là nơi dầy đặc các danh nhân văn hóa - nghệ thuật sinh ra ở đây hoặc là ở những nơi khác đến sống và tạo dựng sự nghiệp, hay là nơi mà họ từng ghé qua và nơi đó là ngọn nguồn cảm hứng để tạo ra các tác phẩm bất hủ.
Cần phải khai thác các điều nói trên.
Có thể sau này sẽ dựng nên hàng chục, hàng trăm nhà bảo tàng lớn nhỏ để tưởng niệm các danh nhân văn hóa cũng như lịch sử và cũng để làm phong phú sản phẩm văn hóa-du lịch.
Nhưng trước mắt, Huế theo tôi nên tập trung chọn hai danh nhân văn hóa tiêu biểu.
Đó là Điềm Phùng Thị và Trịnh Công Sơn vì có những ưu thế dễ thực hiện:
1. Về đặt tên đường: Có thể chọn hai con đường ngắn nhưng thơ mộng để đặt tên cho hai danh nhân văn hóa - nghệ thuật này.
Hai con đường “Điềm Phùng Thị” và “Trịnh Công Sơn” sẽ là hai khúc đường Nguyễn Trường Tộ và Phan Bội Châu cũ, nhưng chỉ chạy dọc theo giữa hai trường Hai Bà Trưng (Đồng Khánh cũ) và Quốc Học, giữa Quốc Học và Cung Thiếu Nhi, từ đường Lê Lợi rẽ đi thẳng lên Phủ Cam hoặc Bến Ngự. Nhưng chỉ cần đặt tượng trưng thôi. Hai con đường chỉ cần dừng khi đi hết hai Trường. Con đường Nguyễn Trường Tộ, Phan Bội Châu sẽ tiếp hai con đường này.
2. Về Nhà lưu niệm (hay Viện bảo tàng nhỏ):
Nhà lưu niệm (hay Viện bảo tàng) Điềm Phùng Thị đã có cơ sở, hiện vật, cần tìm mọi biện pháp để làm sống động nó để thu hút du khách.
- Nhà lưu niệm (hay Bảo tàng) Trịnh Công Sơn có thể chọn một biệt thự du lịch ở đường Lý Thường Kiệt rồi đầu tư xây dựng thêm, hoặc đặt ở một chỗ mới, khu đất ngã tư Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Huệ còn để trống. Kinh phí có thể kêu gọi sự ủng hộ của hội bạn Trịnh Công Sơn khắp trong nước và nước ngoài đóng góp.
3. Mộ và tượng: của Điềm Phùng Thị đã đặt ở một ngọn đồi gần lăng Khải Định rất đẹp. Bên cạnh đó có một ngọn đồi khác, có thể đặt mộ và tượng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ở đó. Điêu khắc gia nổi tiếng Phạm Văn Hạng sẵn sàng góp công về tượng nhạc sĩ họ Trịnh.
Hai ngọn đồi này cũng sẽ là nơi thu hút khách du lịch tham quan nếu dựng thêm những tượng đẹp.
Nếu tổ chức thành công các việc trên, có thể còn mở rộng ra hàng chục nhà lưu niệm và tượng các danh nhân khác như họa sĩ Phạm Đăng Trí, nhà văn Thanh Tịnh, nhà thơ Thanh Hải, nhà thơ Phùng Quán, nhà nghiên cứu Hải Triều, Đào Duy Anh...
Phải chăng đó cũng là một phần di sản của danh nhân văn hóa - nghệ thuật có thể đóng góp vào sự phát triển của thành phố Festival ư?

NHẸ VÀ NẶNG VỚI CÕI ĐỜI.
Tôi vẫn hằng nghĩ rằng, Trịnh Công Sơn, trong sâu thẳm lòng anh, anh vẫn cho rằng cuộc sống thế gian này chỉ là cõi tạm, chỉ là một thứ cõi vô thường trong dòng thời gian vô thủy vô chung của vũ trụ, trong dòng biến dịch đủ sắc màu của lịch sử con người và dân tộc. Nhưng tôi biết lòng anh vẫn đau đáu nặng nợ với trần gian, với cái cuộc sống mỏng mảnh chỉ có một lần duy nhất trên cõi thế này.
Đối với anh, cái cuộc sống trần gian đó chính là thân phận người gắn liền với thân phận của một lịch sử hiện hữu cụ thể của một dân tộc, một tổ quốc mẹ hiền, của một vùng đất cỏ hoa cảnh sắc mây nước diễm tình mà từ cái thuở Chúa Nguyễn Hoàng trên con đường lưu lạc vào phương Nam để cứu thân, nhờ sự mách bảo tiên nữ đã dừng chân cắm mốc làm chốn Đế đô. Một vùng đất nơi mình sinh ra và lớn lên cũng là chốn định mệnh đối với mỗi người, đặc biệt nếu con người đó mang thêm kiếp đèo bồng của giấc mơ nghệ sĩ.
Suốt cuộc đời Trịnh Công Sơn đã la đà giữa “cõi trần” và cõi “thiên thu”. Kiếp số anh nặng hơn Văn Cao. Văn Cao thanh thoát ở cõi Suối mơ, Thiên thai. Nhưng lại nhè nhẹ hơn Bửu Chỉ, mà lại nặng hơn so với thân chim như anh đã nhiều lần so sánh khi viết các tản văn về Văn Cao, về Bửu Chỉ... và ngay cả trong các ca khúc của anh.
Dù thế nào chăng nữa, sống, anh cũng muốn đóng góp cho đời từ nỗi đau ngậm ngùi của lòng mình.
Chết, tôi cũng nghĩ anh còn mong ước di sản tác phẩm của mình còn được sống trong lòng người, trong lòng Huế, đặc biệt là trong một Huế phục sinh.

CÒN HAI CON MẮT.
Từ ca khúc “Còn hai con mắt” của anh, tôi suy nghĩ thêm rằng con người ta sống giữa đời luôn cần giữ cho hai con mắt linh hồn mình được tinh khiết.
Một con mắt biết buồn đau, trắc ẩn và xót thương, khóc than đối với những gì đau khổ, bị tủi nhục, bị dày xéo. Buồn đau với những thời điểm lịch sử đầy bóng tối, chết chóc, đổ nát, hoang tàn và những thời kỳ băng giá âm u. Con mắt buồn đau ấy cũng là con mắt căm giận và phẫn nộ với những gì bất công, áp bức, dối trá, ngụy tín.
Một con mắt khác biết mừng vui với những gì hồi sinh trong lòng quê hương rộng lớn và quê hương nhỏ bé này. Sự đổi thịt thay da ở những làng quê, phố thị, sự phục sinh của cố đô rêu phong, trầm mặc đầy vết thương phế tích của thời gian, chiến tranh và đôi khi sự ngu dốt thiển cận, hẹp hòi của con người.
Con mắt đó còn mừng vui hơn với sự phục sinh trong lòng con người, sự phục sinh tâm hồn này đẽ đơm lại một mùa cây trái mới. Một thời kỳ mới cho lòng hy vọng và sự bao dung, cho những biên giới định kiến trong lòng người sẽ dần dần mờ phai đi. Để có một cuộc hội ngộ chung, một sự gặp gỡ chung cho vạn bàn tay chung sức xây dựng lại một quê hương, một quê hương cội nguồn xanh thắm yêu dấu cứ xôn xao trong đáy sâu cõi lòng, dù đôi khi tưởng nó đã chết âm u trong lớp vỏ dửng dưng bên ngoài băng giá.
4/ 2002
B.N
(nguồn: TCSH số 159 - 05 - 2002)

Các bài mới
Nói ngược (20/08/2008)
Các bài đã đăng