Chiều ngày 31/10, Tạp chí Sông Hương phối hợp với Chi Hội Nhà văn Việt Nam tại Huế tổ chức buổi giới thiệu sách “Phan Duy Nhân - Thơ & Đời” (do NXB Đà Nẵng ấn hành), tại trụ sở Tạp chí Sông Hương, số 9 Phạm Hồng Thái, Tp Huế.
Nhà thơ Phan Duy Nhân tên thật là Phan Chánh Dinh (Nguyễn Chính), sinh năm 1941, quên xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, trưởng thành trong phong trào đầu tranh yêu nước của sinh viên Huế và phong trào đô thị miền Nam.
Nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc - Tổng biên tập Tạp chí Sông Hương phát biểu tại buổi giới thiệu sách |
Phan Duy Nhân làm thơ lúc mới 15 tuổi, là những bài thơ nhiều trăn trở trước cuộc đời, thời thế. Những bài thơ đầu tiên đó đã được in trên các tập san yêu nước, hé lộ tài năng cho mọi người nhận ra, và cũng bộc lộ khuynh hướng dấn thân đấu tranh cho độc lập tự do của tổ quốc từ rất sớm của ông. Từ năm 1960, Phan Duy Nhân vừa học đại học ở Huế, vừa đi dạy, vừa tham gia sáng lập Hội Liên hiệp Thanh niên Sinh viên – Học sinh Giải phóng và là hội viên của Hội Văn nghệ Giải phóng Trung – Trung bộ (1965), là thành viên nòng cốt của nhóm Việt Nam – Việt Nam. Lúc bấy giờ, thơ ông xuất hiện nhiều trên các tạp chí Bách Khoa, Văn học, Văn, Sinh viên Huế… Năm 1968, Phan Duy Nhân bị bắt giam ở Côn Đảo cho đến 1974 mới được trao trả. Sau ngày hòa bình, ông tiếp tục tham gia cách mạng, từng giữ trách nhiệm quyền Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ…
Nhà thơ Mai Văn Hoan tại buổi giới thiệu sách |
Về hành trình đến với thơ, từ năm 1964, Phan Duy Nhân đã chuẩn bị bản thảo cho tập thơ đầu tay ”Ngậm ngải tìm trầm” nhưng bởi nhiều lý do không xuất bản được. Năm 2015, những người bạn đã tập hợp một phần trong di sản có thể lên đến trên 600 bài thơ đã thất lạc phần nhiều của anh, in thành tập sách “Phan Duy Nhân” – Thơ và Đời”.
Sách “ Phan Duy Nhân -Thơ & Đời” chia làm 2 phần. Phần “Thơ”, in lại 150 bài thơ trải dài qua các thời kỳ sáng tác của nhà thơ. Phần “Đời”, đã in lại một số bài viết của anh trong cương vị là cán bộ phụ trách công tác tôn giáo của Chính phủ; và các bài viết của bạn bè, anh em đã từng sống với anh, hoạt động cùng anh…
Đông đảo các văn nghệ sĩ, bạn bè của nhà thơ Phan Duy Nhân đến tham dự |
Thơ Phan Duy Nhân là một dòng chảy thắm thiết có lúc ngược xuôi day dứt hoài niệm, có lúc ngập tràn lòng nhiệt huyết sục sôi, song tất cả đều hòa chung một dòng chảy của một giọng thơ đầy suy tư…
Theo nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc: “Khá đặc biệt là trong 150 bài thơ này, có một số bài được viết dưới dạng tâm tình như là những lá thư. Những bài thơ “lá thư” phản ánh khá rõ hành trạng hoạt động yêu nước của thi sỹ. Lá thư đầu tiên, bài thơ “Thư cho mẹ và chị” viết tại Huế tháng 3/1962, là một bài thơ hay mà suốt hơn nửa thế kỷ xuất hiện, nó đã lay động và vẫn còn lay động người đọc.” Nhà văn chia sẻ thêm: “ Rất nhiều bài thơ dưới dạng “lá thư” trong thơ Phan Duy Nhân. Đó là một nét khá thú vị khi đọc thơ của thi sỹ. Nhưng suy cho cùng, bài thơ nào mà chẳng để cho nhà thơ nhắn gửi đến một ai đó những tâm tư tình cảm của mình, nhất là một nhà thơ luôn ăm ắp nồng nàn suy tư như Phan Duy Nhân. Ví như bài “Tự tình với Huế”, cũng là “lá thư”gửi cho ai đó đấy chứ: “Mỗi lần về Huế rồi xa Huế/ Anh cứ rưng rưng nỗi tạ từ/ Đâu chỉ chia tay cùng kỷ niệm/ Nồng nàn trong Huế vẫn em xưa…”
Bài thơ “Thư cho mẹ và chị” của Phan Duy Nhân đã được chọn để giới thiệu trong chùm “Thơ Huế ngày ấy” khi Tạp chí Sông Hương xuất bản số đặc biệt đầu tiên.
Nhà văn Ngô Thị Kim Cúc cũng đã có viết “Đọc thơ Phan Duy Nhân cũng là đọc chính những tự sự của cuộc đời Phan Chánh Dinh. Đó là nơi con - người - công - dân Phan Duy Nhân xưng tội, giải tỏa, chạy trốn thực tế, tìm cách nghi binh khi chưa biết phải làm gì cho phải đạo, cho đúng với những điều mình mong mỏi...”
Tiến sĩ Huỳnh Văn Hoa đã coi Phan Duy Nhân là “một hành giả cô đơn”. Ông đã thấy Phan Duy Nhân trong thơ là “ tổng hòa của những phiên bản: Dấn thân. Chấp nhận và tù đày. Một tiếng thơ buồn về thân phận làm người. Một tiếng nói đầy khát vọng về tự do cho dân tộc. Một tiếng thét về bất công xã hội. Một tiếng lòng cho gia đình, bè bạn, người thân. Một âm vang lãng đãng hư huyền của thiền tịnh.”......
Phương Anh