Huế luôn luôn mới
Tranh sen của Lại Thanh Dũng
10:07 | 27/05/2013

(SH) - Huế đang mùa sen và đại lễ Phật đản (2557), đâu đâu cũng thấy hình bóng hoa sen. Sen trên các poster, hoa đăng trang trí. Trong biển hoa sen ấy còn có những tranh sen của họa sĩ trẻ Lại Thanh Dũng.

Tranh sen của Lại Thanh Dũng
Ban mai

Tranh sen của Lại Thanh Dũng

Cuối đông

Tranh sen của Lại Thanh Dũng

Sen tàn

Dũng quê Quảng Bình, sinh năm 1982, tốt nghiệp Trường đại học Nghệ thuật Huế năm 2006. Sau tốt nghiệp, thay vì về quê tìm kiếm việc làm như nhiều bạn đồng môn thì ngược lại, Dũng quyết tâm ở lại Huế – một trung tâm văn hóa nghệ thuật của miền Trung và cả nước – làm họa sĩ tự do. Không bị mê hoặc vào các “trò chơi” tạo hình đương đại như trình điễn, sắp đặt, video art, Dũng cứ miệt mài vẽ sen cho đến bây giờ.

Tranh sen của Lại Thanh Dũng

Tranh sen của Dũng xuất hiện nhiều hơn trong các cuộc trưng bày nhóm khi Dũng có điều kiện tham gia. Và rồi Dũng “sen” đã thành định danh với Lại Thanh Dũng sau triển lãm cá nhân lần thứ nhất có tên “Mang đi”: người xem ấn tượng về thế giới sen phong phú qua phong cách tạo hình của Dũng.

Dũng có lối vẽ mỏng, từng lớp, vờn tỉa kỹ càng kết hợp với phun và tạo cấu trúc bề mặt (texture) từ trước. Các tác phẩm về sen đều có đặc điểm tạo hình chung là lớp màu mỏng, tan loãng vào nhau nhưng vẫn tạo được độ sâu cần thiết. Chất liệu acrylic cho phép tác giả chồng màu nhiều lớp, nhưng vẫn ửng màu và cấu trúc hình lớp dưới. Gam màu nóng ấm với nhiều sắc vàng – lục ngả úa hoặc xanh rêu. Thâm độ đậm nhạt giữa các hình mảng lan tỏa nhẹ nhàng, tinh tế.

Ban đầu các tác phẩm thường chỉ là hoa – lá – đài – thân sen trong bối cảnh và tỉ lệ quen thuộc. Sinh hóa tự nhiên. Sen nở, sen tàn riêng lẽ hoặc từng cụm, mảng theo nhịp thời gian. Nhìn màu, nhìn hình, ta thấy toát lên phong vị cổ điển, hoài cổ pha chút lý tưởng hóa. Đẹp, nhẹ nhàng, man mác, thiên về cái đẹp ưu mỹ.

Tranh sen của Lại Thanh Dũng

Ban mai

Về sau lá sen, đài sen thường là chỗ để tác giả đặt để, lai ghép thêm các hình tượng văn hóa làm điểm nhấn và chủ đề tác phẩm. Sen được nhào nặn, biến hóa, cường điệu, tái cấu trúc rồi cố kết lại thành mảng, chúng làm phong – nền hô ứng cùng thành quách lâu đài, cung điện; tứ quý, tứ linh, ấn triện, gấm nhung lụa là và người đẹp trong trang phục cung đình Huế.

Tranh sen của Lại Thanh Dũng

Mùa thu

Sen bây giờ không còn là hình tượng chính nữa mà thành môi sinh, tạo cảnh cho tác giả gửi gắm triết lý nhân sinh của mình. Qua đó ta thấy cả hưng phế, thịnh suy của bao triều đại. Không trực chỉ mà phảng phất hoặc ẩn tàng đâu đây trong mỗi tranh sen của Dũng hơi hướng triết lý Phật giáo. Thảng hoặc một vài tác phẩm vượt thoát khỏi phong cách hiện thực có tính trang trí sang địa hạt tượng trưng, siêu thực.

Tranh sen của Lại Thanh Dũng

Hoài niệm

Tranh sen giúp Dũng có kinh tế để thuê xưởng và nhà, mở mang tầm mắt khi tham gia triển lãm nhóm tại Singapore, Pháp, Hàn Quốc, Malaysia. Đó là trái ngọt cho những gì Dũng miệt mài sáng tạo, tuy nhiên, thành công lại là áp lực cho sự tìm kiếm ngôn ngữ tạo hình. Nhiều khi vẫn có cảm tưởng rằng tác phẩm của Dũng là kết quả của một quá trình rèn luyện đã thành công thức.

Người xem kỳ vọng Dũng khác hơn nữa, tạo ra mô dạng mang tâm thức thời đại hơn, nếu Dũng muốn định danh mãi cùng hình tượng sen trên con đường sáng tạo.

 Theo THẢO NHÂN – Báo Tuổi Trẻ

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng