Huế luôn luôn mới
Mứt thanh trà – biến tấu cho ngày mưa xứ Huế
08:42 | 12/10/2016

Thanh trà xứ Huế từ lâu đã rất nổi tiếng và trở nên quen thuộc đối với tất cả mọi người, là một trong 5 đặc sản của tỉnh Thừa Thiên Huế xác lập kỷ lục châu Á, top 50 đặc sản trái cây nổi tiếng Việt Nam theo bộ tiêu chí công bố giá trị đặc sản Việt Nam (năm 2014).

Mứt thanh trà – biến tấu cho ngày mưa xứ Huế
Những món ngon được biến tấu từ Thanh trà Huế

Theo sử sách triều Nguyễn hơn 200 năm trước, trong nhiều của ngon vật lạ tiến vua, cùng với gạo de An Cựu, nhãn Kim Long, chè Tuần... còn có sự góp mặt của thanh trà của làng Nguyệt Biều (nay là phường Thủy Biều, Tp. Huế).

Thanh trà không chỉ ngon mà còn rất bổ dưỡng, bởi vậy toàn bộ quả thanh trà đều được người phụ nữ  xứ Huế vốn nổi tiếng đảm đang, khéo léo sử dụng, không bỏ bất cứ thứ gì với “thực đơn mười món”, “thực đơn 7 món” như gỏi thanh trà, rượu thanh trà, bánh canh thanh trà, đa nem thanh trà, chè thanh trà, súp thanh trà, gà hấp thanh trà... Món nào cũng rất kỳ công và đặc biệt.

Năm 2014, tại Ngày hội Thanh trà Thủy Biều, lần đầu tiên sản phẩm mứt thanh trà được giới thiệu gây sự chú ý của du khách thập phương. Nếu là một người khéo tay hay làm, bạn vẫn có thể làm được món ngon này ngay tại nhà.

Sau khi cắt thanh trà để ăn, phần vỏ ngoài cùng bạn rửa sạch, cắt khúc khoảng 1cm, thái thành từng sợi dài sao cho đẹp mắt. Không nên cắt mỏng quá, khi rim mứt thanh trà dễ bị cháy.

                      Thanh trà cắt khúc, rửa sạch với nước và vắt khô, để ráo

 

Trộn đều với đường theo tỉ lệ tùy ý

Trộn đều toàn bộ phần vỏ thanh trà đã cắt với đường theo tỉ lệ tùy ý, đợi khoảng 30 phút để đường ngấm vào trong thanh trà và rim trên ngọn lửa nhỏ, đảo đều đến khi phần đường sệt lại, ngả sang màu vàng cánh gián thì nhấc xuống. Tiếp tục đảo đều cho đến khi phần mứt khô se lại, thế là xong một mẻ mứt thanh trà "kiểu Huế".

                       Thành phẩm mứt thanh trà có màu vàng rộm rất bắt mắt

Cũng có nhiều người chế biến cầu kỳ hơn, có thể  bỏ tất cả phần vỏ đã cắt vào nồi, đổ ngập nước và bỏ thêm chút phèn chua để khử vị đắng của vỏ thanh trà rồi đun sôi trong thời gian khoảng 5-10 phút.

Sau khi nấu sôi, thanh trà được vớt ra, vắt nước để bớt vị hăng, nồng của vỏ rồi để ráo. Tiếp tục xả thêm khoảng 3-4 lượt nước nữa, vắt nước, để ráo.

Cho đường vào, trộn đều với phần thanh trà đã được sơ chế. Tùy theo sở thích của mỗi người mà cho đường ít hay nhiều, sau 30 phút có thể đem rim trên chảo.

Lửa rim mứt thì không được quá nóng, để liu riu và đảo đều để đường có thời gian ngấm vào thanh trà. Khi thấy phần đường bắt đầu sệt lại có thể nhắc xuống, tiếp tục đảo cho đến lúc thanh trà khô hẳn là hoàn tất.

Thành phẩm mứt thanh trà khi ăn vào, ban đầu có vị ngọt của đường nơi đầu lưỡi, khi nhai có hương nồng nhẹ dịu của thanh trà và khi nuốt vào đến cổ lại có vị thanh, rất đặc biệt. Mứt thanh trà không quá mềm, cũng không quá dẻo, nếu bỏ vào túi bóng có thể bảo quản được rất lâu. Những ngày mưa gió chuyển mùa của Huế, đem mứt thanh trà ra đãi bạn thật không còn gì ấm lòng hơn, lại an toàn và tốt cho sức khỏe.

Mứt thanh trà dùng để đãi khách những ngày mưa lạnh rất tuyệt vời (Ảnh: báo Thừa Thiên Huế Online)

Huế đang vào mùa thanh trà, sau khi ăn, nhiều người gom vỏ thanh trà còn tươi nguyên, thái mỏng và cất vào ngăn đông tủ lạnh, để đến những ngày cận Tết, trong tiết trời se lạnh, đem ra làm mứt, rồi ngồi quây quần bên bếp lửa đảo đảo, rim rim, chợt dậy lên mùi vị quê hương.


Theo Khám phá Huế

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng