Huế luôn luôn mới
Những bảo vật quốc gia độc bản ở Huế - BÀI 1: KIỆT TÁC NGHỆ THUẬT BẰNG ĐỒNG
09:36 | 25/10/2016

Qua 4 lần xét duyệt, hiện Huế có 8 cổ vật, nhóm cổ vật được công nhận là bảo vật quốc gia gồm: đại hồng chung chùa Thiên Mụ; bộ súng thần công; bộ cửu đỉnh; bộ sưu tập vạc bằng đồng, bệ thờ Vân Trạch Hòa, bia Khiêm Cung ký, ngai vua triều Nguyễn và áo tế giao.

Những bảo vật quốc gia độc bản ở Huế - BÀI 1: KIỆT TÁC NGHỆ THUẬT BẰNG ĐỒNG
Cận cảnh bảo vật quốc gia - đại hồng chung chùa Thiên Mụ.

Mỗi bảo vật quốc gia ở Huế là một tuyệt tác nghệ thuật mang nhiều giá trị văn hóa, lịch sử độc đáo, quý hiếm được kết tinh từ trí tuệ và bàn tay tài hoa, điêu luyện...

Tuyệt tác đại hồng chung

Nằm cách trung tâm thành phố Huế khoảng 3 km, Thiên Mụ tọa lạc trên một ngọn đồi bên dòng sông Hương thơ mộng. Nếu du khách từng đến ngôi chùa này, chắc chắn sẽ không bỏ qua việc tham quan, tìm hiểu về chuông chùa (đại hồng chung) đặt phía tay trái từ ngoài cổng vào. Chuông cao 2,50m, đường kính miệng 1,40m, nặng gần 2.000 kg; được công nhận là bảo vật quốc gia năm 2013. Chuông do chúa Nguyễn Phúc Chu cho đúc để cúng dường đức Phật.

Bà Nguyễn Thị Vân Anh- Giám đốc Bảo tàng cổ vật cung đình Huế cho rằng: “Đại hồng chung chùa Thiên Mụ là hiện vật gốc độc bản, có hình thức độc đáo và là tác phẩm mỹ thuật đặc sắc của ngành điêu khắc, đặc biệt có giá trị văn hóa-lịch sử gắn liền với một giai đoạn lịch sử và tư tưởng dưới thời các chúa Nguyễn. Các motif trang trí trên chuông thể hiện tính tổng hợp và dung hòa cả 3 luồng tư tưởng lớn của Á Đông là: Phật giáo, Khổng giáo và Lão giáo, thể hiện triết lý Việt - một triết lý bao dung, không phân biệt, không chấp ngã”. Theo nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Xuân Hoa (nguyên giám đốc Sở VH & DL TT-Huế), chuông Thiên Mụ rất độc đáo, có niên đại sớm ở Huế, cách trang trí rất đặc biệt. Chuông chùa này là nơi duy nhất của chùa Thiên Mụ được chúa Nguyễn Phúc Chu cho khắc bốn chữ “Thiên Mụ thiền tự”. Trên chuông có những bài kệ (kinh phật), có khắc bài minh của chúa Nguyễn Phúc Chu “chú nguyện mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an”. Trên chuông thể hiện giá trị trên cả bốn mặt: niên đại, kỹ thuật, thẩm mỹ, tư tưởng. Khi được hỏi vì sao nhắc đến chùa Thiên Mụ, dân gian vẫn lưu truyền câu thơ “Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Cương”, ông Hoa giải thích rằng: nguyên văn câu thơ là “Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Khương”. Nhưng khi đến Huế thì có sự biến tướng, khi vào Huế thì người đương thời thấy chùa Thiên Mụ đẹp nên đã đưa hai câu thơ trên để nói về ngôi cổ tự này. Trước chùa Thiên Mụ nhìn qua có đồi Long Thọ, ngọn đồi có tên là Long Thọ Cương, tức là tiếng gà từ bên đồi vọng lại”.

Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Văn Sính ở Phường Đúc (TP Huế)- hơn 50 năm gắn bó với nghề đúc đồng cho rằng, chuông chùa Thiên Mụ là một tác phẩm mỹ thuật đặc sắc của ngành điêu khắc, hội họa và kỹ nghệ đúc đồng thời chúa Nguyễn. Chuông được đúc bằng đồng và thiết nên tạo ra một âm  chuông sâu lắng, ảnh hưởng Thiền Phật giáo. Hoa văn được trang trí trên chuông là các cảnh vật rất hài hòa, khiêm tốn và chỉ cần nhìn vào thì người thợ đúc đồng lâu năm có thể biết được chuông được đúc tại miền nào. Cũng theo một số nghệ nhân đúc đồng ở Huế, thời điểm chúa Nguyễn Phúc Chu cho đúc chuông trong ngày rằm Phật Đản, đã có hàng trăm quan viên Phật tử đến quy y, thọ giới đã phát tâm thả vào chuông đồng sôi rất nhiều vật quý giá... bằng một niềm tin bất hoại. Chính vì vậy chiếc chuông đã mang trong mình cả những giá trị tâm linh và một hàm lượng hợp kim đặc biệt tạo nên âm thanh ngân nga siêu thoát.

