Huế luôn luôn mới
Tưởng niệm – Tri ân các liệt sĩ, nhà thơ Ngô Kha và Trần Quang Long
16:42 | 24/07/2017

Chiều ngày 24/7, Liên hiệp các Hội VHNT Thừa Thiên huế vừa tổ chức Buổi tưởng niệm – Tri ân các liệt sĩ, nhà thơ Ngô Kha và Trần Quang Long nhân kỷ niệm ngày Thương Binh liệt sĩ 27/7. 

Tưởng niệm – Tri ân các liệt sĩ, nhà thơ Ngô Kha và Trần Quang Long
Nhạc sĩ Lê Phùng - Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT phát biểu tại buổi tưởng niệm

Trong phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên, trí thức ở Huế và các đô thị miền Nam, trong các thập niên 60, 70 của thế kỷ trước; thầy giáo, nhà thơ Ngô Kha đã xuất hiện như một vì sao nổi bật nhất, là ngọn cờ đầu trong phong trào bãi khóa, người khởi thảo các bản tuyên ngôn, tuyên chiến với chế độ Sài Gòn cũ. Đó là một con người hành động mãnh liệt sau bao tháng ngày bị ám ảnh về lẽ sống, về vận mệnh đất nước. Kẻ thù sau đó đã bắt và thủ tiêu ông vào đầu năm 1973, thân xác ông giờ hòa tan giữa cánh đồng An Cựu.

Nhà thơ Trần Quang Long nổi tiếng với bài thơ “Thưa mẹ trái tim” (1966), và tập thơ “Tiếng hát những người đi tới” (1967). Thơ của ông đã thúc giục sinh viên - học sinh vùng lên đấu tranh khắp các đường phố, giảng đường, và những đêm không ngủ. Tài năng đang độ sung mãn thì ông hy sinh tại rừng Tây Ninh năm 1968, sau một trận bom rơi trúng miệng hầm. Di sản ông để lại là tập bản thơ còn thấm máu của chính ông…

 

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dung chuyển giao Bằng Giải thưởng cống hiến của Hội nhà văn Việt Nam cho đại diện gia đình Liệt sĩ- Nhà thơ Ngô Kha và Trần Quang Long 


Tại buổi lễ, Liên hiệp các Hội VHNT Thừa Thiên Huế đã trao quyết định của BCH Hội Nhà văn Việt Nam về việc truy tặng Giải cống hiến (đợt 1) cho các tác phẩm của 5 nhà thơ, nhà văn tại Thừa Thiên Huế gồm: Liệt sĩ, nhà thơ Ngô Kha với 2 tập thơ: Hoa cô độc, Ngụ ngôn của Người Đãng Trí; Liệt sĩ, nhà thơ Trần Quang Long với 2 tập thơ: Thưa mẹ trái tim, Vực thẳm và hy vọng; Nhà thơ Lê Văn Ngăn với 2 tập thơ: Vào một thời im bong, Viết dưới bóng quê nhà; Nhà lý luận phê bình văn học Trần Thanh Mại với các tác phẩm: Trong dòng sông vị, Hàn Mặc Tử, Tú Xương- con Người và thơ; Nhà lý luận phê bình Trần Thanh Đạm với các tác phẩm: Vấn đề giảng dạy theo thể lọaị, Tục ngữ và nguồn gốc văn chương.

Tại buổi lễ, đại diện gia đình Liệt sĩ- Nhà thơ Ngô Kha và Trần Quang Long đã đến dự và nhận Bằng Giải thưởng cống hiến của Hội nhà văn Việt Nam do Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dung đã trực tiếp chuyển giao để gia đình hương khói, phụng thờ.

 

Phương Anh

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng