Huế luôn luôn mới
Giới thiệu sách: “Thơ Tân hình thức Việt - Tiếp nhận và sáng tạo” ở Sài Gòn
14:23 | 22/08/2014

Trong khuôn khổ chương trình Phát triển Không gian Văn hóa, vào lúc 8h 30 phút, ngày 29 tháng 8 năm 2014 tại Salon VĂN HÓA CÀ PHÊ THỨ BẢY, lầu 1, Trung Nguyên Coffee, 19 Phạm Ngọc Thạch, Q3 Thành phố Hồ Chí Minh, Tạp chí Sông Hương  sẽ tổ chức giới thiệu tập sách  “Thơ Tân hình thức Việt - Tiếp nhận và sáng tạo.”  

Giới thiệu sách: “Thơ Tân hình thức Việt - Tiếp nhận và sáng tạo” ở Sài Gòn

Trước đó, vào sáng ngày 15/ 8, Tạp chí Sông Hương  đã tổ chức giới thiệu ấn phẩm này đến đông đảo bạn đọc ở Huế và đã được sự hưỏng ứng quan tâm đặc biệt của những người yêu mến trào lưu sáng tác còn mới mẽ này ở Việt Nam.

Đây là tập sách công phu, với gần 500 trang, bao gồm nhiều bài nghiên cứu về đặc trưng thi pháp của thơ Tân Hình thức nói chung và thực tiễn sáng tạo thơ Tân Hình thức ở Việt Nam nói riêng. Hai mươi ba tiểu luận có trong cuốn sách này là hai mươi ba góc nhìn khác nhau về thơ Tân Hình thức. Mỗi cách tiếp cận sẽ gợi mở những chiều hướng khác nhau, những truy vấn khác nhau về vai trò của thơ Tân Hình thức đối với diện mạo của thi ca thế giới và thi ca Việt Nam đương đại. Trong đó bao gồm các tiểu luận của nhiều nhà nghiên cứu văn học nổi tiếng Việt Nam như Khế Iêm, Bửu Ý, Đỗ Lai Thúy, Đỗ Quyên, Inrasara... và tiểu luận của các nhà nghiên cứu thế giới như William B Noseworthy, Frederck Feirstein, Angela Saunders...

Đông đảo bạn đọc tới tham dự buổi ra mắt sách “Thơ Tân hình thức Việt - Tiếp nhận và sáng tạo” ở Tạp chí Sông Hương vào sáng 15 tháng 8 vừa qua.

 

Trong tập sách này, ở tiểu luận Hướng tới tác phẩm của nhóm sáng tác, nhà nghiên cứu Khế Iêm cho rằng: “Trong tương lai có thể thiết lập mối quan hệ thơ, giữa các nước có thể thơ không vần. Với các nước khác, họ có thể tiếp nhận thể thơ này từ thơ tiếng Anh, như trường hợp thơ Tân hình thức Việt...”

Phần sau của công trình này bao gồm những bài thơ Tân hình thức tiêu biểu, trong đó có 15 bài thơ của ba nhà thơ Tân hình thức Mỹ, và 57 bài thơ thuộc về năm thế hệ những nhà thơ Tân hình thức Việt sinh từ những thập niên 1940 tới 1990 mà tiểu biểu là những nhà thơ như Nguyễn Đăng Thường, Chu Thụy Nguyên, Khế Iêm, Hồ Đăng Thanh Ngọc, Lý Đợi, Inrasara, Nguyên Quân, Phạm Thi Anh Nga, Trầm Phục Khắc...

Nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc trong buổi ra mắt sách ở Huế

 

Trong cái nhìn riêng của nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc, thì đây là một cuốn sách có thể nói đã mang trong mình sự tâm huyết của những trái tim vì sự phát triển văn học nghệ thuật, sự ưu tư của nhiều sáng tạo, sự đa chiều thẳng thắn của các góc nhìn khoa học thấu triệt... Đây có lẽ là sự hội tụ đông đảo và nghiêm túc nhất cùng bàn luận về thơ Tân Hình thức từ trước đến nay.

Giáo sư Bửu Ý đã nói tới tầm quan trọng trong việc cổ xúy cho những trào lưu nghệ thuật mới ở Việt Nam tại buổi ra mắt sách ở Huế vừa qua. 

 

Trong buổi ra mắt sách ở Huế, Giáo sư Bửu Ý cho rằng việc cổ xúy cho những khuynh hướng sáng tạo mới đối với một nền nghệ thuật của một dân tộc là điều vô cùng quan trọng. Đặc biệt, ngày nay, trong môi trường thế giới phẳng thì sự tiếp nhận đối với những khuynh hướng sáng tạo mới là điều đương nhiên của một nền nghệ thuật. Trải lòng với bạn đọc, giáo sư Bửu Ý đã nói về những vấn đề về tự do sáng tạo của một nhà thơ, theo ông, thi sỹ là những kẻ tự do tuyệt đối, tự do theo đuổi không ngừng nghỉ những giấc mơ của mình, tất nhiên, những thi sỹ tiên phong bao giờ cũng là những người cô đơn, những kẻ bị hắt hủi ngay trong thời đại mà mình đang lưu trú, nhưng về sau, tên tuổi của họ sẽ được lưu truyền với những khái phá trước đó của họ...

 

Buổi ra mắt sách ở Huế vừa qua đã thu hút được đông đảo bạn đọc tới tham dự

 

Vì một nền văn học cởi mở, chấp nhận những tiếng nói dị biệt để có được một cái nhìn khách quan về các dòng chảy khác nhau của nền thi ca đương đại Việt Nam, Tạp chí Sông Hương hoan hỉ đón mời sự có mặt của đông đảo bạn đọc nói chung và những người quan tâm đặc biệt đến Thơ tân hình thức nói riêng tới tham dự Buổi giới thiệu sách sắp tới.

 

PV

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng