Theo thông tin từ trang Tổ chức kỷ lục Đông Dương (IndochinaKings) vừa chính thức giới thiệu Top 20 Di tích lịch sử nổi tiếng nhất Đông Dương.
Theo đó Việt Nam có 8 di tích gồm:
1. Khu di tích trung tâm Hoàng Thành Thăng Long, Hà Nội
2. Thành nhà Hồ, tỉnh Thanh Hóa
3. Quần thể di tích Cố đô Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế
4. Nhà tù Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
5. Địa đạo Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh
6. Khu di tích chiến thắng Điên Biên Phủ, tỉnh Điện Biên
7. Dinh Độc Lập, thành phố Hồ Chí Minh
Dinh Độc Lập
8. Văn Miếu Quốc Tử Giám, Hà Nội
Ngoài ra các di tích khác của khu vực Đông Dương được xếp vào Top 20 này gồm:
1. Công viên khảo cổ Angkor, Siem Reap, Campuchia
2. Chùa Pha That Luang, Viêng Chăn, Lào
3. Cánh Đồng Chum, tỉnh Xieng Khoang, Lào
4. Cung điện Hoàng gia, Phnom Penh, Campuchia
5. Đền Preah Vihear, tỉnh Preah Vihear, Campuchia
6. Cánh Đồng Chết, Phnom Penh, Campuchia
7. Tượng đài chiến thắng Patuxai, Viêng Chăn, Campuchia
8. Cố đô Luang Prabang, Luang Prabang, Lào
9. Cố đô Oudong, tỉnh Kampong Speu, Campuchia
10. Bảo tàng diệt chủng Tuol Sleng, Phnom Penh, Campuchia
11. Chùa Sisaket, Viêng Chăn, Lào
12. Chùa Xiêng Thoong, Luang Prabang, Lào
Quần thể di tích Cố đô Huế - Một trong những di tích được xếp vào Top 20 Di tích nổi tiếng Đông Dương - được xây dựng quanh khu vực thành phố Huế, Thừa Thiên Huế, nằm ở khu vực miền Trung của Việt Nam. Huế không chỉ là một trung tâm chính trị mà còn là một trung tâm văn hóa và tôn giáo dưới triều nhà Nguyễn, triều đại phong kiến cuối cùng trong lịch sử Việt Nam, từ năm 1802 đến 1945.
Quần thể di tích Cố đô Huế được vua Gia Long tiến hành khảo sát từ năm 1803, khởi công xây dựng từ 1805 và hoàn chỉnh vào năm 1832 dưới triều vua Minh Mạng. Quần thể di tích Cố đô Huế nằm dọc hai bên bờ sông Hương thuộc thành phố Huế và một vài vùng phụ cận thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế.
Các công trình thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế được quy hoạch dựa trên những nguyên tắc triết lý cổ của phương Đông nói chung và theo truyền thống của Việt Nam nói riêng, tạo nên sự hài hòa giữa quy hoạch kiến trúc và cảnh quan thiên nhiên mang đậm ý nghĩa biểu tượng. Mối quan hệ âm dương, ngũ hành thể hiện qua 5 phương hướng chủ yếu (trung tâm, đông, tây, nam, bắc), 5 yếu tố cơ bản của tự nhiên (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ), và 5 màu cơ bản (vàng, trắng, xanh, đen, đỏ) là cơ sở cho ý tưởng quy hoạch của Kinh thành, được phản ánh trong tên gọi của nhiều công trình quan trọng ở khu vực này.
Trung tâm công trình là Kinh thành Huế - nơi được sử dụng làm trung tâm hành chính của Đàng trong trong suốt thế kỷ 17 đến thế kỷ 18. Kinh thành Huế được xây dựng không chỉ có chức năng về hành chính và quân đội của triều đại, mà còn là hoàng cung - Hoàng thành Huế, Tử Cấm Thành và những cung điện hoàng gia liên quan khác.
Từ 1802 đến 1945, Huế là kinh đô của nước Việt Nam thống nhất dưới sự trị vì của 13 đời vua nhà Nguyễn. Cũng vào thời gian này, tại đây đã hình thành các công trình kiến trúc lịch sử văn hoá có giá trị mà tiêu biểu là kinh thành Huế, đặc biệt là khu Đại Nội (có 253 công trình), 7 cụm lăng tẩm của 9 vị vua Nguyễn, đàn Nam Giao, Hổ Quyền, điện Hòn Chén.
Năm 1993, UNESCO đã công nhận Quần thể di tích Cố đô Huế là di sản văn hóa thế giới, là biểu trưng cho sự nổi bật về uy quyền của một đế chế phong kiến đã mất của Việt Nam vào thời kỳ hưng thịnh nhất của nó đầu thế kỷ XIX. Kể từ đó, với sự hỗ trợ trong nước và nước ngoài, nhiều công trình đã được phục dựng lại với nguyên trạng giống như trước đây.
Theo Sở VHTT