Huế luôn luôn mới
Dâng hương - tưởng niệm cụ chủ nhiệm kiêm chủ bút Phạm Quỳnh nhân kỷ niệm 100 năm Tạp chí Nam Phong.
10:28 | 01/07/2017

Sáng ngày 1/7,  Hội đồng họ PhạmThừa Thiên Huế đã tổ chức lễ dâng hương - tưởng niệm cụ chủ nhiệm kiêm chủ bút Phạm Quỳnh nhân  kỷ niệm 100 năm  Tạp chí Nam Phong. 

Dâng hương - tưởng niệm cụ chủ nhiệm kiêm chủ bút Phạm Quỳnh nhân kỷ niệm 100 năm  Tạp chí Nam Phong.

Tại buổi lễ, ông Phạm Hữu Thanh Tùng, Chủ tịch Hội đồng họ Phạm Thừa Thiên Huế đã khái quát lại quá trình hoạt động, những đóng góp, cống hiến của cụ Phạm Quỳnh đối với sự phát triển của văn hóa Việt Nam.

Ông Phạm Hữu Thanh Tùng, Chủ tịch Hội đồng họ Phạm Thừa Thiên Huế khái quát lại quá trình hoạt động của cụ Phạm Quỳnh 

Nhà văn hóa Phạm Quỳnh sinh ngày 17 tháng 12 năm 1892.  Cụ Phạm là dịch giả, nhà báo, nhà văn, nhà giáo dục, nhà nghiên cứu văn hóa, nhà hoạt động xã hội, nhà chính trị. Thời trai trẻ cụ đã làm việc tại trường Viễn Đông bác cổ. Từ năm 1913, cụ đã có nhiều bài báo gây sự chú ý trên tờ Đông Dương tạp chí. Năm 1917, lúc mới 25 tuổi, cụ đã làm chủ nhiệm kiêm chủ bút Nam Phong tạp chí. Cụ Phạm Quỳnh mất ngày mồng 6 tháng 9 năm 1945, và nằm lại ở vùng gò đồi Hiền Sĩ, thuộc huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Sau mười năm “cát bụi chân ai”, như là một sự ngẫu nhiên của định mệnh, cụ được cải táng về chùa Vạn Phước, ngày trước là ấp Bình An, thuộc Phủ Dương Xuân.

Cụ Phạm là người tiên phong trong quảng bá Quốc ngữ, dùng chữ Việt thay chữ Hán và chữ Pháp. Cụ để lại câu nói nổi tiếng: Truyện Kiều còn tiếng ta còn; Tiếng ta còn nước ta còn.

                        Tượng cụ Thượng Chi Phạm Quỳnh

Là một Nho sĩ Bắc Hà, quê ở Hải Dương, sinh trưởng ở Hà Nội nhưng cụ Phạm rất nặng lòng với Huế. Lần đầu tiên đến Huế, cụ đã xem Huế là quốc hồn của Việt Nam.

Đầu thế kỷ XX, ở Việt Nam có nhiều tổ chức và cá nhân truyền bá chữ Quốc ngữ. Kênh quan trọng để phổ biến và hoàn thiện chữ Quốc ngữ chính là thông tin đại chúng và văn học. Thời kỳ này, báo chí Quốc ngữ phát triển rất nhanh, nhưng vai trò truyền bá, phổ biến và hoàn thiện chữ quốc ngữ của báo chí thực sự nở rộ khi Đông Dương Tạp chí và Nam Phong tạp chí ra đời. Hai tờ tạp chí này có cách viết, cách sử dụng từ ngữ, sử dụng câu chuẩn hơn, góp phần không nhỏ vào quá trình hoàn thiện và phổ biến chữ Quốc ngữ.

Tờ Nam Phong tạp chí kế tiếp sự nghiệp truyền bá Quốc ngữ nhưng phát triển mạnh mẽ hơn Đông Dương tạp chí. Các cây bút chủ lực của Nam Phong tiếp tục nghiên cứu, biên soạn từ điển, dịch nhiều tác phẩm nước ngoài ra chữ Quốc ngữ, mạnh dạn đề nghị việc sử dụng chữ Quốc ngữ trong văn bản hành chính, đưa chữ Quốc ngữ vào giảng dạy trong trường học.
Nam Phong tạp chí còn có công lớn trong việc xây dựng và hệ thống hóa, chuẩn hóa kho từ vựng, bổ sung các thuật ngữ khoa học, kỹ thuật hiện đại.

 
 

Nam phong tạp chí đăng tải nhiều nội dung bàn về các vấn đề liên quan đến chữ Quốc ngữ, tiêu biểu như: “ Công văn phải dung bằng chữ Quốc ngữ”, “ Quốc ngữ cổ”, “ Khảo về chữ Quốc ngữ”, “ Quốc ngữ quốc văn”, “ Phan Châu Trinh đối với chữ Quốc ngữ”, “ Sự tiến hóa của tiếng An Nam”, “ Tiếng An Nam có cần phải thống nhất không”, “ Văn Quốc ngữ”, “ Văn chương Quốc ngữ”, “ Bảo tồn quốc ngữ”….

Cuộc đời của Cụ Phạm gắn liền với Tạp chí Nam Phong. Sự nghiệp văn hóa lẫn chính trị của Cụ được thực hiện thông qua tờ tạp chí này với sự tham gia của các đông nghiệp cùng chí hướng trên suốt một chặng đường dài.

Giáo sư Dương Quảng Hàm viết: “ Cả cái văn nghiệp của ông Phạm Quỳnh đều xuất hiện trên Tạp chí Nam Phong, tạp chí ấy trong một thời ký đã thành được một cơ quan chung cho các học giả cùng theo đuổi một chủ đích với ông.... Ông Quỳnh có công dịch thuật các học thuyết tư tưởng của Thái Tây và luyện cho tiếng Nam có thể diễn đạt được các ý tưởng mới…Đối với nên văn hóa cũ của nước ta, ông Quỳnh thường nghiên cứu đến chế độ, văn chương của tiền nhân…Văn ông Quỳnh có tính cách trang nghiêm của một học giả”.

Phương Anh

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng