(SH) - Sông Hương ngàn năm với hành trình từ nguồn ra biển. Dòng sông mãi mãi là thời sự, khi văng vẳng êm xuôi, lúc ồn ã thịnh nộ theo nguồn cơn tác động vào số phận dòng sông, cũng là số phận của cố đô Huế.
UNESCO đã gợi ý tỉnh Thừa Thiên - Huế nên lập hồ sơ đề nghị công nhận sông Hương và cảnh quan đôi bờ là di sản văn hóa thế giới để bảo tồn và phát triển bền vững.
Dòng sông Hương được góp từ khe suối, thác ghềnh dưới bóng rừng già giữa đại ngàn Trường Sơn. Ở ngã ba Bằng Lãng trước khi về vùng châu thổ êm đềm, hai nhánh Hữu Trạch và Tả Trạch nhập dòng, vượt qua vực sâu dưới chân núi Ngọc Chảm để sông Hương đổi màu xanh biếc, mềm mại như dải lụa vắt qua các làng mạc trù phú, uốn lượn giữa lòng cố đô Huế rồi bồi đắp phần phù sa còn lại cho các miền quê ở hạ lưu trước khi ra với mẹ biển.
Dòng sông ai đã đặt tên
Tính từ nguồn trở về đến biển, sông Hương dài chưa đầy 100km. Còn tính riêng đoạn chính được gọi là sông Hương từ ngã ba Bằng Lãng đến cửa biển Thuận An chỉ ngót nghét 30km. Vậy mà nó đã trở thành suối nguồn không bao giờ lặp lại trong cảm hứng sáng tác thi ca, nhạc họa cũng như cách lý giải khác nhau về tên gọi.
Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, trầm tư: “Hiển nhiên là sông Hương đã sống những thế kỷ quang vinh với nhiệm vụ lịch sử của nó, từ thuở nó còn là một dòng sông biên thùy xa xôi của đất nước các vua Hùng. Trong sách địa dư của Nguyễn Trãi, nó mang tên là Linh Giang, dòng sông viễn châu đã chiến đấu oanh liệt bảo vệ biên giới phía Nam Tổ quốc Đại Việt qua những thế kỷ trung đại. Thế kỷ 18, nó vẻ vang soi bóng kinh thành Phú Xuân của người anh hùng Nguyễn Huệ; nó sống hết lịch sử bi tráng của thế kỷ 19 với máu của những cuộc khởi nghĩa, và từ đấy sông Hương đã đi vào thời đại Cách mạng Tháng Tám bằng những chiến công rung chuyển”.
Trong khi, lai lịch con sông thì có ít nhất đến năm tên gọi khác nhau: Lô Dung, Linh, Dinh, Kim Trà và sông Hương. Có truyền thuyết nói rằng, sở dĩ gọi là sông Hương bởi đầu nguồn có nhiều giống cỏ Thạch Xương Bồ đưa mùi thơm vào dòng nước nên sông Hương không chỉ đẹp mà nước sông còn có mùi thơm.
Nhưng nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan bác lại, sông Hương - nơi hội tụ nhiều nền văn minh với những địa danh khác nhau nên việc cùng một dòng sông mang nhiều tên gọi là chuyện bình thường. Tên gọi thay đổi theo những lần thay đổi địa danh. Ông lý giải, thời bấy giờ có thể người ta gọi tên sông theo tên huyện nó đi qua, nên một con sông đã có nhiều tên. “Sông cái Đan Điền” là quãng sông Linh Giang khi đi qua huyện Đan Điền (huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế ngày nay).
Cũng thế, “Sông cái Kim Trà” là quãng sông Linh Giang khi đi qua huyện Kim Trà. Lý giải này có căn cứ thực tế lịch sử. Rằng người xưa có thói quen gọi tên sông theo tên làng, xã, huyện, tỉnh nó đi qua. Như sông Hồng có những đoạn mang tên Mê Linh, Bạch Hạc, Việt Trì... Hai huyện Đan Điền và Kim Trà đều thuộc phủ Triệu Phong, trấn Thuận Hóa, xuất hiện từ thời nhà Lê. Đến triều Nguyễn vùng đất Hương Trà, nơi dòng sông chảy qua trở thành một phần kinh đô cả nước nên nó định hình một cách mặc định là sông Hương… Người ta cứ cầu kỳ hóa chứ đầu nguồn sông Hương đâu có Thạch Xương Bồ mà tạo mùi thơm cho cả dòng sông.
Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu
Ngó qua ô cửa nhà rường bên đường Nguyễn Phúc Nguyên, TP Huế, sông Hương bồng bềnh hiện ra trong sương khói lam chiều với một ít buồn, một ít gió… Trong giây phút ấy, bất chợt vần thơ của Thu Bồn làm lay lòng người: Con sông dùng dằng con sông không chảy - Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu. Quả thật, bên cạnh vẻ đẹp hình thức, nhà rường còn tàng ẩn cái nếp nhà của người Huế được trao truyền và tiếp nối qua nhiều thế hệ.
Dẫn chúng tôi đi quanh co ngang phòng khách có tấm gương soi để chỉnh đốn y phục. Qua một tường lang nhỏ, rồi dừng lại ở ngôi nhà thờ. Bộ tràng kỷ chính giữa nhà, ông Phạm Bá Vinh, chủ nhân ngôi nhà không ngồi mà đứng rót nước mời khách một cách khép nép sau lưng ghế đối diện. Tôi lanh chanh mời ông cứ ngồi tự nhiên để câu chuyện được thoải mái. Ông cảm ơn và nhỏ nhẹ: “Đây là nhà thờ ông nội tôi. Chỉ có cụ, các bậc ngang hàng cụ, các vị khách quý mới được ngồi ở bộ ghế này. Tôi là phận con cháu, chỉ được phép như vầy thôi”…
Qua câu chuyện mới hay, nhà rường Huế mà cụ thể là nhà của Phạm Bá Vinh là tập hợp gồm nhà khách, nhà thờ, nhà sinh hoạt và nhà bếp, rồi trường lang, sân vườn, hồ nước bán nguyệt, cả một hệ thống hoàn chỉnh đến lạ lùng phục vụ cho một cuộc sống gia tộc sung túc. Ngôi nhà không chỉ để ở mà hơn thế là để chơi, để dạy con cháu về cách ứng xử làm người.
Ngoài việc giải thích sự tính toán hợp lý, khoa học của người xưa khi làm kèo, làm cột dựng nhà rường để vừa mềm mại, vừa chắc chắn hay không xây tường bao mà chỉ sử dụng hệ thống cửa gỗ để đón gió mát ngày hè, che buốt rét mùa đông… ông Vinh còn giải thích cặn kẽ ý nghĩa lối kiến trúc đến các vật dụng trong ngôi nhà.
Chẳng hạn như ngôi nhà thờ, cửa thì thấp mà ngạch lại cao. Ấy là để khi bước vào, buộc người ta phải cao chân, cúi đầu, nhắc nhở ngay đây là nơi thờ tự tôn nghiêm. Rồi ông dẫn chúng tôi đi theo lối hành lang có mái che, xuống nhà sinh hoạt. Cũng là ngôi nhà 3 gian 2 chái, nhưng vì là nhà sinh hoạt nên thoải mái hơn. Cửa thiết kế cao hơn, ngạch cửa vừa phải. Gian giữa cũng đặt bộ trường kỷ nhưng chắc chắn hơn.
Ông Vinh ngồi vào và thư giãn: “Ở đây thì tôi ngồi được. Bộ này đặt ở nhà sinh hoạt, ưa ngồi nghiêng ngồi ngửa chi cũng được nên phải chắc. Bộ trường kỷ trên nhà thờ mà anh vừa ngồi khá mảnh mai là để nhắc người ngồi phải nghiêm trang, có mỏi thì có chồng gối để dựa tay chứ không thể tùy tiện ngang ngửa. Xưa trường học còn hiếm, nhà nào cũng tam tứ đại đồng đường, ngôi nhà này được làm là để cho con cháu ở gần với ông, với cha hầu mong được các bậc ấy dạy cho cái chữ và cả dạy đạo làm người…”.
Xuôi dòng chúng tôi về ngã ba Sình - nơi sông Hương nhập với sông Bồ và sông Ô Lâu vào phá Tam Giang trước khi đổ ra biển cả. Tại đây cứ vào ngày mồng 10 tháng Giêng lại diễn ra hội vật nên mới có câu ca Dù ai đi ngược về xuôi - Đến ngày hội vật nhớ quay về Sình. Khác các làng võ cổ truyền ở Bắc bộ, sới vật làng Sình không trải thảm mà vẫn dùng bằng đất cát, trên nền sới vuông, cao 1,5m, mỗi cạnh rộng 8m. Thanh niên trai tráng trong vùng được huy động đắp cao sân đình, rào chắn trở thành một sới vật cho các đô vật trổ tài. Mỗi một gia đình ở đây cũng đã chuẩn bị tươm tất các món ăn cây nhà lá vườn để chuẩn bị đón người thân, bạn bè đi làm ăn xa nay có dịp về thăm quê.
Ông Lê Bá Thành (80 tuổi) ở làng Sình cho rằng, trong trận đấu trên sới vật làng Sình không có người thắng kẻ thua. Ai cũng có thể lên sới vật thi đấu. Và ai cũng thắng vì tâm mình được thanh thản. Đấu vật bằng tâm chứ không hoàn toàn bằng sức mạnh.
Sông Hương gắn bó mật thiết với đời sống văn hóa Huế. Các hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống như nghe ca Huế trên sông, đua thuyền… đến nay vẫn được bảo lưu khá nguyên vẹn. Đặc biệt, hai bờ sông Hương có nhiều đền chùa nên mỗi năm thường tổ chức hàng trăm lễ hội lớn nhỏ. Nét độc đáo là lễ hội ở đây ít cảnh chen lấn, giẫm đạp nhau hay mua thần bán thánh, trục lợi từ các hoạt động tâm linh.
Nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan, nhìn nhận, cho đến thời điểm này, người Huế vẫn còn biết tôn trọng thần linh. Huế vẫn là một địa phương còn nghèo về kinh tế nhưng phần lớn người Huế tìm đến đền chùa để cầu an, lễ hội để cầu vui là chính chứ không cầu tài lộc, thăng quan tiến chức…
- Bài 2: Nơi hội tụ tinh hoa văn hóa
Theo VĂN THẮNG ( SGGP Online)