Tạp chí Sông Hương - Số 160 (tháng 6)
Thế hệ thứ 5 của điện ảnh Trung Quốc
15:38 | 26/08/2008
ĐẶNG NHẬT MINHTháng 2 vừa qua, trong sinh hoạt điện ảnh Trung Quốc đã diễn ra một sự kiện đặc biệt thu hút sự chú ý của mọi người: cuộc gặp mặt của sinh viên khoá 82 Trường Đại học Điện ảnh Bắc Kinh.
Thế hệ  thứ 5 của điện ảnh Trung Quốc

Những cuộc gặp mặt của các đồng môn là chuyện bình thường không có gì lạ. Nhưng cuộc gặp gỡ này có một ý nghĩa khác thường: Đó là cuộc hội tụ của một thế hệ những người làm phim đuợc gọi là thế hệ thứ 5 - thế hệ làm đảo lộn mọi khái niệm về điện ảnh Trung Quốc có từ trước đến nay. Thật vậy hai mươi năm qua, những người thuộc thế hệ này đã tung hoành trên võ đài điện ảnh trong và ngoài nước, để lại những dấu ấn khó phai mờ khiến mọi người phải ngạc nhiên, thán phục. Vậy có gì đặc biệt ở thế hệ thứ 5 này? và thế hệ này đã đóng góp gì cho sự phát triển của điện ảnh Trung Quốc?
Trước tiên phải nhắc đến hai tên tuổi hàng đầu là Trương Nghệ Mưu và Trần Khải Ca. Họ là những thanh niên khi vừa rời ghế trường phổ thông thì cơn bão của Đại Cách mạng văn hoá ập tới. Cũng như bao thanh niên khác, họ bị xô dạt đi khắp nơi, nếm chịu bao cay đắng khổ nhục. Sau 10 năm, cơn bão tan, họ trở lại với cổng trường đại học. Lúc này tuổi đời của họ đã trên dưới 30. Mười năm cách mạng văn hoá là một một quãng thời gian đủ để thế hệ này suy ngẫm, nhận thức ra nhiều điều. Họ cảm thấy không bị ràng buộc gì nữa vào quá khứ, họ phải bắt đầu lại tất cả từ đầu. Điều nhận thức đầu tiên và có tính chất quyết định cho toàn bộ sáng tác của họ sau này là: nghệ thuật nói chung cũng như điện ảnh nói riêng không thể là một công cụ tuyên truyền. Nó phải là phương tiện để khám phá thế giới mênh mông và kỳ bí của xã hội Trung Hoa thông qua số phận của những con người. Ngoài ra điện ảnh là một nghệ thuật, nên nó phải được nói bằng tiếng nói của chính nó: tiếng nói của hình ảnh và âm thanh - nghĩa là tiếng nói của ngôn ngữ điện ảnh. Khác với các thế hệ đi trước, họ được tiếp cận, tiếp thu những tinh hoa của điện ảnh thế giới, đồng thời không quên khai thác những giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc mình. Hai bộ phim có tính chất tuyên ngôn của họ là "Hoàng thổ" của đạo diễn Trần Khải Ca (quay phim Trương Nghệ Mưu) và "Cao lương đỏ" của đạo diễn Trương Nghệ Mưu. Phim đầu kể về một chiến sỹ Bát lộ quân đi sưu tầm âm nhạc dân gian tại một miền quê hoang vắng. Anh ở tại nhà của một nông dân sống cô độc với cô con gái 15 tuổi. Những ngày ba cùng với gia đình người nông dân này, anh đã kịp gieo và lòng cô gái mới lớn một niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống mới mà cách mạng sẽ đem đến trên mảnh đất cằn cỗi đầy những hủ tục đè nặng lên số phận những người nông dân cùng khổ. Rồi người chiến sỹ ra đi, mang theo những bài dân ca sưu tầm được. Không lâu sau cô gái lên kiệu hoa về nhà chồng theo sự sắp đặt của tục lệ tảo hôn. Đêm tân hôn cô gái mới biết chồng mình là một lão già gớm ghiếc. Cô đã trốn đi tìm ngươì chiến sỹ hồng quân... đi tìm tia hy vọng của mình... nhưng biết tìm anh ở đâu? Người ta chỉ còn nhìn thấy đôi giầy hải xảo của cô bên bờ sông vắng. Cô gái đã gieo mình xuống sông tự tử... Bộ phim lập tức được mời chiếu ở rất nhiều Liên hoan phim quốc tế với sự đón nhận vô cùng nồng nhiệt của khán giả khắp mọi nơi. Nó đã đoạt giải Con Báo bạc tại Liên hoan phim Locarno (Thuỵ sỹ) năm 1984. Người ta không còn nhìn thấy trên phim lối diễn xuất ngoại hình quen thuộc trong các phim Trung Quốc trước đây và ống kính quay phim của Trương Nghệ Mưu đã cho người xem thưởng ngoạn những khuôn hình thật độc đáo, mang đậm triết lý của người Trung Hoa về: Thiên, Địa, Nhân.
Sau bộ phim này Trương Nghệ Mưu bỏ quay phim, chuyển sang làm đạo diễn (anh vốn tốt nghiệp khoa quay phim Trường Điện ảnh Bắc Kinh). Bộ phim ''Cao lương đỏ" của anh nói về thân phận người phụ nữ Trung Hoa trong thời kỳ Nhật chiếm đóng, mang đầy mầu sắc dân tộc với ngôn ngữ điện ảnh giầu chất ấn tượng đã lập tức chinh phục khán giả. Tại Liên hoan phim quốc tế Berlin (CHLB Đức) năm 1989 nó đã chiếm giải cao nhất: Giải Con Gấu vàng. Người ta bắt đầu nói đến một cái gì đó thật lớn lao, đầy hứa hẹn đang hình thành trong nền điện ảnh Trung Quốc. Bộ phim này còn giới thiệu ra với thế giới một tên tuổi mới: Củng Lợi. Gương mặt cô lập tức trở thành biểu tượng của một nước Trung Hoa mới sau cải cách, đầy hấp dẫn và quyến rũ, khác hẳn những hình ảnh về người phụ nữ Trung Hoa sẵn có từ trước đến nay.
Sau thắng lợi của bộ phim đầu tay Trần Khải Ca làm tiếp phim ''Vua của trẻ em" nói về một giáo viên dậy học ở vùng cao và phim ''Cuộc duyệt binh lớn'' nói về cuộc sống của một tân binh làm nghĩa vụ quân sự. Hai bộ phim đều xuất sắc nhưng không có tiếng vang bằng phim ''Hoàng thổ''. Trần Khải Ca sau đó nhận được một học bổng sang tu nghiệp tại New York trong một thời gian. Đây là thời kỳ ông tìm hiểu kỹ hơn về công nghệ làm phim hiện đại của Mỹ, đồng thời nghiền ngẫm cho những bộ phim mang tính sử thi sau này. Ông bắt đầu được các nhà sản xuất phim lớn của Mỹ, Nhật, Pháp chú ý. Họ đầu tư để ông làm tiếp phim "Cuộc sống trên sợi dây đàn" với một kinh phí khá lớn và những phương tiện kỹ thuật hiện đại. Tiếc rằng bộ phim đã không thành công như mong đợi ngoại trừ phần âm thanh tuyệt vời do người Nhật đảm nhiệm. Không nản chí Trần Khải Ca tiếp tục chuẩn bị cho bộ phim tiếp theo. Lần này ngoài các nhà đầu tư Nhật, Mỹ còn có sự hỗ trợ rất lớn của một nữ Hoa kiều sống ở Mỹ vốn từ lâu khâm phục tài năng của Trần Khải Ca. Chính bà đã gợi ý cho ông chuyển thể tiểu thuyết Bá vương biệt cơ mà trước đó điện ảnh Đài Loan đã làm nhưng không thành, và tự bà đã đứng ra làm nhà sản xuất chính của bộ phim. Phim được dàn dựng hết sức công phu, hoành tráng, đạt chuẩn mực về nghề nghiệp và hấp dẫn một cách sâu sắc. Bức tranh của xã hội Trung Quốc trước và sau cách mạng văn hoá đã được khắc hoạ một cách tài tình thông qua số phận của 2 diễn viên nam đóng cặp đôi nhân vật Bá Vương và Ngu Cơ trong một đoàn kinh kịch chuyên nghiệp. Tình cảm gắn bó giữa hai người vừa xuất phát từ lòng yêu nghệ thuật, vừa xuất phát từ tình cảm như là vợ chồng (mặc dù cả hai đều là nam), khộng còn phân biệt đâu là sân khấu đâu là cuộc đời thật của xã hội Trung Quốc đầy biến động trong những năm 60, 70. Bộ phim là một thành công vang dội nữa của điện ảnh Trung Quốc trên trường quốc tế. Giải Cành cọ vàng tại Liên hoan phim Cannes năm 1994 đã đưa Trần Khải Ca lên hàng những đạo diễn hàng đầu của thế giới. Còn Trương Nghệ Mưu sau ''Cao lương đỏ" tiếp tục khẳng định mình trong một loạt phim khai thác số phận người phụ nữ Trung Hoa như: Cúc đậu, Đèn lồng trên cao, Thu Cúc đi kiện, Phải sống v.v... Phim của ông luôn mang đậm mầu sắc dân tộc, giầu hình ảnh, đầy ấn tượng mà đỉnh cao là phim Thu Cúc đi kiện đoạt Giải Sư tử vàng tại Liên hoan phim Venise (Ý) năm 1985. Câu chuyện phim vô cùng đơn giản: Thu Cúc, một nữ nông dân đi kiện ông Trưởng thôn vì trong một cơn tức giận đã đá vào bộ hạ của chồng mình làm anh bị tổn thương. Vết thương tuy không có gì trầm trọng và toà án cấp huyện đã xử người trưởng thôn phải bồi thường thuốc men cho chồng chị. Nhưng người phụ nữ nông dân ít học kia lại không chấp nhận sự phán xử đó, chị cương quyết kháng án lên cấp tỉnh, rồi cấp khu, cấp trung ương... không phải để được bồi thường nhiều hơn (chị đã trả lại tiền cho ông trưởng thôn) mà chị cần một sự tôn trọng của người có chức có quyền đối với chồng chị. Chị cần ông trưởng thôn phải xin lỗi chồng chị. Một khi đã có đơn kháng án thì bộ máy luật pháp lại phải làm việc. Cuối cùng sau khi điều tra, xác minh, Toà án Trung ương đã tuyên án bỏ tù ông thôn trưởng 15 ngày. Nghe tin đó Thu Cúc hớt hải chạy đến nhà thôn trưởng. Nhưng công an đã đưa ông đi trước sự ngỡ ngàng của chị. Điều chị cần chỉ là một lời xin lỗi mà thôi!. Bộ phim vô cùng chân thật với Củng Lợi trong vai Thu Cúc, mang bầu vượt mặt, lẽo đẽo đi thưa kiện hết cấp này đến cấp khác chỉ với một khát vọng duy nhất là được tôn trọng. Từ một mẩu chuyện nhỏ trong cuốn ''Trăm nhà đi kiện'' Trương Nghệ Mưu đã nâng bộ phim lên một tầm khái quát cao đầy tính nhân bản. Với vai diễn này Củng Lợi đã đoạt giải Nữ diễn viên xuất sắc cũng tại Liên hoan phim Venise, trở thành siêu sao điện ảnh thế giới đầu tiên của Trung Quốc. Nói về năng xuất làm phim của Trương Nghệ Mưu thì không ai bì kịp. Ông làm đều đặn mỗi năm một phim, suốt hàng chục năm nay không năm nào gián đoạn. Với bộ phim Không được thiếu một em về đề tài thiếu nhi  miền núi, năm 1998 ông lại một lần nữa đọat giải Sư tử vàng cũng tại Liên hoan phim Venise, một điều hiếm có tại cuộc thi phim có uy tín này. Ông còn thử sức mình trong những lĩnh vực khác như: sân khấu, kinh kịch, opera v.v... và ở đâu ông cũng đều thành công. Hầu hết các phim của Trương Nghệ Mưu làm đều do các nhà đầu tư nước ngoài bỏ vốn. Có tin đồn rằng ông thường gặp phải những sự khó dễ nào đó từ phía những người quản lý điện ảnh Trung Quốc. Nhưng đó chỉ là những tin đồn. Tất cả các phim của ông làm ra đều được chiếu rông rãi ở trong nước và ông được tạo mọi điều kiện để phát huy hết khả năng của mình.
Tôi may mắn có dịp được gặp Trương Nghệ Mưu một lần vào năm 1989 tại Liên hoan Phim quốc tế Mascơva. Mặc dù bận rộn với công việc của một uỷ viên giám khảo, ông vẫn nhận lời tiếp tôi và nữ đạo diễn Việt Linh taị phòng riêng ở khách sạn. Ông tâm sự: Chúng ta cần thuyết phục những người quản lý điện ảnh để họ hiểu được rằng điện ảnh là nghệ thuật, khác với chính trị. Phải thuyết phục họ một cách nhẹ nhàng thôi vì họ có quyền cho ta làm phim hoặc không. Tôi nghĩ rằng Trương Nghệ Mưu đã làm được điều đó, bằng chứng là sự phát triển đầy ngoạn mục của điện ảnh Trung Quốc những năm gần đây trong đó sự cởi mở trong quan niệm về nghệ thuật của những người quản lý đóng vai trò quyết định. Năm 1996 tôi lại có dịp được gặp Trần Khải Ca tại thành phố Kobe (Nhật Bản) nhân dịp thành phố này tổ chức Tháng phim để kỷ niệm 100 năm buổi chiếu phim đầu tiên tại đây. Có 60 phim được chọn để trình chiếu và những ai có phim đều được mời đến Kobe để tiếp xúc với khán giả. Tôi có mặt với bộ phim Thương nhớ đồng quê và Trần Khải Ca với bộ phim Bá vương biệt cơ. Chúng tôi ở cùng khách sạn nên có nhiều dịp để chuyện trò. Tôi ngỏ ý muốn mời anh sang Việt và cho biết khán giả Việt rất hâm mộ anh, báo chí viết rất nhiều về anh. Anh chưa nhận lời được vì đang chuẩn bị vào một phim mới có tên là Phong Nguyệt dự định quay ở Thượng Hải. Nhưng rồi anh nói nhỏ vào tai tôi: Tuy vậy tôi đã có dịp sang Việt rồi đấy. Tôi ngạc nhiên hỏi lại: Bao giờ? Trần Khải Ca mỉm cười đáp: Năm 1967. Hồi đó vừa nhập ngũ thì liền được điều sang Việt trong một đơn vị làm đường ở Bắc Giang. Đó là những ngày bắt đầu cuộc leo thang của không quân Mỹ ra miền Bắc Việt . Trần Khải Ca rất muốn trở lại con đường cũ mà anh nhớ rất rõ là cách Bắc Giang 5 km, nơi đã để lại trong anh rất nhiều kỷ niệm. Sau Phong Nguyệt anh lại lao vào bộ phim sử thi Kinh Kha giết vua Tần hay còn gọi là Thích khách, một bộ phim đồ sộ với những đại cảnh có hàng vạn diễn viên quần chúng mà chỉ có những nền điện ảnh lớn mới có khả năng làm nổi.
Trên đây tôi chỉ nói đến hai gương mặt tiêu biểu của thế hệ thứ 5. Thực ra còn nhiều người khác nữa mà tài nghệ và lòng nhiệt huyết cũng mang lại không ít vinh quang cho điện ảnh Trung Quốc như Ngô Tư Ngan, Điền Tráng Tráng v.v... Vậy thì điều gì đã khiến cho thế hệ thứ 5 của điện ảnh Trung Quốc trong 20 năm qua làm thay đổi hẳn diện mạo của điện ảnh đất nước mình một cách kỳ diệu đến như vậy? Có lẽ đầu tiên phải kể đến sự chuyển biến trong nhận thức của một lớp người về chức năng và sứ mạng của điện ảnh. Thế hệ thứ 5 đã biết rút kinh nghiệm của các thế hệ đi trước, biết tiếp cận với điện ảnh hiện đại của thế giới và biết khai thác đến tận cùng những giá trị văn hoá truyền thống của đất nước mình. Sức mạnh của họ là ở chỗ đã dám dũng cảm từ bỏ những giáo điều cũ, những lối mòn cũ, để khai phá một con đường riêng của mình, chưa từng có từ trước. Một đặc điểm nữa của thế hệ này là họ đã gắn liền số phận của mình với một giai đoạn lịch sử đầy thăng trầm của đất nước. Khi đựơc hỏi về những ngày Cách mạng Văn hoá Trương Nghệ Mưu nói: Sau những gì đã gánh chịu trong thời kỳ đó, tôi vẫn tin vào con người. Không phải chỉ có mình tôi gánh chịu những điều tương tự. Đã có hàng triệu người như thế, nhiều người còn khổ hơn tôi. Tôi chẳng có gì phải tiếc nuối dù cũng không thể quên nổi quá khứ, cái thời lao khổ ấy. Tôi yêu Trung Hoa. Nếu như ngày nay tôi đạt được thành công nào đó thì nó gắn lền với lao động cật lực của tôi ngay trên đất nước tôi.
Có thể nói bằng những bộ phim của mình thế hệ thứ 5 đã làm cho nước Trung Hoa trở nên có thiện cảm hơn, hấp dẫn hơn trong con mắt của người nước ngoài. Không lạ gì khi người ta thấy năm ngoái trong đoàn đại biểu của thành phố Bắc Kinh sang Mascơva tranh quyền tổ chức Thế vận hội Olempic năm 2008 có cả Trương Nghệ Mưu và Củng Lợi. Họ là những gương mặt tiêu biểu không chỉ của điện ảnh. Họ đã trở thành những sứ giả sáng giá của đất nước mình.
Hai ngày 16 và 17 tháng 2 vừa qua tại Học viện Điện ảnh Bắc Kinh thực sự là những ngày hội anh tài. Không chỉ những cựu sinh viên khoá 82 mà hầu hết những tên tuổi nổi tiếng trong làng điện ảnh Trung Quốc và Hongkong đều tụ hội đông đủ về đây. Những thành viên của thế hệ thứ 5 đã quyết định lập ra một Quỹ học bổng điện ảnh để khuyến khích những tài năng trẻ. Họ đã hoàn thành vẻ vang sứ mạng của mình và bây giờ họ có trách nhiệm chăm lo cho những thế hệ tương lai.
Đ.N.M
(nguồn: TCSH số 160 - 06 - 2002)

Các bài mới
Các bài đã đăng
Bà ngoại (26/08/2008)
Tiếng quê (26/08/2008)
Hướng thiện (26/08/2008)
Chùm thơ Mai Linh (22/08/2008)