Chiều 13/7, Tạp chí Sông Hương đã tổ chức buổi giới thiệu sách “Chân Linh kỳ bí” của tác giả Lương Duy Cường.
“Chân Linh kỳ bí” là tập phóng sự - ghi chép dày 324 trang, với 28 tác phẩm báo chí mà tác giả Lương Duy Cường đã thực hiện sau 30 năm làm báo. Đó là những câu chuyện về văn hóa, những câu chuyện về sinh thái môi trường, những câu chuyện nhân văn.
“Chân Linh kỳ bí”, tác phẩm được lấy tên cho tập sách là một dấu hỏi lớn về động Chân Linh mà sách sử đã nhiều lần nhắc đến, cho đến nay du khách vẫn chưa vào du khảo được bởi lý do ngày xưa thuyền của Dương Văn An vào được mà nay thì cửa động đó đã chìm trong nước, vì sao như vậy thì đó là một câu hỏi không dễ trả lời.
Truyện ngắn “Đứa con” - tác phẩm đầu tay trên tạp chí Sông Hương |
Chúng ta cũng bắt gặp những nỗi day dứt của tác giả khi nhìn ra sự “Nhạt nhòa văn vật”. Nhạt nhòa văn vật đó là gì? Là sự vắng bóng câu đối ngày tết, tranh xuân, quà tết cho làng xóm với những trái cam vườn nhà, cút rượu tình thân… Trong sách còn cho chúng ta bắt gặp những vấn đề xã hội nhức nhối khác như án oan “Số phận kỳ lạ của một phạm nhân”…
Đọc tác phẩm chúng ta bắt gặp sự kiện tranh luận nghiên cứu văn hóa kéo dài mấy chục năm qua như “Giải mã bí ẩn lăng mộ Quang Trung”. Chúng ta gặp trong sách những ký ức nhân văn như “Suzucho Karatedo & những chuyện ly kỳ”; “Bảo tàng thơ độc đáo của Đại tướng” – viết về ngôi nhà của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với phòng khách, phòng làm việc có rất nhiều thơ như một bảo tàng độc đáo mà tác giả có thể là một em bé, một cụ già, một Việt Kiều, và cả những người khuyết danh yên mến đại tướng; “Học sinh miền Nam – một thời để nhớ”; những nỗi nhớ về “Bánh chưng củi lửa”, về “Người làng” hay tình thầy trò của một thời giáo dục còn đầy ắp nhân văn trong “Phượng đỏ Nậm Chu”… Cái làm cho độc giả chùng lại vì những câu chuyện quá nhân văn, như những thước phim mà tác giả miêu tả trong “Đêm cuối tuần ở khoa cấp cứu”; “Đại gia của làng biển”, Thương dân như ông Thận”, “Soi bước chân mình”… Hay cũng cảm giác đó khi đọc những trang viết về những cái đẹp của sinh thái cũng được nhắc đến như “Một vùng bon sai – kiểng lạ” viết về bon sai ở Cà Ná mênh mông đá, gió. ..
Nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc chia sẻ tác phẩm đầu tay của tác giử Lương Duy Cường đăng trên Tạp chí Sông Hương |
Những day dứt cũng trở đi trở lại trong những câu chuyện về môi trường sinh thái: “Thoát nước khó thoát ô nhiễm” là tiếng kêu cứu của công nhân vệ sinh môi trường; “Nhớ anh chủ tịch xã voi” nhắc lại sự kiện con voi bị bắn chết ở Đắc Lắc và việc các nhà báo đã thiết lập “một sự bình đẵng về thông tin” bằng chính chuyên môn nghiệp vụ của mình… Đây chính là tác phẩm mà khẩu khí của nhà báo Lương Duy Cường được thể hiện rõ nét nhất.
Tác giả Lê Duy Cường tại buổi giới thiệu sách |
Tác giả Lương Duy Cường, sau khi tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Huế năm 1986, anh lần lượt làm báo ở Bình Thuận, TP HCM, và lần lượt học thêm ở các đại học Văn Lang, đại học Luật TP HCM, HỌc viện chính trị quốc gia. Hiện anh là biên tập viên cấp cao báo Người Lao động, ủy viên thường trực chi hội Luật gia thuộc Trung tâm tư vấn pháp luật TP HCM – Hội Luật gia Việt Nam. Anh từng đạt giải A báo chí TP HCM năm 2010.
Năm 1996, mười năm sau khi ra trường, anh cùng với nhà báo Trần Duy Lý ấn hành tập phóng sự - bút ký “Cực nam Trung bộ đi và viết”. Năm 2001, anh tham gia cuốn “Dọc đường miền Trung”, tập phóng sự in chung.
Tác giả ký tặng sách |
Lương Duy Cường có tác phẩm đầu tay trên tạp chí Sông Hương – truyện ngắn “Đứa con” (đăng số 20, tháng 8/1986). Anh cũng là thành viên Câu Lạc bộ Những người viết Trẻ Huế, còn gọi là CLB văn học thanh niên Huế do nhà thơ Phạm Tấn Hầu làm chủ nhiệm, với sự bảo trợ của Thành đoàn Huế, Tạp chí Sông Hương những năm 1980.
Phương Anh