Huế là nơi địa linh nhân kiệt nên văn hóa đọc đã có một bề dày lịch sử trên mảnh đất này.
Từ tiền đề xã hội...
Là vùng đất thần kinh nên việc đề cao học vấn được xem như mấu chốt trong việc chấn hưng quốc gia của người Huế xưa. Từ ngày xưa, ở Huế người học trò nào cũng có một “Tủ sách Học trò” riêng tư cho mình và nhà nào cũng có một “Tủ sách Gia đình” dùng chung trong nhà. Thậm chí còn có những tủ sách chung cho cả gia tộc... Họ xem trọng sách hơn bất kỳ một thứ gia sản nào khác và sách luôn được lưu truyền qua các thế hệ.
Cùng với sự phát triển của thị trường sách cả nước, thị trường sách ở Huế cũng có những biến đổi không ngừng. Sự biến đổi đó trước hết là sự xuất hiện của những nhà sách lớn như nhà sách Phú Xuân, Phương Nam, Phahasa, Trường Tâm, Đội Cung… Bên cạnh đó là một số không ít hiệu sách cũ như Hoàng Thổ, Phùng Vũ, Đèn sách… thậm chí sách còn tràn ra cả vỉa hè trên đường Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Thái Học, Lý Thường Kiệt…
Trước một số lượng nhà sách tương đối lớn như thế thì số lượng sách, loại sách tất nhiên sẽ được nhân lên theo cấp số nhân của nó. Có thể thấy hiện nay trong các nhà sách lớn như nhà sách Phú Xuân, Phahasa, Trường Tâm… có một số lượng tương đối lớn. Điều đó chứng minh qua số lượng bản sách và sự đa dạng về thể loại sách. Sách dành cho mọi lứa tuổi, mọi đối tượng, mọi chuyên ngành. Mọi thể loại. Chỉ xét riêng trong lĩnh vực xã hội nhân văn thôi cũng đủ thấy sự đa dạng của sách. Đầy rẫy trên giá là những tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ của các nhà văn trong nước, tiểu thuyết, truyện ngắn dịch từ văn học nước ngoài. Sách nghiên cứu, phê bình lí luận, sách triết học, tôn giáo, văn hóa vô cùng phong phú. Điều đáng mừng đối với nền học thuật Huế là những bản sách thuộc về các trào lưu triết học, các học thuyết thời danh của nhân loại được dịch và giới thiệu đến bạn đọc một cách trang trọng trong các hiệu sách tuy rằng số lượng còn khiêm tốn . Những bản đang được giới học thuật lưu tâm chủ yếu là sách tuyển dịch của Nhã Nam, tủ sách Tinh Hoa của Nhà xuất bản tri thức…. Một điều đặc biệt nữa là một số nhà sách lớn như Phú Xuân, Phahasa…đều có chỗ ngồi và nơi đọc sách thoáng mát cho người đọc. Người đọc có thể bước vào đây đọc sách miễn phí như bước vào một thư viện bất kỳ nào đó. Thiết nghĩ đây là những hành động thiết thực trong việc phát triển dân trí của những người nhiệt tâm vì một nền văn hóa đọc thịnh vượng.
đến sự đọc…
Vấn đề khó khăn hiện nay cho người đọc sách ở Huế không phải là sự khan hiếm của sách. Với những tiền đề đã nêu ở trên thì rõ ràng việc tìm kiếm tư liệu không phải là vấn đề khó khăn. Cái khó khăn hiện nay là lựa chọn sách để đọc. Sách tràn lan như thế rõ ràng sẽ làm cho người đọc lung túng, trong khi đó giới phê bình và những người có trách nhiệm lại không có khả năng trong việc định hướng cho đọc giả vì thế lựa chọn sách nào để đọc là một vấn đề khó khăn. Đứng trước một khối lượng sách tương đối lớn như thế thì người đọc cần phải biết phân định những mảng sách mình quan tâm. Trên thực tế từ xưa người ta đã chia sách ra làm mấy loại. Thứ nhất là những sách thuộc về kiến thức phổ thông mà mọi người đều phải quan tâm. Thứ hai là loại sách dành cho chuyên môn thuộc từng lĩnh vực. Người đọc bình dân ở Huế có thể tìm đến một nhà sách bất kỳ để lựa chọn sách phù hợp. Giới học giả cũng không phải nhọc công khi truy lùng những bản sách hiếm. Thực ra thì trong môi trường mở cửa hiện nay thì những bản được xem như là của hiếm thì nay có thể tìm thấy trên các giá sách của nhà sách Phú Xuân, Trường Tâm, Phahasa ở Huế…
…và những tín hiệu buồn.
Tuy có sự phát triển vượt bậc nhưng nhìn chung so với những thành phố lớn như thành phố Hồ Chí Minh hay Hà Nội thì thị trường sách ở Huế vẫn còn ở dạng khiêm tốn cả về quy mô lẫn tính chuyên nghiệp. Điều đó thể hiện trước hết ở số lượng sách. Sách ở Huế tuy nhiều nhưng vẫn hết sức khiêm tốn so với những thành phố lớn nói trên. Thứ hai, sách ở các nhà sách ở Huế không chuyên nghiệp trong cách phân bố vùng sách, mảng sách. Xét thấy có sự lộn xộn trong việc phân định các lĩnh vực sách để bán ở Huế và điều này làm mất không ít thời gian của người đọc. Thứ ba là những bản sách mới xuất bản trên toàn quốc, đặc biệt là những bản sách thời danh, xuất bản với số lượng ít thì khi về đến Huế lại rất chậm. Có khi những sách mới xuất bản đã bày bán ở trên các nhà sách toàn quốc nhưng lại rất khó khăn để tìm ở Huế và nếu có thì với một số lượng vô cùng ít ỏi. Một trong những khó khăn đối với người đọc là sách ở Huế giá đắt hơn rất nhiều so với sách ở Hà Nội hay Sài Gòn. Ở những thành phố lớn này luôn có chương trình khuyến mãi đối với mọi loại sách và có khi người ta chỉ bán với giá 50% so với giá bìa (có khi còn giảm giá thấp hơn). Đó là một thuận lợi lớn của những người đọc sách mà ở Huế không thể có được. Nhìn chung thì ở Huế vẫn thường có những chương trình khuyến mãi dành cho người đọc nhưng nhìn trên diện rộng thì mới chỉ dừng lại ở quy mô nhỏ và chỉ có những thời điểm nhất định. Sách được đem ra bán giảm giá lại là những bản ít chất lượng cả về nội dung lẫn hình thức, thậm chí là những bản tồn kho lâu ngày…Vì thế những học giả nói riêng hay người đọc thông thường nói chung có khi lại phải lặn lội từ Huế vào Sài Gòn hay ra Hà Nội mua sách nếu muốn có được những bản chất lượng và giá rẻ. Theo các chủ nhà sách Đội Cung, Trường Tâm… thì thực ra việc lấy về những bản sách mới xuất bản hay là những bản sách thuộc về nghiên cứu chuyên sâu thì không khó nhưng chúng lại rất khó bán, có khi phải đến hàng năm trời mới có thể bán được một bản. Theo họ thì những bản sách bán chạy thường là tiểu thuyết phù hợp với tuổi mới lớn, truyện tranh nước ngoài…đa số là sách ít chất lượng về mặt nội dung còn những sách được các bậc học giả quan tâm lại vô cùng khó bán.
Những điều trên rất dễ hiểu nhưng rõ ràng đó vẫn là những tín hiệu buồn trong văn hóa đọc ở Huế hiện nay.
MP