Huế luôn luôn mới
Liên hoan dân ca khu vực Bắc Trung bộ: Mừng nhưng chưa yên tâm
08:00 | 08/04/2013

Vừa kết thúc tại Huế, Liên hoan dân ca Việt Nam khu vực Bắc Trung bộ năm 2013 đã để lại nhiều lay cảm và ngẫm ngợi. Trăn trở lớn nhất sau liên hoan là làm sao để dân ca có môi trường diễn xướng rộng hơn.

Liên hoan dân ca khu vực Bắc Trung bộ: Mừng nhưng chưa yên tâm
"Đêm trăng phường Vải" – một trong những tiết mục đặc sắc tại liên hoan. Ảnh: Nguyệt Tú

Chạm đến làn điệu cổ

Trên sân khấu mộc mạc được minh họa từ mái rơm, gốc rạ, liên hoan đưa người xem về với những vùng miền văn hóa đặc sắc của người Mông, người Dao, Pa-Kô, Vân Kiều… đến từ 6 tỉnh Bắc miền Trung, kéo dài từ Thanh Hóa đến TT-Huế.

Quy tụ hơn 100 nghệ nhân, nghệ sĩ, liên hoan có sự giao thoa giữa hai thế hệ, với những gương mặt đã ở tuổi 80, bên cạnh những nghệ nhân chưa qua tuổi 17. Nói như GS-TS Tô Ngọc Thanh, đó là tín hiệu mừng, bởi dân ca đã có sự kế thừa trước nỗi lo mai một.

Xúc động nhất là tại sân chơi này, người nghe, người xem đã được chạm đến những làn điệu dân ca cổ. Có làn điệu được đi diễn lần đầu như tiết mục “Khi có Đảng, đồng bào Mông không di cư tự do”, mà người Mông thường hát vào dịp trọng đại nhất: Tết Độc lập 2/9. Lay cảm không chỉ ở giai điệu, lời ca thắm thiết mà còn ở sự mộc mạc như củ khoai, củ sắn của các nghệ nhân trên sân khấu. Chân chất hồn quê.

Gác cuốc, gác cày vào Huế dự thi, Nghệ nhân Hồ Thị Thạch (xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) cho hay: Từ nhỏ, chị đã được ông nội dạy thổi Pơ-lua (một nhạc cụ đôc đáo của người Bru - Vân Kiều). Lớn lên, chị vẫn thường thổi Pơ-lua trong hội làng nhưng đây là lần đầu biểu diễn trước đám đông. “Nhờ có Đảng, Nhà nước quan tâm âm nhạc dân tộc, mình mới được biểu diễn ở một sân khấu lớn. Bản làng mình còn nhiều điệu múa, lời ca, nhạc cụ nữa, cần quan tâm sưu tầm, khôi phục thêm”, chị Thạch tâm sự.

Nỗi lo sân khấu hóa

Sau hai ngày tại liên hoan với tư cách Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật, GS.TS Tô Ngọc Thanh cho rằng: “Thắng lợi nhất của Liên hoan dân ca Việt Nam khu vực Bắc Trung bộ là không một tiết mục nào có bàn tay chuyên nghiệp dàn dựng mà được hát chân chất, hồn hậu, nguyên bản”. Đó cũng là mục đích Liên hoan dân ca Việt Nam (do Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức) hướng đến. Diễn ra 2 năm một lần, hoạt động này nhằm tìm kiếm, phát hiện, gìn giữ các làn điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc nguyên thể, góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc.

  Ở miền Bắc, để bảo tồn dân ca, nhiều làng xã đã hình thành các CLB để người dân cùng hát. TT-Huế cũng là vùng đất có nhiều làn điệu đặc sắc. Thiết nghĩ, ngành văn hóa và chính quyền địa phương cần có giải pháp thành lập những CLB dân ca thường xuyên để những làn điệu dân ca của ông cha vang mãi.

Điều nhiều chuyên gia văn hóa lo lắng là với xu hướng hiện đại hóa ngày nay, không ít làn điệu dân ca đã bị cải biên, được dàn dựng, sân khấu hóa. “Khuyến khích dân ca nguyên bản không phải là cổ hủ, bảo thủ, mà chúng ta hãy tiếp cận những ngọt bùi đắng cay các cụ gửi vào đấy. Càng hiểu ông cha bao nhiêu, chúng ta càng thừa kế tốt bấy nhiêu. Chúng ta làm nên cái gọi là dân ca cải biên, thì cuối cùng chúng ta quên dân ca thật, không còn gì để so sánh”- GS.TS Tô Ngọc Thanh bày tỏ.

Nhưng để bảo tồn nguyên thể, dân ca cần có một môi trường diễn xướng thật sự trong khi môi trường gốc của dân ca ngày càng thu hẹp và liên hoan dân ca thì 2 năm mới có 1 lần. Bởi vậy, biết sân khấu hóa là không nên nhưng dân ca vẫn phải đối mặt với nguy cơ sân khấu hóa với đội ngũ nghệ sĩ ngày càng nhiều và nghệ nhân thì ít lại.

 

Theo Báo Thừa Thiên Huế 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng