UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa tổ chức lễ đón bằng công nhận nghề Dệt Dèng là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại Trung tâm sinh hoạt văn hóa cộng đồng các dân tộc huyện A Lưới.
Dệt Dèng là nghề truyền thống có từ lâu đời của người dân tộc Tà Ôi, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế. Những tấm Dèng là lễ vật, trang phục không thể thiếu trong sinh hoạt cộng đồng hoặc các lễ hội quan trọng của đồng bào vùng cao A Lưới. Mỗi sản phẩm Dệt Dèng có giá trị về nhiều mặt, vừa là vật dụng, bảo đảm nhu cầu sinh hoạt vừa là tác phẩm nghệ thuật, thể hiện nét đặc trưng độc đáo trong kho tàng văn hóa tộc người Tà Ôi.
Mặc dù đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm của lịch sử nhưng nghề Dệt Dèng vẫn được người Tà Ôi bảo tồn và phát huy giá trị; thể hiện sức sống mãnh liệt nền văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Thừa Thiên Huế; là sự kết tinh của tinh thần lao động, sáng tạo bền bỉ của cộng đồng; là sản phẩm có giá trị về nhiều mặt trong đời sống vật chất và tinh thần, đồng thời là những tác phẩm nghệ thuật, chứa đựng nhiều tinh hoa, thể hiện nét đặc trưng độc đáo trong kho tàng văn hóa người Tà Ôi nói riêng và đồng bào dân tộc thiểu số nói chung. Với những giá trị độc đáo đó, nghề dệt Dèng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Tại lễ đón nhận, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã trao Giấy chứng nhận cho các tổ chức, cá nhân đã có thành tích trong công tác bảo tồn và xây dựng hồ sơ Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nghề dệt zèng. Bên cạnh đó, huyện A Lưới đã tổ chức nhiều hoạt động như trình diễn kỹ thuật dệt zèng, trình diễn thời trang zèng và tổ chức cho bà con cán bộ công chức, viên chức trên địa bàn tham gia để hiểu hơn nữa giá trị về mặt văn hóa của zèng.
Chủ tịch UBND huyện A Lưới Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: “Hiện nghề dệt zèng ở A Lưới được công nhận Bằng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia sẽ tạo thêm nhiều việc làm cho người dân lúc nhàn rỗi; đồng thời có thể khai thác làm sản phẩm du lịch đặc trưng thông qua các tour, tuyến du lịch nghiên cứu, tìm hiểu văn hóa, lịch sử làng nghề... góp phần giảm nghèo cho đồng bào dân tộc ở A Lưới”.
PV