Sức mạnh dân tộc qua súng thần công

Tại 2 cửa Thế Nhơn và Quảng Đức, đường vào kinh thành Huế là nơi trưng bày Bộ cửu vị thần công- nhóm bảo vật quốc gia để du khách có dịp chiêm ngưỡng. Bộ cửu vị thần công gồm 9 khẩu súng thần công. Nếu ở cửa Thế Nhơn có 4 khẩu được đặt tên theo 4 mùa: Xuân - Hạ - Thu–Đông thì tại cửa Quảng Đức gồm 5 khẩu, được đặt tên theo ngũ hành: Kim - Mộc - Thủy  - Hỏa - Thổ. Bà Huỳnh Thị Anh Vân- Giám đốc Bảo tàng cổ vật Huế cho biết, cửu vị thần công được đúc vào đầu triều Gia Long (1802 - 1820) bằng nguyên liệu tập trung từ các khí mảnh bằng đồng của triều Tây Sơn, được triều Nguyễn xem như một chiến lợi phẩm của triều đại mình. Cả 9 khẩu đều đúc tại Huế. Mỗi khẩu dài 5,10m, nặng hơn 17.000 cân được đặt trên một giá súng và giá súng đều được chạm trổ cực kỳ công phu, tinh xảo.

Súng thần công tại cửa Quảng Đức, tượng trưng cho uy quyền và sức mạnh của vương triều Nguyễn.

Cũng theo bà Vân, vào năm 1816, vua Gia Long sắc phong cho cả 9 khẩu đại bác này danh hiệu: “Thần Oai Vô địch Thượng tướng quân”. Danh hiệu này và nội dung bài sắc phong đều được khắc trên cả 9 khẩu cửu vị thần công là tên gọi chung 9 khẩu đại pháo được đúc dưới triều đại vua Gia Long, từ năm 1803 đến năm 1804. Tên của mỗi khẩu thần công được khắc ở đuôi súng. Ngoài ra, trên phần đai cuối thân mỗi khẩu súng còn có khắc tước hiệu của từng khẩu súng. Giữa thân của mỗi khẩu thần công có khắc một bài minh bằng chữ Hán theo lối triện, gồm 79 chữ, nội dung bài minh này hoàn toàn giống nhau, chỉ khác nhau ở các chữ đánh số thứ tự mỗi khẩu thần công. Gần quai của mỗi khẩu súng đều có khắc tên những người trong Hội đồng đốc công được giao trách nhiệm đúc thần công. Ngoài ra ở phần trục quay bên phải của súng (theo hướng của người bắn) đều có bảng tròn nhỏ bằng đồng khắc ghi cách sử dụng thuốc súng và đạn. Các khẩu súng đều có cùng hình dáng và kiểu thức trang trí. Miệng súng hơi loe, thân thuôn dài, phình dần về phía đuôi. Giữa thân súng có hai quai đúc nổi, cách điệu hình đầu thú. Trên thân súng có 6 gờ nổi, trong đó có 2 gờ ở 2 đầu quai được đúc rộng bản như 2 vòng đai bao quanh thân súng. Hai bên mỗi đường gờ đều trang trí các dải hoa văn dây lá được chạm nổi với những đường nét mềm mại, sinh động và rất tinh xảo.

Được biết, dưới thời Nguyễn, những khẩu thần công này chưa bao giờ dùng trong chiến tranh mà được nhân cách hóa thành các vị tướng thần, tượng trưng cho uy quyền và sức mạnh của vương triều. Hàng năm, triều đình thường tiến hành các cuộc lễ cúng cho “thần súng” và nghiêm cấm thường dân không được vào nơi đặt súng để tỏ sự tôn nghiêm. Nghệ nhân đúc đồng Nguyễn Văn Đệ khẳng định: Xét về mặt kỹ thuật chế tác, đây là bộ 9 khẩu thần công đồ sộ nhất và đẹp nhất dưới thời Nguyễn, một tuyệt tác của nghệ thuật đúc súng, nghệ thuật trang trí, chạm khắc trên đồng. Mặc dù không phải là những vũ khí thực dụng trong quân sự, nhưng các khẩu thần công này vẫn luôn được coi trọng bởi yếu tố tinh thần. Cửu vị thần công thời Nguyễn là những hiện vật gốc độc bản, có hình thức độc đáo và đặc biệt có giá trị văn hóa-lịch sử gắn liền với giai đoạn đầu mới lập nên triều Nguyễn.


Theo  CADN Online

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng