Chiều ngày 11/1, Tạp chí Sông Hương đã tổ chức Lễ tưởng niệm cố họa sĩ Đinh Cường. Đông đảo văn nghệ sĩ đã đến thắp nén nhang tưởng niệm người nghệ sĩ tài hoa này.
Họa sĩ Đinh Cường vừa qua đời lúc 21 giờ 40 phút ngày 7 tháng 01, 2016 tại một bệnh viện ở Washington DC, sau một thời gian dài bị bệnh nặng.
|
Nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc tại Lễ tưởng niệm |
Họa sĩ Đinh Cường sinh năm 1939 tại Thủ Dầu Một, cựu học sinh Petrus Ký, Sài Gòn. Năm 1963 ông tốt nghiệp trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Huế; năm 1964 ông tốt nghiệp Sư Phạm Hội Họa tại trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn.
Trước khi tốt nghiệp các trường mỹ thuật ông đã sáng tác nhiều tranh. Năm 1962 - 1963 ông đã đoạt Huy Chương Bạc tại Triển Lãm Hội Họa Mùa Xuân tại Sài Gòn. Năm 1962 ông đoạt Giải thưởng trong Triển Lãm Mỹ Thuật Quốc Tế tại Sài Gòn.
Ông nguyên là Giáo sư Hội họa trường Nữ Trung học Đồng Khánh, Huế, và Giáo sư trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế.
Nhà văn Bửu Ý, người bạn thân của họa sĩ đã nói rằng: “ ...Mỗi phòng tranh của Đinh Cường là một dịp hồi hương, ôn lại chuyện cũ, các chặng đường, lấp ló nét thành quách được bồi tiếp dày hơn, rúm ró hơn, dập lên dập xuống, từ đó nứt nẻ ra một dáng mai như đóng đinh vào thời gian, không trẻ lại nhưng không già thêm, để làm báu vật trong viện bảo tàng của ký ức mà sẽ không có ai, sẽ không có việc gì có thể tranh đoạt được của Đinh Cường”.
Nhà văn, dịch giả Bửu Ý tại Lễ tưởng niệm |
Viết về tranh của họa sĩ Đinh Cường, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng từng có nhận xét: “Nghệ thuật trừu tượng Đinh Cường chứa đựng một hoài niệm về Đất Đá. Đó là phản ảnh của tâm trạng xót xa của một tâm hồn đã đánh mất an ninh và vì thế không còn hạnh phúc. Dĩ nhiên, đó là nỗi bất an chung của những người nghệ sĩ trước bản chất vô thường của cuộc đời, trước những phù phiếm của sự sống, và dĩ nhiên đó cũng là nỗi bất an của một lớp người tự thấy bất lực trước những đau khổ của mình và của xứ sở. Theo Wilhem Worringer, nghệ thuật trừu tượng biểu thị một khát vọng của con người muốn đoạn tuyệt với thiên nhiên. Marcel Brion giải thích thêm rằng khát vọng đó bắt nguồn từ sự kiện này “thiên nhiên đối với con người đầy vẻ thù nghịch và nguy hiểm, và con người chỉ cảm thấy an toàn khi nó xây cất nên một vũ - trụ với những hình thể phi thiên nhiên, để ẩn trốn vào trong đó”. Ta có thể căn cứ vào lối giải thích nghệ thuật trừu tượng đó để hiểu trường hợp Đinh Cường. Chất liệu Đá trong tác phẩm Cường bắt nguồn từ khát vọng muốn xóa bỏ ý thức đau khổ của mình trước cuộc đời và muốn trở về tìm sự an nghỉ cho linh hồn trong thế giới vô cơ của đất đá, cát bụi”…
Đông đảo văn nghệ sỹ xứ Huế tại Lễ tưởng niệm. |
Vào chiều ngày 22/11/2013, tại số nhà 203/19 đường Nguyễn Trường Tộ (Tp Huế), Tạp chí Sông Hương và nhóm Gác Trịnh đã tổ chức triển lãm tranh của họa sỹ Đinh Cường. Cũng trong năm này, Tạp chí Sông Hương đã dành riêng một Số đặc biệt chuyên đề về người họa sĩ tài hoa.
Tại buổi lễ tưởng niệm, dịch giả Bửu Ý đã nghẹn ngào kể về những ngày tháng kỷ niệm với hoạ sĩ Đinh Cường và quãng thời gian lâm bệnh của cố hoạ sĩ. Dịch giả chia sẻ: "Khi nghe tin Đinh Cường mất, tôi nghẹn lại và không tin đó là sự thật dù điều đó tôi cũng đã biết trước qua một số bè bạn. Tôi không thể khóc bởi điều đó quá đau buồn".
Hoạ sĩ Đặng Mậu Tựu cũng đã chia sẻ: "Hoạ sĩ Đinh Cường là một người anh, người thầy mà ở con người đó chúng tôi học được nhiều điều về nghệ thuật, về nhân cách của một người nghệ sĩ toát ra từ nơi anh. Trong lòng mỗi người yêu mến Đinh Cường đều nghĩ rằng anh chỉ rong chơi ở một cõi khác, mà ở cuộc chơi đó anh gặp lại những người bạn và cùng họ tạo nên một thế giới đẹp như chính họ đã tạo ra ở thế giời này".
Phòng tưởng niệm tại Tạp chí Sông Hương sẽ đón khách viếng cho đến khi Lễ an táng tại Virginia diễn ra xong.
Một số hình ảnh khác tại buổi tưởng niệm:
PV