Sau ngày đất nước giải phóng, nhiều người con xứ Huế đã dần bén duyên với vùng đất đỏ bazan màu mỡ, trù phú. Đến nay mỗi người đều có một cuộc sống khác nhau, nhưng với họ đây là mảnh đất ân tình, nặng nghĩa.
Dù xa quê, nhưng ai cũng canh cánh trong lòng nỗi nhớ cố hương với kinh thành sừng sững, thành cổ rêu phong, lăng tẩm, chùa chiền cổ kính, sông Hương, núi Ngự thơ mộng, nơi mùa hoa phượng đỏ rực trong những ngày hè dịu ngọt...
“Tôi gặp Huế trên cao nguyên Dak Lak. Nón bài thơ che nắng ban trưa. Dòng Hương xanh lặn vào đáy mắt. Một giọng trầm buông tiếng: Dạ thưa!...” (nhạc phẩm Huế giữa cao nguyên, thơ Dzạ Lữ Kiều, nhạc Hằng Vang) ngân lên trong đêm thơ nhạc khiến những người con xứ Huế xa quê luôn ngậm ngùi, trằn trọc nỗi niềm hoài vọng cố hương. Những chiếc nón bài thơ, tà áo trắng và những tiếng dạ thưa ... có lẽ chúng ta rất dễ bắt gặp khi đặt chân đến những nơi, khu vực đông người Huế sinh sống như: chợ Đạt Lý (xã Hòa Thuận, TP. Buôn Ma Thuột), xã Phú Xuân (huyện Krông Năng), thị trấn Buôn Trấp (huyện Krông Ana)... Ở đó ta được thưởng thức những món ăn đặc sản Huế như: cơm hến, bánh lọc, bún bò, bún mắm nêm... Hơn thế nữa, người Huế xa quê hiện vẫn còn giữ tính mực thước trong giao tiếp và sinh hoạt gia đình, chăm chỉ làm ăn, đùm bọc nhau khi hoạn nạn... Trong đêm thơ nhạc, nỗi nhớ quê nhà, nhớ bóng hình “người xưa” cũng được giãi bày qua các ca khúc Bất chợt Huế, Thăm Huế chiều đông, Chiều quê ngoại, Huế còn đó ân tình... Hay nỗi niềm thương mẹ ở quê của người con gái Huế lấy chồng xa được chị Công Tôn Nữ Vầy gửi gắm qua bài thơ Thương mạ: "Giữa đêm cao nguyên bồi hồi nhớ nhung, con ngồi đan áo mùa khô, kịp đông về gửi mạ (mẹ) giữ ấm vai gầy"... Xa quê ai cũng mong một lần quay trở lại, và rồi khi có dịp đưa con về quê, người mẹ từng một thời mơ mộng Tôn Nữ Ngọc Hoa như thỏa nỗi niềm tâm sự. Bài thơ Đưa con về Huế học của chị với lời thơ mộc mạc, đầy cảm xúc khi được trở về quê hương, được thăm lại cảnh vật quê xưa và rảo bước nơi ngôi trường in dấu bao kỷ niệm. Chị Hoa tâm sự: "Nghe tin con thi đậu đại học ở Huế tôi rất vui, đó không chỉ là niềm hạnh phúc, tự hào về con mà đó là cơ hội để con mình trở về quê hương, nguồn cội. Ngày đưa con ra Huế nhập học, mọi thứ ở quê hương đối với tôi rất đỗi thân quen và ấm áp".
Một điều thú vị không kém trong đêm thơ nhạc “Huế giữa cao nguyên” khiến những người con Huế như được sống ở quê nhà là phần thi Nói tiếng Huế. Những câu nói mà có lẽ chỉ người Huế mới hiểu như : "Rửa đọi thì rửa luôn khu nghe” (rửa tô, chén thì phải rửa sạch cả dưới đáy tô), “Ra sau hè lấy cái chổi rèn suốt cái trột trước cươi” (ra sau nhà lấy cái chổi quét vũng nước trên sân)... "Hơn 10 năm xa Huế, do điều kiện kinh tế khó khăn nên tôi chưa về thăm quê, hôm nay, ở nơi đất khách, được nghe tiếng Huế khiến tôi cảm thấy thật thân thương và hạnh phúc, hơn thế nữa nó làm tôi vơi bớt nỗi nhớ nhà"- chị Cao Thị Lý chia sẻ.
Đêm thơ nhạc "Huế giữa cao nguyên" do các văn nghệ sĩ Huế tổ chức ở TP. Buôn Ma Thuột khi mùa xuân còn đang hiện hữu (ngày 13-2 âm lịch vừa qua) không chỉ thu hút những người con Huế đang sinh sống tại Dak Lak, mà nhiều người Huế ở Dak Nông, Bình Phước, TP. Hồ Chí Minh... cũng đến tham dự với trái tim đầy tình yêu thương dành cho quê mẹ. Đó là sự đồng cảm của những người từng chung nắng, chung mưa trên dòng sông Hương, núi Ngự. Để đến khi dây đàn đã chùng, tiếng hát đã lơi và điệu ngâm có nhạt, nhưng chắc rằng, nỗi lòng của mỗi người con xa quê đã đồng vọng đến xứ Huế thân thương dù xa ngút ngàn. Huế, nơi đi thì nhớ, ở lại buồn hơn. Đó là sự dùng dằng của người Huế xa quê, một sự dùng dằng dễ thương không ai nỡ giận...
Theo Thúy Hồng
Báo Daklak