Trong giờ phút hay tin người bạn của mình hấp hối, nhà văn Tô Nhuận Vỹ đã nhớ về người bạn của mình và viết bài viết này ngay trong đêm. Khi chữ cuối cùng của bài viết được viết xong, cũng là lúc nhà văn hay tin: ông Ngô Kha sắp trút hơi thở cuối cùng... SH xin giới thiệu bài viết cùng bạn đọc.
Cuối năm 1965 tôi từ Hà nội vào được đưa về báo Giải phóng của tỉnh Thừa thiên Huế,sau hơn một tháng đi bộ vượt Trường sơn (trước đó tôi dạy ở trường cấp 3 Hậu Lộc,Thanh hóa).Lúc đó,các bộ phận báo,tuyên truyền,giáo dục,huấn học… đều ở trong Ban Tuyên Huấn và đều ở chung một cơ quan,mỗi bộ phận ở một chòi,quần tụ quanh nhau ở một ngọn núi rậm rạp vừa phải và dĩ nhiên gần một khe suối để dựng bếp nấu ăn chung cho tất cả.Báo lúc đó do anh Nguyễn Sự - kính phụ trách,anh Phan Nhơn là thư ký tòa soạn(sau đó là anh Ngô Kha).
Khi ở trạm giao liên trung tâm của Tỉnh,tôi đã nghe nhân viên ở đây kể ở báo có anh Ngô Kha là no rồi.Tôi hỏi vì sao thì mấy anh hì hì nói anh ấy mở miệng ra là anh em cười nghiêng ngửa,bụng dạ mô nữa mà đói.À,ra rứa.Tôi về cơ quan ít hôm thì có tin dưới khu 3 Phú lộc mình vừa làm chủ được mấy thôn ở Vĩnh lộc,cần có người về đó đưa tin,viết bài ngay.Tôi xin đi.Ngô Kha cũng có việc phải về căn cứ của Hương thủy nên tôi được cùng anh đi một đoạn dài đường rừng.Khi đến căn cứ của huyện Hương thủy,tôi theo anh leo dốc vô chào mấy anh lãnh đạo đang họp.Nhà họp ở trên cao,nên mấy anh đã thấy chúng tôi trước.Anh Đắc,bí thư huyện ủy nói to:
- Chào Cụ Kha!
- Chào Cụ Đắc! - Kha đáp lại và cười rổn rảng
Cả mấy anh huyện ủy cũng cười rổn rảng,lăn ra mà cười vang cả rừng.Cái cung cách lịch sự đèn sách của tôi bỗng tan biến,trong lòng thấy ấm áp lạ thường mà lúc đó chưa hiểu vì răng.Đêm ấy,chúng tôi mắc võng ngủ lại.Gần bên võng Ngô Kha là võng của chú Thu,thường vụ tỉnh ủy đang về chỉ đạo mấy huyện phía Nam.Chú bị thương thời đánh Tây,méo cả miệng,nên mọi người hay gọi là Thu-méo(dĩ nhiên khi không có chú).Đêm đó,chú lên cơn đau dạ dày.Cô y tá của huyện tới chăm sóc,cho uống thuốc rồi mà chú vẫn rên ,chắc đau dữ lắm.Cô đành hơ tay vô bếp lửa rồi áp vô bụng chú cho chú đỡ đau.Nhưng chú vẫn rên,lần sau có vẻ rên to hơn lần trước nữa,khiến cô y tá có vẻ cuống.Cô kéo cái quần bà ba của chú xuống thấp rồi áp bàn tay nóng lên bụng.Chú bớt rên hơn nhưng chú nói,miệng chú méo nên giọng nói cũng như …rên:
- Cháu…cho tay… xuống tý nữa. Rồi… xuống tý nữa…
Ngô Kha nãy giờ cũng thương cho chú Thu lắm nên nằm yên cả buổi không dám nói năng chi, nhưng đến đây thì cái máu khôi hài át tình thương,bèn nói đổng:
- Xuống vừa vừa thôi,chớ xuống mãi à…
- Cha mi Kha! Cha mi Kha! Tau đau gần chết đây mà mi…ọe ọe…
Chú Thu như lên cơn. Nhưng ọe khan xong thì tự dưng cơn đau của chú cũng biến mất! Tôi thì đau cả ruột và đau cả mảng sườn vì cười quá nên ngã lộn nhào một phát từ trên võng xuống nền nhà toàn đá ụ với rễ cây.
Ngay chiều hôm đó, mấy o cấp dưỡng của huyện ủy, có vẻ đã quen biết Ngô Kha từ trước, cứ tranh thủ khi rảnh tay là xê tới giục Kha kể chuyện
- Kể chuyện chi mới được chớ? - Kha ra vẻ suy nghĩ
- Chuyện chi cũng được hết- mấy o há miệng đồng thanh
- Nhưng nhờ mấy o vá dùm tui cái quần đã…
- Khi mô vá mà không được! Eng kể đi đã.
- Mấy o thương thì vá ngay cho tui thì tui mới yên tâm kể chuyện, chớ thấy mấy o nuôi quá nhiều chuột, khi hồi hắn tới khới cả móng chân tui đây này,cứ ngồi kể mà hắn chi vô chỗ thủng khới mất… cái của quý thì vợ tui chết giấc!
Tiếng cười như bưng cả mái nhà mà tung lên trời. Nhưng có một o, chắc dưới đồng bằng mới lên cơ quan, hỏi thực tình:
- Eng Kha mà có vợ rồi à?
- Ngoài Bắc thì có rồi,nhưng vô đây thì chưa!
Đó là lần đầu tiên tôi được “thưởng thức” tài khôi hài của Ngô Kha, người mà sau này nhiều anh em đã đặt tên cho là “nguồn Phi-la-tốp” của rừng chiến khu (Phi-la-tốp là một loại thuốc bổ nước rất phổ biến thời đó). Nhất là giữa những ngày gian khổ sau Mậu Thân, “đói xanh mang”, tiếng cười Ngô Kha còn hơn cả thuốc bổ nữa, là tiếng cười ngạo nghễ kiên gan của cả thế hệ kháng chiến.
Ngày tôi bị thương, phải về Viễn Trình, nằm hầm bí mật làm ngay trong cái nhà - hầm của thím Phép cũng có Ngô Kha. Thêm Cúc- nữ sinh Đồng khánh, là cơ sở nội thành và sau này là nhà tôi, đang ở đây chăm sóc tôi và chờ giao liên đưa lên căn cứ. Vị chi là 3 người, chèn nhau trong căn hầm hẹp mà thường chỉ để dành cho một mình tôi. Trong tình yêu thiêng liêng thời kháng chiến của tôi cũng có hình bóng anh Ngô Kha
Trong hầm bí mật lèn ba đứa
Nằm đếm bước đi bọn Mỹ càn
Lắng nghe tim em đang gấp nhịp
Thương quá em mình chịu gian nan
Ngô Kha ơi, tôi đang ngồi viết những dòng này thì nghe tin anh vừa ra đi! Nước mắt tôi chảy tràn mà tôi lại nhớ những tiếng cười Ngô Kha ngày kháng chiến . Ở mảnh đất này, ai đã đi kháng chiến mà không biết Ngô Kha? Và có ai không nhớ một vài chuyện, hàng chục chuyện cười mà anh kể,không có chuyện anh cũng kể ra cười. Cười để mà vui kháng chiến, cười để mà qua cơn đói mà vượt quốc lộ về đồng bằng bám dân, cười để thương yêu nhau hẹn ngày chiến thắng. Cười để sống cho ra con người.
Lần anh cùng đoàn cán bộ đi công tác bị biệt kích sục rừng của Mỹ phục kích, nhiều người chết và bị thương, anh đã tuôn rừng chạy vượt lửa,chạy mãi, chạy mãi…khi thấy một cái chòi của một đơn vị sản xuất, anh mới biết mình còn sống. Khi tim vẫn còn đập như trống trận, vậy mà còn kịp lục túi lấy ảnh chị Thanh (vợ anh,lúc đó ở Thanh Hóa) mà anh luôn đem theo bên mình,cười vang một tràng và ứng khẩu như đọc cho cả rừng chiến khu nghe:
Những tưởng không mong sum họp nữa,
Ai ngờ đạn tránh Cụ Ngô Kha!
Ôi, Ngô Kha!
Tô Nhuận Vỹ